Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Niem-Phat-Trong-Bat-Chanh-Dao

Niệm Phật Trong Bát Chánh Đạo
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Bát Chánh Đạo hay còn gọi là Bát Thánh Đạo, là pháp tu nhằm cải tạo thăng hoa đời sống con người đến hoàn mỹ tuyệt đối. Có thể nói cuộc sống được thánh thiện không thể thiếu Bát Thánh Đạo. Người Phật tử học Phật hầu như ai ai cũng nghe nói về pháp tu này. Một pháp tu không gò bó câu nệ, mê tín, được xem như căn bản nhất trong đạo Phật.

Bát Chánh Đạo gồm tám con đường như sau:

1. Chánh kiến
2. Chánh tư duy
3. Chánh ngữ
4. Chánh nghiệp
5. Chánh mạng
6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm
8. Chánh định

1) Niệm Phật với chánh kiến

Bao việc sai lầm ngang trái xảy ra trong đời sống là do sự thấy biết không thật đúng của con người. Nhìn nhận một vấn đề sai dẫn đến kết quả đen tối, ngược lại là kết quả tươi đẹp khi hiểu biết phán xét đúng sự thật.

Chánh kiến nghĩa là sự thấy, biết, hiểu một cách đúng, hợp với chân lý, lẽ phải, mà không đưa đến ngộ nhận cho người hay chính mình. Nhưng cuộc sống lại đôi khi nằm trong mâu thuẫn, thành kiến thì làm sao ta có thể tự cho mình là chánh kiến! Ở đây điều quan trọng là phải nhìn sâu hơn trong cái nhìn hiểu biết về chánh kiến, có nghĩa phải dung hòa bằng nhiều phương tiện để tự tìm ra lối thoát.

Trong đời sống mưu sinh, con người phải tìm mọi cách để tự gán mình vào khuôn mẫu xã hội, hầu gia nhập vào công lệ thế gian. Từ đó khó có thể tạo cho mình một ý thức độc lập để có sự hiểu biết về cái nhìn khách quan.

Cái nhìn khách quan ở đây không chỉ đứng bên ngoài sự việc mà quán xét. Trái lại phải nhập cuộc để gạn lọc, học hỏi rồi tìm ra phương pháp hóa giải vấn đề. Cũng như thế người có chánh kiến không khư khư cố chấp sự hiểu biết của mình mà từ chối tất cả, hay tệ hại hơn cho người khác là sai; vì vấn đề sai đúng còn tùy vào nhiều khía cạnh, như hoàn cảnh, môi trường, thời gian...Thế nên vấn đề tiên quyết là uyển chuyển bằng nhiều phương tiện chuyển hóa, hoán cải để tự nhận ra điều thiện, điều bất thiện. Trong kinh Trung Bộ I, phẩm Chánh Tri Kiến, có nói "Khi Thánh đệ tử tuệ tri (hiểu biết sáng suốt) được bất thiện và tuệ tri được căn bản của bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bản của thiện, này chư Hiền khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này (47)." Với người niệm Phật pháp chánh kiến phải cần sáng tỏ. Nhận thấy rằng pháp niệm Phật là một diệu pháp hợp xứng với tâm cảnh con người thời nay mà đức Phật đã tuyên dạy. Bằng niềm tin hiểu biết đúng như thế sẽ là nghị lực bất thối, trước mọi hoàn cảnh tình huống để không sợ phải lạc vào tà kiến.

2) Niệm Phật với chánh tư duy

Con người được xem như một sinh vật cao quý, thông minh nhất trên địa cầu. Loài người có thể hầu như làm được tất cả. Biết bao chứng tích lịch sử từ ngàn xưa còn xót lại đã chứng minh được điều này. Cho dù chứng tích đó có thánh thiện hay gian tà cũng nói lên được sức hiểu biết của con người. Nếu so sánh với loài vật khác, sự khác biệt với nhau rất xa. Trí hiểu biết của loài vật hạn hẹp, nhỏ nhoi chỉ thể hiện trong phản ứng sinh tồn, ngoài ra xem như không có gì cả so với con người thật sâu xa siêu việt. Giả như con người không có hiểu biết tư duy thì y như loài vật không hơn không kém.

Tư duy là suy xét, suy tư, suy niệm. Chánh tư duy là điều suy tư nghiệm xét hợp với chân lý lẽ phải. Việc suy tư, xét nghiệm đúng đắn giúp người ta hoàn thành trách vụ công việc tốt trong xã hội. Người học đạo giải thoát có chánh tư duy mới thấy rõ được bản chất, bản thể của các pháp là vô ngã, vạn vật là vô thường và vô minh là đầu mối của sinh tử.

Niệm Phật với chánh tư duy là niệm trong tư duy chánh pháp. Nhận ra Phật hiệu là tự tánh, là Phật tâm, là phương tiện rốt ráo nhất đưa người về nguồn tâm như thật.

3) Niệm Phật với chánh ngữ

Trong luật Sa Di có nói "Luận việc xử thế ở đời, lưởi búa nằm ngay trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác của chính mình". Tục ngữ, ca dao cũng nói "Thần khẩu buộc xác phàm." , "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." Tất cả ý nghĩa khuyên ta hãy nên thận trọng lời nói để khỏi phải chịu tai họa. Cố gắng nói sao cho êm đẹp, cho hòa vui hết thảy. Tuy nhiên phải hiểu, lời nói đây phải thành thật, chân tình, không rụt rè nịnh hót, a dua cho được yên thân, thoát nạn.

Đương đầu trong cuộc sống mới thấy khẩu nghiệp là quan trọng. Chẳng hạn cũng một lời nói mà ở vào hai người có địa vị khác nhau, thì hậu quả của nó hoàn toàn sai khác. Người càng có chức vị cao lời nói càng dè dặt. Thế nên thường thấy các vị lãnh đạo, chính khách đều phát ngôn rất chuẩn mực.

Lời nói có giá trị như mạch sống của con người. Người học Phật phải biết lời nói là một trong ba nghiệp quan trọng nhất của người Phật tử, đó là Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Thực hành Bát Chánh Đạo mà xem thường phần chánh ngữ thì không đạt được mục đích chân thiện hoàn toàn.

Chánh ngữ là lời nói đúng với sự thật, chân lý, trái ngược với lời nói vọng, nói ác, nói lưỡng thiệt (nói hai đầu), nói phù phiếm. Chánh ngữ luôn luôn mang tính chất xây dựng, hài hòa, hợp nhất với hành động. Công đức của lời nói thật được nêu ra trong Luận Trí Độ như sau: "Lời nói chân thật được lợi ích không kém bố thí, trì giới, học vấn, đa văn. Chỉ cần tu lời nói chân thật, cũng được vô lượng phước đức vậy (48)." Ngược lại là hậu quả phải gánh chịu, cũng trong Luận Trí Độ: "Nói dối có mười tội: Một là hơi miệng hôi thúi. Hai là thiện thần xa lánh, phi nhân tự tiện xâm nhập. Ba là tuy có lời nói chân thật, người nghe không tin chịu. Bốn là người trí nghị bàn, thường không được tham dự. Năm là thường bị người bài báng, tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. Sáu là người không kính trọng, tuy có việc dạy bảo, nhưng người không chịu thừa nhận tin dùng. Bảy là thường nhiều lo buồn. Tám là gieo trồng nghiệp nhân duyên hủy báng. Chín là thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục. Mười là sanh ra làm người thường bị bài báng."

Niệm Phật với chánh ngữ lại càng tương hợp. Mỗi câu niệm Phật là mỗi lời chánh ngữ, điều tịnh khẩu nghiệp, xa trừ ác ngữ, thanh tịnh nôi tâm. Kinh Bảo Tích dạy rằng "...xưng niệm Nam Mô Phật, khẩu nghiệp sạch không. Khẩu nghiệp như thế gọi là cầm cây đuốc lớn chiếu sáng phá tan phiền não ."

4) Niệm Phật với chánh nghiệp

Giá trị hạnh phúc đích thực của con người là sống, hành động phù hợp theo tinh thần đạo đức bỏ ác làm lành, cải thiện đời sống an vui từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Nếu vì lý do gì hành động ngược lại tinh thần tâm linh đạo đức, con người sẽ phải gánh chịu kết quả khổ đau từ việc làm của chính mình. Kinh Niết Bàn dạy "Quả báo thiện ác như bóng theo hình. Nhân quả ba đời tuần hoàn không mất..."

Chánh nghiệp là hành động thiện, hành vi lành hợp với chánh pháp mang lợi ích, điều hòa đến ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý.

Niệm Phật với chánh nghiệp là tạo hành động lành, kiểm soát ba nghiệp, thanh tịnh thân tâm, dứt mọi điều xấu ác. Khi sống thân tâm nhẹ nhàng lúc mãn phần sanh về Cực Lạc. Kinh Pháp Cú "...Người hành ác sanh vào khổ cảnh, người phẩm hạnh tốt sanh vào nhàn cảnh. Bậc không ô nhiễm nhập diệt vào Niết Bàn ."

5) Niệm Phật với chánh mạng

Trong xã hội mọi người mang lấy mọi công việc. Tùy vào sự hiểu biết cá nhân cũng như hoàn cảnh môi trường mà việc làm có cao thấp nặng nhẹ. Người ta phải cố làm sao giải quyết việc sinh nhai ấm no, lợi lạc. Từ việc nuôi thân này đôi khi con người vô tình tạo ra những việc làm không hay, bất thiện gây thương tổn đến người khác, và mất đi tính chất hài hòa thiên nhiên với vạn vật. Người Phật tử nguyện sống đời từ bi trí tuệ nên tự chọn công việc nào không tổn hại cho người cho mình và ngay cả đến loài vật. Chánh mạng là sự sinh hoạt với nghề nghiệp lành mạnh, thật thà lương thiện phù hợp với pháp lành lẽ thật. Trong Tăng Chi Kinh III đức Phật đã dạy cho cư sĩ Phật tử bốn pháp về lối sống của một người muốn tìm hạnh phúc an lạc trong sinh hoạt đời sống.

1. Sống đầy đủ tháo vác, tức làm thật giỏi, thật thiện xảo nghề nghiệp của mình.

2. Biết giữ gìn tài sản do nghề nghiệp lương thiện làm ra, không để mất mát lãng phí.

3. Được nuôi dưỡng và sống có đạo đức

4. Không đam mê cờ bạc, không giao du với bạn ác ...

Người niệm Phật với niệm vãng sanh cầu thành Phật, nên phát lòng từ thể hiện qua việc làm nghề nghiệp, do đây mà thuận hòa với chánh mạng.

6) Niệm Phật với chánh tinh tấn

Với người siêng năng cần cù học hỏi làm việc, đâu đâu thời nào họ cũng hoàn chỉnh, thành công tốt đẹp. Cũng vậy người học Phật có đạt được đạo là do tính tấn tu hành. Do tinh tấn là then chốt nên các pháp trước như Tứ Chánh Cần, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi đã nhắc nhở. Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo cũng cùng ý nghĩa như vậy. Nghĩa là phải gia công, siêng năng hành động đúng với chánh pháp, lẽ thật có lợi ích đến mọi người mọi vật. Trong gia đình, xã hội nếu biết thực hành Chánh Tinh Tấn thì kết quả tươi đẹp, an bình, giàu mạnh sẽ thấm đượm trải tràn lên hoàn cảnh đó. Trong đạo giáo giữ gìn mãi hạnh Chánh Tinh Tấn thì đạo pháp trường tồn quả tu chứng đắc.

Người con Phật phải cần tinh tấn mãi trọn đời. Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy "Bồ Tát chuyên cần tinh tấn tối thắng, nên không bị những tham dục, giận tức, ngu si, kiêu mạn, não hại, đố kỵ bỏn sẻn, hiềm hận, dua nịnh, không biết hổ thẹn làm não loạn. Bồ Tát thường phải nghĩ như vầy, ta không muốn làm chúng sinh não phiền, nên ta tinh tấn. Vì rõ biết chúng sinh phân biệt nên tinh tấn.Vì biết tất cả chúng sanh chết đây sống kia nên tinh tấn. Vì biết chư Phật thật pháp nên tinh tấn. Vì biết bình đẳng pháp mà tinh tấn..."

Pháp Chánh Tinh Tấn đã quan trọng cho đường tu vậy, thì người niệm Phật cần chuyên nhất gia công hơn. Niệm niệm bất thối, niệm niệm quy nhất về tâm, dừng nghỉ tất cả vọng tâm ô nhiễm, gội sạch phiền não, tâm niệm bây giờ chính là niệm Phật chánh tinh tấn vậy.

7) Niệm Phật với chánh niệm

Trong đời sống hằng ngày con người đã phải đương đầu, đối diện biết bao vấn đề. Từ vấn đề đơn giản đến phức tạp, từ việc vui đến việc buồn. Tất cả ít nhiều đã khuấy động tâm hồn, khiến cho tâm trí con người dễ bị cuốn lôi sai xử. Người nào với trí sáng suốt lọc lừa; nhận ra điều nào đáng ghi đáng bỏ thì hậu quả ảnh hưởng của sự khuấy động sẽ giảm đi. Ghi nhớ điều tốt việc lành làm tâm hồn tươi mát, sinh ra hành động hợp với lẽ đạo làm người. Ngược lại không loại bỏ những tạp niệm xấu, con người dễ đánh mất cá tánh nhân từ đạo đức.

Chánh Niệm là điều ghi nhớ chân chánh hợp với sự thật chân lý, đây cũng tương tự nghĩa niệm ở các pháp trước.

Chánh Niệm lại có hai phần: Chánh Ức Niệm và Chánh Quán Niệm.

Chánh Ức Niệm là ghi nhớ những gì sai suất, tội lỗi đã qua để gắng công sám hối chừa bỏ. Ghi nhớ những gì ơn ích, ân nghĩa để gắng công đền báo, như tứ trọng ân (ân cha mẹ, tổ quốc, chúng sanh, tam bảo). Phần Chánh Ức Niệm này không khác pháp Tứ Chánh Cần là ngăn chặn điều ác chưa sinh, dứt trừ điều ác đã sanh, làm phát triển điều lành chưa sanh, tiếp tục phát triển những điều lành đã sanh.

Chánh Quán Niệm là quán sát cuộc đời theo đúng sự thật, chân lý để ghi nhớ răn nhắc chính mình trên đường tu học, cũng như giúp mọi người thấy được lẽ thật này. Chánh Quán Niệm có tính cách sâu xa rộng rãi cả đến nhân loại.

Thực hành niệm Phật với Chánh Niệm là rốt ráo diệt trừ tâm niệm xấu, thanh lọc tư tưởng sai quấy, để thay thế vun bồi vào tâm bằng ý niệm lành qua danh hiệu Phật.

8) Niệm Phật với Chánh Định

Sau khi đã thông hiểu và bước qua bảy con đường, tới đây là con đường cuối, rốt ráo để hoàn thành mỹ mãn thánh thiện thân tâm. Chánh Định là con đường quan trọng nhất của hành giả phải trải qua. Tuy thế chánh định có được là hoàn toàn nhờ thông suốt, thực hành các con đường trước.

Nghĩa của Chánh Định lại là nghĩa của các định ở các pháp đã đề cập. Là tập trung định lực nhất tâm vào chánh pháp. Ngược với Chánh Định là đi sai đường, lạc lối vào tà định, dẫn đến đọa lạc trong ba đường ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Thực hành pháp niệm Phật đến thuần nhuyễn. Người niệm Phật sẽ có được Chánh Định không khác gì pháp tu thiền vậy.
 
Trích từ: Hương Thơm Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Luận, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
8 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
11 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
14 Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
15 Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Hòa Thượng Thích Minh Quang Tải Về

Bát Chánh Đạo
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Niệm Phật Với Ngũ Căn
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Tứ Niệm Xứ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Tứ Chánh Cần
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Tứ Như Ý Túc
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Thất Giác Chi
Thượng Tọa Thích Phổ Huân

Niệm Phật Với Ngũ Lực
Thượng Tọa Thích Phổ Huân