Home > Khai Thị Phật Học > Ba-Loai-Chuong-Ngai-Cua-Nguoi-Hoc-Phat
Ba Loại Chướng Ngại Của Người Học Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phẩm Xuất Hiện nói được rất rõ ràng, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai. “Vô lượng công đức” là đức tướng, “trí tuệ thánh minh” là trí tuệ, tự tánh của tất cả chúng sanh vốn sẵn đầy đủ. Tại vì sao chúng ta bỏ mất đi trí tuệ công đức vô lượng của chính mình? Xin nói với các vị, nói mất đi không phải chân thật đã mất, tự tánh vốn sẵn có thì làm sao mất đi được? Quyết định không thể mất đi. Hiện tại trí tuệ công đức của chúng ta không khởi được tác dụng, Phật nói cho chúng ta nghe, là do có chướng ngại, tuyệt nhiên không phải mất đi, là bạn có chướng ngại nên ngăn nó không khởi được tác dụng. Chỉ cần bạn đem chướng ngại trừ bỏ thì trí tuệ đức năng của bạn liền lại hiện tiền. Trí tuệ đức năng hiện tiền thì không hề khác biệt cùng mười phương tất cả chư Phật Như Lai.

Rốt cuộc là chướng ngại gì? Phật vì chúng ta nói thẳng một lời, đó là vọng tưởng, chấp trước, “chỉ bởi vọng tưởng, chấp trước mà không được chứng đắc”. Phật nói ra cho chúng ta nghe rồi, chúng ta phải làm sao? Phải đem vọng tưởng xả bỏ, đem chướng ngại trừ bỏ thì bản năng của tự tánh chúng ta liền hồi phục. Phật nói vọng tưởng chấp trước, trong đó còn có phân biệt, có phải Phật nói thiếu hay không? Không phải! Phân biệt có thể bao gồm ở trong chấp trước, cũng có thể bao gồm ở trong vọng tưởng, cũng có thể đem nó tỉnh lược đi. Chúng ta lại nói phân biệt, cái ý này thì rất rõ ràng, rất đầy đủ. Do đây có thể biết, ba loại chướng ngại này trong Phật pháp gọi là phiền não. Chấp trước là kiến tư phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, vọng tưởng là căn bản vô minh, cũng gọi là vô minh phiền não. Ba loại phiền não này, kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, Phật dạy chúng ta cái gì? Đoạn phiền não mà thôi. Sự việc này chúng ta phải thật làm mới được. Phải làm từ chỗ nào? Từ ngay trong cuộc sống thường ngày, từ ngay trong công việc đối nhân xử thế tiếp vật, chân thật đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả bỏ.

“Xả bỏ”, các vị phải ghi nhớ, không phải là xả bỏ trên sự. Trên sự mà xả bỏ, thì những việc của tôi cũng đều buông bỏ, đều không làm nữa, bạn ngày ngày trải qua đời sống mặc áo, ăn cơm, tôi cũng không mặc áo, không ăn cơm, vậy thì bạn hoàn toàn hiểu sai đi ý nghĩa của Phật. Vạn nhất không nên hiểu lầm. Tôi thảy đều buông bỏ, buông bỏ thì chết rồi, chết rồi thì chẳng phải buông bỏ hết rồi sao? Kỳ thật sai rồi, chết rồi cũng vẫn chưa hết. Trên “Kinh Địa Tạng” nói với chúng ta, chết rồi sau 49 ngày lại phải đi đầu thai, chưa có buông bỏ. Nếu họ thật buông bỏ thì họ sẽ không đến đầu thai. Họ còn đến luân chuyển đầu thai trong sáu cõi, có thể thấy được họ chưa buông bỏ. Chết rồi cũng chưa buông bỏ được, việc này chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng, cho tường tận. Cho nên chết rồi thì thật là khó khăn, chân thật là không thể hết. Phật muốn độ chúng ta, hơi thở này của chúng ta chưa dứt thì còn cứu được, hơi thở này dứt rồi thì hết cứu, Phật Bồ Tát cũng không thể nào giúp được. Cho nên nhất định phải chăm chỉ, phải nỗ lực.

Buông bỏ không phải là buông bỏ trên sự, mà là buông bỏ ở nơi tâm, buông bỏ trên tâm lý. Trên sự chẳng phải trên tiêu đề đã viết rất rõ rồi sao, phải làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, làm ra kiểu dáng. Bạn phải làm được càng tốt càng viên mãn, làm ra gương mẫu để cho người khác xem. Đây gọi là giáo hóa chúng sanh. Tuy là làm ra tấm gương tốt nhất, nhưng trong lòng trong sạch không nhiễm một trần. Đó gọi là buông bỏ. Buông bỏ là chỉ sự việc như vậy, vạn nhất không nên hiểu lầm. Cho nên có rất nhiều người nghe giảng hiểu sai đi ý nghĩa, đó là thiểu số không phải đa số, đa số thì phiền phức sẽ lớn. Có một hai người như vậy, công việc của họ đang làm thì không làm nữa, tiền tài trong nhà đều bố thí, đều buông bỏ, sau đó viết thư nói với tôi, họ không có cơm để ăn, phải làm sao? Đó là hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa. Vào thời xưa cũng có một người như vậy làm ra một tấm gương, thế nhưng bạn phải tỉ mỉ mà quan sát họ, họ vẫn còn ăn cơm.

Cư sĩ Bàng Uẩn ở thời triều nhà Đường, ông làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Dụng ý đó rất sâu, chúng ta cũng rất dễ dàng hiểu sai ông. Ông là một người tương đối giàu có, học Phật khai ngộ, ở trong Tông Môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, “đại triệt đại ngộ”. Sau khi ngộ rồi, ông đem gia sản của ông bán hết, chất lên một chiếc thuyền, bơi thuyền đến giữa dòng sông, đục một cái lỗ, nhận chìm nó. Ông đã buông bỏ hết, thảy đều xả hết. Có người hỏi ông: “Bàng cư sĩ! Những tài vật này ông đã không cần nữa, tại vì sao ông không đem nó đi làm những việc từ thiện, cứu tế chúng sanh bần khổ trong xã hội?”. Thực tế mà nói, hành động đó của ông chính là bảo với người một câu nói, đáp án của ông là “việc tốt không bằng không việc gì”. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu, mỗi một người đều vô sự thì thiên hạ thái bình. Vô sự tuyệt nhiên không phải bảo bạn không làm việc, mà là không nên đi phan duyên, tùy duyên thì tốt. Đời sống của ông không vấn đề, ông biết đan dép cỏ, mỗi ngày đi bán dép cỏ, đổi chút ít tiền mua gạo, mua rau, đời sống trải qua được rất tự tại, rất an vui. Ông không cần tiền, không cần phải tích chứa, không cần phải suy nghĩ cho ngày mai. Vì sao vậy? Ông tự tại vãng sanh. Bạn xem trong “Truyện Ký”, người cả nhà đều rất tự tại.

Có một hôm, ông ngồi trong nhà tĩnh tọa, nói với con gái của ông ra bên ngoài xem bây giờ là lúc nào rồi? (Vào thời xưa không có đồng hồ, xem mặt trời đến lúc nào rồi). Cô con gái ông biết được cha mình muốn vãng sanh, xem thử thời gian đến chưa. Con gái ông ra ngoài lớn tiếng nói với ông: “Thời  gian vẫn chưa đến”, rồi đứng ngoài đó vãng sanh. Kết quả, ông già ra ngoài xem, “ây da! Con gái này! Vốn dĩ muốn con gái lo hậu sự cho ta, rốt cuộc ta còn phải lo hậu sự cho nó, nó còn lợi hại hơn ta”. Bạn thử nghĩ xem, sanh tử tự tại, đi được đẹp đến như vậy thì ông còn chuẩn bị cho ngày mai để làm gì, không cần thiết! Chỉ có ở trong Phật pháp tu học, bạn mới có thể đến được loại công phu này, đó là triệt để thấu hiểu chân tướng đối với vũ trụ nhân sanh. Cho nên, khế nhập vào cảnh giới đó có thân hay không vậy? Không có! Vô ngã tướng. Bạn không có thân thì mới có thể hiện ra tất cả thân, nhà Phật gọi là “sanh tử tự tại”. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói tám cái tự tại, nói mười cái tự tại, họ có thể chứng được, chúng ta cũng có thể chứng được. Ngày nay chúng ta không cách gì chứng được chính là bởi vì không buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sự việc dính mắc ở trong lòng quá nhiều. Đó là chướng ngại lớn của phàm phu. Lúc nào bạn buông bỏ thì ngay lúc đó liền thành Phật. Làm Phật, thực tế mà nói là không khó. Chúng sanh và Phật khác biệt ở một niệm. Một niệm giác chính là Phật, một niệm mê chính là chúng sanh. Người niệm Phật thường nói: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Khi chúng ta thường ngày dụng công, một niệm tương ưng thường có, thế nhưng niệm niệm tương ưng thì khó, thì không dễ dàng. Nếu như chúng ta có thể giữ gìn, mỗi ngày có một niệm tương ưng, không nên cho rằng thời gian của một niệm này quá ngắn, một ngày chỉ một lần như vậy thì quá ngắn, mà rất là hy hữu, rất là đáng quý. Bạn có một niệm thì bạn sẽ có hai niệm, có hai niệm thì sẽ có ba niệm. Cho nên đây là cảnh giới tốt, rất khó được.

Năm xưa, tôi ở nơi đây khuyên mọi người niệm Phật, có rất nhiều đồng tu làm việc rất bận rộn, không có thời gian tu thời khóa sớm tối, cho nên tôi khuyên họ dùng “Cách Mười Niệm”. Cách mười niệm của tôi không giống như Pháp sư Quán Đảnh. Pháp sư Quán Đảnh là mười hơi thở, một hơi thở tính là một niệm, một hơi không bắt buộc bao nhiêu niệm. Pháp mười niệm này của tôi chính là mười câu A Di Đà Phật. Nếu như bạn niệm bốn chữ “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, niệm ra mười câu, đại khái một phút thì được rồi. Tuy là thời gian ngắn như vậy, chỉ có mười câu, nhưng phù hợp tiêu chuẩn trên “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói là “một lòng xưng niệm”, “một lòng chuyên niệm”. Trong mười câu Phật hiệu này là bạn một lòng niệm, quyết định không có vọng niệm xen tạp ở trong, chân thật làm được “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, hoàn toàn phù hợp với Bồ Tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Đó là công đức chân thật. Cho nên, không nên nghĩ thời gian quá ngắn, đây là công đức chân thật. Một ngày có được một niệm tương ưng như vậy, đương nhiên số lần niệm càng nhiều càng tốt, cho nên chúng ta liền nghĩ đến một ngày phải nên niệm chín lần. Chín lần niệm thế nào vậy?

  • Khi sáng sớm thức dậy, niệm một lần. Đây được xem là thời khóa sớm. Thời gian một phút thì được rồi. Có tượng Phật thì đối mặt với tượng Phật, không có tượng Phật thì hướng về phía tây.
  • Một ngày ăn cơm ba bữa, trước khi ăn cơm chắp tay niệm mười câu A Di Đà Phật. Cho nên chúng ta không niệm chú cúng dường, chúng ta chắp tay niệm mười danh hiệu A Di Đà Phật, một lòng xưng niệm, vậy thì được thêm ba lần rồi.
  • Buổi sáng bạn đi làm việc, trước khi làm việc niệm qua một lần. Làm việc xong thì niệm một lần. Buổi sáng và buổi chiều là bốn lần.
  • Buổi tối trước khi đi ngủ niệm một lần.

Tổng cộng là chín lần. Chín lần này là định khóa của chúng ta. Mỗi một lần chỉ cần một phút. Ngoài ra, có thời gian thì bạn có thể niệm nhiều càng tốt. Phương pháp này rất có hiệu quả, lại không chướng ngại bạn làm việc, đích thực là tiện lợi đến cùng cực. Làm thế nào niệm được chân thật có hiệu quả, nắm chắc được phần vãng sanh? Phải xem bình thường công phu buông bỏ, nhìn thấu của bạn. Buông bỏ, nhìn thấu là giác ngộ, bạn thông suốt đối với tất cả pháp thế xuất thế gian. Thông suốt chính là nhìn thấu, không còn chấp trước chính là buông bỏ. Bạn có thể chân thật làm đến được tùy duyên, tùy duyên chính là buông bỏ, phan duyên là chấp trước, tùy duyên mà không phan duyên. Tuyệt nhiên không phải dạy chúng ta đem công việc đáng phải làm cũng bỏ không làm, vậy thì sai rồi. Tùy duyên chính là tùy thuận cơ duyên, chúng ta phải nên làm.

Như gần đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên cùng những vị đổng sự của Cư Sĩ Lâm bàn đến việc của Thôn Di Đà, cũng bàn đến việc của Phật Học viện. Việc này có phải là phan duyên hay không? Không phải! Đó là tùy duyên. Chúng ta bình lặng mà quan sát, có được cơ hội có thể thành tựu, chúng ta nỗ lực đem nó xúc tiến, đó là tùy duyên. Nếu như xem thấy không có cơ hội này, rất là miễn cưỡng mà đi làm, chưa chắc có thể làm được thành công, đó là phan duyên. Việc này phải có trí tuệ. Bạn không có trí tuệ quan sát, cái gì là tùy duyên, cái gì là phan duyên, bạn cũng không rõ ràng. Tùy duyên là một chút miễn cưỡng cũng không có, làm được rất tự tại, rất an vui, chân thật làm đến được pháp hỷ sung mãn, là vì Phật pháp cửu trụ thế gian, vì tất cả chúng sanh có nhân duyên được độ, không vì chính mình. Chính mình tâm địa thanh tịnh vô nhiễm, Đại Sư Huệ Năng đã nói “vốn dĩ không một vật”, chính mình đích thực là trụ ở “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, vì Phật pháp, vì chúng sanh, như vậy chăm chỉ nỗ lực mà phục vụ. Đó chính là hai bên “không có”, đều không trụ. Đó là tinh thần của Bồ Tát Đại Thừa, đời sống của Bồ Tát, việc làm của Bồ Tát, hai bên đều không trụ, tâm địa thanh tịnh không nhiễm một trần, vì Phật pháp vì chúng sanh đang phục vụ, chưa từng nghỉ ngơi, không trụ vào không, không trụ vào có, không có hai bên đều không trụ. Chỗ này không giống người mê hoặc. Người thế gian mê, người thế gian chấp có, người nhị thừa chấp không. Phật nói, chấp trước hai bên đều là sai lầm. Bồ Tát là trung đạo. “Trung đạo đệ nhất nghĩa đế”. Trung đạo chính là không trụ hai bên.

Cho nên, chúng ta từ trong phẩm Kinh văn này đích thực có được thể hội rất sâu, cũng có cảm khái rất sâu, biết được hiện tiền chúng ta phải nên làm những việc gì. Nhất định phải tuân thủ giáo huấn ở trong Kinh điển, đặc biệt là hai đoạn sau cùng “đức dụng vô phương”“tự lợi đức” cùng “lợi tha đức”. Đó là tổng nguyên tắc chỉ đạo sinh hoạt làm việc tu học của chúng ta. Chúng ta có thể tường tận, có thể y giáo phụng hành, liền có thể cùng các vị đại Bồ Tát trong hội này, các Ngài được trí tuệ thánh minh công đức Phật, chúng ta tuy là không thể chứng đắc viên mãn, nhưng cũng có thể có được chút ảnh hưởng, cũng dần dần tiếp cận được gần hơn, trong bốn gia hạnh gọi là “noãn vị”. Đó là hiện tiền chúng ta phải nên giác ngộ, phải nỗ lực, biết được sứ mạng của chính mình là rất nặng.
 

Trích từ: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải Quyển 1

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Chú Giải Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân Kinh Giảng Ký Quyển 1, 2, Đại Lão Hòa Thượng Thích Mộng Tham | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Luận, Đại Sư Thái Hư | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát | Cố Giáo Sư Cao Hữu Đính, Việt Dịch
5.    Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ
7.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
8.    Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh (Giản Chú Dịch Giải), Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Nguyên Trừng, Việt Dịch
9.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa
10.    Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Ký Tuyển, Đại Lão Hòa Thượng Thích Mộng Tham | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Bồ Tát Giới Vận Thành Hạ Liên Cư | Tâm Tịnh, Việt Dịch
12.    Kinh Thần Chú Bát Cát Tường, Khuyết Danh | Thích Nguyên Lộc, Việt Dịch
13.    Luận Khởi Tín Đại Thừa, Mã Minh Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
14.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hợp Giải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
15.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Việt Dịch
16.    Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Lưu Thừa Phù | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
17.    Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Bồ Tát Giới Vận Thành Hạ Liên Cư | Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Việt Dịch
18.    Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Bồ Tát Giới Vận Thành Hạ Liên Cư | Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Việt Dịch
20.    Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải Lần Thứ 10, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch