Phước và Huệ là hai mục tiêu lớn trong việc tu học Phật pháp. Lúc chúng ta làm lễ truyền thọ Tam Quy Y, trong lời thệ nguyện có câu ‘Quy y Phật, Nhị Túc Tôn’, ‘nhị’ ở đây là phước và huệ, ‘túc’ là đầy đủ, viên mãn. Do đó có thể biết thành Phật là tu học phước và huệ viên mãn, được thế gian và xuất thế gian tôn kính.
Người trong thế gian xưa nay, trong nước và ngoài nước chẳng ai không cầu phước huệ, thiệt ra chúng sanh vốn sẵn có phước huệ, trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, hơn nữa còn viên mãn rốt ráo. Tại sao hiện nay phước huệ của chúng sanh chẳng còn nữa? Phật nói chúng ta có hai thứ chướng ngại cản trở, đó là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền Não chướng ngại phước đức, Sở Tri chướng ngại trí huệ. Người có Phiền Não Chướng thì phước đức chẳng có; người có Sở Tri Chướng thì trí huệ chẳng còn nữa; cho nên chỉ cần dẹp bỏ hai chướng này thì phước huệ liền hiện tiền.
Làm thế nào để tiêu trừ hai chướng ngại này? Việc này phải nhờ tu đức. Phước huệ vốn là tánh đức, nếu chẳng có tu đức, phước huệ trong tự tánh chẳng thể hiển lộ, thế nên phải tu hành. Làm thế nào để tu? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật dạy trước hết phải tu Tam Phước. Nếu chúng ta chân chánh có thể tin tưởng, chân chánh có thể hiểu đạo lý này, chịu phát tâm tu học thì tri kiến này là trí huệ chân thật; ai thật sự chịu làm thì người đó có phước.
Mọi người đều biết ‘Tam phước’ nhưng tại sao chẳng làm được? Vì nhận thức chẳng đủ, nhận thức chẳng đủ tức là chẳng có trí huệ. Chúng ta nhận thức được một phần thì gắng sức làm một phần. Nhận thức được hai phần thì tự nhiên làm được hai phần, người hoàn toàn chẳng chịu làm là người chẳng có phước huệ. Từ điểm này có thể biết trên phương diện tu đức thì tu huệ và tu phước là hai thứ bổ sung và thành tựu lẫn nhau.
Trong kinh điển đức Phật thường dạy: ‘Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói’. Câu này là dạy chúng ta tu hành chân thực. Ðặc biệt là ‘vì người diễn nói’, diễn là biểu diễn, là dạy cho chúng ta làm [ra thành tích] cho người ta xem. ‘Nói’ tức là vì người giảng giải, khuyên người học Phật, thế nên ‘diễn’ là thân giáo [lấy bản thân làm gương mẫu cho người], ‘nói’ là ngôn giáo.