Home > Khai Thị Niệm Phật
Không tu Tịnh nghiệp tất khó vãng sinh đó là điều chắc chắn
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Hỏi: Không tu Tịnh nghiệp tất khó vãng sinh, đó là điều chắc chắn. Nhưng tại sao hàng phàm phu nghịch ác khi lâm chung cũng có thể vãng sinh? Điểm ấy tôi còn chưa hiểu và có chỗ nghi ngờ, mong Đại sư chỉ dạy rành rẽ?

Đáp: Trong Quán Kinh đã dạy: “Hạ phẩm Hạ sinh là như có người tạo tội Ngũ nghịch, Thập ác làm đủ các việc không lành, do vì ác nghiệp, nên đáng lẽ phải bị đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng! Nhưng khi lâm chung, kẻ ấy được gặp thiện tri thức an ủi và thuyết pháp cho nghe, khuyên phải nhớ tưởng đến Phật. Song đương nhơn vì bị sự khổ bức bách nên không nhớ tưởng được. Thiện hữu lại bảo: “Nếu ông không thể nhớ Phật thì hãy chí tâm xưng Nam mô A-di-đà Phật âm thanh liên tiếp nhau cho đủ mười niệm”. Người ngu ác kia vâng lời hết lòng xưng danh, nên trong mỗi niệm diệt được tội nặng nơi đường sinh tử trong tám mươi ức kiếp. Khi người ấy niệm Phật, bỗng thấy hoa sen vàng chói sáng như vầng nhựt hiện ra ở trước, trong khoảng một niệm, đương nhiên liền được sinh về thế giới Cực Lạc và kế tiếp đó phải ở trong hoa sen mãn mười hai đại kiếp. Khi hoa sen nở ra, kẻ ấy thấy đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí dùng tiếng Đại Bi vì mình nói Thật tướng của các pháp và cách trừ diệt tội chướng. Đương nhơn nghe pháp rồi tự nhiên vui vẻ, phát tâm Vô Thượng Bồ-đề”.

Đoạn kinh trên chỉ rõ cảnh tướng của bậc Hạ phẩm Hạ sinh. Mười hai đại kiếp ở trong hoa sen, tuy thời gian có lâu xa, nhưng người vãng sinh thấy mình ở trong một bầu thế giới riêng biệt, hưởng thọ sự vui như chư thiên nơi cung trời Đao-lợi. Vì thế, cổ đức đã bảo:

“Trong hoa vui vẻ như Đao-lợi

Khác hẳn thai phàm của thế gian”.

Theo Quán Kinh Sớ thì người nghịch ác mà được vãng sinh là do khi lâm chung, kẻ ấy chí tâm niệm Phật nên tội chướng được tiêu trừ. Thế thì ý của Sớ Văn cho sự niệm Phật là thắng duyên vãng sinh. Riêng tôi, sau khi tham khảo các kinh luận và sớ giải về Tịnh độ, lại ước kết trong ba nghĩa:

* Điều thứ nhất, hành nhơn chỉ niệm Phật trong thời gian ngắn ngủi mà có thể thắng nổi nghiệp ác trọn đời là do nhờ tâm lực rất mạnh mẽ, ý chí cực quyết định; đó gọi là đại tâm. Tình cảnh ấy ví như người bị quân giặc vây khổn, đang lúc nguy cấp, do liều chết không kể đến thân mạng nên phát được sức dũng mãnh cùng cực, xông phá vượt ra khỏi trùng vi.

* Điều thứ hai, kẻ ấy tuy tạo ác, song hoặc hiện đời đã có tu Tam-muội nên khi lâm chung nghe người nhắc bảo, định lực được dễ thành. Đây cũng thuộc về hạng người mà trong nhà Phật gọi là “thừa cấp giới huỡn”. Nếu đương nhơn hiện đời không tu Tam-muội, tất đời trước cũng đã có huân tu. Hạt giống lành ấy nay đã đến thời kỳ thuần thục nên khi lâm chung gặp thiện tri thức khuyên bảo, kẻ đó nương nơi túc thiện nghiệp, trong mười niệm mà được thành công.

* Điều thứ ba, nếu không phải do công tu trong hiện đời hay nghiệp lành về kiếp trước, tất khi lâm chung kẻ ấy đã niệm Phật với lòng sám hối tha thiết cùng cực. Nên ngài Vĩnh Minh nói: “Vì thể nhân duyên vốn không nên nghiệp thiện ác chẳng định; muốn rõ đường siêu đọa, phải nhìn nơi tâm niệm kém hơn. Cho nên, một lượng vàng ròng thắng nổi bông gòn trăm lượng, chút lửa le lói đốt tiêu rơm cỏ muôn trùng”.

Một trong ba nhơn duyên trên cộng thêm công đức của Phật hiệu, nguyện lực của Di-đà, nên khi lâm chung kẻ nghịch ác mới thắng được tội khiên, sinh về Cực Lạc.

Trích từ: Tịnh Độ Hoặc Vấn


Kinh Sách Liên Quan