Mười Tám Giới (Khu Vực) Not Done
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Hợp sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (hình sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc, ý tượng), và sáu thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, ý thức), gọi là “mười tám khu vực”.

SÁU CĂN cũng được gọi là “sáu xứ trong”. Chữ “xứ” có nghĩa là sinh ra, ý nói, sáu căn là nơi sinh ra sáu thức; hay nói rõ hơn, sáu căn duyên với sáu cảnh liền sinh khởi sáu thức. Vì vậy, sáu căn cũng còn được gọi là “sáu nhập”. Chữ “nhập” có nghĩa là can dự vào, ý nói, căn và cảnh can dự vào nhau; hay căn và cảnh đều là nơi thức can dự vào.

“Căn” nghĩa là có khả năng làm nẩy sinh; như cây cỏ do có gốc rễ mới có thể sinh ra thân, cành. Thức nương nơi căn mà phát sinh – có sáu căn thì phát sinh sáu thức – cũng giống như vậy. Nhưng căn nào phát sinh thức nào? Mỗi khu vực đều có giới hạn của nó, không lẫn lộn, như con mắt (nhãn căn) chỉ có thể sinh ra cái thấy (nhãn thức), chứ không thể sinh ra cái nghe (nhĩ thức), hay cái ngửi (tị thức) được; các căn và thức còn lại, có thể theo đó mà suy ra để biết.

Các căn đều có hai phần: phù trần căn và thắng nghĩa căn. “Phù trần căn” cũng gọi là “phò trần căn”(1), do bốn đại làm thành, hư giả không chân thật, nên gọi là “phù”; che lấp làm tối tăm chân tính, gọi là “trần”. Gọi là “phò trần căn” vì phần này phụ giúp cho phần thắng nghĩa. Phù trần căn cũng tức là bộ phận lộ rõ ở bên ngoài của sáu căn(2). “Thắng nghĩa căn” cũng gọi là “tịnh sắc căn”. Phần căn này lấy tịnh sắc(3) làm tánh, tuy không thể thấy được, nhưng mỗi căn đều nương nơi sức tăng thượng(4) thù thắng của nó, đối cảnh phát sinh ra thức, làm thành tác dụng của căn. Cho nên, hai căn phù trần và thắng nghĩa này phải cùng nhau khởi tác dụng một lúc, thì mới sinh ra công hiệu. Như nhãn căn lấy sắc làm cảnh, lấy tịnh sắc làm tánh, cho nên có thể thấy; nhĩ căn lấy thanh làm cảnh, lấy tịnh sắc làm tánh, cho nên có thể nghe; các căn khác cũng vậy.

SÁU TRẦN cũng được gọi là “sáu xứ ngoài”(5). “Trần” nghĩa là nhiễm ô, tức là những thứ này có thể làm nhiễm ô tình thức, khiến cho chân tính không thể phát hiện được. Sáu trần cũng được gọi là sáu cảnh(6), ý nói, sáu thứ này là đối tượng của sáu căn. Nhưng cảnh nào là đối tượng của căn nào? Mỗi khu vực đều có phạm vi của nó, như nhãn căn chỉ có thể duyên với sắc cảnh, chứ không thể duyên với thanh cảnh hay hương cảnh; các căn và cảnh còn lại, có thể suy ra mà biết được.

Sáu căn, mỗi căn đều có giới hạn của nó, được gọi là khu vực nhãn căn, cho đến khu vực ý căn; sáu trần cũng vậy, được gọi là khu vực sắc trần, cho đến khu vực pháp trần; sáu thức cũng vậy, được gọi là khu vực nhãn thức, cho đến khu vực ý thức; hợp lại thì có tất cả là mười tám khu vực – không khu vực nào xâm lấn khu vực nào. Trong đó, do căn đối trước trần mà ở giữa phát sinh ra thức để phân biệt; như nhãn căn là “năng phát”, nhãn thức là “sở phát”(7), và sắc trần là “trợ phát”. Nhãn căn như vậy, các căn khác cũng như vậy. Ba hiện tượng căn, cảnh và thức của mỗi căn phải có đầy đủ cùng lúc, mới có thể phát sinh hiệu dụng. Mối liên hệ đó sẽ được trình bày trong đồ biểu dưới đây. Tuy nhiên, mối liên hệ đó, ở đây chỉ được nói một cách đơn giản; nếu nói cho thật tường tận, thì mắt phải có đầy đủ chín điều kiện; tai phải có tám điều kiện; mũi, lưỡi và thân đều phải có bảy điều kiện; ý phải có năm điều kiện, mới có thể phát sinh tác dụng.

Mười tám khu vực và hiệu dụng của chúng

sáu căn sáu thức sáu trần

hiệu dụng



nhãn căn nhãn thức sắc trần thấy nhĩ căn nhĩ thức thanh trần nghe tị căn tị thức hương trần ngửi thiệt căn thiệt thức vị trần nếm thân căn thân thức xúc trần cảm xúc ý căn ý thức pháp trần tư duy
CHÚ THÍCH

01. Pháp trần là cảnh sở duyên của ý căn. Ý căn đối với các cảnh sở duyên của năm căn trước, phân biệt tốt xấu mà khởi lên các pháp thiện ác, gọi là “pháp trần”. Những động tác thường ngày của chúng ta, tuy đã trở thành quá khứ, nhưng những ảnh tượng của trần cảnh vẫn được ghi nhớ, đó tức là tác dụng của pháp trần.(8)

02. Kinh nói: Mắt như trái nho, tai như tờ lá mới cuốn, mũi như đôi móng thòng, lưỡi như trăng nửa mặt, thân như cái trống cơm, ý như thấy phòng tối.

03. Nhãn thức cần có chín điều kiện nới phát sinh được: 1) Ánh sáng: phải có ánh sáng mới thấy được. 2) Không gian: phải có một khoảng cách mới thấy được. 3) Căn: phải có căn (con mắt) mới phát sinh ra thức. 4) Cảnh: phải có cảnh (sắc) mới phát sinh ra thức. 5) Tác ý (tức tâm sở “tác ý” trong năm tâm sở biến hành): khi căn đối trước cảnh thì liền hiểu biết, khiến cho ý thức khởi tác dụng phân biệt. 6) Phân biệt y (tức ý thức): phải có ý thức mới phân biệt được. 7) Nhiễm tịnh y (tức mạt na thức): tất cả các pháp nhiễm hay tịnh đều do thức mạt na chuyển, nghĩa là, nếu sáu thức nương nơi sáu trần mà khởi lên các hoặc nghiệp, thì các phiền não nhiễm ô này sẽ được chuyển vào thức a lại da, thành các chủng tử hữu lậu; nếu sáu thức tu hành tuệ nghiệp, thì các đạo phẩm thanh tịnh này sẽ được chuyển vào thức a lại da, thành các chủng tử vô lậu. 8) Căn bản y (tức a lại da thức): thức a lại da là căn bản của các thức; tất cả sáu thức đều do từ tướng phần của thức a lại da mà phát sinh. 9) Chủng tử y (tám loại chủng tử của tám thức nhãn, nhĩ, v.v...): nhãn thức y nơi chủng tử nhãn căn mà thấy sắc; nhĩ thức y nơi chủng tử nhĩ căn mà nghe tiếng; cho đến ý thức nương nơi chủng tử ý căn mà phân biệt; mạt na thức y nơi chủng tử nhiễm tịnh mà tồn tại tương tục; a lại da thức y nơi chủng tử hàm tàng mà phát hiện ra các pháp. Nhãn thức phải cần có đầy đủ chín điều kiện trên mới phát sinh được.

04. Nhĩ căn, tuy ở chỗ tối vẫn nghe được, vì vậy, nhĩ thức không cần có điều kiện ánh sáng; nhưng tám điều kiện còn lại (giống như nhãn thức) phải có đầy đủ thì mới phát sinh được.

05. Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị và thân xúc chạm, đều phải do căn và trần xúc chạm nhau, mới cảm biết được; ở chỗ sáng sủa hay tối tăm đều không quan hệ. Bởi vậy, tị, thiệt và thân thức không cần có hai điều kiện ánh sáng và khoảng cách; nhưng bảy điều kiện còn lại (giống như nhãn thức) phải có đầy đủ mới phát sinh được.

06. Trong chín điều kiện trên (của nhãn thức), ý thức không cần có bốn điều kiện ánh sáng, khoảng cách, phân biệt y, và nhiễm tịnh y; nhưng phải có đủ năm điều kiện còn lại, mới phát sinh được.
PHỤ CHÚ

(01) Phò trần căn: Hai chữ Hán 浮 và 扶, đều đọc giống nhau là “phù”, mà nghĩa khác nhau (đồng âm dị nghĩa): chữ 浮 nghĩa là nổi trên mặt nước, nổi lộ ra phía ngoài; chữ 扶 nghĩa là phụ giúp. Nhưng chữ

“phù” sau (扶) cũng được đọc là “phò”, cho nên, để khỏi trùng lặp và lẫn lộn, thay vì viết “phù trần căn cũng gọi là phù trần căn”, chúng tôi đã viết “phù trần căn cũng gọi là phò trần căn”. Phò trần căn gọi tắt là “phò căn” (căn phụ giúp); trong trường hợp này, thắng nghĩa căn được gọi là “chánh căn” (căn chính yếu); có nghĩa là, phò căn chỉ có nhiệm vụ làm chỗ y cứ cho chánh căn, không có tác dụng nhận thức.

(02) Trong bài học tác giả viết: “Phù trần căn cũng tức là bộ phận lộ rõ ở bên ngoài của sáu căn”. Thực ra, chỉ có năm căn là có bộ phận bên ngoài (tức bộ phận lộ rõ ở bên ngoài, ai cũng có thể thấy được, sờ mó được) mà thôi; còn ý căn là một căn đặc biệt, tuy cũng có hai phần, nhưng cả hai phần đều không lộ ra bên ngoài, không thể trông thấy, sờ mó được. Phù trần căn của nó là phần vi tế ẩn trong não bộ (vẫn còn nằm trong lĩnh vực sinh lí), nhưng thắng nghĩa căn, phần chính yếu của nó, thì hoàn toàn thuộc lĩnh vực tâm lí – nó chính là một thức, tức mạt na thức, cho nên không có bộ phận bên ngoài.

(03) Tịnh sắc: là loại sắc pháp cũng do bốn đại hợp thành, nhưng ẩn nhiệm ở bên trong (được hiểu như hệ thần kinh), mắt thường không thể thấy được. Nó là bản thể của phù trần căn; lấy phù trần căn làm chỗ y cứ mà phát ra tác dụng nhận thức.

(04) Tăng thượng: tức là cái tác dụng thêm sức mạnh để giúp cho sự tiến triển.

(05) Trong “mười hai nhân duyên” có một khâu gọi là “sáu nhập” (lục nhập). Chữ “nhập” ở đây có nghĩa là tiếp xúc, can dự vào, nhập vào nhau để phát sinh ra nhận thức. Bởi vậy, sáu nhập này phải có hai phần: trong thân và ngoài thân. Sáu thứ ở trong thân gọi là “sáu nhập trong” (lục nội nhập), tức “sáu căn” gồm nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý; sáu thứ ở ngoài thân gọi là “sáu nhập ngoài” (lục ngoại nhập), tức “sáu cảnh” gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Gộp lại sáu nhập trong và sáu nhập ngoài, ta có danh số gọi là “mười hai nhập”. Vậy, sáu nhập cũng tức là mười hai nhập. Và danh số “mười hai nhập” cũng được gọi là “mười hai xứ” (thập nhị xứ). Chữ “xứ” có nghĩa là nơi y cứ, từ đó mà thức được phát sinh. Do chữ “xứ” này mà có các danh số “sáu xứ trong” (tức sáu nhập trong, hay sáu căn) và “sáu xứ ngoài” (tức sáu nhập ngoài, hay sáu cảnh).

(06) Sáu cảnh: Chữ “cảnh” ở đây có nghĩa là đối tượng của căn, hoặc cảnh giới cảm giác của thức: 1) Sắc, đối tượng của nhãn căn (hay cảnh giới cảm giác của nhãn thức), có hai loại: hình sắc (như vuông, tròn, dài, ngắn, cao, thấp, thẳng, cong, v.v...) và hiển sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen, tím, sáng, tối, bụi, khói, mây, v.v...). 2) Thanh, đối tượng của nhĩ căn (hay cảnh giới cảm giác của nhĩ thức), gồm có các loại tiếng do từ thân thể các sinh vật phát ra (tiếng nói; hoặc không phải tiếng nói như la, khóc, cười, rên, rống, gáy, hú, gầm, kêu, v.v...); hoặc do từ các loại vật chất khác phát ra (tiếng sấm, gió rít, thân cây kẽo kẹt, nước róc rách, sóng rì rào, v.v...). 3) Hương, đối tượng của tị căn (hay cảnh giới cảm giác của tị thức), là các loại mùi thơm (như trầm hương, hoa bưởi, hoa lài, v.v...); mùi hôi thúi (như phân, thịt rữa, cá tanh, cơm thiu, v.v...); lại các mùi thơm, thúi cũng có mùi nặng, mùi nhẹ. 4) Vị, đối tượng của thiệt căn (hay cảnh giới cảm giác của thiệt thức), là các thứ vị mà lưỡi nếm biết được, như ngọt, mặn, chát, đắng, cay, chua, v.v... 5) Xúc, đối tượng của thân căn (hay cảnh giới cảm giác của thân thức), là các xúc cảm nóng, lạnh, mát, cứng, lỏng, trơn, nhám, nặng, nhẹ, đói, khát, v.v... 6) Pháp, đối tượng của ý căn (hay cảnh giới tri giác của ý thức), gồm một phạm vi vô cùng rộng rãi, phức tạp và trừu tượng, là tất cả những đối tượng cảm giác của năm thức trước, những ý tượng, ảnh tượng, và tư tưởng không ảnh tượng; ngoài ra, cũng còn phải kể tới các loại vô biểu sắc, các loại tâm sở, các pháp “bất tương ưng hành”, và các pháp “vô vi”.

(07) Năng sở: Một động tác thường có hai phần: phần chủ thể gây nên động tác, và phần đối tượng mà động tác ấy ảnh hưởng đến. Trong thuật ngữ Phật học, chữ “năng” được dùng để chỉ cho phía chủ thể; và chữ “sở” được dùng để chỉ cho phía đối tượng. Hai chữ này được dùng rất thường xuyên, tạo thành những đôi thuật ngữ ngắn gọn, xuất hiện rất nhiều trong kinh luận. Ví dụ: “Tâm biết (tri) vật”, thì TÂM gọi là “năng tri”, VẬT gọi là “sở tri”; “mắt thấy (kiến) sắc”, thì MẮT gọi là “năng kiến”, và SẮC gọi là “sở kiến”; “ý thức phân biệt pháp trần”, thì Ý THỨC gọi là “năng phân biệt”, và PHÁP TRẦN gọi là “sở phân biệt”; v.v...

(08) Câu này, nguyên tác của tác giả viết: “... tức pháp trần chi tác dụng dã.” Sự thực, những ảnh tượng của trần cảnh tức là pháp trần, chứ không phải là tác dụng của pháp trần. Cho nên, đúng ra phải nói: “... những ảnh tượng của trần cảnh vẫn được ghi nhớ, đó tức là pháp trần.”
BÀI TẬP

1) Hãy liệt kê: sáu căn; sáu trần; và sáu thức.

2) Hãy giải thích ý nghĩa của “sáu xứ trong” và “sáu nhập”.

3) “Phù trần căn” nghĩa là gì? Đó là những cái gì? Thế nào là “thắng nghĩa căn”?

4) Hai phần phù trần và thắng nghĩa phải cùng nhau khởi tác dụng một lúc, mới phát sinh công hiệu; hãy nêu một ví dụ.

5) Hãy giải thích ý nghĩa của hai từ “sáu trần” và “sáu cảnh”.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông Tải Về
2 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về

Định Nghiệp Trong Phật Giáo
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

Bồ Tát Di Lặc
Cư Sĩ Phương Luân

Không tu Tịnh nghiệp tất khó vãng sinh đó là điều chắc chắn
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần

Sống trong đời ác năm trược mỗi người đều có tội
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần

Tám Niệm Dứt Trừ Sợ Hãi
Cư Sĩ Phương Luân

Lời Hay Chưa Hẳn Đã Chiếm Được Lòng Người
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm