Home > Khai Thị Phật Học
A Nan Gặp Nạn Bị Ma Nhiễu Loạn Bồ Tát Văn Thù Phải Đến Cứu
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Kinh Niết-bàn(24) ghi: A-nan gặp nạn bị ma nhiễu loạn, Bồ-tát Văn-thù phải đến cứu(25). Kinh Đại Phẩm(26) cũng nói: Ma vương biến làm Phật, làm Bồ-tát… người thường chẳng thể biết. Kinh Ưu-ba-cúc-đa(27) cũng ghi: Ma biến thành Phật, tôn giả đảnh lễ.

Hỏi: Tôn giả A-nan đã chứng quả Dự lưu vậy mà vẫn còn bị ma quấy nhiễu, Đức Phật phải sai Bồ- tát Văn-thù đến cứu, nhân đó mới tỏ được bổn tâm. Rồi nữa, ma vương có khả năng biến làm thân Phật, thuyết pháp cho mọi người nghe, Bồ-tát sơ học không thể nào nhận ra được. Như tôn giả Ưu-ba-cúc-đa(28), đạo lực đã chứng đến vô học, vậy mà thấy ma vương biến thành Phật cũng không khỏi cúi đầu đảnh lễ quy kính. Nay chúng ta muốn niệm Di-đà, để lúc lâm chung thấy Phật, tất cả đều là cảnh của ma hết, há có thể nương tựa? Nếu cảnh tượng thấy được quả là chân thật thì như gặp được thang thuốc đặc thù, còn nếu như gặp phải ma gạt thì ắt hẳn rơi vào nẻo tà. Mối nghi này lâu ngày chưa dứt, mong được giải bày!

Đáp:

Hóa thân của đấng Đại giác thần tượng uy nghiêm vượt thắng trời người, ma vương dù có giả dạng hình tượng cũng khác biệt xa. Đức Thế Tôn đã trải qua không biết bao nhiêu kiếp tu hành, gieo trồng không biết bao nhiêu nhân lành thù thắng, nên đạo quả đạt được vạn đức uy quang, tướng hảo siêu kỳ, chứ đâu có xấu như ma, làm sao có thể so sánh được?

Bản thể Như lai nghiêm tịnh thanh khiết, sắc tướng rực rỡ sáng ngời; nghiêm tịnh thanh khiết vô cấu như minh châu, sáng rỡ huy hoàng như vạn mặt trời. Ma vương dù có biến hoá giỏi cách mấy cũng không thể đầy đủ hết đức tướng của Thế Tôn. Vẻ bên ngoài đã kém xa như thế huống hồ những đặc tướng quý báu bên trong làm sao bì kịp? Ngài A-nan ở ngôi tiểu thánh, quả vị Dự lưu, cứ theo đó mà tính, thì đã chứng Sơ địa từ lâu. Ngài lo nghĩ sau này khi Phật đã diệt độ, ma vương sẽ phá hoại tâm tu hành thanh tịnh của các đệ tử, sợ không có cách gì chế phục, cho nên, ngài mới thị hiện bị mắc lưới ma, thỉnh Phật gia oai, tuyên thuyết thần chú, đó là duyên khởi ra đời chú Lăng Nghiêm, mà cũng là vì lợi ích cho chúng sanh đời mạt pháp lâu xa về sau vậy. Người học hàng phục ma vương, nếu không phải là thánh nhân, thì chắc bị sa vào lưới ma thôi.

Kinh Đại phẩm nói: Ma biến làm Phật, mê hoặc kẻ phàm ngu, hàng Bồ-tát đức hạnh còn mỏng không thể nhận biết được. Lúc thuyết kinh Đại phẩm này chưa nói rõ (ngài A-nan) phương tiện thị hiện bị ma quấy nhiễu để làm duyên khởi cho Phật thuyết pháp. Trong hội Niết-bàn, nhân có người thưa thỉnh Đức Thế Tôn mới nói pháp. Bấy giờ ngài Ca-diếp thưa thỉnh rằng: “Đức Thế Tôn thuyết pháp, Ma Ba-tuần cũng thuyết pháp, chúng con làm sao biết để phân biệt”? Đức Phật bảo ngài Ca-diếp: “Thí như có con chó hoang, ban đêm đột nhập vào nhà người ta, người chủ nhà bảo đứa đầy tớ, nếu phát hiện được phải tìm cách đuổi nó đi(29). Hành giả cũng vậy, đã vào trong nhà của Phật, phải khéo hộ trì các căn, không khởi các tạp niệm. Thân tướng của Phật đoan nghiêm đặc thù, nếu Ma có giả, phải khéo phân biệt: Hào tướng(30) ở giữa chặng lông mày của Phật xoay về bên phải gọn gàng, ngoài thật trong hư, ánh sáng trùm khắp. Ánh sáng ấy trong suốt, thanh tịnh như lưu ly; hình dáng mặt mũi tròn đầy, sáng rỡ, giống như ánh mặt trời hội tụ; đỉnh đầu búi tóc cao hiển, màu tóc xanh biếc, mỗi sợi tóc mềm mại xoay tròn thành một lọn. Thấy thân tướng đặc thù như vậy thì biết chắc chắn là thân tướng của Phật, ngược lại, khác thân tướng này một chút thì đó chính là Ma trá hình”.

Còn trường hợp của tôn giả Ưu-ba-cúc-đa không nhận biết Ma biến làm Phật, sự thật là như vầy: Tôn giả Cúc-đa sanh sau Phật diệt độ, theo thứ tự truyền pháp, ngài là tổ thứ 5, thuyết pháp độ sanh khiến mọi người an lạc cực kỳ. Ma vương ghen tức, bèn dùng phép làm mưa hoa xuống pháp hội nhằm khuấy nhiễu tâm của đại chúng, khiến cho họ không lãnh ngộ được, rồi nhân lúc đại chúng tâm đang rối loạn, lấy bảo quan(31) cúng dường tôn giả Cúc-đa. Tôn giả rủ lòng thương xót mà thọ nhận, nhân đó nói với ma Ba-tuần rằng: “Ta vâng lời Phật dạy, rất biết ơn biết nghĩa”. Tôn giả nói tiếp: “Ngươi đã tặng cho ta bảo quan, ta cũng tặng lại ngươi ngọc báu”. Nói rồi, tôn giả bèn lấy ba cái xác chết là xác người, xác rắn và xác chó biến thành ngọc báu buộc vào cổ ma Ba- tuần. Ba-tuần vui mừng thầm nghĩ: “Thánh giả Cúc-đa có thần lực khó lường, giáo hóa và dẫn dắt khắp cả mọi người, chắc chắn tập thành thánh lữ. Vậy mà nay ma chúng của ta đã có hy vọng xoay chuyển được tình hình. Ông ấy đã nhận bảo quan của ta, còn tặng lại cho ta ngọc báu. Cúc-đa đã rơi vào lưới ma rồi. Đường ác sẽ nhanh chóng tăng trưởng, ma chúng của ta sẽ không còn bị tổn giảm nữa”. Nghĩ như vậy rồi, thân và tâm của Ba-tuần vui mừng đến nỗi kiềm chế không được, nhảy múa cả lên, lập tức trở về thiên cung, đến trời Tứ thiên vương. Khi ấy, tôn giả Cúc-đa bèn thâu nhiếp thần lực, khiến cho ngọc báu trở lại nguyên hình tử thi quấn chặt trên cổ, bốc mùi hôi thúi cả trời, mủ máu chảy xuống rả rời. Ba-tuần sầu não vô cùng, chẳng biết đem bỏ chỗ nào, bèn đến xin chư thiên tìm cách giúp đỡ trừ bỏ đi cho. Chư thiên trả lời: “Sức ta không làm được việc đó. Đây là đệ tử của Đức Phật Thích-ca Như Lai, tôn giả Ưu-ba-cúc-đa. Vì ngươi vô tri, dám ngang tàng nhiễu loạn. Việc này chỉ tạm thời để khuất phục thân tâm của ngươi mà thôi, xa nữa là để thu phục ngươi quy y. Nếu ngươi quy y thì sẽ thoát khỏi được tai nạn này. Ba-tuần liền xuống hạ giới, đến trước tôn giả, năm vóc quỳ lạy sát đất, khẩn thiết cầu xin sám hối: “Tôn giả Cúc-đa! Xin ngài thương xót trừ bỏ cho”. Tôn giả nói với Ba-tuần rằng: “Ta sanh ra đời thì Phật đã diệt độ, nên không thấy được thân tướng của Như Lai. Nay ngươi có thể vì ta mà biến làm Phật, để cho ta chiêm ngưỡng được chăng”? Ma Ba-tuần liền vào trong rừng biến thành giống Phật. Cúc-đa trông thấy, quỳ gối đảnh lễ, khiến ma Ba-tuần kinh hoảng, sợ hãi nói với tôn giả rằng: “Đệ tử là kẻ phàm ngu, không dám trái lời dạy của tôn giả, nên mới biến thành Phật. Tuy biến thành Phật, nhưng kỳ thật chẳng phải, thánh giả đảnh lễ khiến đệ tử bị giảm phước vô lượng”. Tôn giả liền nói: “Ta, gần thì đảnh lễ tượng Phật, xa là kính lễ bậc thầy vĩ đại. Ngươi chỉ là tệ ma, không phải là đối tượng của ta kính lễ, cho nên ngươi chớ có sợ hãi và cũng đừng sợ tổn phước”. Khi ấy, trong lòng ma vương hết sức vui mừng, xả bỏ tất cả tâm niệm xấu ác, mọi xú uế trên người cũng được trừ sạch, liền phát tâm quy y Tam bảo, đảnh lễ sát chân tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, rồi trở về lại bổn cung không xuất hiện nữa.

Xem kỹ những điều ghi chép trên đây há còn khởi tâm nghi ngờ tôn giả Ưu-ba-cúc-đa không nhận biết được Ma giả Phật sao? Hơn nữa, đại chúng đông đảo, yểm trợ lẫn nhau, thì những kẻ hung ác không thể nào xâm nhập và nhiễu loạn được. Người tu tịnh nghiệp cũng vậy, một khi có tâm tu niệm chí thành thì quyết định được vãng sanh, khi ấy có mười phương chư Phật đồng triển uy linh gia hộ, lúc thọ mạng chấm dứt, Ma vương không thể nào nhiễu loạn được. Đức Phật Di-đà cùng với hóa chúng đều phóng hào quang tiếp dẫn thần thức về thẳng cõi Cực Lạc, vì vậy chớ nên sợ Ma nhiễu loạn, mà chỉ sợ rằng mình không lo tu tập cho tốt.
__________________

Đức Phật thuyết kinh nào cũng có duyên-khởi, như thuyết kinh Thủ-Lăng-Nghiêm: Duyên-khởi là ngài A-Nan trong khi đi khất-thực bị nàng Ma-Đăng-Già dùng tà-thuật bắt và khiến ngài toan phá giới. Đức Phật biết ngài A-Nan lâm-nạn, nên tuyên-thuyết chú Thủ-Lăng-Nghiêm, dạy Bồ-Tát Văn-Thù-Sư-Lợi đến trừ tà-thuật, giải-thoát cho ngài A-Nan. Khi diện-kiến Đức Phật, ngài A-Nan khóc ròng, vô-cùng tủi-hổ vì tự cảm thấy đa-văn nhưng bất-lực trước tà-thuật; ngài A-Nan ngưỡng 14 - Thủ Lăng Nghiêm Kinh

Nhờ Đức Phật dạy bảo cho diệu-pháp tu-chứng quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Đây chỉ là bổn-nguyện của ngài A-Nan, vì vốn là một vị Bồ-Tát từng tu với Đức Thích-Ca từ đời Đức Không-Vương Như-Lai và đã trải qua vô-lượng kiếp, ngài A-Nan có bổn-nguyện bảo-toàn Phật-pháp, khi có vị Phật nào ra đời thì ngài thị-hiện hộ-trì. Điều ấy chứng tỏ ngài A-Nan bị tà-thuật, tủi-hổ, hỏi đạo, được Đức Phật giảng dạy rốt ráo đều là dĩ phương-tiện vi môn (5).

Trích từ: Thủ Lăng Nghiêm Kinh Việt dịch - Hòa Thượng Thiền Sư Thích Từ Quang
_________
Chú Thích

24. Kinh Niết-bàn, nói đủ là Kinh Đại Bát-niết-bàn (S. Mahāparinirvāṇa-sūtra): 40 quyển, Đàm-vô-sấm dịch, ĐTK/ĐCTT 12, số 374.

25. Phẩm Kiều-trần-như, Tôn giả A-nan bị 6 vạn 4 ngàn ức chúng ma nhiễu loạn.

26. Kinh Đại phẩm, nói đủ là kinh Đại phẩm Bát-nhã (S. Pañcaviṃśati- sāhasrikā-prajñāpāramitā), 27 quyển, 90 phẩm, Cưu-ma-la-thập dịch, ĐTK/ĐCTT 8, số 223.

27. Không tìm thấy kinh này, nhưng sự việc như vậy thì thấy ở nhiều kinh khác.

28. Ưu-ba-cúc-đa (S. Upagupta): Ra đời sau khi đức Phật nhập niết-bàn khoảng 100 năm, là môn sư của vua A-dục.

29. Nguyên văn trong Phật thuyết đại bát-nê-hoàn kinh, bản của ngài Pháp Hiển dịch, ghi như vầy: “Thí như ban đêm con chó ăn vụng vào nhà người ta. Chủ nhà biết được có chó vào nhà lập tức la mắng: “Con chó chết tiệt, hãy mau cút đi, nếu không ta sẽ giết chết bây giờ”! Thế là con chó nhanh chóng bỏ chạy, không dám trở lại. Ác ma Ba-tuần cũng y như vậy. Nếu ác ma đến biến hóa thì ông hãy lấy năm pháp trói buộc của Ta để trói buộc chúng. Bị năm pháp này trói buộc rồi thì ác ma Ba-tuần sợ hãi chạy nhanh, như chó ăn vụng”.

30. Hào tướng, 毫相 (S. ūrṇa-lakṣana), tướng lông mày trắng ở giữa chặng mày, một trong 32 tướng hảo của Phật.

31. Bảo quan, 寶冠, còn gọi là thiên quan, chỉ chiếc mũ được trang sức bằng ngọc báu.