Hoàng Phủ Sĩ Phương, tự Tử Nghi, người ở Tiền Đường, gia thế chuyên nghề y sĩ. Lúc trẻ tuổi Sĩ Phương đọc quyển Long Thơ Tịnh Độ Văn, giật mình tỉnh ngộ, quy hướng về Phật pháp. Từ đó ông cùng Tư Tề đại sư làm bạn phương ngoại, đồng tu tịnh nghiệp. Bình thời cư sĩ viết về Tịnh Độ rất nhiều, nay xin lược trích vài đoạn thiết yếu như sau:

"... Môn Tịnh Độ rất cao siêu mầu nhiệm, cũng rất giản dị dễ thật hành. Nếu kẻ nào phát tâm trì danh, cầu sanh về Cực Lạc, thì không luận sang hèn, trí ngu, nam nữ, trẻ già, đều được toại nguyện. Nhưng tiếc vì hàng phàm phu phần đông mê tối, căn trí thấp kém, nên sanh nhiều niệm do dự nghi nan. Đại khái như nghi: mình từ kiếp trước đến đời này, tạo nhiều nghiệp bất thiện, công phu niệm Phật chẳng bao nhiêu, mà cảnh Tịnh Độ lại quá mầu đẹp, e không đủ phước để vãng sanh. Họ không biết tánh của tội chướng từ vô thỉ kiếp đến nay vốn hư giả. Nếu chuyên trì danh hiệu Phật, tất sẽ mau tiêu trừ những tội nặng trong nhiều kiếp sống chết. Ví như mây đen dù dầy đặc, song gió lớn thổi liền tan. Và như gian nhà tuy tối, nhưng đèn đốt lên liền sáng. Mây đen với cảnh tối tăm vốn hư giả, nếu biết dùng gió mát và ánh sáng của tâm thanh tịnh mà niệm Phật, tất cảnh mây đen cùng tối tăm ấy sẽ tiêu trừ. Lại ví như tảng đá dù to, được thuyền chở có thể sang đến bờ bên kia. Và tội lỗi dù nặng, quyền lực của hoàng ân có thể tha bổng. Sức tu hành của mình và sức nguyện của Phật đều rộng lớn, khó nghĩ bàn, đại để cũng như thế.

... Kẻ học Phật nông cạn, thường đọa lạc vào cái "không" thiên lệch, chấp theo lý mà bỏ sự. Họ cho rằng cõi Tịnh Độ là quyền thuyết, tâm thanh tịnh tức là Tịnh Độ. Họ chưa hiểu các kinh Đại Thừa đều nói ở mười phương có hằng sa vô biên cõi Phật. Tâm cùng các cõi chẳng phải một, chẳng phải khác, các cõi do tâm sanh, một tâm đủ các cõi. Cảnh diệu hữu mười phương tức là chân không, chân không là diệu hữu. Cõi Cực Lạc do công đức của tịnh tâm tạo thành, cõi Ta Bà do nghiệp trược ác của uế tâm hiển lộ. Cảnh Cực Lạc phương Tây cũng hiện hữu như cảnh Ta Bà phương Đông, đều ở trong thể rộng lớn của chân tâm, và cũng đều là hư danh, giả huyễn. Nghiệp ái luyến nặng thì đọa ở Ta Bà, tâm niệm Phật chuyên tất sanh về Cực Lạc. Tâm có nhơ sạch, thì tùy theo chỗ ứng hợp của nó mà sanh về. Như vầng trăng soi khắp các dòng nước, nước trong thì trăng tỏ, nước đục tất trăng mờ. Trăng ví như tâm bản lai, nước ví như các thế giới. Một tâm bao hàm muôn cõi, đừng nghĩ là có hay không, hư hoặc thật, bởi vì sự cùng lý xưa nay vốn viên dung không ngại...”

Cư sĩ có làm 12 bài theo điệu khúc để khuyến tấn người niệm Phật, gọi là Thập nhị thời tụng. Các bài ấy như sau:

Sáng sớm giờ Dần

Thường thời khóa tụng phải chuyên cần

Một khắc công phu môn Thập niệm

Hay siêu sanh tử thoát trầm luân.

Pháp ít có

Diệu khôn phân!

Vãng sanh toàn bởi tín làm nhân

Nếu như tin nhận không nghi hoặc

Là kẻ duyên sen đã có phần!

*

Nhựt hiện giờ Mão,

Sương sớm dễ tan, người dễ lão

Thử đem tính lại bạn quen thân

Mồ xanh nhiều kẻ chôn phương thảo

Sớm tu hành,

Mong đảm bảo!

Tấc bóng trân châu giờ quý báu!

Khi nhàn chẳng chịu niệm Di Đà

Sao khỏi lâm chung nhiều áo não!

*

Nhựt lên giờ Thìn

Ở đời lựa xóm tựa người lành

Chớ hướng Trời, Người cầu phước báo

Phước tan sáu nẻo lạc loài thân!

Sanh Đao Lợi

Làm Chuyển Luân

Tạm thời khoái lạc phải đâu chân?

Khắp khuyên niệm Phật về Tây cảnh

Vĩnh viễn tiêu dao thoát tục trần!

*

Bóng cao giờ Tỵ

Nấu cơm khói khắp nhà hèn quý

Mình ăn khỏi đói chính mình no

Mình tự tu trì khỏi sanh tử

Đạo cảm thông

Mầu vô tỷ!

Con mẹ nhớ nhau rồi toại chí

Đem hết thân tâm thấy Nguyện Vương

Mười vạn tấc gang trong ý nghĩ.

*

Đứng bóng giờ Ngọ

Phật nhựt khắp nơi đều sáng tỏ.

Đường ngay bằng thẳng ít người đi

Cứ lối quanh co tìm chịu khổ!

Không nói Thiền

Chẳng sánh Tổ

Niệm Phật mỗi câu hằng tự chủ

Thân hình tuy chửa thoát Ta Bà

Thức thần đã ở Liên Hoa độ.

*

Chênh bóng giờ Mùi

Thân nhơ, cảnh ác có chi vui?

Nổi chìm lên xuống đà bao kiếp

Trong đục khôn phân chịu lấp vùi!

Phải mạnh tiến

Chớ nhác lui!

Vô thường chợt đến cũng tay xuôi

Lông mày chữ "Chết" treo ngang mãi

Niệm Phật chừng ni mới biết mùi?

*

Xế bóng giờ Thân

Thương nỗi kiếp sinh mãi chuyển vần!

Thân này chẳng tính đời nay độ

Còn đợi khi nào mới độ thân?

Tu kịp lúc

Chớ hẹn lần

Lâu dài ác đạo dễ trầm luân!

Ngàn Phật tuy thương khôn cứu vớt

Trần sa kiếp đọa khổ muôn phần.

*

Nhựt lặn giờ Dậu

Tàn dương sắp tắt màn đêm rũ

Tử sanh việc lớn biết chăng ai?

Kẻ ngu tầm mắt nhìn gần gũi.

Luyến tiền tài

Thích trà rượu

Dong ruổi Đông Tây đâu biết đủ?

Bôn ba chẳng rảnh niệm Di Đà

Già chết kề bên đành thúc thủ!

*

Hoàng hôn giờ Tuất

Dĩa đèn le lói soi u thất

Lên giường từ biệt dép cùng giày

Hồn mộng mê mờ tối như mực

Gẫm thân người

Thương dễ mất!

Muốn thoát luân hồi mau niệm Phật

Vô biên tội chướng một thời tiêu

Phật huệ sáng như ngàn mặt nhựt.

*

Cảnh yên giờ Hợi

Danh lợi sang giàu đâu vẫn mãi?

Giấc đẹp hoàng lương chửa tỉnh mơ

Ngàn năm ước tính dường si dại?

Chút dần dà

Thành trễ nải!

Hơi thở chẳng vào nhiều kiếp hối!

Luống phụ Tây Phương đấng Nguyện Vương

Tay vàng chờ đón ân sơn hải!

*

Nửa đêm giờ Tý

Đôi cõi sạch nhơ còn mộng mị

Lò khổ Ta Bà chẳng luyện nung

Đâu tắt lửa lòng chán sanh tử?

Biết chán lìa

Phải dừng nghỉ!

Cảnh đẹp Liên Bang vui khó ví!

Não phiền trước mắt bởi từ đâu?

Nẻo sáng trời Tây mau liệu lý.

*

Gà gáy giờ Sửu

Đã quyết về Tây nên khéo hiểu.

Cảnh khổ là duyên giúp tiến tu

Miệng niệm tâm nghe rành Phật hiệu

Gác dở hay

Quên đủ thiếu!

An lòng biết đủ tùy duyên liệu

Hoa sen đâu mọc ở gò cao

Trong bùn sắc ngọc hương thanh nhiễu!

Cư sĩ niệm Phật rất tinh tấn. Về sau ẩn tu, không biết sự lâm chung như thế nào?

Trích từ: Mấy Điệu Sen Thanh
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Mấy Điệu Sen Thanh, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Vương Cổ
Cư Sĩ Bành Tế Thanh

Viên Hoằng Đạo
Cư Sĩ Bành Tế Thanh