Điểm nghi vấn Có hay Không có đới nghiệp vãng sinh cũng được giải đáp tương tự như nghi vấn: Có hay Không có Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc.
Để trấn an những tâm hồn yếu đuối, đức tin không vững, và ngại mình phúc mỏng nghiệp dầy tạo nhiều quả ác, thì mong gì được dự phần hưởng phúc ở cõi Cực lạc Tây phương để chung sống với các bậc Hiền, Thánh. Về điểm này Cổ Đức có dạy: Phàm là chúng sinh ai cũng phải mang nghiệp vào thân, chẳng nặng thì nhẹ, không ai thoát khỏi nghiệp báo, do đó đừng nên thắc mắc về nhân quả, luân hồi. Cũng ví như mây đen bao phủ bầu trời, đến khi gió thổi thì mây đen liền tan, hoặc gian phòng đang tối, bỗng đèn điện bật sáng thì bóng tối biến liền. Cảnh mây đen và bóng tối chỉ là hư ảo, cũng như vô minh tạm thời che khuất Chân Tâm, chẳng phải là cảnh thật, vì đã gọi là thật thì vĩnh viễn cứ như thế mãi không hề đổi thay. Đèn điện và gió thổi có khả năng xua đuổi bóng đen thì ánh linh quang của trí tuệ cũng có khả năng phá tan vô minh phiền não, cho nên chẳng sợ mang nghiệp vào thân mà chỉ cần lo gieo nhân lành thật nhiều, và chuyên tâm thành kính niệm danh hiệu Phật A Di Đà để tới khi lâm chung quen việc niệm Phật.
Hễ nuôi dưỡng Tín Tâm cho vững và thực hành được từ 1 đến 10 niệm thanh tịnh trong lúc hấp hối cũng đủ để Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn về quốc độ của Ngài. Cũng ví như người phải vác một tảng đá lớn lội qua sông trong cơn phong ba thì khó bề tránh khỏi thuỷ tai, nhưng nếu người ấy lại được chuyên chở bằng thuyền bè, tượng trưng cho Tha lực của chư Phật thì dù phải mang nặng hàng tấn đá vẫn ung dung ngồi vững trên thuyền lướt sóng bình yên trong cơn giông bão, chẳng tổn hơi sức. Đó là lý của những người tu theo Sự, tin ở Tha lực và thuyết Đới nghiệp vãng sinh. Đối với người không hiểu về Lý thì tất cả mọi hiện tượng tâm, vật lý đều thực có, như vậy thì nghiệp báo sao lại chẳng có. Nhưng đối với người đã hiểu chân lý lại tin rằng: Xác thân này hư giả, vô ngã, vọng tâm lại điên đảo, vô thường thì nghiệp báo sao lại có được? Đó chỉ là vấn đề nhân duyên giả sinh, giả hợp mà thôi, vậy chẳng cần phải lo ngại. Vì thế mà tâm họ lúc nào cũng an nhiên tự tại. Họ chẳng sợ quả báo mà chi lo không gieo được nhân lành. Họ hiểu rằng: nhân quả là luật thiên nhiên, có vay thì phải trả. Họ tìm mọi cách vượt lên trên nhân duyên để được giải thoát. Cũng như khi con người đã hiểu rõ luật thiên nhiên thì không làm điều gì trái luật thiên nhiên, lại còn biết lợi dụng sức mạnh của thiên nhiên để chế ra nào là tàu thuỷ, tàu ngầm, thuyền buồm… để di chuyển dưới nước, vượt biển rộng; nào là khinh khí cầu, phi cơ, hoả tiễn để đi trên không, vượt trời cao; nào là máy in, máy điện tín, điện thoại, máy chữ… để thông tin xa nhau hàng vạn dặm, nhờ đó mà thu ngắn được khoảng cách, nối liền quá khứ, hiện tại, vị lai. Con người thời nay, nhờ trí thông minh của mình đã đạt được ngũ thông và đã trở thành khổng lồ, có sức bay nhanh hơn chim, lặn sâu hơn cá, vác nặng hơn voi, chạy nhanh hơn thỏ, nghe được suốt lục địa, nhìn thấu các vật vô hình, lại có sức phá rừng, lấp biển, xuyên núi, chặn đứng các thác nước cuồn cuộn đổ xuống từ cao…
Đứng trước nghiệp và khổ đau, con người có hai cách để vượt qua:
1.- Một là đối diện với nghiệp và khổ đau để tìm hiểu nguyên nhân sinh ra nghiệp trong thân, khẩu, ý để tìm cách tiêu diệt những nhân tố ấy. Đó là thái độ áp dụng trong Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
2.- Hai là đối diện với nghiệp khổ đau, nhưng không chống lại chúng theo lối ăn miếng trả miếng, mà lại dùng Nhẫn Nhục, như một thế võ Nhu đạo, mượn cái đà của chúng để tiêu diệt chúng. Nói cách khác, khi khổ đau và nghiệp tấn công, ta không chống cự lại mà lợi dụng thế võ “Nhu thắng cương, nhược thắng cường”, lấy Nhẫn nhục ba la mật để đối phó lại. Cũng như khi quân giặc đến tấn công nếu ta đem quân ra chống cự lại, ắt phải tổn thất nhân mạng, đổ máu nặng nề, nhưng nếu ta lại bỏ ngỏ thành áp dụng chiến thuật “vườn không, nhà trống” thì quân giặc không giết hại được gì cả. Dùng nhẫn nhục để đối phó thì tính nhẫn nhục của ta được tôi luyện thêm sắc bén, ta chịu đựng khổ đau mà không kêu ca, sân hận thì ta phá được Ngã chấp, Pháp chấp, đắc quả Vô sinh Pháp nhẫn. Khi đã không sân hận oán thù thì không gây thêm nghiệp ác mới nữa, ta đình chỉ được luật nhân quả và đạt được Chân Tâm, Phật tính của mình.
Bởi vì khi trực diện với nghiệp và khổ đau thì chúng chỉ tác dụng trên con người giả của ta mà thôi, nghĩa là chúng chỉ làm cho thể xác và tinh thần hay cái thân ngũ uẩn giả hợp này bị ảnh hưởng, chứ tuyệt nhiên chúng không thể tác hại đến phần tinh thần là Chân Tâm, Phật tính của con người thật (Chân Ngã) của ta được. Những ai đã hiểu rõ luật nhân quả đều biết rằng: nghiệp với ta là một. Nghiệp chính là mình, vì ai muốn tạo nghiệp gì tuỳ ý. Không ai thoát khỏi nghiệp, bởi nghiệp gắn liền với tư tưởng và hành động của con người. Còn suy tư là còn nghiệp, chẳng dữ thì lành. Họ không sợ nghiệp và khổ đau, vì biết rằng có nghiệp mới có Giải thoát, có phiền não mới có Bồ đề. Không bị khổ đau, không vượt qua nghiệp chướng, tất không thể nào siêu thăng. Giải quyết những mâu thuẫn của trí thức như thế nào thì cũng giải quyết vấn đề nghiệp báo như thế. Trí sai biệt và phân biệt được giải quyết bằng trí Vô sai biệt và Vô phân biệt, thì nghiệp cũng được giải quyết bằng Phi nghiệp. Đau khổ và nghiệp là duyên lành tạo niềm an lạc cho tâm hồn, cũng như đoá sen thơm ngát mọc lên từ bãi sình lầy hôi tanh.
Theo nghĩa thông thường thì nghiệp là luật nhân quả tự nhiên, nhưng dưới cặp mắt của người đạt đạo quen sống với lý Bất Nhị thì nghiệp tức là phi nghiệp. Giữa mê và ngộ, nghiệp không tác động như nhau. Trong lúc người mê không ngớt than thân trách phận về nghiệp quả nặng nề, thì người ngộ lại không cảm thấy gánh nặng của nghiệp đè lên vai mình. Tuy cùng đeo nghiệp như nhau, nhưng họ lại không để ý đến nghiệp, bởi thế, tâm họ luôn thanh thản. Họ không xoá bỏ luật thiên nhiên nhưng tuỳ thuận thiên nhiên mà sống, đồng nhất với thiên nhiên trong cảnh tự tại vô ngại. Nghiệp dù có đến, họ thản nhiên chịu hậu quả của nghiệp như để trả một món nợ đã đáo hạn cho xong. Người đạt đạo trong hoàn cảnh đau buồn, dĩ nhiên là biết nhưng dường như không biết, bởi vì người này đã ẩn mình trong tính “Không”, nên mới giải thoát khỏi đau buồn. Người ấy cũng cảm xúc như ai, nhưng họ hiểu rằng, không ai tránh khỏi luật nhân quả, phải lấy tính nhẫn nhục để che cho thân mình. Đó chẳng phải là trạng thái tinh thần trơ như gỗ đá, cũng chẳng phải là ươn hèn, nhưng chính là tự độ, tự giác để giác tha. Bởi vì theo luật biến hoá của vọng tâm sinh diệt, thì khi người ta đau buồn thường hay sinh ác tưởng. Để thoả mãn ác tưởng phải tăng thêm nghiệp ác, cho nên người tu hạnh đầu đà, nhẫn nhục, tạm ẩn trong tự tính thanh tịnh Niết bàn để ngăn ác tưởng không cho phát sinh. Đó là một việc làm khó, đòi hỏi phải đi ngược dòng sinh của ác tưởng. Nhờ công phu tu tập của pháp Từ, Bi, Hỷ, Xả mới dẹp được mầm ác manh nha và an tâm vào tình trạng khách quan thanh tịnh. Đó là một cách để diệt khổ được vui, làm mất hiệu lực của luật nhân quả. Con người cũng có thể vượt qua nghiệp bằng cách chuyển Nghiệp thành Nguyện. Cũng như con người, khi đã biết rõ luật thiên nhiên thì tìm cách lợi dụng sức mạnh của thiên nhiên, vượt qua nó để phục vụ cho hạnh phúc của mình. Tâm tạo nghiệp thì tâm cũng giải được nghiệp. Có chuyển được nghiệp, cắt đứt mối giây nhân quả mới khỏi bị nghiệp trói buộc. Cứ phát ra những lời đại nguyện thanh tịnh, chân chính, vị tha, rồi cố gắng thực thi những đại nguyện ấy thì chẳng còn sợ nghiệp báo, Nhân quả nữa.
“Bất lạc nhân quả, bất muội nhân quả” khác nhau chính là ở điểm này. Do đó, những người này không tin thuyết “Đới nghiệp vãng sinh”, và đối với câu hỏi: “Có hay không có đới nghiệp vãng sinh?” Cũng như với câu hỏi: “Chúng sinh Có hay Không có Phật tính?”, thì có thể trả lời: “Có và Không”, “Cũng Có và cũng Không”, hay “Chẳng phải Có, chẳng phải Không”, hay “Chẳng phải không có, chẳng phải Không không có”. Tiện đây, tôi xin kể lại câu chuyện rất quen thuộc đối với đa số người trong đạo Phật:
Một bữa, một người hỏi Thiền sư Triệu Châu:
– Bạch Hoà thượng, con chó có Phật tính không?
Ngài đáp: Không.
Người này lại hỏi:
– Kinh Pháp Hoa có nói: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”, cớ sao con chó lại không có Phật tính?
Ngài đáp:
– Bởi vì Vô minh che lấp Chân Tâm, nên nói: Không. Con chó không thấy Phật tính của nó, cho nên tuy nó có Phật tính mà cũng coi như nó không có vậy.
Bữa khác, có người lại hỏi Thiền sư Triệu Châu:
– Bạch Hoà thượng, con chó có Phật tính không?
Ngài đáp: Có
Người ấy gặng hỏi:
– Nếu có Phật tính, sao nó lại phải đội lốt chó?
Ngài đáp:
– Bởi vì đã biết là có Phật tính mà nó còn hành động theo lối súc sinh, nên mới phải đội lốt chó. Cũng như người có kiến thức mà lại cư xử thiếu nhân cách, không sống theo nhân đạo thì phải đoạ kiếp chó và đội lốt thú chứ sao?
Như vậy, ta thấy rõ: “Tuỳ theo căn cơ và tính tình của người đặt câu hỏi mà phải trả lời lúc Có, lúc Không về cùng một vấn đề, âu cũng là phương tiện để người nghe giải mê, khai ngộ”.