Home > Khai Thị Niệm Phật > The-Gioi-Cuc-Lac-Trong-Su-That-Hien-Huu
Thế Giới Cực Lạc Trong Sự Thật Hiện Hữu
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Sự hiểu biết con người có hạn, và đối tượng của sự hiểu biết thì vô hạn. Khoa học của thời đại ở thế kỷ hai mươi này xem như vượt bực. Người ta đang nghĩ đến việc hoạch định chương trình du lịch lên cung trăng, giống như du lịch giải trí qua lại các nước với nhau. Chuyện này nghe qua hẳn như đùa nhưng tương lai chắc sẽ có, bởi con người đã dẫm chân lên mặt trăng cách đây gần ba mươi năm (20 July, 1969). Và mới đây nhất (4 July, 1997) phi thuyền Pathfinder đã chinh phục được sao hỏa (Mars), mang theo chiếc xe rôbô (robot) dọ thám của con người, lần đầu tiên lăn bánh trên mặt hành tinh này. Sự kiện đây là bước kỳ công của khoa học đánh dấu một ngày lịch sử ở cuối thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên khoa học càng đeo đuổi việc khám phá không gian thì lại càng thấy vũ trụ mênh mông vô cùng tận. Cũng như sự hiểu biết của con người chỉ là một lóe sáng nhỏ nhoi của con đom đóm khi đem so với ánh sáng mặt trời tượng trưng cho muôn ngàn bí ẩn của vũ trụ.

Qua những kết quả mà khoa học đã mang lại, con người bây giờ đã thật sự tin rằng hành tinh (quả địa cầu) chúng ta đang ở chỉ là một trong những muôn tỉ hành tinh có sự sống. Rồi từ đây con người đã và đang cố gắng gióng lên tiếng nói liên lạc với thế giới bên ngoài trong khả năng có hạn của mình. Việc làm này đã gián tiếp chấp nhận lên tiếng một sự thật là có sự sống ở ngoài thế giới chúng ta.

Đi lùi lại quá khứ cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm tại Ấn Độ qua kinh văn. Nơi đó xuất hiện một bậc siêu phàm, đại trí mà người đời tôn xưng là Phật có nghĩa là một con người đạt được sự toàn thiện chân tánh; thấy và hiểu rõ tất cả vạn pháp. Với tự thân, tâm đã gột sạch mọi phiền não nhiễm ô. Vào thời kỳ này đức Phật đã tuyên bố rõ ràng là thế giới có hằng hà sa số không thể tính được, cũng như số lượng chúng sanh cũng vô cùng. Sự việc mà đức Phật thấy như vậy mãi đến hơn hai ngàn năm sau khoa học mới tìm ra.

Đức Phật thường dạy các đệ tử nên cẩn thận, nếu có thể tránh được, để khỏi vô tình giết hại những loài chúng sanh nhỏ nhít khó nhìn thấy, như các loài trong đất hay trong nước. Để rải lòng từ bi cho trọn, Phật dạy phải thường chú nguyện khi di động hay ăn uống.

Phật quán nhất bát thủy

Bát vạn tứ thiên trùng

Nhược bất trì thử chú

Như thực chúng sanh nhục

(Phật quán trong một bát nước

Có tám vạn bốn ngàn vi trùng

Nếu như không trì chú (lúc uống)

Chẳng khác gì ăn thịt chúng sanh vậy) 

Nói về thế giới trong vũ trụ đức Phật dạy “…Tùng thị Tây Phương, quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà kim hiện tại thuyết pháp…” (…từ đây hướng về Tây Phương kia trải qua hết mười muôn ức Phật độ, có một thế giới gọi là Cực Lạc cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp …)

Lời dạy này của đức Phật sẽ khó mà tin được ở khoảng cách đây một ngàn năm, vì nền văn minh lúc bấy giờ còn quá thấp. Thiên văn học chưa ra đời, người ta chỉ biết có trái đất là duy nhất kế đó là mặt trời. Bây giờ con người đã văn minh, tiến bộ,  khoa học đã vượt đến mức thật cao. Thiên văn học đã hé mở phần nào bức màn vũ trụ, tiết lộ rõ ràng trái đất và mặt trời không phải là hành tinh duy nhất có mặt trong vũ trụ, mà trong vũ trụ có đến vô cùng số lượng hành tinh thế giới không thể nói đếm được.

Riêng nói về vị thế của trái đất được nằm trong thái dương hệ bao gồm chín hành tinh là:

Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), Quả Đất, Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), ThổTinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune) và Diêm Vương Tinh (Pluto) quay quanh mặt trời. Thái Dương Hệ này lại có đến hàng tỉ, nằm rải rác trong vũ trụ tạo thành những dạng thể riêng biệt như hình tròn, vuông, xoáy ốc, chong chóng v.v…lại gọi là Ngân Hà. Và vĩ đại hơn nữa là Thiên hà, trong đó có vô số Ngân Hà gọp lại. Nhưng trong vũ trụ lại có đến hàng tỉ Thiên Hà. Vậy thì từ Thiên Hà nếu quay về tìm vị trí của trái đất cõi Ta Bà nơi chúng ta đang ở thì giống như tìm một hạt cát nào đó trong sa mạc cát vậy.

Từ đây ta thấy lời dạy của đức Phật trong kinh xưa hoàn toàn phù hợp với kiến thức khoa học ngày nay. Và câu nói “hằng hà sa số thế giới” thường được thấy trong kinh sẽ không còn xa lạ nữa với người còn hoài nghi đây là thật hay giả.

Việc rõ ràng hơn là sự công nhận xác tín của nhiều học giả, trí thức Tây phương đối với đạo Phật. Tiêu biểu hơn hết là lời tuyên bố của nhà Vật lý học lừng danh Albert Einstein:

“The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural amd spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description .”

(Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này vượt mức tin về một Đấng Thiêng Liêng nào đó có cá tánh và tránh hết các tín điều và lý thuyết. Bao trùm cả về thiên nhiên lẫn tinh thần, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đạo giáo phát sanh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Thì đạo Phật đáp ứng được các điều đó (7).”

Trở lại lời dạy của đức Phật về thế giới Tịnh Độ A Di Đà, ta cũng hiểu rằng vũ trụ vẫn có vô số Tịnh Độ và cũng không phải chỉ có ở phương Tây mà cả khắp mười phương thế giới. Kinh Hoa Nghiêm nói:  “Phương Đông cõi Ta Bà này, có thế giới tên là Mật Huấn. Phương Nam có thế giới tên là Phong Dật. Phương Tây có thế giới tên là Ly Cấu. Phương Bắc có thế giới tên là Phong Lạc. Phương đông bắc có thế giới tên là Nhiếp Thủ. Phương đông nam có thế giới tên là Nhiêu Ích. Phương Tây Nam có thế giới tên là Tiên Thiểu. Phương Tây bắc có thế giới tên là Hoan Hỷ. Hạ phương có thế giới tên là Quan Thược. Thượng phương có thế giới tên là Chấn Âm. Các đấng Như Lai trong mười phương thế giới này, mỗi vị có nhiều danh hiệu, cho đến vô lượng chư Phật ở vô số thế giới cũng đều như thế” (8).

Về Y báo và Chánh báo ở cõi Cực Lạc nghĩa là hoàn cảnh môi trường và con người thì được Phật tả là vi diệu, nên con người ở cõi Ta Bà khó mà tin theo. Nếu có thể tin thì người ta chỉ tin có thế giới Cực Lạc nào đó, nhưng việc nhà cửa cung điện do ngọc báu trang nghiêm hoá thành; các loại cây lá bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, san hô, mã não… thân người lại thanh tịnh, đủ các thứ diệu âm, thần thông công đức; đồ ăn thức uống tự do ý muốn mà hiện ra; khi ăn chỉ cần ngửi hương thì no đủ, nhẹ nhàng không nhơ bợn v.v… mà được đức Phật nói trong kinh Vô Lượng Thọ, thì xem ra khó thể tin được. Điều không tin này cũng hợp lý, vì lấy việc đây so với việc kia làm sao chẳng thấy khác biệt. Giống như một người ở xứ văn minh điện tử, đi vào bộ lạc thiểu số rồi kể về sự sinh hoạt cơ khí, điện tử ở công xưởng, ngân hàng, phi trường, siêu thị… thì làm sao người bộ lạc kia có thể hiểu và tin! Nếu nói phải giải thích cho ra việc nhiệm mầu kia thì người ta mới tin, thì xin thưa, ngay tại thế gian này cũng có nhiều việc nhiệm mầu xảy ra mà con người vẫn không biết làm sao giải thích. Sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngồi ngay trong lửa đỏ mà vẫn an nhiên, tự tại trong tư thế thiền tọa vững vàng. Và việc lạ lùng hơn là trái tim của Ngài lửa đốt vô hiệu quả.

Vấn đề nghi ngờ về thế giới mầu nhiệm ở Cực Lạc Tây phương, nếu đem ra giải thích thế nào cũng không dứt được hoài nghi. Bởi vì sự huyền diệu, nhiệm mầu của Phật pháp vượt ra ngoài hiểu biết của con người, do vậy kiến thức phàm phu khó thể suy tưởng nổi cảnh Phật, Thánh. Lấy thêm vấn đề nữa là xá lợi (xương cốt sau khi đốt hiện ra màu sắc như đá ngọc) của bậc chân tu xưa nay đã làm nhiều người thắc mắc, vì không thể xảy ra ở một người thường (người không có thực hành công phu tu học). Việc khó hiểu nữa là nhục thân bất hoại (thân chết mà không bị hư thối) của các vị tổ, như tổ Huệ Năng ở Trung Hoa (638 713),  ở miền Bắc Việt Nam có Thiền sư Nguyễn Khắc Trường khoảng thế kỷ 17 cũng đã để lại nhục thân không hư hoại …

Đó là một vài sự kiện trước mắt ngay thế giới này mà chúng ta cũng không hiểu nổi, nói chi ở một thế giới xa xôi kia. Huống chi dân chúng ở thế giới đó toàn là các bậc thanh tịnh, dứt sạch mọi ô nhiễm, thì sự mầu nhiệm đương nhiên là sự thường tình, cũng như chuyện ăn uống ở thế gian vậy.

Như muốn lần nữa xác nhận cõi Cực Lạc A Di Đà có thật thì chúng ta nên nhớ ngay lời miêu tả cõi Tịnh Độ chính do đức Phật Thích Ca nói ra; mà lời nói của đức Phật như đã trình bày ở phần trước luôn hợp với khoa học và muôn đời vẫn là thật ngữ.

Tóm lại vũ trụ vô cùng vô biên, thế giới lại hằng hà sa số, thì cõi Cực Lạc A Di Đà cũng chỉ là một cõi Phật hiện hữu thật có như bao cõi thế giới khác mà trong kinh Hoa Nghiêm đã dạy.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
3.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
4.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
5.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
6.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
8.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
12.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
13.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
15.    Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch
16.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
17.    Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
18.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
20.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch