Home > Khai Thị Phật Học > Bon-Cach-Thu-Phuc-Bon-Tam-Long-Rong-Lon-Bon-Loi-Nguyen-Lon
Bốn Cách Thu Phục Bốn Tấm Lòng Rộng Lớn Bốn Lời Nguyện Lớn
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Các vị Bồ tát muốn tế độ chúng sinh, trước hết phải thực hành bốn cách thu phục, làm cho chúng sinh nẩy sinh thiện cảm đối với mình, qui hướng về mình, từ đó họ mới chịu nghe theo lời mình nói mà tu tập Phật pháp. Bốn cách thu phục gồm có: Một, thu phục bằng cách bố thí, tức là dùng tiền của hay giáo pháp để giúp đỡ người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người. Hai, thu phục bằng lời nói hòa ái, tức là dùng cách nói năng khéo léo làm cho người ta an vui và sáng tỏ, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ. Ba, thu phục bằng hành động lợi ích, tức là làm những công việc giúp ích cho người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người. Bốn, thu phục bằng cách cùng làm việc, tức là người ta ưa thích công việc gì, mình hãy cùng làm công việc đó với người ta, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ. Bồ tát đã thực hành bốn cách thu phục như thế thì ắt được mọi người thương mến, kính nể và tin tưởng; từ đó họ sẽ nghe theo lời khuyên nhủ, hướng dẫn, và chấp nhận sự rèn luyện của mình.

Các vị Bồ tát, bên ngoài thực hành bốn cách thu phục, thì bên trong phải lấy “bốn tấm lòng rộng lớn” làm căn bản. Có như vậy thì ngoài và trong mới hợp nhất, mới đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Bốn tấm lòng rộng lớn gồm có: Cho tất cả niềm vui, gọi là lòng từ rộng lớn; cứu vớt tất cả nỗi khổ, gọi là lòng bi rộng lớn; thấy người khác làm lành hoặc có được niềm vui, mình thật tâm hoan hỉ, gọi là lòng hỉ rộng lớn; đối với kẻ oán người thân đều cư xử bình đẳng, không thương người này ghét người kia, gọi là lòng xả rộng lớn. Chữ “xả” cũng lại có nghĩa, sau khi đã thực hiện hạnh bố thí chẳng hạn, chúng ta không để cho tâm bị vướng mắc vào sự tướng bố thí; đối với các hạnh trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, v.v... cũng vậy, trong thì buông xả mọi tâm niệm, ngoài thì buông xả mọi trần cảnh, như thế gọi là “xả”. Bồ tát có đầy đủ bốn tấm lòng rộng lớn như trên mới có thể thực hiện sự nghiệp lợi tha.

Lại nữa, các vị Bồ tát khi mới phát tâm tu tập, ắt phải duyên theo bốn sự thật mà phát “bốn lời nguyện lớn“(1), nhằm mở rộng tâm lượng và minh định đường hướng đi tới. 1) Duyên theo sự thật về khổ đau, đối với các loài hữu tình trong sáu đường đang phải chịu vô lượng đau khổ, Bồ tát phát nguyện: “Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.” 2) Duyên theo sự thật về các nguyên nhân của khổ đau, đối với vô số phiền não tích tụ từ vô thỉ đến nay, Bồ tát phát nguyện: “Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.” 3) Duyên theo sự thật về con đường diệt khổ, đối với tất cả các pháp môn trong tiến trình tu tập, Bồ tát phát nguyện: “Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.” 4) Duyên theo sự thật về đạo quả giải thoát, đối với thành quả cao tột, hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng của cảnh giới niết bàn, Bồ tát phát nguyện: “Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.” Phàm những ai tu tập theo con đường Bồ tát, đều phải nương theo bốn lời nguyện lớn này, và lấy đó làm phương châm dẫn đạo cho mình vậy.

Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã nói: “Hãy thực hành bốn cách thu phục: bố thí, nói năng khéo léo, làm những việc giúp ích, cùng làm việc. Hãy tu tập bốn tấm lòng rộng lớn: lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, lòng hỉ rộng lớn, lòng xả rộng lớn. Hãy phát đủ bốn lời nguyện lớn: đoạn trừ tất cả triền cái, thường hóa độ chúng sinh, tu tập tri kiến(2) Phật, thành đạt quả vị giác ngộ vô thượng.” Thế mới biết, tất cả mọi hành động vừa trình bày ở trên, đều là những việc thiết yếu của một vị Bồ tát để đạt được quả Phật.


CHÚ THÍCH

01. Ý nói nuôi dưỡng thành nhân tài, giống như mùi hương ướp vào đồ vật, gốm nung tạo ra đồ dùng.

02. Cũng gọi là “tứ đế” hay “tứ thánh đế”. Xin xem chú thích số 1, bài 11.

03. Đây là sáu nẻo mà chúng sinh hằng luân chuyển qua lại, cho nên gọi là “lục đạo”. Lại nữa, đó là sáu nơi mà tất cả chúng sinh đều chiếu theo nghiệp báo lành dữ của đời trước mà chuyển sinh đến, nên cũng được gọi là “lục thú”. Từ trên xuống dưới có: Trời, Người, A tu la, Súc sinh, Ngạ quỉ, Địa ngục.

04. Tiếng Phạn là “tát đỏa”, cựu dịch là “chúng sinh”, tân dịch là “hữu tình”, tiếng gọi chung của tất cả các loài động vật, là những loài có tình thức và tình ái.

05. “Triền” (trói buộc) là một tên khác của phiền não, vì phiền não hay trói buộc người, khiến cho con người thân tâm không được tự tại. “Cái” (che lấp) cũng là một tên gọi khác của phiền não, vì phiền não hay che lấp lòng tin thanh tịnh của hành giả, khiến cho nó không thể khai phát được. “thập triền”(3) (mười thứ trói buộc) và “ngũ cái”(4) (năm thứ che lấp) đều là những số lượng của phiền não, cho nên gọi là “triền cái”.

06. Tại ý thức là “tri”, tại nhãn thức là “kiến”; rõ biết là “tri”, suy tìm là “kiến”; ba trí(5) là “tri”, năm loại mắt thấy là “kiến”, đều là tác dụng của trí tuệ. PHỤ CHÚ

(01) Có thể nói rõ hơn, bốn lời nguyện lớn đã gắn bó chặt chẽ với giáo lí bốn sự thật, hay xác đáng hơn nữa, chúng đã được đặt nền tảng trên giáo lí bốn sự thật. Từ bi, trí tuệ, hùng lực và chí nguyện thành Phật chính là những đức tính làm động cơ thúc đẩy cho hành giả phát bốn lời nguyện lớn ấy. Hành giả nhìn thấy sự thật khổ đau (khổ đế) trong kiếp sống chúng sinh, và đức từ bi đã thúc đẩy hành giả phát nguyện giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau. Hành giả thấy rõ sự thật phiền não chính là nguyên nhân gây ra khổ đau (tập đế) cho chúng sinh, và đức dũng mãnh (hay hùng lực) đã thúc đẩy hành giả phát nguyện diệt trừ phiền não – nếu không đủ hùng lực thì không thể diệt trừ phiền não. Hành giả thấy rõ sự thật trong Phật pháp có nhiều pháp môn để dứt trừ phiền não (đạo đế), và đức trí tuệ đã thúc đẩy hành giả phát nguyện học tập và thực hành các pháp môn ấy trong đời sống hằng ngày. Với từ bi, trí tuệ và hùng lực làm động cơ, hành giả đã phát ba lời nguyện lớn như trên. Hoàn thành ba lời nguyện lớn đó tức là hoàn thành công việc tự độ và độ tha, hoặc tự giác và giác tha, đó chính là tư cách của một đức Phật. Nói khác đi, khi hành giả đã phát ba lời nguyện lớn ở trên tức đồng thời cũng là phát nguyện thành Phật (diệt đế), là sự nghiệp giác ngộ trọn vẹn, là thành quả tối thượng của một tiến trình tu tập tinh tấn.

(02) Tri kiến: là sự thấy biết, sự hiểu biết, tương đương với một thuật ngữ Phật học khác là “kiến giải”. “Tri kiến” là những kiến giải có được do năm thức mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, thu thập kinh nghiêm từ cuộc sống, từ mọi hiện tượng trong vũ trụ, cộng với sự suy nghĩ, phân biệt, phán đoán v.v... của ý thức. Tùy theo phàm phu hay thánh nhân mà tri kiến có trình độ thấp cao khác nhau: tri kiến của người thường không giống với tri kiến của bậc Thanh văn; tri kiến của Thanh văn không giống như tri kiến của chư vị Bồ tát v.v...; và ngay cả tri kiến giữa những kẻ phàm phu cũng khác nhau nhiều. Vì vậy, “tri kiến” không giống với “trí tuệ” (tức trí bát nhã) – là trí không phân biệt, xa lìa sự suy nghĩ, phán đoán của tâm thức. Và chỉ có tri kiến của Phật (cũng gọi là “tri kiến ba la mật”) mới gọi được là trí tuệ, hay nói cách khác, chỉ có ở địa vị Phật thì tri kiến với trí tuệ mới là một. Kinh Pháp Hoa nói, đức Phật ra đời là vì một nguyên nhân vô cùng quan trọng, đó là dẫn dắt chúng sinh nhập vào tri kiến Phật. Câu nói đó có nghĩa là, đức Phật hóa độ cho chúng sinh chứng đắc các quả vị Thanh văn, Duyên giác, thậm chí là Bồ tát, đều chỉ là phương tiện mà thôi, chứ cái quả vị cứu cánh phải là Phật quả, tức là quả vị giác ngộ trọn vẹn, cao tột, duy nhất; đó là tri kiến của Như Lai, thứ trí tuệ siêu việt, vượt khỏi mọi khái niệm, mọi suy tư, phân biệt của tâm thức.

(03) Mười thứ trói buộc (thập triền): Đây là mười loại phiền não khởi lên từ các phiền não căn bản (tham, sân, si), thúc đẩy chúng sinh tạo các nghiệp xấu ác, rồi cứ bị trói buộc mãi trong vòng sinh tử, không thoát li ra được. Đó là các phiền não: 1. Phẫn: Gặp việc trái ý thì tức giận, làm mất chánh niệm. 2. Phú: Tính hay che dấu tội lỗi của mình. 3. Tật: Thấy người khác có đức hạnh cao thượng, được mọi người kính mến, qui hướng, thì không biết kính trọng, không gần gũi để học hỏi, lại còn ganh ghét, nói xấu, hay xa lánh. 4. Xan: Tính keo kiệt. Có tiền của thì không muốn chia sớt để cứu giúp người; có kiến thức thì không muốn san sẻ cùng người. 5. Vô tàm: Mình không có đức hạnh, luôn luôn tạo lầm lỗi mà không biết ăn năn, tự thẹn. 6. Vô quí: Thấy người khác không làm lỗi, có đức hạnh cao thượng mà không tự biết hổ thẹn. 7. Trạo (điệu) cử: Tâm niệm lúc nào cũng giao động lăng xăng, không trầm tĩnh, khiến cho không thể nào tu tập thiền quán được. 8. Hôn trầm: Tâm thần tối tăm, dật dờ, trì trệ, không nhận thức được các pháp lành. 9. Hối: Hay nghĩ nhớ về những tội lỗi đã qua, làm cho tâm lúc nào cũng bất an. 10. Miên: Ham ngủ cho nên trở thành lười biếng, tâm thần mỏi mệt, yếu đuối, không đủ sức để tự kiểm soát mình.

(04) Năm thứ che lấp (ngũ cái): là năm loại phiền não thường che lấp tâm tính của chúng sinh, khiến cho các pháp lành không thể phát sinh được: 1. Tham dục: Tham đắm ngũ dục không biết chán, do đó mà tâm tính bị che lấp. 2. Sân hận: Gặp hoàn cảnh không vừa ý thì sinh cáu giận bực tức, do đó mà tâm tính bị che lấp. 3. Hôn miên: Hôn trầm và ham ngủ, làm cho tâm tính trì trệ, lười biếng, không tỉnh táo, không tích cực hoạt động, tu tập. 4. Trạo hối: Tâm chao động lăng xăng, tán loạn, mãi ôm giữ những việc xấu đã qua rồi sinh phiền muộn, làm cho không định tĩnh, thảnh thơi, nhẹ nhàng. 5. Nghi pháp: Đối với giáo pháp thì nghi ngờ, do dự, khiến cho tín tâm không phát khởi được.

(05) Ba trí (tam trí): tức là ba trình độ của trí tuệ. Có nhiều danh số về “ba trí”:

A. Theo luận Đại Trí Độ, ba trí gồm có: 1) Nhất thiết trí: Trí tuệ của các hàng Thanh văn và Duyêngiác, thấy rõ tổng tướng của tất cả các pháp là không, vô thường, vô ngã. 2) Đạo chủng trí: Trí tuệ của hàng Bồ tát, thấy rõ biệt tướng của tất cả các pháp, mỗi mỗi đều có tính chất đặc thù khác nhau. 3) Nhất thiết chủng trí: Trí tuệ trọn vẹn của Phật, thông đạt cả thông tướng lẫn biệt tướng.

Tông Thiên Thai thì cho rằng, ba trí trên là do ba phép quán không, giả và trung mà có; tức là: nhất thiết trí là do không quán mà có, đạo chủng trí là do giả quán mà có, và nhất thiết chủng trí là do trung quán mà có. Tông này lại y theo ý nghĩa của ba phép quán không, giả, trung mà lập ra hai loại “ba trí” khác nhau: 1) Ba trí biệt tướng: Các vị Bồ tát theo thứ tự tu tập ba phép quán riêng biệt để thành tựu nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí, thấy rõ Phật tánh, thường trú trong cảnh giới niết bàn. 2) Ba trí nhất tâm: Không theo thứ tự như trên, mà dung thông ba chân lí vào một cảnh, chỉ trong một niệm mà có đủ ba phép quán, cho nên cũng chỉ trong một niệm mà chứng đắc cả ba trí, không có thứ tự trước sau.

B. Ba trí cũng là thanh tịnh trí, nhất thiết trí và vô ngại trí. 1) Thanh tịnh trí là trí tuệ tuyệt đối của chư Phật, do quán chiếu chân lí tuyệt đối, đoạn trừ tất cả các tập khí phiền não, giải thoát mọi thứ chướng ngại, hoàn toàn không còn ô nhiễm. 2) Nhất thiết trí là trí tuệ theo thế tục của chư Phật, biết rõ tất cả pháp tướng, như: tất cả thời, tất cả cõi, tất cả sự việc, tất cả chủng loại. 3) Vô ngại trí cũng là trí tuệ theo thế tục của chư Phật, tức là, đối với bốn loại “tất cả pháp tướng” (thời, cõi, sự việc, chủng loại) ở trên, hễ khởi niệm là biết rõ ngay, không nhờ phương tiện, không cần suy nghĩ, không có gì làm trở ngại được. Cả ba loại trí tuệ trên đều thuộc về nhất thiết chủng trí.

C. Ba trí cũng là thế gian trí, xuất thế gian trí và xuất thế gian thượng thượng trí. 1) Thế gian trí là trí tuệ của phàm phu và ngoại đạo, đối với vạn pháp luôn luôn khởi niệm phân biệt, chấp có chấp không, cho nên không thể nào giải thoát khỏi thế gian. 2) Xuất thế gian trí là trí tuệ của hàng Thanh văn và Duyên giác, do tu tập bốn sự thật và mười hai nhân duyên mà thoát li thế gian, nhưng vì còn đắm vào tướng chung mọi người và tướng riêng mình, nên còn thấy có sinh tử để chán ghét và có niết bàn để mong cầu. 3) Xuất thế gian thượng thượng trí là trí tuệ của chư Phật và Bồ tát lớn, thấy rõ vạn pháp là tịch tịnh, không sinh không diệt, vượt hẳn các hàng Thanh văn và Duyên giác.

D. Ba trí cũng là ngoại trí, nội trí và chân trí. 1) Ngoại trí là trí tuệ phân biệt rõ ràng sáu căn sáu trần, thông suốt cổ kim, rành rẽ việc đời. 2) Nội trí là trí tuệ diệt trừ phiền não vô minh, làm cho tâm ý được vắng lặng. 3) Chân trí là trí tuệ thấy rõ thể tính vốn vắng lặng của vạn vật, không còn phân biệt có dơ có sạch.

Đ. Ba trí cũng là hạ trí, trung trí và thượng trí. 1) Hạ trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Thanh văn. 2) Trung trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Duyên giác. 3) Thượng trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Bồ tát và chư Phật. BÀI TẬP

1) Bồ tát tế độ chúng sinh, trước hết cần phải thực hành bốn cách thu phục, vì sao?

Bồ tát tế độ chúng sinh, trước hết cần phải thực hành bốn cách thu phục; vì có làm như vậy thì mọi người sẽ dễ dàng sinh thiện cảm với mình, qui hướng về mình, tin tưởng nơi mình, và sau đó thì sẽ nghe theo sự dẫn dắt của mình một cách dễ dàng để tu học Phật pháp.

2) Bốn cách thu phục là những gì? Bốn cách thu phục gồm có:

1. Bố thí, tức là dùng tiền của để cứu giúp người về phương diện vật chất, hoặc dùng Phật pháp để giúp đỡ người về phương diện tinh thần, nhân đó mà thu phục và dẫn dắt người.

2. Lời nói hòa ái, tức là dùng cách nói năng khéo léo, đầy tình thương, làm cho tâm người ta an vui và trong sáng, nhân đó mà thu phục và dẫn dắt họ.

3. Hành động lợi ích, tức là làm những công việc giúp ích cho người, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn người.

4. Cùng làm việc, tức là người ta ưa thích việc gì, mình hãy cùng làm việc đó với họ để tạo sự cảm thông, nhân đó mà thu phục và dắt dẫn họ.

3) Bốn tấm lòng rộng lớn là gì? Thử nói về tác dụng của chúng.

Bốn tấm lòng rộng lớn là bốn đức tính căn bản của một vị Bồ tát để thực hành bốn cách thu phục vừa nói ở trên, gồm có:

1. Lòng từ rộng lớn, tức là đem lại niềm vui cho mọi người.

2. Lòng bi rộng lớn, tức là giúp mọi người dứt trừ hoặc làm vơi bớt khổ đau.

3. Lòng hỉ rộng lớn, tức là thấy người ta làm được việc tốt, có được an vui, mình khởi tâm hoan hỉ chân thành đối với người đó.

4. Lòng xả rộng lớn, tức là đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không có tâm phân biệt như thương người thân, ghét kẻ nghịch. Mặt khác, dù làm được một hạnh tốt, như bố thí chẳng hạn, mình cũng không để cho tâm bị dính mắc vào việc ấy, buông bỏ tất cả sự tướng, để cho tâm hoàn toàn vắng lặng, trong sáng.

Hành giả thực hành hạnh Bồ tát, phải tu tập đầy đủ bốn tấm lòng rộng lớn này, lấy đó làm những đức tính thiết yếu, căn bản để thực hiện bốn cách thu phục hóa độ chúng sinh, trong và ngoài khế hợp, thì sự nghiệp lợi tha tất sẽ thành tựu viên mãn.

4) Bốn lời nguyện lớn là gì?

Bốn lời nguyện lớn là bốn lời phát nguyện cao thượng, nói lên ý hướng và quyết tâm của một hành giả khi tu tập theo con đường Bồ tát, là thành Phật và cứu độ chúng sinh; gồm có:

1. Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.

2. Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.

3. Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.

4. Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.

5) Hãy nêu rõ: ở bốn lời nguyện lớn, trong mối liên hệ với bốn sự thật, lời nguyện nào duyên theo sự thật nào mà phát ra?

Bốn lời nguyện lớn là duyên theo bốn sự thật mà phát ra:

1. Duyên theo sự thật về nỗi khổ đau (khổ đế) không kể xiết mà tất cả chúng sinh trong sáu đường đang chịu đựng, Bồ tát phát nguyện: “Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.”

2. Duyên theo sự thật về nguyên nhân gây ra đau khổ (tập đế) triền miên cho chúng sinh chính là mọi thứ phiền não tích chứa từ vô thỉ đến nay, Bồ tát phát nguyện: “Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.” 3. Duyên theo sự thật về con đường diệt khổ (đạo đế) gồm có vô lượng pháp môn, Bồ tát phát nguyện: “Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.” 4. Duyên theo sự thật về đạo quả giải thoát (diệt đế) là cảnh giới niết bàn cao tột, hoàn toàn thanh tịnh và vắng lặng, Bồ tát phát nguyện: “Quả Phật không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.”

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch