Như thế nào mới là thật tướng niệm Phật chân chính? Đứng về phương diện duyên khởi mà nói, như đã nói ở trên, hư tướng là không có tướng chân thật, tất cả đều do nhân duyên hợp lại mà thành. Bản thân của nó không có tướng chân thật. Y theo lý duyên khởi nhất tâm chỉ quán. Đó là niệm Phật thật tướng. Dù bạn có lý giải như thế nào đi chăng nữa, tuy nhiên hư giả vẫn là hư giả. Thế nhưng vẫn phải tu cái chân thật, nếu nói hư giả không có tu, thì hoàn toàn sai lầm, nếu không từ sự mà khởi tu thì làm sao có thể nhập được thật tướng niệm Phật. Bạn không thâm nhập thật tướng niệm Phật, làm sao có thể liễu đạt đến chỗ chân thật “phàm những vật có hình tướng, tất cả đều hư vọng” (Kinh Kim Cang). Như khi bạn ăn cơm, nếu bạn thấy cơm là hư giả, không chịu ăn, thì làm sao bạn có thể giữ gìn thân để tu hành vãng sinh được. Tuy cơm là duyên sinh, là vô ngã, là giả, nhưng nó có thể nuôi dưỡng thân xác của bạn. Bạn có thân thể khỏe thì mới có thể tu hành tự lợi, lợi tha, và làm tất cả các việc. Cho nên, tuy là hư giả nhưng nó cũng có công năng; nếu bạn cho nó là hư giả rồi không ăn, bạn không ăn chắc chắn sẽ chết. Phật pháp giảng “không” là muốn cho bạn nhận thức được nguyên lý chân thật. Nói có là muốn cho bạn tu tập tất cả các thiện pháp, không xa lìa sự tướng. Do đó Tổ Huệ Năng có nói: “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ”. Chúng ta phải ở tại thế gian mà tu hành mới có thể thành tựu các pháp.
Nếu nói các pháp xuất thế gian là hư vọng, nhưng thế pháp của phàm phu có hư vọng hay không? Đương nhiên là càng thêm hư vọng. Chúng ta cần phải chú ý: “Phàm những vật có hình tướng đều là hư vọng”, nếu bạn có thể “thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”. “Không”, không phải là không có, cũng không phải lìa sự tướng mới là không. Bạn phải liễu đạt tất cả các pháp chỉ là một khối duyên sinh giả tướng, không có tính chân thật, như vậy mới là liễu giải được tính không. Tuy là không, nhân ngã là giả tướng, thế nhưng phải y theo nhân quả mà tu hành, thuận theo nhân quả mà tạo tác. Có nhân tất phải có quả, làm ác phải đọa tam đồ. Vì vậy, lý sự cần phải hiểu rõ mới có đủ trí tuệ để tu niệm Phật thật tướng. Trong thật tướng có vô tướng, trong vô tướng có thật tướng. Không là Chân đế, có là Tục đế. Muốn hiểu rõ Chân đế, chư vị phải dụng công nghiên cứu tu hành, mới có thể thấu hiểu được.