Home > Khai Thị Niệm Phật
Tiền Thân Của Cực Lạc Giáo Chủ A Di Đà Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã là một đấng lịch sử trong cõi Ta Bà, ngoài mấy nghìn năm, hình ảnh Ngài vẫn in sâu nơi ký ức của nhơn loại, do truyện ký cùng di tích, nhứt là nét vàng rực rỡ trong Tam tạng. Đức Từ Phụ A Di Đà Phật cũng là một đấng hoàn toàn lịch sử ở thế giới Cực Lạc, trên vài mươi thế kỷ, hồng danh mãi vang lên nơi miệng, nơi tâm của tất cả, y cứ nơi kim ngôn của Đức Bổn Sư, đấng chơn thật ngữ.

Đức Bổn Sư trước khi hiện thân thành đạo Vô thượng ở cội Bồ đề, để rồi trở nên vị Giáo chủ cao cả của cõi Ta Bà, Ngài là Thiện Huệ Bồ Tát dâng hoa trải tóc cúng dường Phật Nhiên Đăng và là Hộ Minh Bồ Tát ngự ở cung trời Đâu Suất, v.v...

Đức Từ Phụ cũng thế, trước khi viên thành quả Chánh giác giữ ngôi Pháp Vương ở Cực Lạc thế giới, Ngài cũng có nhơn địa của Ngài: Vua Vô Tránh Niệm thời kỳ Phật Bảo Tạng, Vương tử Thắng Công Đức trong pháp hội của Phật Bảo Công Đức, Bồ Tát Sa Di con trai của Đức Đại Thông Trí Thắng Phật v.v...

Trước khi nói đến thân và cõi hiện tại của Đức Từ Phụ, ta cần nên rõ nhơn địa của Ngài, để biết rằng kết quả Vô thượng đây, tất do nơi nhơn thù thắng thuở trước vậy.

I. BỒ TÁT SA DI

Trích thuật theo Kinh Pháp Hoa phẩm Hóa Thành Dụ thứ 7

Đức Đại Thông Trí Thắng Phật khi còn ở ngôi Quốc vương, có 16 người con trai. Lúc Quốc vương bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, thời 16 vị Vương tử đồng vào pháp hội xin xuất gia làm Sa di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa di chứng ngộ diệu lý, đều đặng thần thông trí huệ.

Sau khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đại chúng trong pháp hội, Đức Đại Thông Trí Thắng Phật liền nhập tịnh thất trụ trong đại định.

Thời gian Đức Phật ngồi yên lặng nơi tịnh thất, 16 vị Bồ Tát Sa di đều thăng pháp tòa giảng rộng nghĩa lý Kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Mỗi vị Bồ Tát Sa di độ được sáu trăm tám mươi muôn ức na do tha hằng hà sa người.

Mười sáu vị Sa di đó hiện nay đều đã thành Phật cả, đang ngự trong đạo tràng ở mười phương thế giới. Vị Sa di thứ 16 thành Phật ở cõi Ta Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và vị thứ 9 hiện tại thành Phật ở Cực Lạc thế giới, tức là Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.

II. THÁI TỬ THẮNG CÔNG ĐỨC

Trích thuật theo Kinh “Nhứt Hướng Xuất Sanh Bồ Tát”

Về thuở quá khứ có ông Thái tử tên là Bất Tư Nghị Thắng Công Đức. Năm 16 tuổi, Thái tử được nghe Kinh “Pháp Bổn Đà la ni” nơi Đức Phật Bảo Công Đức Tinh Tú Kiếp Vương Như Lai.

Nghe Kinh xong, Thái tử tinh tấn tu tập trong bảy muôn năm, không ngủ nghỉ, mà cũng không nằm không dựa. Nhờ sức dũng mãnh ấy, nên lần lần Thái tử được gặp chín mươi ức trăm nghìn Đức Phật. Bao nhiêu Kinh pháp của chư Phật dạy truyền, Thái tử đều có thể thọ trì tu tập cả. Về sau Thái tử xuất gia làm Sa môn, lại tu tập “Pháp Bổn Đà la ni” chín muôn năm và giảng truyền Chánh pháp cho mọi người.

Tinh tấn tu hành và cần mẫn giáo hóa, trong một đời hoằng pháp Thái tử độ được tám mươi ức na do tha người phát Bồ đề tâm, trụ bậc bất thoái chuyển.

Thái tử Thắng Công Đức là tiền thân của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật.

III. VUA VÔ TRÁNH NIỆM VÀ HAI VƯƠNG TỬ

Trích thuật theo Kinh Bi Hoa

Vô lượng hằng hà sa kiếp về trước, ở thế giới San Đề Lam, con trai của Phụ tướng Bảo Hải xuất gia thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai.

Bấy giờ, Quốc vương Vô Tránh Niệm cùng đi với Phụ tướng Bảo Hải, các vị Vương tử và thần dân, đến đạo tràng cúng dường Đức Phật Bảo Tạng.

Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, Vua cùng Phụ tướng đồng phát Bồ đề tâm. Đức vua thời nguyện trang nghiêm Tịnh độ để nhiếp thọ chúng sanh. Quan Phụ tướng thời nguyện thành Phật ở uế độ hầu ngự phục mọi loài.(A)

Đức Phật Bảo Tạng phán rằng: “Quá trăm nghìn muôn ức Phật độ về phương Tây có thế giới của Tôn Âm Vương Như Lai, một hằng hà sa a tăng kỳ kiếp sau, thế giới đó sẽ đổi tên là Cực Lạc; bấy giờ vua sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Vô Lượng Thọ Như Lai. Và quan Phụ tướng Bảo Hải sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở Ta Bà thế giới”.

Quan Phụ tướng là tiền thân của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức vua Vô Tránh Niệm là tiền thân của Từ Phụ A Di Đà Phật.

Lúc vua Vô Tránh Niệm phát nguyện và được thọ ký xong, Thái tử Bất Huyền, trưởng tử của vua, phát nguyện rằng: “Sau này, thời gian tôi tu Bồ Tát hạnh, có chúng sanh nào gặp phải các sự khổ não khủng bố v.v... sầu lo cô cùng không ai cứu hộ, không chỗ cậy nương, kẻ ấy nhớ đến tôi, xưng danh hiệu của tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi thấy đến, nếu những chúng sanh đó chẳng được thoát khỏi các sự khổ não khủng bố, thời tôi thề trọn không thành bậc Chánh giác. Và khi vua cha thành Phật ở Cực Lạc thế giới, thời tôi thường ở Cực Lạc thực hành Bồ Tát đạo và hộ trì Chánh pháp”.

Đức Bảo Tạng Như Lai phán với Thái tử: “Ông quan sát tất cả chúng sanh mà sanh lòng đại bi, muốn dứt tất cả sự khổ não của chúng sanh, và muốn làm cho chúng sanh đều được an lạc, nay nên đặt hiệu cho ông là Quan Thế Âm. Về sau lúc Đức Vô Lượng Thọ Phật nhập Niết bàn, cõi Cực Lạc đổi tên là Nhứt Thiết Trân Bửu Thành Tựu thế giới, ông sẽ thành Phật nơi ấy hiệu là Biến Xuất Nhứt Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”.

Bấy giờ Vương tử Ni Ma, con thứ của vua, phát nguyện đem tất cả công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, và lúc Thái tử Bất Huyền thành Phật, người sẽ là vị Bồ Tát thỉnh chuyển pháp luân trước nhứt, cũng thường ở luôn một bên Sơn Vương Như Lai giúp Phật hoằng hóa.

Đức Bảo Tạng Như Lai liền thọ ký cho Vương tử Ni Ma sẽ được toại nguyện, lúc Sơn Vương Như Lai nhập Niết bàn, người sẽ hộ trì Chánh pháp và sau cùng sẽ thành Phật nơi thế giới ấy, hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bửu Vương Như Lai. Quang minh, thọ mạng, quốc độ, cùng tất cả Phật sự đều đồng như đức Sơn Vương Như Lai.

Thái tử Bất Huyền là tiền thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và Vương tử Ni Ma là tiền thân của Đại Thế Chí Bồ Tát.


LỜI PHỤ

– Liên Trì Đại sư từng cho rằng giáo pháp của Đức Phật có hai môn: 1.- Chiết phục. 2.- Nhiếp thọ.

Phật dạy: Đây là tam đồ lục đạo, tam giới như: nhà lửa, sanh già bệnh chết vô lượng sự khổ, vô thường sanh diệt rình rập hại người, dục vọng phiền não trùm phủ tâm người, cùng những phương pháp diệt khổ, để mọi người sanh lòng nhàm lìa thân cảnh ô trược khốn khổ này, mà cầu mong được thoát khỏi v.v... Đây là môn “Chiết phục”.

Đức Phật chỉ cõi Tịnh độ hoàn toàn an vui cứu cánh thanh tịnh giải thoát, cùng những pháp môn Tịnh độ, để người ham mộ nguyện về; đây là môn “Nhiếp thọ”.

Lời phê phán của Đại sư rất hiệp với bổn nguyện của hai Đức Phật: “Thích Ca Mâu Ni Phật nguyện ở uế độ để ngự phục chúng sanh cang cường. A Di Đà Phật nguyện trang nghiêm tịnh độ để nhiếp thọ chúng sanh thanh tịnh”.

* Và dưới đây là truyện tích của một nhà sư tu Tịnh độ được thân nghe những lời trên của Đức Từ Phụ.

SƯ HUỆ CẢNH

Trích ở bộ: “Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược”

Sư Huệ Cảnh người Lưu Châu, ở chùa Ngộ Chơn. Sư ưa khổ hạnh, thích Tịnh độ, tự tạo hai tượng Thích Ca và Di Đà để hằng ngày cúng dường lễ bái.

Năm Sư 67 tuổi, đêm Rằm tháng Giêng, thoạt thấy một thầy Sa môn thân ánh màu huỳnh kim hiện đến bảo rằng: “Ông muốn thấy Tịnh Độ không?”. Sư đáp: “Tôi muốn thấy lắm”. Sa môn thân vàng lại hỏi: “Ông muốn thấy Phật không?”. Sư đáp: “Tôi mong được thấy”. Sa môn liền đưa bát ra bảo nhìn. Sư vừa nhìn vào lòng bát, bỗng thấy hiện ra cảnh giới cực kỳ trang nghiêm rộng lớn: đất toàn vàng ròng, dây vàng giăng phân đường sá, lưới báu phủ cây vàng, cung điện đền đài trùng trùng điệp điệp đều bằng thất bảo sáng chói rực rỡ, Đức Phật đang thuyết pháp cho vô số Bồ Tát Thánh chúng.

Bấy giờ, Sa môn thân vàng đi trước, Sư theo sau, bước lần đến trước Phật. Sa môn bỗng biến mất, Sư chắp tay đứng trước Phật. Đức Phật bảo rằng: “Ông biết vị Sa môn dắt ông đến đây đó là ai không? Chính là Thích Ca Mâu Ni Phật đấy! Còn ta đây là A Di Đà Phật. Thích Ca như ông cha, ta đây như bà mẹ, chúng sanh ở Ta Bà như con thơ. Ví như con thơ lọt xuống hố bùn lầy, cha lội xuống lầy đem con lên bờ, mẹ đón bồng lấy con đem về nuôi nấng dạy dỗ, làm cho con thơ vĩnh viễn không còn lạc lầm sa xuống hố nữa. Phật Thích Ca đem pháp môn Tịnh độ truyền dạy cho chúng sanh nơi cõi trược, còn ta thời tiếp dẫn chúng sanh về Tịnh Độ trụ bậc bất thoái chuyển”.

Sư nghe Đức Phật phán xong, lòng vui hớn hở, liền rập đầu lễ Phật, bỗng không còn thấy nữa, như người nằm mộng tỉnh giấc. Từ đó Sư càng tin hướng Tịnh độ hơn.

Ít lúc sau, Sư lại thấy vị Sa môn thân vàng khi trước hiện đến bảo rằng: “12 năm sau ông sẽ được sanh về Cực Lạc”.

Quả thiệt đúng 12 năm sau, Sư Huệ Cảnh viên tịch. Thọ 79 tuổi. Giờ Sư tịch, ông Tăng ở gần thấy vô số Thánh chúng từ phương Tây bay đến rước Sư, và mọi người đồng nghe tiếng nhạc réo rắt trên hư không.

PHÁP TẠNG BỒ TÁT

Trích thuật theo Kinh “Phật Thuyết Vô Lượng Thọ”, cũng gọi là “Đại Bổn A Di Đà Kinh”

Một hôm, nhơn thấy dung nhan của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tươi tắn sáng rỡ khác hẳn ngày thường, Tôn giả A Nan bèn ra lễ Phật rồi bạch hỏi duyên cớ.

Đức Bổn Sư tán thán lời bạch hỏi đây, công đức lớn hơn công đức cúng dường vô lượng vị Thanh Văn cùng Duyên Giác, mà cũng lớn hơn công đức bố thí cho vô lượng hàng chư Thiên, nhân dân cầm súc trong nhiều kiếp. Vì chư Thiên, nhân dân nhẫn đến các loài cầm súc đều nhờ lời bạch hỏi này mà được đạo pháp giải thoát.

Rồi Đức Bổn Sư cho biết rằng, hôm nay Ngài đang nghĩ đến bổn sự, bổn nguyện và bổn hạnh của Đấng giáo chủ Cực Lạc thế giới, Đức Phật A Di Đà.

Đức Bổn Sư phán tiếp:

Vô lượng vô số kiếp về trước, nhằm lúc Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai xuất thế giáo hóa chúng sanh, có một Quốc vương nghe Đức Phật thuyết pháp lòng rất vui thích, liền phát Bồ đề tâm, từ bỏ ngai vàng xuất gia làm Sa môn hiệu là Pháp Tạng.

Sa môn Pháp Tạng đến đảnh lễ Phật Thế Tự Tại Vương, và sau khi thuyết tụng ca ngợi Đức Phật, người cần cầu Đức Phật truyền dạy công hạnh trang nghiêm Tịnh độ nhiếp thủ chúng sanh, để người y theo tu hành.

Rõ biết Sa môn là bậc cao minh, chí nguyện sâu rộng, Đức Phật Thế Tự Tại Vương vì Sa môn Pháp Tạng mà giảng nói y báo và chánh báo của hai trăm mười ức thế giới, đồng thời lại hiện tất cả ra cho thấy.

Khi nghe và được thấy y báo chánh báo trang nghiêm của các quốc độ xong, Sa môn Pháp Tạng phát khởi tâm nguyện thù thắng vô thượng. Rồi trong thời gian năm kiếp, người suy gẫm chọn lấy công hạnh trang nghiêm thanh tịnh Phật độ. (Bổn Sư nói với A Nan: Thời kỳ ấy, Đức Phật thọ mười kiếp).

Khi tu tập xong, Sa môn Pháp Tạng đến đảnh lễ Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai và cầu Đức Phật chứng giám cho người thuật 48 điều đại nguyện mà người đã lập thệ quyết thực hiện để tiếp độ tất cả chúng sanh([1]).

Lúc Pháp Tạng Bồ Tát đối trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương thuật 48 điều đại nguyện xong, thời khắp cõi đất đều rung động, hoa báu mưa xuống trên mình người, và giữa hư không tự nhiên tiếng nhạc vang lừng: “Quyết chắc sẽ thành Phật”.

Sau đó trải qua vô lượng vô số kiếp, Pháp Tạng Bồ Tát tu hành và thực hiện hoàn toàn các điều nguyện trên, và người đã thành Phật đến nay được mười kiếp hiệu là A Di Đà, hiện đang ngự thuyết pháp tại Cực Lạc thế giới, cách đây mười muôn ức cõi về hướng Tây.

[1] Xem 48 điều nguyện ở chương “Hoằng nguyện” thứ ba



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tiền Thân Của Cực Lạc Giáo Chủ A Di Đà Phật