Quay Về Nương Tựa Ba Ngôi Báu
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Nhà Phật xưng Phật, Pháp, Tăng là Ba Ngôi Báu. Ba Ngôi Báu này đã được thành lập ngay sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni độ cho năm vị tì kheo tại vườn Lộc dã. Lúc bấy giờ đức Thích Tôn là Phật bảo, giáo lí tứ đế là Pháp bảo, và năm vị tì kheo là Tăng bảo; đó là “hóa tướng Tam Bảo”, nghĩa là cái tướng trạng giáo hóa chúng sinh của đức Phật. “Hóa tướng Tam Bảo” cũng gọi là “biệt thể Tam Bảo”, hay “chân thật Tam Bảo”(1), mà quan điểm của đại thừa và tiểu thừa có chỗ khác nhau: Đại thừa thì cho rằng ba thân của Phật là Phật bảo, pháp môn sáu pháp qua bờ là Pháp bảo, và mười bậc thánh là Tăng bảo; còn tiểu thừa thì cho rằng đức Phật với ứng thân một trượng sáu là Phật bảo, các pháp môn bốn sự thật và mười hai nhân duyên là Pháp bảo, và các hàng Thanh văn, Duyên giác là Tăng bảo.

Sau khi đức Phật nhập diệt, phạm âm chìm lắng, thánh tăng dần dần tàn lụi, hóa tướng Tam Bảo không còn nhìn thấy nữa. Do đó mới lấy các bức tượng bằng đất, gỗ hay giấy làm Phật bảo, ba tạng Kinh Luật Luận làm Pháp bảo, chư vị tì kheo thọ giới cụ túc làm Tăng bảo; đó tức là “trụ trì Tam Bảo”(2). Nếu nói theo nghĩa rộng, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đó tức là Phật bảo. Trong Phật tánh đã có đầy đủ tất cả các pháp trong sạch, đó tức là Pháp bảo. Phật tánh có nghĩa là không sai trái, không tranh cãi, đó tức là Tăng bảo. Đây gọi là “lí thể Tam Bảo”(3). Lại nữa, trong chữ “Phật” có bao hàm cái nghĩa hiểu biết và soi tỏ, đó là Phật bảo; có bao hàm cái nghĩa nền nếp, phép tắc, đó là Pháp bảo; có bao hàm cái nghĩa không có lỗi sai trái và tranh cãi, đó là Tăng bảo. “Pháp” là pháp thân của Phật, tức là Phật bảo; nhờ đó mà thoát khỏi ba cõi, chứng niết bàn, đó là Pháp bảo; y nơi pháp mà tu hành, đó là Tăng bảo. “Tăng” có đầy đủ trí tuệ quán chiếu, tức là Phật bảo; có đầy đủ nền nếp phép tắc, tức là Pháp bảo; có đầy đủ hòa kính, đó là Tăng bảo. Đây gọi là “nhất thể Tam Bảo”, hay “đồng thể Tam Bảo”, hoặc “đồng tướng Tam Bảo”(4), nghĩa là mỗi Ngôi Báu trong Ba Ngôi Báu đều có ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn của cả ba Ngôi Báu.

“Qui y” là ý nói qui thuận và nương tựa. Người mới học Phật lòng tin chưa vững chắc, năng lực chưa dồi dào, cần phải quay về nương tựa Ba Ngôi Báu để được giúp đỡ, mới có thể thành tựu đạo nghiệp. Đó là ý nghĩa cùng công hiệu của sự “qui y”. “Qui y” lại có nghĩa là quay trở về, tức là từ vô thỉ đến nay, vì đã xoay lưng bỏ Ba Ngôi Báu mà đi, để phải chịu thống khổ trong vòng luân hồi, nay biết rõ lỗi lầm ngày trước, tự mình phải chuyển hướng về Ba Ngôi Báu, mới có thể vượt thoát dòng sinh tử.

Đệ tử Phật, sau khi qui y Tam Bảo mới chính thức là tín đồ của Phật giáo; vì vậy, ba sự quay về nương tựa còn có tác dụng làm cho chính đáng danh nghĩa và xác định thân phận(5). “Quay về nương tựa Phật” tức là quay về nương tựa với tất cả chư Phật, chứ không giới hạn ở một đức phật nào. “Quay về nương tựa Pháp” tức là quay về nương tựa với tất cả Kinh Luật Luận trong nhà Phật, chứ không giới hạn ở một pháp môn nào. “Quay về nương tựa Tăng” tức là quay về nương tựa với tất cả từ trên các bậc hiền thánh tăng, dưới đến quí vị phàm phu tăng, chứ không giới hạn ở một vị tì kheo nào. Sau khi thọ nhận ba sự quay về nương tựa, người Phật tử vĩnh viễn tôn Phật làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi thiên ma, ngoại đạo; tôn Pháp làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi tà giáo ngoại đạo; tôn Tăng làm thầy, không bao giờ quay sang nương tựa nơi đồ chúng các tôn giáo khác. Nếu gìn giữ mãi mãi đức tin này mà không thay đổi, trong khắp các đời vị lai sẽ luôn luôn được gần gũi Tam Bảo, hằng ở trong chánh đạo.
CHÚ THÍCH

01. Xin xem lại chú thích số 1, bài 17.

02. Xin xem lại chú thích số 2, bài 17.

03. Ba thân của Phật là pháp thân, báo thân và ứng thân.

04. Xin xem lại chú thích số 7, bài 14.

05. Đức Như Lai đã vì các hàng Nhị thừa, Bồ tát Địa tiền và phàm phu mà thị hiện ứng thân yếu kém, cao một trượng sáu thước, là thân lượng thông thường của Phật ứng hóa. Khi đức Thích Tôn trụ thế, Ngài đã ứng hiện kim thân một trượng sáu.

06. Âm thanh của Phật có năm tướng trong sạch: chính trực, hòa nhã, trong suốt, sâu sắc tròn đầy (từ Hán ngữ là “thâm mãn”, tác giả viết là “thanh mãn”, không đúng. – HC), nghe xa cùng khắp; đó là “phạm âm”, là một trong 32 tướng của đức Phật.

07. Các pháp đều do nhân duyên sinh, trước nhân này lại có nhân khác, cứ lần dò truy cứu mãi để tìm cái nhân đầu tiên của tất cả chúng sinh và vạn pháp thì không thể tìm được, cho nên gọi là “vô thỉ” – tức chỉ cho thời gian cách nay rất xa.

08.“Ngoại đạo” tức là các đạo giáo được thành lập ngoài đạo Phật, cũng tức là các thứ tà giáo đứng ngoài chân lí.

09.“Thiên ma” tức ma vương Ba tuần ở cõi trời thứ sáu (tức cõi trời Tha hóa tự tại của cõi Dục – HC), có vô số quyến thuộc, thường gây chướng ngại cho những người tu hành theo đạo giác ngộ.
PHỤ CHÚ

(01) Ba Ngôi Báu Phật, Pháp và Tăng, mỗi Ngôi Báu đều có tướng trạng khác nhau: Phật là bậc có tư cách và phẩm hạnh cao thượng, trải một thời gian tu hành đã thành bậc đại giác, chấm dứt sinh tử luân hồi; Pháp là tất cả những giáo pháp của Phật đã nói ra trong suốt thời gian tại thế, nhằm xiển dương các chân lí mà Ngài đã khám phá; Tăng là tất cả đồ chúng nguyện tu tập theo giáo pháp của Phật. Vì Ba Ngôi Báu, mỗi Ngôi Báu đều có tướng trạng khác nhau như thế, cho nên gọi là “biệt thể Tam Bảo” hay “biệt tướng Tam Bảo”. Bản chất của Ba Ngôi Báu là trong sạch, sáng suốt, dứt tuyệt phiền não, phá tan vô minh, giải thoát sinh tử luân hồi, cho nên gọi là “chân thật Tam Bảo”.

(02) Các hình tượng (Phật), ba tạng giáo điển Kinh Luật Luận (Pháp), và tập thể những người tu học và xiển dương Phật pháp (Tăng), là Ba Ngôi Báu ở thế gian trong thời không có Phật tại thế, có năng lực duy trì và lưu truyền Phật pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác, gọi là “trụ trì Tam Bảo” hay “thế gian trụ trì Tam Bảo”.

(03) Đứng về thể tánh chân lí, hễ nói đến “chúng sinh” là liền có đủ cả ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng, đó gọi là “lí thể Tam Bảo”.

(04) Nói về ý nghĩa cùng bản chất, tuy ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng có ba tên khác nhau, nhưng thể tánh thì chỉ là một: Trong mỗi ngôi báu Phật, Pháp hay Tăng đều có đầy đủ cả ba ngôi báu. Đó gọi là “nhất thể Tam Bảo”, hay “đồng thể Tam Bảo”, hoặc “đồng tướng Tam Bảo”.

(05) Từ Hán ngữ “chính danh” nghĩa là đúng với danh phận. Thầy thì sống, xử sự đúng với cương vị bậc thầy; trò thì sống, xử sự đúng với cương vị học trò; tì kheo thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị tì kheo; sa di thì sống, xử sự đúng với cương vị một vị sa di; v.v... Như thế gọi là “chính danh”. “Định Phận” nghĩa là thân phận được xác định rõ ràng, không mập mờ. Muốn trở thành một Phật tử thì điều kiện thiết yếu đầu tiên phải là “qui y Tam Bảo”. Chỉ có hành động “qui y Tam Bảo” mới xác định thân phận mình là một Phật tử chính thức – tức là “định phận”; và cũng chỉ có hành động “qui y Tam Bảo” mới chứng minh được cái danh nghĩa Phật tử của mìn tức là “chính danh”.
BÀI TẬP

1) Thời đức Thích Tôn trụ thế, Ba Ngôi Báu đầu tiên được thành lập vào lúc nào?

Thời đức Thích Tôn còn trụ thế, Ba Ngôi Báu được thành lập đầu tiên lúc đức Thích Tôn độ cho năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như tại vườn Lộc dã.

2) Đại thừa coi những gì là Ba Ngôi Báu? Tiểu thừa coi những gì là Ba Ngôi Báu?

Đối với đại thừa, Ba Ngôi Báu gồm có: ba thân của Phật là Phật bảo; giáo pháp sáu pháp qua bờ là Pháp bảo; mười hàng thánh là Tăng bảo. Đối với tiểu thừa, Ba Ngôi Báu gồm có: ứng thân của Phật là Phật bảo; các giáo pháp bốn sự thật và mười hai nhân duyên là Pháp bảo; các hàng Thanh văn, Duyên giác là Tăng bảo.

3) Sau khi Phật diệt độ, “trụ trì Tam Bảo” là gì?

Sau khi Phật diệt độ, tăng tín đồ Phật giáo coi các tượng Phật bằng gỗ, đất, giấy v.v... là Phật bảo; ba tạng giáo điển Kinh Luật Luận là Pháp bảo; chư vị tì kheo là Tăng bảo – và được gọi là “trụ trì Tam Bảo”.

4) Ý nghĩa và công hiệu của việc “qui y Tam Bảo” là gì?

“Qui y” nghĩa là quay về nương tựa. Người phàm phu vì bị vô minh che lấp, nên từ lâu đã bị lầm đường lạc lối, nay nhờ phước duyên gặp được Phật pháp, phát tâm tu học, đó là có sự chuyển hóa tốt. Nhưng điều cốt yếu trước tiên là phải “qui y Tam Bảo” để chính thức trở thành người Phật tử chân chánh, thì mới được gần gũi Tam Bảo, được dạy dỗ, hướng dẫn tu tập; nhờ đó mà đạo nghiệp mới mong thành tựu viên mãn. Đó là ý nghĩa và công hiệu của việc “qui y Tam Bảo”.

5) Việc qui y Tam Bảo có tác dụng làm cho “chính danh” và “định phận”, ý nghĩa đó nằm ở chỗ nào?

Hành động qui y Tam Bảo có tác dụng làm cho người Phật tử được “chính danh” và “định phận”; bởi vì, chỉ sau khi đã qui y Tam Bảo thì người Phật tử mới được công nhận là Phật tử chính thức, trên danh nghĩa cũng như trong thân phận. Với danh nghĩa và thân phận một Phật tử chính đáng, kể từ lúc đó, người Phật tử sẽ tôn kính chư Phật làm bậc Thầy cao tột, vĩnh viễn không nương tựa nơi bất cứ vị trời, thần, ma quỉ nào khác; sẽ tu học theo vô lượng pháp môn của chư Phật, vĩnh viễn không nghe theo các thứ tà giáo và ngoại đạo; sẽ y chỉ nơi chư tăng làm đạo sư thân cận, vĩnh viễn không kết phe đảng hay bè bạn với những kẻ xấu xa, bạo ác, vô lương, bất chánh.

Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
2 Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Tiểu Thừa Và Đại Thừa
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Sự lý viên dung
Thượng Tọa Thích Tâm Hải

Bồ Tát
Cư Sĩ Phương Luân