Home > Khai Thị Phật Học > Phuong-Phap-Khai-Ngo
Phương Pháp Khai Ngộ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Cách dạy học thời xưa trong Phật pháp và thế pháp đại khái tương đồng, đều theo quan niệm dùng phương cách khơi gợi, chú trọng ngộ tánh của học sinh.  Cách dạy học của nhà Phật là nhằm giúp đỡ học sinh khai ngộ, cách dạy học của Nho gia, Ðạo gia cũng vậy, chẳng đề xướng cách học ký vấn [17], đích thật chẳng giống với cách dạy học ngày nay.  Ngày nay chú trọng cách học thuộc lòng và học tràn lan nhiều môn để tích tụ thường thức phong phú, đây là thuộc cách học ký vấn.  Người xưa chú trọng học thuộc lòng nhằm mục đích tu định, chứ không coi trọng ký ức; người xưa  dùng cách học thuộc lòng để đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, khôi phục tâm thanh tịnh, đây là phương pháp khai mở cánh cửa khai ngộ tốt nhất.  Vì cánh cửa khai ngộ bị bế tắc nên chúng sanh chẳng thể khai ngộ, nếu dẹp bỏ phân biệt và chấp trước thì trí huệ sẽ hiện tiền, đó tức là ‘mở tung cái nút chặn’ (mao tắc đốn khai).

Do đây có thể biết phân biệt chấp trước càng nghiêm trọng thì càng chẳng thể khai ngộ; phân biệt chấp trước nhẹ mỏng thì dễ khai ngộ hơn, đây là lý do tại sao thế pháp và Phật pháp đều coi trọng ‘một môn thâm nhập’.  Trong một giai đoạn nào đó, chẳng kể là học trình dài ngắn, chỉ cho phép học một môn, bất kỳ khóa trình của một môn nào cũng mong cầu có chỗ ngộ, ngộ nhập trong một môn này thì sự dạy học thành công.  Ngược lại nếu chẳng có lãnh ngộ, chẳng khai ngộ, sự dạy học này được kể là thất bại.  Do đó giáo học đích thực chú trọng trên trí huệ và đức hạnh, người sơ học thì đức hạnh đứng hàng đầu, trí huệ đi sau.  Một người có trí huệ nhưng chẳng có đức hạnh rất dễ tạo nên chuyện ác to lớn, gây hại xã hội, thế nên đức hạnh đứng hàng đầu.  Vừa có đức hạnh lẫn trí huệ thì làm việc gì cũng là đại phước, có thể đem lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh.

Giáo học của nhà Nho lấy Khổng Lão Phu Tử làm tiêu chuẩn, Khổng Lão Phu Tử dạy bốn khoa: thứ nhất là đức hạnh, thứ nhì là ngôn ngữ, thứ ba là chánh sự (năng lực kỹ thuật), thứ tư là văn học.  Lúc đức hạnh và kỹ năng đã được thành tựu, nếu có dư sức lực thì mới học văn học nghệ thuật, đề cao đời sống tinh thần.  Thứ tự này rất hợp lý, giáo học của nhà Phật cũng chẳng ngoại lệ, là đoạn phiền não trước sau đó mới học pháp môn; đoạn phiền não tức là đức hạnh, học pháp môn tức là chánh sự.  Tuy trên phương thức vận dụng có thể biến hóa nhưng nguyên lý và nguyên tắc thì vĩnh viễn chẳng biến đổi, đó là triết lý giáo dục.

Xã hội ngày nay có thể nói là hoàn toàn chẳng giống ngày xưa.  Nếu quan niệm giáo học và nguyên tắc sanh hoạt ngày xưa có thể thích ứng và dung hợp với thời đại hiện nay thì chúng sanh sẽ thực sự đạt được hạnh phúc.  Ðây cũng là điều những người có lòng tốt, trong Phật pháp gọi là những Bồ Tát có tâm đại từ bi muốn tìm cách giúp đỡ chúng sanh.  Thế nên Bồ Tát nhất định phải thông suốt hết thảy pháp trong thế gian mới có thể làm thầy của trời và người, mới có năng lực chỉ đạo xã hội, giáo hóa chúng sanh.   Năng lực này tức là trí huệ chân thật và thiện xảo phương tiện.  Chân thật trí huệ là thể, thiện xảo phương tiện là vận dụng, nếu chẳng có chân thật trí huệ thì chẳng thể vận dụng được thiện xảo phương tiện.

Lấy thí dụ: Xã hội thời xưa truy cầu hòa bình, xã hội ngày nay lại khuyến khích cạnh tranh, bề ngoài hai bên hoàn toàn xung đột thì phải làm thế nào để dung hợp?  Nói từ mặt Lý thì dung hợp nhất định có thể làm được vì cả hai đều cùng chung một pháp tánh.  Kinh Ðại thừa nói tận hư không trọn khắp pháp giới đều cùng chung một lý thể, ngay cả pháp giới địa ngục và pháp giới Phật cũng có thể dung hợp, huống gì là những pháp giới khác?  Do đó trên mặt Lý như vậy thì trên mặt Sự đương nhiên cũng có thể làm được.  Trên Sự tướng chúng ta gặp phải khó khăn, nguyên nhân ở tại phân biệt, chấp trước.  Ðặc biệt là ngã chấp nặng nề, niệm niệm đều vì ‘lợi ích của tôi’, người nào cũng chấp trước ‘lợi ích của tôi’, đây là cội rễ của vấn đề, tạo thành chẳng thể dung hòa lẫn nhau, và cũng tạo nên vô lượng vô biên tội nghiệp.  Nếu ‘tôi’ là thật thì còn có thể chấp nhận được; nào ai biết cái ‘tôi’ này chỉ là một khái niệm trừu tượng, hư giả mà thôi.

Khóa trình cơ bản của Pháp Tướng Tông là ‘Bách Pháp Minh Môn Luận’, trình độ của bộ luận này rất cao, là chỗ nhập môn của pháp Ðại thừa, nói rõ về chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Bộ luận này thuộc về ‘Tông Kinh Luận’, giải thích rõ tông chỉ của [những gì] đức Phật nói, trên thực tế là giải thích một câu nói của đức Phật.  Ðức Phật nói: ‘Hết thảy pháp vô ngã’, Bách Pháp Minh Môn Luận lấy câu này làm tông chỉ, quy nạp hết thảy pháp thành một trăm pháp, bách pháp này tức là hết thảy pháp.  ‘Vô ngã’ nói rõ ‘người vô ngã’, ‘pháp vô ngã’, nếu có thể khai ngộ hai việc này thì sẽ hoàn toàn buông xuống ngã chấp và pháp chấp, liền có thể siêu phàm nhập thánh.  Phàm phu chấp trước có ngã, có pháp; Phật, Bồ Tát thì giác ngộ ‘vô ngã và vô pháp’ nên Phật, Bồ Tát trong y báo, chánh báo trang nghiêm của thập pháp giới có thể ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, viên dung tự tại’.

Chúng sanh chấp trước có ngã, có pháp thì vĩnh viễn sẽ không thể giải thoát, vĩnh viễn chịu sanh tử luân hồi, khổ chẳng thể tả nổi.  Người mê hoặc chẳng hiểu chân tướng sự thật này, chỉ có người giác ngộ hiểu được.  Cho dù học tập Phật pháp, nghiên cứu Phật pháp, nhưng họ vẫn còn chấp trước ngã và pháp, vẫn còn khen mình chê người  (tự tán hủy tha).  Ðây là vì còn ngã chấp, chẳng biết chư pháp bình đẳng, chư pháp không tịch, chư pháp duyên sanh nên mới có hành vi này.  Phàm những pháp duyên sanh đều chẳng có tự thể, chẳng có tự tánh, ‘đương thể tức không, liễu bất khả đắc’.  Tướng thì có mà Thể thì không, Sự thì có mà Lý thì không cho nên Tướng là huyễn tướng, Sự như mộng, huyễn, bọt, bóng, đây đều là chân tướng sự thật.

Sau khi hiểu rõ chân tướng rồi thì tâm sẽ định, sẽ thanh tịnh; lúc đó sự cảm thọ, hưởng thọ trong Phật pháp được gọi là ‘chánh thọ’, chánh tức là chánh thường.  Hưởng thọ của người thế gian chẳng chân thường, có ‘khổ, vui, sầu, hỷ, xả’; chánh thọ của Phật pháp chẳng có ‘khổ, vui, sầu, hỷ, xả’.  Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian tuy là có ‘khổ, vui, sầu, hỷ, xả’ nhưng đó là thị hiện, biểu diễn, du hý thần thông, chẳng phải là thiệt.  Phàm phu thiệt có ‘khổ, vui, sầu, hỷ, xả’, chẳng phải diễn tuồng, cho nên tạo nghiệp.  Người chân chánh giác ngộ thì sẽ  giống hệt chư Phật, Bồ Tát, du hý thần thông, tự tại vô ngại.

Học Phật phải gánh vác trách nhiệm tiếp nối huệ mạng của Phật, gánh vác sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, muốn đảm đương sứ mạng này thì nhất định phải ngộ nhập.  Phương pháp ngộ nhập chẳng có gì khác ngoài buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà thôi.  Lúc xử thế, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày phải buông xuống ngã chấp.  Kinh Kim Cang nói đến ‘ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tưởng, thọ giả tướng’, chỉ cần buông xuống một tướng này thì sẽ hoàn toàn buông xuống hết.  Bốn tướng này có sự liên hệ mật thiết, có một tướng thì bốn tướng sẽ đều có, buông xuống một tướng thì sẽ buông xuống cả bốn.  Sau đó đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện tức là công đức chân thật, đây là điều mà chư Phật, Bồ Tát đều tán thán, khen ngợi.  Chúng ta cần phải biết có đủ bốn tướng này là chướng ngại nghiêm trọng cho sự tu học Phật pháp.

Bạn phát tâm từ bi muốn cứu độ hết thảy chúng sanh, muốn cứu chúng sanh thì trước hết phải độ mình cái đã, nếu tự mình chẳng độ được thì sẽ chẳng có năng lực độ chúng sanh.  Cho nên tự tu học và tương lai giúp đỡ chúng sanh đều phải nhờ vào chính mình, tuy chư Phật, Bồ Tát từ bi nhưng cũng chẳng giúp được.  Chư Phật, Bồ Tát chỉ giúp chúng ta trên việc dạy dỗ, nói rõ sự thật chân tướng cho chúng ta nghe, cung cấp phương pháp cho chúng ta tham khảo, nhưng khế nhập vào cảnh giới nhất định phải là sự việc của chính mình, hy vọng mọi người phải hết lòng nỗ lực.

_________

[17] Cách học ký vấn là học thuộc lòng và học nhiều môn để tích tụ kiến thức

 
Trích từ: Kinh Phap Cu