Home > Khai Thị Niệm Phật
Niệm Phật Với Tuổi Trẻ
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Xưa nay pháp tu niệm Phật hay bị hiểu lầm, chỉ dành cho những người già, căn cơ thấp kém. Chính việc hiểu lầm này khiến cho một số người trẻ vốn đã không muốn vào cổng chùa lại càng lùi xa hơn nữa .

Bản chất của người trẻ thường là hăng say, vượt tiến ít khi chịu quy phục van xin. Tư tưởng quan niệm của người trẻ lại cần thực tế, nhất là phải khoa học mới thích ứng họ. Từ vấn đề này đa số người trẻ thường hay xem thường pháp môn niệm Phật. Họ có thể cho pháp môn niệm Phật là pháp tu cầu khẩn mơ hồ. Dù là họ không nói ra nhưng việc họ không bao giờ để ý, tìm hiểu đến việc niệm Phật vãng sanh, đã nói lên thành kiến đó.

Thật ra pháp môn niệm Phật dung hợp mọi căn cơ,  ứng hợp mọi thời đại, và vậy trong đó đã gồm luôn cả người trẻ. Nhưng vì sao người trẻ vẫn khó tin? Điều này cũng dễ hiểu, vì họ thấy pháp môn niệm Phật chẳng có dụng công chi, chỉ có niệm Phật rồi cầu nguyện vãng sanh, dể quá ai mà tin! Phần thì tánh chất của người trẻ phải là vượt lên chiến thắng; mà không có chiến đấu lấy đâu có chiến thắng, hấp dẫn được. Chiến đấu đây phải là công phu nội lực, tập trung định thần v.v…

Ít ra thì họ cũng đúng vì theo truyền sử của Phật, họ thấy trước khi thành Phật Ngài đã chiến đấu với Ma Vương bằng nội tâm, chiến đấu với thể xác qua khổ cảnh và sự chiến đấu kia đã mang lại chiến thắng huy hoàng, đắc đạo của Bồ Tát Tất Đạt Đa, để trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác; chớ có đâu chỉ lâm râm niệm Phật mãi mà vượt thoát sinh tử sao! Vì nghĩ như vậy người trẻ đã không tìm thấy vẻ hấp dẫn nào trong pháp tu niệm Phật. Nhưng thật tiếc thay ước vọng của người trẻ, trong việc tìm kiếm một sự chiến thắng tương tự như thế, sẽ không thể nào được như ý. Sự chiến thắng nội tâm, chiến thắng dục vọng chỉ có thể đến từ con người thượng căn, thượng trí… Với chiến thắng vật chất, kiến thức xã hội không thể so sánh được. Người trẻ vì cảm thấy không khó khăn gì để thắng trận vật chất, thu thập kiến thức, nên họ nghĩ bước vào đạo giáo cũng phải như vậy. Tư tưởng như thế thật quý, đức Phật cũng đã dạy hãy tự thắp đuốc mà đi, hãy tự lấy mình làm nơi nương tựa và kinh Pháp Cú đã dạy “Hãy tự mình chiến thắng lấy mình hơn là chiến thắng kẻ khác, không ai có thể thắng người đã tự thắng mình (14).”

Nhưng hoàn cảnh ngày nay, khác ngày xưa nhiều lắm. Thời đại xa xưa con người với sinh hoạt thô sơ, hoàn cảnh giản đơn, nếp sống an bình thành ra tâm người và ngoại cảnh dễ hòa hợp nhau. Người ta có thể hòa nhập với thiên nhiên dễ dàng. Tu sĩ đạo giáo thì an hưởng nhẹ nhàng với đạo, do đó giây phút định tâm giác tỉnh không khó khăn, có thể nhiếp tâm, chánh niệm lúc nào cũng được. Ngày nay thì vật chất cực thịnh, sinh hoạt quá văn minh đến nổi thành rối bù phức tạp. Hoàn cảnh lại xung đột bất an, con người do vậy biến thành gắt gao xung khích. Với nghịch cảnh đảo điên ngày nay như thế, liệu con người có thể định tâm, nhập định như xưa? và việc chiến thắng nào đó có còn là việc dễ ?

Nếu người trẻ hiểu rằng chiến thắng những ham muốn bất chánh, những dục vọng đam mê dẫn đến phiền não là sự chiến thắng mang ý nghĩa cao đẹp, thì pháp môn niệm Phật là phương pháp lập được chiến công đó. Nếu người trẻ lại nghĩ phải có một kết quả an lạc thực tế ngay trong đời chớ không phải đợi đến một đời xa xôi sau khi chết, thì pháp niệm Phật vẫn là phương pháp thực tế có kết quả ngay trong đời hiện tại .

Để nhận xét quan điểm trên chúng ta thử nghĩ như vầy, cốt yếu của đạo Phật là đưa người về bản tâm giác thiện bằng mọi cách. Dù phương tiện hành động ra sao miễn hợp với chân lý, chặn đứng phiền não khơi dậy tánh giác là đạt được an lạc, hạnh phúc. Hành động theo căn bản học Phật là nhận biết ba nghiệp là đầu mối tạo ra nguyên nhân khổ đọa. Ba nghiệp này là Thân, Khẩu, Ý chính ba nghiệp đó đã tạo ra mười nghiệp ác như: Thân thì sát sanh, trộm cắp, tà dâm, Khẩu thì nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều (nói hai bên), nói độc ác, Ý thì tham, giận, si mê. Ngược lại hoán chuyển được ba nghiệp, mười nghiệp ác sẽ trở thành mười nghiệp lành: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm v.v…

Người kiểm soát được ba nghiệp là người đã thắng được cuộc chiến thắng vẻ vang. Thực hành pháp tu niệm Phật là vũ khí tốt nhất ngăn chặn đánh đuổi kẻ thù tham vọng, si mê, độc ác …

Khi ý nghĩ về danh hiệu Phật thì phiền não tham lam, sân hận, si mê không có cơ hội nổi lên; do ý tưởng niệm Phật đó, miệng liền thầm đọc lên danh hiệu Phật và vậy những lời dối gạt, xấu ác cũng không còn trên miệng. Vì ý và miệng đã hợp nhất nên thân không gây ra việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Thế thì đây là giây phút chiến thắng hoàn toàn vậy. Đã chiến thắng thì bao niềm an lạc, định tâm, trí tuệ là chiến lợi phẩm mà người niệm Phật vẻ vang chiếm được, do đó là kết quả an vui thực tế không phải hẹn đến tương lai gì cả .

Qua phần nhận xét trên, chúng ta thấy sự thật của việc niệm Phật không phải là sự cầu khẩn, quy lụy sợ sệt, van xin, mà là sự chiến đấu, dùng câu niệm Phật để diệt trừ phiền não. Hiểu như thế mới thấy niệm Phật là hành động đích thực có trí tuệ. Trong kinh Thập Nhị Phật Danh có dạy “Nếu người trì danh hiệu Phật thì không sanh lòng yếu đuối sợ sệt, có được trí tuệ không quanh co dua nịnh, thường ở trước đức Phật (15).”

Khi đã rõ như vậy thiết nghĩ cuộc chiến đấu (niệm Phật) diệt trừ phiền não đây nếu không nói là người trẻ thích hợp hơn!

Lại nghĩ thêm một việc, tuổi trẻ hãy nên cẩn trọng, không nên nhìn đời luôn là màu xanh, tuổi thanh xuân sẽ trẻ hoài với năm tháng. Hãy nhìn xem thời tiết đổi thay bốn mùa luân chuyển. Hoa trái mới kết nở đây rồi liền rụng đó, và con người cũng chẳng chạy khỏi định luật vô thường này. Nếu biết lợi dụng thân thể còn khỏe mạnh, trí tuệ còn minh mẫn, bỏ ra ít thời giờ gây trồng chủng tử niệm Phật thì sau này có về già định lực niệm Phật sẽ kiên cố vững vàng chừng đó việc nhắm mắt siêu thoát nắm chắc trong tay. Bằng để uổng phí luống qua thời trung trẻ, chạy theo trần cảnh giả mộng khi vô thường bất chợt cướp đi đời sống, chừng ấy thần thức bơ vơ lạc loài vô định hướng, phải chịu nghiệp tội dẫn đi vào cảnh tối tăm mịt mờ. Như may mắn trở lại cảnh người, lại có gì bảo đảm là mình khỏe mạnh, lành lặn, hiểu biết như hôm nay, còn gặp được Phật pháp thì có lẽ rất hiếm, bởi không gieo trồng nhân đời nầy thì đời sau có duyên đâu gặp được, cho dù sanh ra nhà ở sát cạnh chùa, đêm ngày nghe kinh kệ cũng chẳng hiểu chi.

Xét lại niệm Phật pháp môn không phải chỉ dành cho người già mà đúng lý của niệm Phật là phải niệm cho đến già cho đến mất mới thành tựu vãng sanh được. Đợi đến già niệm Phật, việc thành tựu hẳn phải khó khăn hơn. Lý do vì cả cuộc đời trong quá khứ đã tích trữ chứa đựng những điên đảo nghiệp thức nên công phu bây giờ luôn bị khuấy trộn với hình ảnh xưa, tìm được một giây phút nhất tâm lắng động nào trong câu niệm Phật giống như đãi vàng được vàng vậy. Tuy nhiên nói thế để biết niệm Phật cũng ra công tự lực, và điều quan trọng hơn hết, khi nhận thức niệm Phật là tạo chủng tử lành, diệt chủng tử xấu ác thì phải thực hành ngay mới có lợi ích. Với tuổi trẻ, niệm Phật dự trù trước cho tương lai là điều hợp lý, như người vừa được việc làm liền đầu tư vào trương mục tiết kiệm đến khi không còn làm việc được nữa cũng chẳng lo chi. Bằng đợi đến lúc sức kiệt, sắp về hưu mới đầu tư tiết kiệm thì có được mấy đồng. Cuối cùng để gợi ý cho người trẻ sớm quay về xin nhắc lại lời người xưa đã dạy:

Đừng hẹn tuổi già mà tu đạo.

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh .



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
3.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
4.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
5.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
6.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
8.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
12.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
13.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
15.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
16.    Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch
17.    Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
18.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
20.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch