Ðại sư Vĩnh Minh Trí Giác Xung Huyền Diên Thọ đời Tống là Tổ thứ sáu của Liên Tông. Ngài là con nhà họ Vương ở Tiền Ðường, trông nom việc thuế. Ngài thường dùng tiền công quỹ để mua loài vật phóng sanh nên mắc tội chết.
Lúc sắp gia hình, Tiền Văn Mục Vương sai người rình xem thấy Ngài chẳng đổi sắc, vương ra lệnh tha. Ngài liền xuất gia, tham học với ngài Chiếu Quốc Sư thuộc tông Thiên Thai, thấy rõ tâm yếu.
Do nguyện xưa chưa quyết, Ngài lên Trí Giả Nham, làm hai cái thăm “nhất tâm Thiền Định” và “vạn hạnh trang nghiêm Tịnh Ðộ”, dốc lòng tinh thành cầu đảo, bảy lần rút đều trúng cái thăm Tịnh Ðộ. Do vậy, Ngài một dạ tu Tịnh nghiệp, được đức Quán Âm dùng cam lộ rưới vào miệng, đắc đại biện tài, soạn bộ Tông Kính Lục và Vạn Thiện Ðồng Quy Tập chỉ quy Tịnh Ðộ.
Về sau, Ngài trụ ở chùa Vĩnh Minh, mỗi ngày làm một trăm lẻ tám Phật sự. Ðêm lên ngọn núi khác, đi kinh hành niệm Phật, người ta nghe tiếng nhạc trời rền vang không trung. Ngài tụng kinh Pháp Hoa được một vạn ba ngàn bộ; đệ tử một ngàn bảy trăm người. Sư thường truyền Bồ Tát giới cho đại chúng, thí thức ăn cho quỷ thần, bỏ tiền chuộc mạng cho sanh vật, [những việc ấy] đều hồi hướng về Tịnh Ðộ.
[Một hôm], Ngài chợt thắp hương, gọi đại chúng rồi ngồi xếp bằng mà tịch, thọ bảy mươi hai tuổi. Về sau, có vị Tăng bị bệnh, thấy mình xuống âm phủ, thấy Diêm vương thờ một bức họa bên trái điện, siêng năng lễ bái. Hỏi ra mới biết Sư đã vãng sanh Thượng Thượng Phẩm. Vua trọng đức của Ngài nên lễ kính vậy.
(Theo Lạc Bang Văn Loại)
Nhận định:
Ðại Sư là hóa thân của A Di Ðà Phật, do bảy lần bói đều rút được cái thăm Tịnh Ðộ, nên mới nhất ý niệm Phật, Thượng Phẩm Thượng Sanh. Vì chí tại Thiền Ðịnh, nên về hạnh Ngài phải xả Thiền tu Tịnh để làm gương vậy.