Home > Khai Thị Phật Học > Y-Nghia-Pho-Hien-Hanh-Nguyen-Ke
Ý Nghĩa Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Kết thúc danh hiệu Phật trong phần Hồng danh sám hối là Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật. A Di Đà nghĩa là vô lượng quang, vô lượng công đức và vô lượng thọ. Vô lượng quang tiêu biểu cho trí tuệ. Vô lượng thọ tiêu biểu cho thọ mạng vô cùng. Vô lượng công đức tiêu biểu cho phước đức đầy đủ. Đức Phật A Di Đà có đủ ba điều tốt đẹp tuyệt đỉnh như vậy, Ngài mới kiến tạo được thế giới an lành, chỉ toàn là niềm hỷ lạc cao tột, nên gọi là Cực lạc.

Từ công đức vô lượng mà Phật nhìn lại cuộc đời, Ngài nhận thấy con người trên thế gian này, đa số chỉ nghĩ làm sao có nhiều tiền, được sống lâu, được địa vị cao, được hạnh phúc… Nhưng Đức Phật cho biết những gì đến với con người thì luôn ngược lại với mưu cầu của họ, họ mưu cầu sống lâu thì cuộc sống lại bị ngắn ngủi, mưu cầu hạnh phúc thì lại gánh lấy khổ đau, mưu cầu công danh sự nghiệp rạng rỡ thì cuộc đời lại hẩm hiu, thậm chí còn bị thọ quả báo nặng nề.

Trở lại cuộc sống của Đức Phật A Di Đà, khi Ngài phát tâm đi tu, quan sát của Ngài là quan sát mười phương Phật nhiều hơn, để biết chư Phật tu thế nào mà thành tựu quả vị Phật.

Vì vậy, Ngài đi khắp mười phương cầu học với các Đức Phật và Ngài tổng hợp những gì học được để xây dựng thế giới Cực lạc của Ngài. Đây là điều thiết thực. Phật A Di Đà đã xây dựng Tịnh độ của Ngài bằng công đức.

Còn con người tạo cho mình thế giới tội lỗi, nên sự nghiệp của họ càng lớn, tội lỗi càng nhiều, cho đến cuối đời, quả báo luôn thê thảm. Chính vua chúa phải trả cái giá hưởng thụ sang giàu quyền uy rất đắt. Điển hình như các ông vua Ai Cập xây dựng kim tự tháp, hay Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành, nơi đó chính là mồ chôn biết bao mạng người cho sự vinh danh của các bạo chúa.

Riêng vua Tịnh Phạn cũng đã xây ba tòa cung điện cho Thái tử Sĩ Đạt Ta sống thoải mái, không bị ảnh hưởng nóng lạnh của thời tiết khắc nghiệt và còn vô số người phục vụ để thái tử được vui. Nhưng thái tử với căn lành sâu dày của bậc thánh thiện đã nghĩ rằng niềm vui trong tham dục, nếu có chỉ trong khoảnh khắc mà làm khổ biết bao người, nên Ngài chẳng màng đến và quyết chí rời chốn hoàng cung, đi tìm con đường giải thoát cho mình và cho cả nhân loại.

Làm ít nhưng hưởng thụ nhiều là mang nợ. Đức Phật dạy một ngày không nên sử dụng quá một nửa số tiền mình làm được. Và nếu sử dụng hết số tiền kiếm được, đến cuối đời, già yếu, không làm được thì càng khổ.

Nếu biết sử dụng một nửa số tiền kiếm được, còn một nửa để tái tạo, trong đó mình dành khoảng 10% đầu tư vô các việc công đức. Công đức tuy không thấy bằng mắt, nhưng có ảnh hưởng tốt đẹp lâu dài.

Thật vậy, từ khi tôi xuất gia đến nay được 69 năm, nhờ thực tập pháp này của Phật dạy trong cuộc sống mỗi ngày, nên tích lũy được công đức. Phải dùng 10% mình có để tích lũy vô quỹ công đức thì lần lần công đức mới có nhiều được.

Còn những người làm ít, hưởng nhiều, thì phước mau cạn kiệt. Làm được bao nhiêu hưởng hết, tất nhiên chẳng còn gì, phải khổ. Chúng ta là đệ tử Phật cần suy nghĩ lời Phật dạy, phải đầu tư vô quỹ công đức càng nhiều sanh lợi càng lớn.

Điển hình là Đức Phật A Di Đà đầu tư vô công đức nhiều đến mức độ không thể tính được, nên công đức của Ngài bao trùm cả Pháp giới, tức ở đâu cũng có.

Phật bảo mình phải thấy được công đức của Phật và đầu tư vô đây. Tôi đã nhận thức sâu sắc lý này, nên từ thuở nhỏ, tất cả những gì tôi làm đều hồi hướng Tây phương Tịnh độ của Phật A Di Đà, gởi hết cho Phật, chỉ để một phần nhỏ để ăn để sống. Thành thật mà nói suốt đời tôi ít dành cái gì riêng cho mình, tôi hà tiện tối đa. Trong cuộc sống, tôi chưa bao giờ sắm một bộ đồ, chưa lo miếng ăn. Tôi hạ thấp nhu cầu đến bằng không, tức tâm nghĩ mình không có nhu cầu nào, nên Phật sử dụng tôi. Tôi không đòi hỏi Phật cho gì. Vì vậy, Phật đồng ý sử dụng tôi thì kho vô tận tạng của Phật A Di Đà trùm khắp Pháp giới và nếu mình sử dụng được kho báu này, tất nhiên sẽ nhận được kết quả lợi lạc vô cùng quan trọng. Những thứ khác người ta thấy, nên lấy được. Còn kho vô tận tạng của Phật A Di Đà không ai lấy cắp được.

Thể hiện lý sâu xa này, Phật Thích Ca thuyết pháp trong 49 năm, Ngài nói hạt châu trong chéo áo, hay hạt châu trên đỉnh đầu. Đây chính là chìa khóa mà Phật dạy mình để sử dụng kho vô tận tạng không thấy bằng mắt, nhưng dùng hoài không hết.

Vì vậy, có câu nói rằng của vua thua của Phật, vua ôm hết của thiên hạ, nhưng ông không thể dùng được. Của Phật hiện hữu khắp mọi nơi, nên chúng ta xây dựng chùa cũng đặt tượng Phật lên và phải hiểu đây là tài sản của Phật.

Tu Pháp hoa là sử dụng chìa khóa Phật trao cho, gọi là hạt châu trong chéo áo. Áo tiêu biểu cho thân tứ đại ngũ uẩn. Như vậy, chìa khóa mở kho báu của Phật A Di Đà nằm trong thân tứ đại của mình. Và thí dụ hạt châu trên búi tóc cũng để diễn tả ý này.

Hạt châu trong chéo áo và hạt châu trong búi tóc, hai thí dụ này quan trọng tiêu biểu cho đạo đức và trí tuệ. Kết hợp đạo đức và trí tuệ sẽ mở được kho báu của Phật.

Kinh Vô lượng nghĩa là tất cả kinh Phật nói trong 49 năm đều bao gồm đạo đức và trí tuệ chính là chìa khóa mở kho báu.

Kinh Nguyên thủy cũng nhắc đến đạo đức và trí tuệ. Đạo đức ban đầu Phật dạy là làm cho người khác hưởng. Người ở không, hưởng của người khác là thất đức, phải cho ăn hoài làm sao người ta vui được. Thể hiện ý này, Phật nói nếu các thầy không thực tu, không làm được gì lợi lạc cho đời, thì đời sau tái sanh phải trả món nợ này rất nặng.

Khi quán tưởng, tôi thấy người ta cúng dường, tôi sợ. Không có người nào cúng mà không mong cầu lớn hơn. Cúng Phật một nải chuối, nhưng Phật nghe mình xin đủ thứ chuyện. Quả thực, ăn của này trả giá đắt, không tiêu nổi. Hưởng của người khác không thể được lâu dài. Nhưng làm cho người lâu dài là có đạo đức.

Các thầy tu là khất sĩ, tức ăn xin của bố thí. Vì vậy, chưa làm được thì không dám ăn. Phải ráng tu, vượt lên được sự chi phối của tình cảm, của xã hội, tức tham, sân, si, mạn, nghi trong mình mất, hay nghiệp chướng trần lao phải xóa, là đạo đức. Vì vậy, thầy tu khởi một niệm tâm nổi nóng thì tiêu mất hết công đức, tu khó là vậy.

Tu hành, đoạn sạch nghiệp chướng trần lao thì người này sống trên cuộc đời vô thưởng vô phạt, tức chưa làm tốt cho đời, nhưng cũng không hại đời là đã phát sinh đạo đức. Và làm được như vậy, tiến lên, ở đâu phải làm lợi ích cho chỗ đó và họ không nghĩ lợi ích cho riêng mình. Nếu làm lợi ích cho mình, nhưng làm tổn hại cho người thì Phật nói đó là tổn hại âm đức của mình. Thí dụ người có hàng không bán được, đến thầy bùa cho bùa để bán được món hàng này. Người bị mắc bùa, nên đã mua lầm hàng này, họ hận. Người bán hàng được lợi trước mắt, nhưng bị thiệt về sau là bị người hận, bị mất phước.

Vua chúa sống hưởng thụ nhiều, rất tốn kém, Phật thấy họ mất phước như vậy. Cho nên khi còn là thái tử, một trong những lý do khiến Ngài bỏ ngôi vua đi tu, vì không muốn sống xa hoa, tốn kém lãng phí để rồi mất phước như các ông vua trên thế gian này, chỉ gây thêm khổ đau cho người khác và cho chính họ.

Tu hành mới nhận thấy sự thật rằng hưởng thụ nhiều mà làm ít, phước mau cạn kiệt. Làm nhiều hưởng ít mới có thặng dư phước đức và có phước đức mới tạo nên phước đức. Có nghiệp làm sao tạo phước đức, chỉ nghĩ ăn của người, ai mà chấp nhận.

Vì vậy, đầu tiên phải tu cho được cuộc sống vô thưởng vô phạt, người ta không sợ mình là mới bước đầu và tiến lên, khi được người tin cậy thì mới bắt đầu làm được. Thể hiện lý này, các thầy phải làm sạch nghiệp mình trước, mới tích lũy phước đức và đến độ cao, phước sanh phước.

Đức Phật A Di Đà có Pháp giới tạng thân là vậy, tức Ngài không cần làm nữa, nhưng do Pháp giới tạng thân bao trùm Pháp giới rồi.

Chúng ta chỉ thấy thế giới. Phật thấy Pháp giới, tức thế giới không thấy bằng mắt, phải thấy bằng tâm, bằng trí. Hạ thấp là chúng ta thấy Pháp giới bằng niềm tin.

Phật nói Pháp giới là tánh Không, nhưng trong Không có cái Có. Trong kinh Bát nhã ghi rằng: "Tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc. Tùy chúng sanh tâm, ưng sở vi lượng”. Điển hình như trước khi hình thành vũ trụ thì vũ trụ không có, nhưng hình thành vũ trụ là từ không mà thành có; ý này cũng được diễn tả rằng "Không sanh đại giác trung”.

Thân của Phật A Di Đà bao trùm Pháp giới. Chúng ta thấy được thân đó hay không. Người thấy được thì mới nói: "Phật A Di Đà thân kim sắc. Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm. Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào…”. Nghĩa là lông mày trắng của Phật A Di Đà lớn bằng 5 hòn núi Tu Di thì thân của Ngài lớn bao nhiêu.

Phật Thích Ca nói núi Tu Di là cái rún của vũ trụ. Từ đây lên đến cõi Trời Tứ thiên vương, Trời Đao lợi, Trời Tha hóa tự tại, chúng ta có thể hình dung đó là vũ trụ.

Nếu bạch hào tướng của Phật A Di Đà lớn bằng 5 núi Tu Di thì thân Ngài phải bao trùm Pháp giới, gọi là Pháp giới tạng thân. Và quan trọng thân này là tánh Không. Vì vậy, chúng ta tu sao cho thâm nhập tánh Không và tánh Không mới sanh được bát công đức. Chúng ta không thấy Pháp giới tạng thân của Phật A Di Đà bằng mắt, riêng tôi chỉ thấy bằng niềm tin.

Hòa thượng Trí Tịnh gợi cho tôi ý này, thử hình dung tượng Phật Di Đà bao lớn. Người có niềm tin mới thấy. Còn thấy bằng mắt, chỉ nói cao 10m đã không tin được.

Tin được Pháp giới Tạng thân của Phật A Di Đà và người tu được thì nói Phật tùy xứ hiện, tùy hoàn cảnh mà Ngài hiện tướng khác nhau. Người Trung Hoa nói Phật A Di Đà hiện thân ở Trung Hoa nhiều lần, nhiều chỗ, tức người có niềm tin ở Phật, có hạt giống thanh tịnh, có nhân duyên với Ngài, Phật mới hiện thân cho người đó thấy để độ họ, gọi đó là hóa thân Phật.

Pháp giới Tạng thân A Di Đà ví như tổng đài. Hiện thân của Phật A Di Đà là hóa thân của Ngài, ví như vệ tinh. Từ vệ tinh truyền xuống hình ảnh và âm thanh đến các tivi, hay máy vi tính có nối mạng.

Nối mạng với Phật bằng cách giữ ba nghiệp thanh tịnh thì sẽ có được sự liên hệ với Phật qua niềm tin của mình. Qua truyền thông đặc thù này, gần nhất là thần giao cách cảm. Hai người có đồng tần số thì cảm nhận được. Thật vậy, tôi nhận được tín hiệu của người bị tai nạn, bị chết. Tiếp nhận tín hiệu của người thân như vậy, mình cảm thấy đau lòng.

Phật nói dễ nhận sự truyền thông nhất là giữa người với người, vì người có thân tứ đại còn sống và người có thân tứ đại vi tế, tức người chết ở trong loại hình khác, nhưng cả hai cùng ở trong Pháp giới. Tôi thường nói rằng người chết thành ma và ma sanh lại thành người, nên người và ma dễ cảm nhận với nhau. Nhưng qua thế giới của chư Thiên, chư Thần thì khó nhận sự truyền thông này. Và thế giới của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát thì càng khó tiếp nhận hơn nữa.

Khi chúng ta tạo phước đức và tu trí tuệ đồng với Phật A Di Đà thì Ngài phóng quang đến mình, làm cho tâm mình sáng và phước đức hiện ra.

Vì vậy, lạy Phật sám hối, đem Phật vô lòng, chúng ta mới đẩy các tội lỗi ra ngoài, gọi là tịnh hóa thân tâm mình. Thể hiện ý này, người lạy Phật thực chỉ thấy Phật, không thấy cái khác. Phật Thích Ca nhắc đơn giản rằng nếu là chân tu thì không thấy lỗi người khác, vì họ chỉ nghĩ đến Phật, làm sao thấy điều xấu được. Người nghĩ xấu là tâm họ đã xấu rồi. Thật vậy, ban ngày thấy việc bất bình, nó tồn tại trong tâm ta lâu ngày trở thành nghiệp của mình, tức mình đã trở thành ác xấu.

Riêng tôi thuở nhỏ tu đã không muốn thấy việc xấu, nên thường để tượng Phật trước mặt để thấy Phật, giữ Phật trong tâm và nhờ đó có kết nối dễ dàng với Phật, còn những thứ khác thì loại khỏi tâm. Nhờ có kết nối miên mật với Phật lâu ngày, nên thăng hoa trên đường đạo nhẹ nhàng.

Kế tiếp sám hối Hồng danh Phật là sám hối theo Phổ Hiền Bồ tát. Phật dạy khi chúng ta tu có thể niệm Phật Di Đà, nhưng tròn được mười hạnh Phổ Hiền và ngược lại, tròn được mười hạnh Phổ Hiền thì tương thông với Phật Di Đà. Hai điều này tác động qua lại.

Đọc kệ Phổ Hiền, chúng ta thường đọc tắt mười hạnh Phổ Hiền. Một là lễ kính chư Phật, nhưng Phổ Hiền dạy đọc suông danh hiệu Phật thì chưa sanh công đức, tức thân lạy Phật, tâm kính trọng Phật và miệng xưng danh hiệu Phật, ba nghiệp thân khẩu ý phải kết hợp lại.

Nhưng Phổ Hiền triển khai thêm là lạy tất cả chư Phật trong ba đời mười phương, không phải lạy một Phật. Nhưng lạy chư Phật trong mười phương ba đời thì lạy bằng gì.

Ban đầu tu bằng tâm. Thí dụ đi hành hương Ấn Độ rất cực, nhưng nếu chỉ thấy ăn mày là đem ăn mày vô tâm, không đem Phật vô tâm. Thứ hai là ăn cà ri không được, phải đem thức ăn Việt Nam qua Ấn ăn. Vậy qua Ấn để ăn, thì ở Việt Nam ăn cho sướng.

Hôm nay, tôi triển khai 60 bài kệ Phổ Hiền để nhắc quý vị tu. Bài kệ thứ nhất:

"Tất cả chư Phật trong ba đời
Vô lượng thế giới khắp mười phương
Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh
Thành kính lễ lạy không hề sót”.

Tất cả chư Phật ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai Phật. Tâm chúng ta thanh tịnh rồi thì Phật quá khứ, chúng ta cũng thấy, vì tâm thanh tịnh của Phật và tâm thanh tịnh của mình cũng gần nhau. Sao biết gần.

Vì Đức Phật nhập diệt cả ngàn năm, nhưng chúng ta nghĩ đến Phật thì Ngài và ta có gắn kết với nhau. Phật A Di Đà thuyết pháp ở Tây phương. Ta vẫn nghĩ đến Phật A Di Đà thì Ngài vẫn ở trong tâm ta. Tâm rất linh hoạt là ý này.

Nhờ Phật quá khứ, Phật hiện tại cũng ở trong tâm ta, thì trong tâm ta chỉ có Phật, không có gì khác, tức có toàn điều tốt thì nhìn ra bên ngoài không có gì xấu cả.

Phật vị lai như thầy Nguyên Hạnh ở trước mặt tôi, tôi không biết bao giờ ông này thành Phật, nhưng tôi nghĩ đến Phật, nên thấy ông này là Phật, tức Phật vị lai. Còn nhìn bằng mắt rồi nói tất cả các thầy không ra hồn là đọa, vì đã thấy toàn ác ma. Ở thành phố này có bao nhiêu Tăng, nhưng nói rằng không có Tăng là thấy toàn ác ma. Lịch sử từng ghi rằng giờ trước Vô Não là sát nhân, nhưng giờ sau ông phát tâm tu theo Phật, trở thành Thánh La hán thì sao. Nếu thấy bằng mắt, bằng tâm xấu thì trên đời này không có gì tốt cả.

Nổi tiếng ở Trung Quốc có ngài Hư Vân phát tâm tam bộ nhứt bái từ Phổ Đà lên đến Ngũ Đài sơn, ngài phải đi và lạy mấy năm trời mới lên đến Ngũ Đài sơn. Trên đường đi, mỗi lần ngài gặp tai nạn, khó khăn đều có lão ăn mày xuất hiện cứu giúp. Lần sau cùng, trước khi đến Ngũ Đài sơn, lão ăn mày nói sẽ gặp lại ngài sau và ngài hỏi tên thì lão nói tên là Văn Cát. Lên đến chùa, Ngài hỏi có Văn Cát không, người ta nói ngài đã gặp Bồ tát Văn Thù rồi.

Nhìn bằng niềm tin, đôi khi có Bồ tát hiện ra cứu, nhưng mình không biết. Riêng tôi, cuộc đời tu được thành công, nhận thấy trên mỗi đoạn đường đi có người xuất hiện giúp vượt khó. Tôi nói đó là Quan Âm cứu.

Thuở nhỏ, tôi luôn giữ bên mình tấm hình Quan Âm in trên bao nhang thể hiện niềm tin của tôi về vị Bồ tát này rất mãnh liệt, nên Ngài xuất hiện dưới dạng ông thầy tu dạy tôi đến tu học ở chùa nào thì tốt. Khi tôi bệnh thì Bồ tát hiện thành ông thầy thuốc chữa bệnh cho tôi mạnh khỏe và gặp hoạn nạn, Ngài hiện làm cư sĩ giúp đỡ.

Trên bước đường tu, có những người tốt với tôi vô điều kiện, tôi nghĩ đó là Quan Âm đã tới giúp tôi. Dân gian thường gọi là có quới nhân phò hộ, là Bồ tát hay thiện thần hiện thân giúp đỡ.

Nhìn Phật vị lai, Phật Thích Ca dạy chúng ta nhìn thoáng hơn là ai cũng thành Phật, người thành Phật trước, người thành Phật sau.

Tôi thấy Phật trong tâm quý vị, nên thấy ai cũng là Phật vị lai, khiến họ thương tôi. Tôi nghĩ họ tốt, nên họ buộc phải tốt với tôi. Sở dĩ tôi thấy Phật vị lai trong lòng họ, vì cùng tột cái xấu, họ bị đọa địa ngục và bấy giờ họ lại phát tâm tu, tức có tâm niệm tốt. Có người nói với tôi rằng ai cũng nghĩ con xấu, có mình thầy nghĩ con tốt. Và rõ ràng tôi nghĩ họ tốt, nên đã tạo được sự chuyển hóa nơi họ. Thực tế là Vô Não rất ác, nhưng Phật Thích Ca thấy được ông Phật trong tâm Vô Não mới khiến Vô Não buông dao. Hoặc Phật thấy được Phật tánh trong Sunita là người gánh phân đã đến thời cơ hiển lộ, nên Phật liền độ ông; không phải Phật độ tất cả các ông gánh phân, vì họ không có khả năng chuyển hóa thành Thánh La hán nhanh như Sunita được.

Mọi người kể cả ngoại đạo, nhưng tôi nghĩ họ tốt, nên họ cũng nghĩ tốt về tôi. Đó là kinh nghiệm mà tôi học được Phổ Hiền dạy về ba đời chư Phật mười phương và quan trọng là Phật vị lai.

Tất cả những người trước mặt tôi trong giảng đường này là Phật vị lai. Các thầy này có hình thức giống Phật, nên thành Phật mau hơn. Những cư sĩ mặc áo giới cũng thành Phật sau và những người chưa mặc áo giới, nhưng biết nghe pháp thì cũng sẽ phát tâm tu.

Vì vậy, Phật Thích Ca nói Ngài là Phật đã thành và mọi người là Phật sẽ thành. Tập tu, tập thấy Phật trong tâm mọi người, đừng thấy ác ma. Trong thân tứ đại này có ma, nhưng cũng có tốt. Thấy tất cả tốt thì cái tốt phát triển trong ta và tạo thành thế giới Phật. Thấy tất cả xấu thì cuối cùng cái xấu bao vây và mình rớt xuống địa ngục.

Bồ tát Phổ Hiền dạy tất cả chư Phật trong ba đời, vô lượng thế giới khắp mười phương… Đó là Pháp giới tạng thân của Phật A Di Đà có vô lượng thế giới. Một người là một thế giới, nhưng trong một người có vô số tế bào, vô số vi trùng, đó là thế giới siêu vi cũng là thế giới tuy không thấy bằng mắt, nhưng tới đây biến thành không, nghĩa là từ có biến thành không. Chứng ngộ này của Phật là điều quan trọng mà chúng ta phải nhận biết.

Vô lượng thế giới khắp mười phương, không phải một phương, nhưng con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh là thanh tịnh tới mức tuyệt đối thì tất cả ba đời mười phương chư Phật đều hiện hữu trong tâm chúng ta.

Đến đây, quý vị không lạy, nhưng linh hoạt của tâm là tâm thành kính trọng ba đời mười phương Phật thì có bao nhiêu Phật, tâm chúng ta đều tới với Phật và ở mỗi vị Phật, ta đều hiện thân trước Ngài. Tuy ta chưa lạy, nhưng đã hiện hữu trước vô số Phật, nên vô số Phật hộ niệm ta. Đó là chìa khóa mở cánh cửa cho chúng ta hiện diện lễ lạy tất cả chư Phật ba đời mười phương.

Nhưng nếu đến đây mà ba nghiệp vẫn chưa thanh tịnh, nên không đem Phật vô lòng được và chưa đủ niềm tin, thì chúng ta phải quay lại sám hối, kê ra các tội, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm sanh lòng hoan hỷ. Như trộm của người, của mười phương Tăng, hay của thường trụ, hoặc tự mình lấy, hoặc bảo người lấy, hay thấy người lấy sanh lòng hoan hỷ. Tất cả các tội hoặc có che giấu, hoặc không che giấu, đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nơi chốn biên địa, nghèo khổ, đọa đày, tất cả các tội này cầu xin các Ngài cho con sám hối.

Và "Tất cả công đức do con tu được ở hiện đời này hay nhiều đời trước như hành bố thí, hoặc giữ tịnh giới, thí cho chúng sanh cơm ăn, áo mặc, hoặc tu tịnh hạnh làm gương cho đời, gieo hạt giống lành vào tâm chúng sanh, tăng trưởng thiện căn, thành tựu huệ mạng. Nay xin hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Như quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật hồi hướng, con nay hồi hướng cũng lại như vậy”.

Nghĩa là tất cả chư Phật do tu hồi hướng mà thành Phật. Con cũng bắt chước tu theo Phật, quyết tâm hồi hướng. Tu hồi hướng rất quan trọng. Phật dạy hồi hướng Vô thượng Bồ đề, tức bao nhiêu công đức tu được, chúng ta hồi hướng cho trí tuệ.

Phật nói có trí tuệ mới tạo công đức được. Không có trí tuệ mà tạo công đức thì công đức không giữ được. Có trí tuệ, chúng ta mới biết kiềm chế những ý xấu, việc xấu.

Thật vậy, lúc tôi mới tu có những việc ức lòng, buồn khổ, nhưng tôi nhớ ý Phật dạy phải hồi hướng Vô thượng Bồ đề, tức có trí khôn, nên không dại gì mắng họ và nhờ Phật hộ niệm để tháo gỡ những sai lầm. Thực tế cho thấy nuôi người rất tốn kém và cực nhọc, nhưng nói nặng họ một tiếng thôi là công lao nuôi dưỡng bị mất trắng và biến người thân thành thù. Cuối cùng, cha mẹ, anh em, vợ con cũng thù luôn. Và vô chùa tu, thấy không vừa ý cũng thù là xuống địa ngục. Phạm sai lầm này vì không có trí tuệ.

Phải hồi hướng Vô thượng Bồ đề, nghĩa là lo tu để phát huy trí giác và có Vô thượng Bồ đề, mới cứu độ chúng sanh gọi là hồi hướng Pháp giới chúng sanh.

Vì vậy, phải có trí khôn mới bố thí. Và pháp thí là quan trọng nhất, vì cho người ăn cả đời thì họ được gì. Chỉ dẫn họ một ý để họ tu đắc đạo, được công đức vô cùng.

Phật Thích Ca nói rằng tiền thân Ngài ngồi tĩnh tọa dưới cội cây, có quỷ Dạ xoa đến đọc nửa bài kệ kinh Niết bàn rằng: "Chư hạnh vô thường. Thị sanh diệt pháp”. Ngài nghe hay quá, nhưng quỷ không đọc nữa. Ngài hỏi ai đọc mà tại sao ngưng vậy, không đọc tiếp.

Quỷ Dạ xoa hiện ra nói rằng nó cần phải ăn thì mới đọc nổi. Nếu ông cho nó ăn thịt thì nó đọc tiếp. Tiền thân Phật bảo ngươi đọc đi, rồi ăn thịt ta. Dạ xoa nói ông phải giữ lời. Nó đọc tiếp: "Sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc”. Đức Phật nghe xong, liền ngộ thì Dạ xoa biến thành Trời Đế Thích.

Trên bước đường tu, chư Phật, chư Bồ tát hiện thân nghịch để giáo hóa, nhưng chúng ta tìm thấy cái hay, cái thuận thì cũng học được, tiến tu được.

Tóm lại, tu hành ba nghiệp thanh tịnh, ta thấy mọi việc, mọi người đều tốt thì Tịnh độ hiện ra cho ta. Trái lại, ta thấy mọi thứ đều xấu ác thì địa ngục mở ra chào đón ta. Và ba nghiệp thanh tịnh sẽ lễ lạy ba đời mười phương Phật không hề sót. Ba nghiệp chưa thanh tịnh, phải quay lại sám hối đúng như pháp cho thanh tịnh thực sự, việc sám hối, lễ lạy Phật mới sanh công đức.

Phật A Di Đà trong Phổ Hiền hạnh nguyện kệ nên hiểu khác hơn chúng ta niệm Phật A Di Đà khi tu Tịnh độ. Vì đây là Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật chỉ cho Pháp thân Phật mới có đủ vô lượng quang, vô lượng công đức và vô lượng thọ và thân Ngài bao trùm cả Pháp giới.

Pháp thân của Phật A Di Đà không phải ở Tây phương, nhưng ở Thường Tịch Quang là ở trong Pháp giới và tùy theo yêu cầu mà Ngài hiện thân. Vì vậy, Phật có Ứng thân và Hóa thân.

Ứng thân Phật là từ Pháp giới hiện ra và Pháp giới tạng thân Phật thì tùy xứ hiện, tức chỗ nào có người tin Ngài, thì Ngài hiện thân chỗ đó. Thể hiện ý này, người ta ví như mặt trăng có một, nhưng có bao nhiêu sông hồ, mặt trăng đều hiện vô đó. Cũng vậy, có bao nhiêu chúng sanh tâm thanh tịnh, nghĩ đến Phật thì Ngài hiện vào tâm họ, gọi là tùy xứ hiện.

Thật vậy, trên bước đường tu, người có hạnh giống Phật và nghĩ đến Phật, Ngài sẽ hiện hữu trong tâm họ. Muốn được như vậy, đòi hỏi ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta phải thanh tịnh, ví như mặt hồ trong và phẳng lặng thì có mặt trăng in bóng.

Và tâm người thanh tịnh, Phật hiện vào tâm họ thì tâm họ chỉ nghĩ đến Phật, không nghĩ bất cứ thứ gì khác trên cuộc đời này. Đa số chúng ta sống trong sinh tử luân hồi, vì sống với cuồng tâm và vọng tâm. Cuồng tâm phải ngưng lại, vọng tâm phải chấm dứt, Phật mới hiện vô tâm mình được. Cuồng tâm và vọng tâm còn, chắc chắn Phật không thể hiện vô tâm ta.

Chính vì vậy mà trên thực tế, có người cầu gì cũng được, nhưng có người cầu gì cũng không được. Cầu gì cũng được là người có tâm thanh tịnh, có hạt nhân thanh tịnh. Cầu không được vì cầu bằng vọng tâm là do tham mà cầu, hoặc cầu vì cuồng tâm, tất nhiên không được.

Tâm người thanh tịnh, Phật hiện vô tâm người đó, nên họ có lời nói, cử chỉ, hành động tương ưng với Phật, là người đó tu thiệt. Vì vậy, người ta nhìn họ, nghĩ là Phật, vì Phật đã hiện vô tâm họ, nên nói tướng tùy tâm sanh là vậy.

Thực tế cho thấy khi tâm chúng ta tốt, sẽ hiện tướng tốt. Tâm chúng ta thanh tịnh sẽ hiện tướng dễ coi. Nếu là cuồng tâm, hay vọng tâm sẽ hiện ra tướng tương ưng. Cũng một người, nhưng họ buồn, hay giận sẽ thể hiện nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ khác với lúc họ vui. Nhưng nếu tâm họ thanh tịnh rồi, ta thấy họ có tướng giải thoát là không còn buồn, vui… Tâm vọng động, tướng trần lao sẽ theo đó hiện ra.

Vì Phật hiện vào tâm ta, ta mới hiện tướng tốt. Nếu nghĩ đến Phật một cách liên tục, thì tướng họ giống Phật nhiều hơn. Một trong những tướng hảo của Phật là tướng trường thọ sống lâu. Thuở tôi mới 10 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh, nhịp tim trên 100, làm sao sống lâu. Vào thời đó, chưa có kỹ thuật mổ tim. Ông thầy coi tướng nói rằng chú không thể sống quá 30 tuổi. Tôi nghĩ mình không sống được, nên hết lòng nghĩ đến Phật, niệm Phật để chết được Phật rước.

Nhưng tu là chuyển nghiệp, vì lòng tôi nghĩ đến Phật mạnh quá, nên được Phật gia bị, khiến tướng chết yểu thay đổi một cách kỳ diệu, làm nhịp tim tôi trở thành bình thường.

Phật hiện vào tâm ta, tướng ta thay đổi, nghĩa là lấy phước của Phật, đức của Phật, tướng của Phật trang nghiêm thân tâm mình, thì tướng trần lao theo đó giảm lần.

Người thường bực tức nhiều sẽ khiến cho tướng của họ tệ lần. Trong kinh Dược Sư, Phật nói người không đáng chết nhưng phải qua đời, vì tham vọng của họ lớn quá. Nếu họ biết nghĩ đến Phật, Phật sẽ cứu họ thoát nạn.

Riêng tôi, không nhờ Phật cứu thì đã chết từ lâu. Bây giờ 81 tuổi mà tôi còn khỏe và thuyết pháp được là nhờ Phật gia bị.

Chúng ta lạy Pháp giới tạng thân Phật, nhưng Ngài tùy xứ hiện, tức chỗ nào có người thanh tịnh, tin tưởng Ngài, Ngài hiện vô tâm mình, làm nghiệp mình tiêu và thọ mạng được dài lâu là phước sanh.

Và tâm ta thanh tịnh, Phật gia bị tâm ta rồi, thì mỗi ngày trí chúng ta sáng thêm. Còn đầy lòng tham, trí chúng ta sẽ tối dần và bị lừa. Không tham, trí khôn chúng ta từ từ sanh, vì tham đoạn, sân đoạn thì si mê bớt. Nhờ vậy, ta biết việc đáng làm, chỗ nên tới, người không nên tiếp xúc. Kết quả tốt đẹp này là Vô lượng quang do Phật rọi lòng chúng ta sáng lên, không bị người mê hoặc.

Từ lúc mới tu, tôi thường nghĩ đến Phật và lòng cũng nghe được pháp âm Phật. Ngài Trí Giả gọi đó là không nghe mà nghe. Thuở nhỏ ở chùa, ban đêm thanh vắng, nhưng tôi nghe tiếng tụng kinh, tôi tìm thì không thấy ai. Hòa thượng Trí Đức bảo rằng đó là Tổ tụng kinh. Tổ đã viên tịch lâu rồi, nhưng ta nghe những gì không còn trên trần gian. Cũng như Phật nhập diệt hơn 25 thế kỷ, nhưng ngài Trí Giả nghe pháp âm Phật.

Nghe được như vậy, trí chúng ta sáng lên. Cũng một bài kinh, nay chúng ta hiểu như vầy, nhưng tháng tới, năm tới, chúng ta hiểu rõ hơn, lần lần tiếp cận được chân lý. Thể hiện lý này, kinh Pháp hoa nói rằng một chữ, một câu giảng cùng kiếp cũng không hết.

Người có tâm thanh tịnh một chút, có niềm tin một chút, khi họ rơi vào cùng đường, sẽ chết. Họ mới lạy Quan Âm, để sau đó chết; nhưng họ nghe tiếng nói trong tai phương cách thoát nạn, mà họ không thấy ai. Người đó đã nghe bằng tâm, bằng lòng thành, bằng niềm tin của mình. Điều này đúng, họ đã được Phật cứu, tuy không nghe ngôn ngữ thế gian, nhưng nghe được Phật nói, Hộ pháp Long thiên nói.

Thật vậy, vào thời kỳ Phật giáo bị đàn áp, có sinh viên thưa với tôi rằng tự nhiên sao con nghe tiếng ai nói tối nay mật thám sẽ đến bắt anh, nhưng con không thấy ai. Tôi nói là Phật nói đó, anh hãy đi đi. Nhiều người thoát nạn cũng nhờ các vị thần báo cho biết. Phật tử có niềm tin nghe được như vậy.

Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật là Pháp giới thân của Phật, không phải là Phật A Di Đà ở Tây phương Cực lạc.

Phật A Di Đà là Giáo chủ ở Tây phương Tịnh độ, đó là Ứng thân Phật. Cũng như Phật Thích Ca là Giáo chủ cõi Ta bà là Ứng thân Phật.

Nhưng có Ứng thân rồi và làm xong việc, thì có biến mất, tức đã có ứng hiện phải có biến mất. Cũng như Ứng thân Phật Thích Ca hiện hữu trên thế gian này, tất yếu Ngài phải nhập diệt. Vì vậy, khi Phật A Di Đà nhập diệt sẽ có Quan Âm thay thế.

Hóa thân Phật là chúng ta tu có thể trở thành Hóa thân Phật, hay hoạt Phật là Phật sống. Điển hình như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được tôn kính là Phật sống, vì Phật đã hiện vào tâm vị này, nên Ngài biết nhiều việc mà người khác không thể biết, không thể làm. Năm 1959, Ngài biết Tây Tạng sắp mất, nên đã đưa dân chúng qua Ấn Độ tỵ nạn, nghĩa là Ngài biết trước việc sắp xảy ra.

Tôi có duyên gặp Ngài mấy lần trong những buổi họp tôn giáo thế giới. Tôi cảm nhận được Ngài có từ trường rất mạnh. Ngài là hiện thân của Bồ tát Quan Âm, nên có lòng từ rất đặc biệt, là Hóa thân Phật, tức Phật hiện vào tâm người nào, người đó là Hóa thân Phật, nên họ có suy nghĩ, lời nói, hành động giống Phật.

Tất cả chúng ta ai cũng có thể là Hóa thân Phật, nhưng không làm Phật lâu dài được. Chỉ một niệm tâm nghĩ đến Phật, ta là Phật; nhưng cuồng tâm nổi dậy thì Phật biến mất. Vì vậy, có thể một giờ, cho đến một ngày làm Phật, hay một kiếp làm Phật như Phật Thích Ca; nhưng Phật thiệt thì phải có đủ hảo tướng.

Chúng ta có niềm tin nơi Phật, nhưng thân chúng ta có sẵn rồi, nên chỉ có thể thay đổi một vài tướng thôi. Vì vậy, chúng ta có được một, hai tướng tốt, nhưng Phật hiện vào tâm ta thì cái tốt đó sẽ hiện ra vẻ đẹp và vẻ đẹp này không cố định.

Tất cả chúng ta là Hóa thân Phật không đủ 32 tướng tốt. Nhưng Ứng thân Phật thì phải có đủ 32 tướng tốt, tiêu biểu như trên đầu Phật có vô kiến đảnh tướng, giữa chân mày Phật có bạch hào tướng và ở ngực Phật có tướng kiết tường.

Người có tướng kiết tường đến đâu thì kể từ đó rộng ra đến 500 do tuần bán kính, đều được an lành; vì đó là tướng an lành và ai gần người này cũng được an.

Khi Phật tại thế, có vị Tỳ kheo có tướng kiết tường, tức có phước lớn, không bao giờ thiếu thốn, nghèo đói, hay bị tai nạn. Phật bảo rằng trong đoàn người đi qua đường nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn, nếu có Tỳ kheo đó đi chung thì không có chuyện gì xảy ra. Thật vậy, đi chung với một người có phước, Hộ pháp che chở họ, mình cũng được hưởng phước theo.

Trong ba tướng quan trọng của Phật, bạch hào tướng ở giữa chân mày tiêu biểu cho trí tướng, nên không bao giờ Phật thấy sai lầm. Tướng tốt thứ hai là vô kiến đảnh tướng, tức đức tướng rất quý. Ai thấy Phật cũng phải kính trọng. Dù sau lưng Phật, họ nói đủ thứ, nhưng thấy Phật, họ phải sụp lạy, vì Ngài có đức tướng.

Nếu ta chưa hiện đức tướng như Phật, nhưng chúng ta khiêm cung, kính trọng người khác, lần lần chúng ta cũng được đức tướng như Ngài.

Và Phật còn có tướng kiết tường ở giữa ngực, nên dù gặp khó khăn nguy hiểm, Phật cũng bình an. Điển hình là Phật Thích Ca có tướng tốt này, nên không ai hại được Ngài, cho đến khi Phật vào Niết bàn, tất cả vua chúa đều thỉnh xá lợi Phật để thờ.

Các Hóa thân Phật không có 32 tướng quý như Phật, nhưng có vài tướng mang máng giống Phật, chẳng hạn mắt, mũi giống Phật, giọng nói hơi giống Phật. Giọng nói Phật, người ở gần nghe không chát tai, người ở xa nghe rõ, vì giọng nói Phật đi thẳng vào lòng chúng ta.

Kết thúc phần lạy Phật, chúng ta lạy Pháp giới tạng thân A Di Đà Phật. Và lạy Phật xong, chúng ta đọc phát lồ sám hối là bộc lộ tất cả tội lỗi của mình và mình không có ba tướng quý như Phật là không có bạch hào tướng, vô kiến đảnh tướng và kiết tường tướng, nên gặp vô số khó khăn. Lấy thân tâm mình so sánh với Phật để biết rõ mình thấp kém như thế nào mà khởi tâm kính trọng Phật.

Chúng ta nói: "Chư Phật Thế Tôn trong khắp mười phương. Chư Phật Thế Tôn hiện hữu trong đời. Tất cả các Ngài thương xót chúng con…”.

Vì Phật, Bồ tát hiện hữu bên cạnh mình mà chúng ta không biết, như Hàn Sơn nhập diệt mới biết Ngài là Văn Thù Bồ tát.

Riêng tôi có cảm giác khi cuộc đời tu của mình gặp khó khăn, nguy hiểm thì có người giúp tôi thoát nạn. Tôi nghĩ đó là Bồ tát Quan Âm hiện ra để giúp, khi Ngài hiện làm ông tướng, ông quan, hay làm bà già cho bánh mì ăn lúc đói, vì đói mà có được ổ bánh mì ăn để sống, tu được thì cũng quý chứ. Lúc đó tuổi tôi còn nhỏ quá, sau này tôi luôn kiểm chứng mới biết mình thực sự đã được Bồ tát giúp đỡ.

Hoặc lão ăn mày là Bồ tát Văn Thù hiện làm Văn Cát cứu ngài Hư Vân. Vì nếu là ăn mày thiệt thì tại sao lúc nào Hư Vân gặp khó khăn đều có lão ăn mày hiện ra, làm thế nào mà lão ăn mày đi theo được Hư Vân đúng lúc để cứu giúp như vậy.

Trên bước đường tu, quý vị coi chừng Bồ tát hiện ra giúp mà mình không biết. Riêng tôi, từ lúc mới tu, được Bồ tát dạy dỗ, cứu giúp, nhưng không biết, nên nay sám hối mà nói xin các Ngài thương xót chúng con. Hoặc con đời này, hay là đời trước đã tạo ra các tội. Bây giờ con xin phát lồ sám hối, đời này con không nhớ, nhưng con biết nhiều kiếp trước con đã tạo nhiều tội, nên đời này mới ốm đau, nghèo đói.

Tạo các tội, tự mình làm là thân tạo tội; hoặc xúi người làm là miệng tạo tội; thấy người làm sanh hoan hỷ là ý tạo tội. Thí dụ mình ghét anh A, thấy người khác đánh nó thì mình hoan hỷ. Hoặc Phật tử muốn ăn thịt gà, nhưng sợ giết nó mang tội, có người xung phong giết, mình mừng. Hay người chủ bảo người làm giết súc vật cho mình ăn.

Chính những tội mình đã làm, nên đời này ốm đau do mình sát sanh, hoặc bị thầy bạn chê bai, nói nặng vì mình phạm khẩu nghiệp, hoặc bị đần độn, ngu si, vì thường khởi ý nghiệp xấu ác.

Khi tạo tội, có tội mình che giấu, có tội công khai làm. Những tội này đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nơi chốn biên địa, nghèo khổ đọa đày. Tất cả tội này cầu xin các Ngài cho con sám hối.

Câu này tự đáy lòng tôi nghĩ ra, vì tôi sanh ở Củ Chi đất thép, trong gia đình nghèo khổ, phải chui vô đống rơm ngủ là nghèo khổ đọa đày, vì nhiều kiếp đã tạo nhiều tội quá mới có cuộc sống như vậy.

Nhưng may mắn, nhờ các Ngài cho tu, nên xin sám hối với các Ngài. Vì vậy, tự đáy lòng tôi thành khẩn sám hối và cũng tự đáy lòng tôi nghe Phật nói con ráng tu, Ta độ cho.

Và khi các Ngài bằng lòng cho tôi sám hối, thì cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi. Bấy giờ, các tội mà nhiều đời tôi đã phạm, các Ngài khoanh lại, tức nhận tội giùm tôi để tôi tu, thì tự nhiên hết bệnh. Thật vậy, thuở nhỏ tôi bị nhiều bệnh. Sáng dậy, đầu gối sưng lên, đi không được, phải bỏ học. Mùa lạnh thì thở không nổi, không làm gì được. Tuổi nhỏ mà bị bệnh khớp, bệnh tim, bệnh suyễn, làm sao tu.

Nhưng nhờ Phật khoanh tội lại, giữ giùm, mình không phải trả, mới tu được, mới sanh công đức là mình có điều kiện tốt thì phải trả, vì có vay phải trả chứ. Thực tế là có tiền, tôi không dám tiêu dùng để trả nợ.

Nhờ Phật bảo đảm, lấy công đức của Ngài thay cho tội của mình, giúp mình tu được, thì mình lấy công đức tu được để hồi hướng, tức trả lại, không phải ăn quỵt.

Vô chùa tu, người cho cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, được học miễn phí… Tất cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần mình có được đều nhờ Phật cho. Vì vậy, tu được phải trả cho Phật, nên tôi hết lòng làm cho Phật.

Khi tôi tốt nghiệp, các thầy khác bảo tôi rằng sau chiến tranh, về Việt Nam rất khổ, ở lại Nhật cho sướng, Nhưng tôi nói phải về, vì các bậc thầy cùng đàn na tín thí đã lo cho mình ăn học, thì hoàn thành việc học, phải về để đền đáp công ơn to lớn này.

Thật vậy, người tu chịu cực khổ lo cho Phật pháp để trả món nợ mà nhiều đời mình đã vay; nhưng kinh Pháp hoa nói rằng vay nợ của Phật thì làm việc cho Phật được trả gấp đôi, tức làm ít được nhiều, nên trả nợ mau hết.

Chúng ta sám hối, Phật khoanh nợ lại thì mình làm việc được dễ dàng, nhưng phải nhớ trả nợ.

Ông cụ thân sinh của tôi kể rằng vào giai đoạn làm ăn thất bại bị vỡ nợ đến phát bệnh. Nhờ có căn lành, ông về chùa tu, được Hòa thượng nuôi, cho uống thuốc lành mạnh lại. Hòa thượng bảo về nhà ráng làm trả nợ hết, mới đi tu.

Được Phật khoanh tội lại, tức được khỏe mạnh, phải lo tu, có thặng dư giá trị là mình làm có công đức, được người quý trọng là người ta quý trọng việc làm của mình, thì tu được.

Vì vậy, tôi nói thêm câu này cũng tự đáy lòng tôi rằng:

"Tất cả công đức do con tu được ở hiện đời này, hay nhiều đời trước như hành bố thí, hoặc giữ tịnh giới, thí cho chúng sanh cơm ăn áo mặc, hoặc tu tịnh hạnh làm gương cho đời, gieo hạt giống lành vào tâm chúng sanh, tăng trưởng thiện căn, thành tựu huệ mạng. Nay xin hồi hướng Vô thượng Bồ đề”.

Trên bước đường tu của mình đã làm hai việc là bố thí và trì giới. Thấy người nghèo khó, mình thương, cưu mang họ. Thứ hai là mình không tạo tội lỗi, không làm sai quấy để làm gương cho đời, tức thấy mình tu được, họ mới phát tâm tu theo.

Thí dụ tôi 81 tuổi mà vẫn còn khỏe. Người ta thường nói ăn chay bệnh hoạn, nhưng tôi không bệnh hoạn, làm việc không biết mệt, nên tôi được quyền nói tu với Phật, được Phật hộ niệm sẽ không bệnh. Đó là ý nghĩa làm gương cho đời.

Phật nói rằng đời này, hay đời trước, mình đã từng sát sanh, hoặc bảo người giết, hay thấy người giết, mình hoan hỷ. Nhưng mình ăn chay, không sát sanh hại mạng, nên được khỏe mạnh.

Tất cả công đức này mình có được không dám tiêu xài vô lý, mà xin hồi hướng Vô thượng Bồ đề, gởi cho Phật để đời sau có sẵn hành trang tốt đẹp, tu dễ dàng hơn.

Thật vậy, người tu có kết quả vì đã hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Mình hết lòng cầu khẩn, với lòng thành bảo chứng, Phật cho mình vay chứ.

Vì trước kia mình tạo tội nhiều, chưa có tiền gởi Phật. Nhưng nay mình nói Phật thương con một chút, cho con sám hối. Phật chấp nhận việc thành tâm sám hối và khoanh nợ cho mình. Khi mình làm có công đức, không dám xài, gởi Phật, để đời sau sanh nơi có điều kiện tốt cho việc tu học, không sanh nơi biên địa hạ tiện, không sanh chỗ chiến tranh, chết chóc. Và được gặp thầy hiền bạn tốt để mình thăng hoa trên đường đạo. Và phước đức mình tạo được, để vô kho của Phật, không ai lấy cắp được. Khi nào mình cần thì cầu Phật chuyển cho mình sử dụng.

"Như quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật hồi hướng, con nay hồi hướng cũng lại như vậy”. Nghĩa là chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã làm việc hồi hướng thì nay con cũng xin làm như các Ngài.

Đến đây phần sám hối ngưng cũng được. Nhưng tôi đặt thêm vào 60 bài kệ sám hối theo Phổ Hiền hạnh nguyện cao hơn và được kết quả nhanh hơn. Thật vậy, Bồ tát Phổ Hiền rút kinh nghiệm dạy mình sám hối mau hết tội, vì là xứng tánh khởi tu, tu trên chân tánh nên mau hơn.

Ngài Phổ Hiền nói:

"Tất cả chư Phật trong ba đời
Vô lượng thế giới khắp mười phương
Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh
Thành kính lễ lạy không hề sót”.

Ba nghiệp thanh tịnh thì lạy vô số Phật, không sót vị nào. Phổ Hiền dạy thân khẩu ý thanh tịnh tạo được công dụng lớn vô cùng. Nhưng Phật tử không thực hiện được lý này, vì đi chùa lạy Phật, nhưng không thanh tịnh, nên không gặt hái được kết quả.

Muốn lạy Phật không sót, phải nương Phổ Hiền lực, vì Phổ Hiền dạy trong kinh Pháp hoa rằng người đọc kinh Pháp hoa mà không hiểu nghĩa, lạy Phật không có độ cảm, Phổ Hiền sẽ hiện thân dạy chúng ta. Trên bước đường tu, tôi có kinh nghiệm này, nhờ bạn tốt đi trước dìu dắt, mình đi nhanh hơn.

Vì vậy, ta lạy Phật theo Phổ Hiền:

"Con dùng ba nghiệp rất thanh tịnh
Thành kính lễ lạy không hề sót
Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền
Phân thân hiện khắp trước Như Lai”.

Nếu nương được lực Phổ Hiền, Pháp giới có bao nhiêu Phật, thì ba nghiệp của ta thanh tịnh rồi, sẽ hiện phân thân trước tất cả các vị Phật này.

Hay đem Phật vô tâm thanh tịnh thì có bao nhiêu Phật có bấy nhiêu thân mình để lạy. Như vậy, chỉ một niệm tâm thanh tịnh thôi là lễ lạy Phật đầy đủ.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Ý Nghĩa Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kệ

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh Pháp Hoa, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
2.    Kinh Pháp Hoa - Phẩm Phổ Môn, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
3.    Kinh Pháp Hoa Giảng Giải, Cư Sĩ Lê Sỹ Minh Tùng
4.    Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
5.    Kinh Pháp Hoa Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thái Hòa
6.    Kinh Phổ Môn Xuất Tượng, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
7.    Lược Giải Kinh Pháp Hoa, Hòa Thượng Thích Trí Quảng
8.    Nghi Thức Lạy Tam Bảo, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
9.    Pháp Hoa Bộ 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
10.    Pháp Hoa Bộ 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Pháp Hoa Huyền Luận, Đại Sư Gia Tường Cát Tạng | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
13.    Pháp Hoa Nghĩa Sớ, Đại Sư Gia Tường Cát Tạng | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Pháp Hoa Tông Yếu, Đại Sư Hám Sơn | Ni Sư Hải Triều Âm, Việt Dịch
15.    Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan