Home > Khai Thị Niệm Phật
Đề Phòng Ma Chướng
Nhiều Tác Giả | Hòa Thượng Thích Hồng Đạo, Việt Dịch


ĐỀ PHÒNG MA CHƯỚNG

“Cổ đức đã bảo: “Thấy ma không ma, ma liền tự hoại. Thấy quái không quái, quái liền tự bại”.

Câu này có nghĩa: Nếu thấy ma quái mà lòng không xao động sợ hãi, giữ chánh niệm được vững vàng, hoặc chí tâm niệm Phật, loài ma quái ấy không làm chi được, sẽ tự bỏ đi.

128. CÁC LOẠI MA

Ma tiếng Phạn là Ma-la, Trung Hoa dịch là Sát. Bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. Ma cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối đạo tâm, cuồng loạn, mất chánh niệm hoặc sanh tà kiến làm điều ác rồi kết cuộc bị sa đọa.

Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong vòng sống chết luân hồi, là ma sự.

Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hưng thạnh. Ma tuy nhiều, nhưng kết yếu chỉ có ba loại là phiền não ma, ngoại ma và thiên ma.

PHIỀN NÃO MA chỉ cho các phiền não tham nhiễm, hờn giận, si mê, khinh mạn, nghi ngờ, ác kiến cho đến các thứ ma: năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới. Loại ma này cũng gọi là nội ma, do lòng mê muội điên đảo sanh ra, nên phải dùng tâm chân chánh, sáng suốt, giác ngộ mà giải trừ. Phàm phu tự mình đã có những nghiệp riêng, lại do cộng nghiệp sống chung trong khung cảnh, mà người xung quanh phần nhiều tánh tình hiểm ác, nghiệp chướng lẫy lừng, nên dễ động sanh phiền não. Có kẻ không chịu đựng nổi sự lôi cuốn của ngũ trần, nên bị sa ngã. Có người vì nghịch cảnh, khiến cho bi thương sầu não, chí tiến thủ tiêu ma.

Muốn đối trị ma này, hành giả phải quán xét phiền não là hư huyễn, xao động, nóng bức, trói buộc, tối tăm, chỉ làm khổ cho người và mình. Dứt phiền não ta sẽ trở về chân tâm tự tại giải thoát, mát lặng sáng trong, an vui mầu nhiệm.

Phiền não hay nội ma, nếu không chế phục được, tất sẽ chiêu cảm đến ngoại ma ở ngoài đến phá. Lời xưa nói: “Trong cửa có tiểu nhân, ngoài cửa tiểu nhân đến. Trong cửa có quân tử, ngoài cửa quân tử đến”.

NGOẠI MA là những loài quỷ thần yêu mị bên ngoài. Người tu khi có đôi chút công phu, liền bị nó đến thử thách phá khuấy. Loài này có thể chia thành ba hạng là Bố ma, Ái ma và Não ma.

1.- Bố ma là loài mà ưa khủng bố, làm cho người kinh sợ. Thứ ma này thường hóa hình cọp, sói, rắn rít hoặc các loài thú hung dữ kỳ lạ, hay hình ác quỷ ghê rợn để dọa nhát người tu. Nếu hành giả kinh hãi, liền bị nó phá, làm mất chánh niệm, lắm khi sanh điên cuồng. Gặp cảnh này, nên nghĩ các tướng đều giả dối, an nhiên chuyên tâm niệm Phật hoặc trì chú, nó sẽ tự rút lui.

2.- Ái ma là loài ma kích động lòng ái dục cho đến tâm tham nhiễm cảnh ngũ trần. Tùy tâm niệm hành giả ưa thích điều chi, nó liền hiện ra thứ ấy. Chúng có thể dùng ma lực khiến cho người tu được tà định, tà trí, tài biện thuyết, biết phép thần thông, biết quá khứ vị lai. Những kẻ không hiểu cho là đã chứng đạo quả, thảy đều tin phục. Song kỳ thật người kia trong tâm điên đảo, chuyên làm phép quỷ mê hoặc thế gian.

3.- Não ma là loại ma chuyên phá rối, làm não loạn người tu. Muốn đối trị não ma, nên tụng Tam quy, Ngũ giới hoặc Giới bổn, bởi chúng là thứ quỷ phạm tội phá giới. Làm như thế chúng liền ẩn mất. Hoặc chuyên trì chú niệm Phật, chúng sẽ biến tan.

THIÊN MA là loại ma cõi Tha Hóa Tự Tại, thuộc tầng thứ sáu của trời Lục Dục. Chúng hiện ra nhiều cảnh, hoặc hăm dọa, hoặc khuyến dụ, hoặc giúp cho ta sức tà định tà trí cùng thần thông để gạt gẫm, chúng rình rập nếu hành giả có một niệm sơ hở, liền bị chúng ám nhập, xui giục làm những điều trái đạo đức, đời tu kể như đã hư tàn. Khi gặp những cảnh như trên, người tu phải dùng trí huệ quán sát, gắng giữ chánh niệm, đừng sanh tâm chấp trước mà lạc vào lưới tà. Phải kiên trì như thế mới xa lìa được ma chướng.

Sức tu của người thời nay, phần nhiều bị phiền não ma phá hoại, chưa đủ để cho thiên ma phải ra tay. Loại thiên ma này chỉ đến với những vị tu cao. Nếu thiên ma quyết phá những vị sức tu tầm thường, khó có hy vọng thoát khỏi. Người tu môn niệm Phật, nhờ có ánh sáng hào quang nhiếp hộ của Đức A-di-đà mà không nạn ma, hoặc nếu có cũng là phần ít. Trái lại, người tu thiền, ma cảnh hiện nhiều, bởi chỉ nương vào tự lực.

Bởi vậy chuyên tâm niệm Phật là phương tiện mầâu nhiệm để thoát khỏi nạn ma mau thành tựu chánh định.

129.  Khi niệm Phật cần phải chí thành, hoặc có lúc trong tâm khởi ra bi cảm, đó là tướng căn lành phát hiện. Nhưng phải đề phòng, đừng nên thường như thế, chẳng vậy thì bị loài ma bi thương nhập vào làm cho thương khóc mãi chẳng thôi. Phàm gặp việc chi vừa ý cũng đừng quá vui mừng; vui mừng quá tất bị loài ma hoan hỷ ám nhập, làm cho cười mãi như điên cuồng.

130. Trong kinh sách Phật, có nhiều chỗ khuyên răn người tu, lúc được cảnh giới tốt hay có sở đắc chi, chớ nên phô bày. Nếu phô bày thì dễ sanh ma chướng, tà niệm, hoặc có khi được rồi lại mất. Trừ ra hai phương diện:

1.- Bậc Bồ-tát hiện thân, vọng tâm đã dứt, vì muốn thủ tín cùng đời, hay vì dắt dìu, chỉ dẫn người sau, nên mới nói ra.

2.- Lòng mình có chỗ nghi, muốn thuật riêng lại với bậc thiện tri thức để nhờ quyết đoán sự chánh tà, tránh các điều hại, không phải có ý khoe khoang tự đắc.

Vậy xin các hành giả phải cẩn thận, đừng có được ít mà nói nhiều, và nếu không phải vì một trong hai trường hợp trên, xin chớ phô ra. Như thế mới khỏi mang tội đại vọng ngữ và tránh được các điều hại.

Người tu nếu đúng theo pháp mà niệm Phật, thì thấy tướng hảo càng tốt, không thấy cũng vô hại, bởi nhân chắc thật, tất quả không hư dối. Như tu niệm không đúng pháp, hoặc dụng công chẳng chí cực, thì có sở đắc là ma, không sở đắc là ngu si. Dù khi các cảnh tướng tốt hoặc xấu phát hiện, cũng nên giữ vững chánh niệm, đừng quá vui mừng hoặc kinh sợ vì đó là những chỗ hở ma dễ nhập vào tâm. Người đời nay, khi tu hành phần nhiều có tánh hiếu kỳ, không chú trọng nơi chỗ dụng công, chỉ mong cầu được thấy hảo tướng. Đã như thế, chẳng những không được cảnh tốt, mà do bởi vọng tưởng phân vân, ma nhân đó giả hiện Phật, Bồ-tát để gạt gẫm, khiến cho điên cuồng.

Nếu người có đôi chút công hạnh mà tham chấp cảnh giới, hoặc cầu các hảo tướng quá phần lượng, lại là một điều hại cần nên để tâm lưu ý.
 
Trích từ: Pháp Môn Niệm Phật