Phật Học Vấn Đáp


Phật giáo dùng cách tiêu diệt xã hội để giải quyết xã hội có đúng không?
Nho giáo chẳng thể giải quyết vấn đề, cho nên chỉ có thể tiêu diệt vấn đề. Tôi cũng cảm thấy Nho giáo chỉ quẩn quanh trong lưới nghiệp lực, nhưng trong bộ Thông Sử của Lữ Tư Miễn có viết: “Phật giáo dùng cách tiêu diệt xã hội để giải quyết xã hội”, cách nói này dường như có lý, như A Di Đà Phật phát nguyện muốn độ hết tất cả chúng sanh trong Đông Độ. Nếu chúng sanh đắc độ hết thì há chẳng phải là xã hội đã bị tiêu diệt ư? Bất quá là sau khi xã hội bị tiêu diệt, tất cả chúng sanh có thể đến cõi Cực Lạc, đương nhiên là tốt đẹp hơn xã hội trong ba cõi như nhà lửa này, nhưng chúng sanh sẽ có ngày được độ hết hay chăng? Tệ ý cho rằng A Di Đà Phật tâm cứu người tha thiết nên phát nguyện to lớn như vậy! (Liễu Tử Kỳ hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 66

5/11/2024 12:24:43 PM
Tôi chẳng hiểu ý câu nói “dùng cách tiêu diệt xã hội để giải quyết xã hội” của ông Lữ. Có khác nào gặp người mắc bệnh, không có cách nào chữa trị bèn giết phứt cho xong? Đây đúng là “người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí”. Xã hội vốn yên lành, sao lại nói là giải quyết? Cần phải giải quyết chính là sự tranh chấp! Luật nhà Phật ngoài là cấm giết, trộm, dâm, trong là ngăn tham, sân, si. Đấy chẳng phải là đạo để giải quyết vấn đề từ căn bản ư? Không chỉ trang nghiêm cõi người, thậm chí còn trang nghiêm địa ngục, đấy chẳng phải là kiến thiết xã hội triệt để ư? Chẳng nghiên cứu sách của nhà nào, tự mình sẽ chẳng thể bàn chuyện nhà đó. Còn như cư sĩ nghi “chúng sanh đều sanh về Cực Lạc thì xã hội này sẽ tiêu diệt”, [tức là] chẳng biết vãng sanh là cái quả quy kết của thần thức; trước đó, [người vãng sanh ấy] cũng phải dùng cái thân để tạo thiện nhân ở nơi đây (cõi Sa Bà). Tu cái nhân ấy, trước lúc thần thức về xã hội bên kia, thân đã trang nghiêm xã hội này trước. Cổ nhân nói: Một làng giữ Ngũ Giới, làng ấy bình trị; cho đến cả nước giữ Ngũ Giới thì cả nước bình trị. Hãy nên suy nghĩ sâu xa! Đây cũng chỉ là nói một khía cạnh mà thôi. Nếu nói theo ý nghĩa viên mãn, sẽ rất rườm rà!
 
 
[i] Lữ Tư Miễn (1884 1957), tự Thành Chu, bút danh Nô Ngưu, quê ở huyện Vũ Tấn, tỉnh Giang Tô, từng dạy đại học Quang Hoa tại Thượng Hải, chủ nhiệm bộ môn lịch sử. Thông Sử chính là bộ Lữ Trước Trung Quốc Thông Sử của ông Lữ.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật