Home > Khai Thị Phật Học
Nguyện Thứ Ba Rộng Tu Cúng Dường
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn quảng tu cúng dường giả: Sở hữu tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết Phật sát, cực vi trần trung, nhất nhất các hữu nhất thiết thế giới cực vi trần số Phật, nhất nhất Phật sở, chủng chủng Bồ Tát hải hội vi nhiễu, ngã dĩ Phổ Hiền hạnh nguyện lực cố, khởi thâm tín giải, hiện tiền tri kiến, tất dĩ thượng diệu chư cúng dường cụ, nhi vi cúng dường.

Sở vị: hoa vân, man vân, thiên âm nhạc vân, thiên tán cái vân, thiên y phục vân, thiên chủng chủng hương, đồ hương, thiêu hương, mạt hương. Như thị đẳng vân, nhất nhất lượng như Tu Di Sơn vương. Nhiên chủng chủng đăng: tô đăng, du đăng, chư hương du đăng, nhất nhất đăng chú như Tu Di sơn, nhất nhất đăng du như đại hải thủy. Dĩ như thị đẳng chư cúng dường cụ, thường vi cúng dường.

Thiện nam tử! Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Sở vị: Như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sanh cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh cúng dường, đại chúng sanh khổ cúng dường, cần tu thiện căn cúng dường, bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường, bất ly Bồ Đề tâm cúng dường.

Thiện nam tử! Như tiền cúng dường vô lượng công đức, tỷ pháp cúng dường nhất niệm công đức, bách phận bất cập nhất, thiên phận bất cập nhất, bách thiên câu chi na do tha phần, ca la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu ba ni sa đà phần diệc bất cập nhất. Hà dĩ cố?

Dĩ chư Như Lai tôn trọng pháp cố, dĩ như thuyết hành xuất sanh chư Phật cố. Nhược chư Bồ Tát hành pháp cúng dường, tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai. Như thị tu hành, thị chân cúng dường cố. Thử quảng đại tối thắng cúng dường, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã cúng nãi tận, nhi hư không giới, nãi chí phiền não bất khả tận cố, ngã thử cúng dường diệc vô hữu tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp vô hữu bì yểm.

(Lại này thiện nam tử! Nói rộng tu cúng dường là: Tất cả hết thảy các cõi Phật trong mười phương ba đời tận cùng pháp giới, hư không giới, trong mỗi một cực vi trần đều có chư Phật nhiều như số cực vi trần trong hết thảy thế giới, nơi mỗi đức Phật có các hải hội Bồ Tát vây quanh. Tôi do sức hạnh nguyện Phổ Hiền khởi tín giải sâu, tri kiến hiện tiền, thảy đều dùng vật cúng dường thượng diệu để cúng dường.

Như là: mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc trời, mây tàn lọng trời, mây y phục trời, các thứ hương trời: hương xoa[28], hương đốt, hương bột[29]. Các mây như thế mỗi một mây lượng như núi chúa Tu Di. Thắp các thứ đèn: đèn thắp bằng chất tô[30], đèn dầu, các loại đèn dầu thơm. Mỗi một tim đèn như núi Tu Di, dầu trong mỗi đèn như nước biển cả. Dùng các vật cúng dường như thế để thường cúng dường.

Này thiện nam tử! Trong các pháp cúng dường, pháp cúng dường quý nhất. Ấy là: cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy, cúng dường bằng cách làm lợi chúng sanh, cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh, cúng dường bằng cách chịu khổ thế cho chúng sanh, cúng dường bằng cách siêng tu thiện căn, cúng dường bằng cách chẳng xả nghiệp Bồ Tát, cúng dường bằng cách chẳng lìa Bồ Đề tâm.

Này thiện nam tử! Vô lượng công đức cúng dường như trên so với công đức pháp cúng dường trong một niệm chẳng bằng một phần trăm, chẳng bằng một phần ngàn, cũng chẳng bằng được một phần của trăm ngàn câu chi na do tha, ca la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu ba ni sa đà phần[31]. Vì sao thế?

Vì các Như Lai tôn trọng pháp, vì tu hành đúng như lời dạy sẽ sanh ra chư Phật. Nếu các Bồ Tát hành pháp cúng dường thì được thành tựu cúng dường Như Lai. Tu hành như thế là chân cúng dường vậy. Sự cúng dường rộng lớn tối thắng này, hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự cúng dường của tôi mới hết. Nhưng vì hư không giới cho đến phiền não chẳng thể tận nên sự cúng dường này của tôi cũng chẳng có tận. Niệm niệm nối tiếp, chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng hề mệt chán)

Cúng dường là tu phước. Con người chẳng thể không có phước, không có phước thường gặp khổ sở. Có phước báo, cuộc sống của quý vị sẽ tự tại vô cùng, hạnh phúc sung sướng vô cùng. Phước báo do đâu có? Phước báo là do tu bố thí cúng dường mà được. Trong Lục Độ của Đại Thừa Bồ Tát, thứ nhất là Bố Thí. Sự bố thí của Phổ Hiền Bồ Tát gọi là Cúng Dường. Tâm bố thí của Phổ Hiền Bồ Tát chân thành, thanh tịnh, rộng lớn, bình đẳng, dùng tâm như thế để bố thí thì gọi là Cúng Dường; không có tâm như thế thì gọi là Bố Thí. Bố thí phước báo nhỏ, cúng dường phước báo lớn; bởi lẽ tâm lượng bố thí nhỏ, tâm lượng cúng dường rất lớn. Phước báo tỷ lệ thuận với tâm lượng, tâm lượng lớn thì phước báo lớn.

Có rất nhiều thứ phước báo, kinh Phật quy nạp thành ba loại lớn: giàu có, thông minh trí huệ, mạnh khỏe sống lâu. Sống lâu mạnh khỏe chẳng cần đến người khác trông nom, săn sóc, thật sự là phước báo. Phật dạy chúng ta: ba thứ phước báo là quả báo, chẳng tu nhân làm sao quý vị có được quả báo?

a) “Tài bố thí” (bố thí bằng tài vật) được giàu có. Người đại phú quý trong thế gian vận may, mạng tốt, làm gì cũng sanh lợi; quý vị làm gì cũng lỗ lã, cụt vốn. Nói thật ra, chẳng phải do cơ hội, chẳng phải là vận may, cũng chẳng phải do thông minh trí huệ, mà do trong đời quá khứ họ tu nhân, nên trong đời này đương nhiên họ được phước báo đó. Dùng tài vật của chính mình bố thí cúng dường sẽ hưởng thọ quả báo giàu có vĩnh viễn chẳng hết. Hiện tại, nhờ cậy con cái nuôi mình lúc tuổi già là chuyện khó mong, người thế gian cứ nghĩ bên mình phải có chút tiền của mới chắc ăn, vạn nhất gặp phải tai nạn ngoài ý muốn như hỏa tai, nước lụt, bị giặc cướp đoạt mất, tiền của mất hết, quý vị làm cách nào đây? Vẫn chẳng chắc ăn chi hết. Gởi trong ngân hàng cũng chẳng chắc ăn, ngân hàng cũng có thể bị đóng cửa. Chắc ăn nhất là tu Bố Thí, dùng của cải bố thí cúng dường hết thảy đại chúng, tích trữ như vậy mới chắc ăn; lúc mình cần đến sẽ có người cho mình, cúng dường mình. Rất nhiều người chẳng hiểu rõ đạo lý này, cho là không chắc ăn, chẳng dám làm. Chẳng dám làm là không tin Phật, bởi lẽ bố thí được giàu có là do chính đức Phật nói. Có tiền bèn bố thí, bố thí sạch sành sanh, trong tâm thật là khoái lạc, đến lúc đó “trong nhà Phật, có cầu ắt ứng”, nghĩ đến cái gì, cái đó bèn đến.

Tôi học Phật hai mươi sáu năm, Chương Gia đại sư dạy tôi: “Trong nhà Phật có cầu ắt ứng là thật đấy, nhưng phải biết tu, phải biết tu nhân! Anh chẳng cần phải sợ hãi, phải tin tưởng Phật, Phật chẳng lừa dối chúng ta”. Tôi nghe lời thầy, sanh hoạt vô cùng tiết kiệm, bớt tiền ra bố thí, dùng để phóng sanh, giúp đỡ tiền thuốc men cho người nghèo, tiền dư nhiều mới mua sách. Cho đến tận bây giờ vẫn bố thí như vậy. Năm trước, ở Đức Châu (Texas), Mỹ quốc, các đồng tu tại đó muốn lập đạo tràng, là chuyện tốt, nhưng tôi không có tiền. Vừa mới nghĩ vậy, chưa đầy ba tháng sau, có rất nhiều người gởi tiền cho, đương nhiên có tiền lập Phật đường. Phòng ốc đó là do Phật, Bồ Tát kiến tạo. Nếu dùng tiền tài để hoằng pháp lợi sanh là thích đáng nhất. Tôi học Phật, nghe theo lời thầy, y giáo phụng hành bốn mươi năm, chính tôi được cảm ứng, đúng là “hữu nguyện tất thành”. Phước nhất định phải gieo nơi ruộng phước; hoằng pháp lợi sanh là phước điền. Tiền của tôi đều dùng để in kinh,

b) “Pháp bố thí”: Nếu có cơ duyên đem phương pháp lý luận tu học của chính mình, những điều hay mình đạt được trình bày với mọi người, khiến mọi người cũng chiếu theo phương pháp lý luận tu học ấy. Ấy gọi là Pháp Bố Thí. Mấy năm gần đây, tôi đến các nơi trên thế giới giảng kinh, phổ biến giới thiệu Tịnh Độ Tông, đó là Pháp Bố Thí.

c) “Vô Úy Bố Thí”: Trong tâm chúng sanh có ngờ vực, có sợ hãi, có khó khăn, nếu chúng ta có năng lực bèn giúp họ giải quyết, khiến tâm họ được bình an, thân được an ổn; sự giúp đỡ như thế gọi là Vô Úy Bố Thí.

Tu Tài Bố Thí được giàu có, tu Pháp Bố Thí được thông minh trí huệ, tu Vô Úy Bố Thí được sống lâu mạnh khỏe, ba thứ quả báo ấy chúng ta đều cần; vì vậy, phải nỗ lực tu học ba thứ Bố Thí thì mới có quả báo thù thắng. Nếu chẳng tu nhân, mỗi ngày cầu Phật, Bồ Tát, cúng dường hương, hoa, nước, quả, nịnh nọt Phật, Bồ Tát hòng các Ngài bảo hựu ban cho quý vị phước báo, chẳng hề có chuyện như vậy đâu! Phật, Bồ Tát dạy chúng ta tu nhân, tu nhân mới được quả!

“Trong các cúng dường, pháp cúng dường quý nhất”: mọi người chỉ biết Tài Bố Thí được giàu có, Pháp Bố Thí được thông minh trí huệ, chẳng biết sự viên dung trong quả báo để chuyên tâm tu Pháp Bố Thí. Có trí huệ, quý vị chẳng bần cùng, có trí huệ nhất định quý vị có thể điều thân điều tâm, nên bèn được khỏe mạnh trường thọ. Do đây biết rằng: Cái quý báu nhất trong thế gian chẳng phải là giàu có mà là trí huệ. Một lời của Phổ Hiền Bồ Tát nói toạc ra: Trong các cúng dường, pháp cúng dường thù thắng nhất.

Phạm vi của Pháp Cúng Dường rộng lớn vô biên, Bồ Tát nêu tượng trưng bảy loại:

1) Cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy:

Những đạo lý đức Phật giảng trong kinh điển, chúng ta phải hiểu rõ, phải thể hội. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta nên làm những việc gì, chúng ta phải làm theo đó, những việc nào chẳng nên làm, chúng ta tuyệt đối chẳng làm. Chiếu theo lời Phật, Bồ Tát giáo huấn, sửa đổi cho đúng cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm lầm lạc của chúng ta. Đó gọi là “cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy”. Cúng dường bằng hương, hoa, nước, trái cây chỉ nhằm biểu hiện lòng cung kính của chúng ta mà thôi, Phật, Bồ Tát chẳng cần đến những thứ ấy đâu!

Trong mỗi niệm, Phật, Bồ Tát hy vọng chúng ta mau thành Phật, trở thành giống như các ngài. Chúng ta học Phật với mục đích thành Phật, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là một phương cách trọng yếu để thành Phật. Kinh điển để y cứ trong Tịnh Độ Tông là Tịnh Độ Ngũ Kinh và một Luận, những điều nói trong đó chúng ta đều có thể hiểu được, đều có thể làm theo được, đó là “cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy”. Năm ngoái, ở Tân Gia Ba có một bà cụ nghe nói pháp môn Niệm Phật, hoan hỷ vô cùng, ở nhà suốt một ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, niệm bảy tháng biết trước lúc mất, chẳng bệnh, ngồi vãng sanh. Bởi thế, hiện tại ở Tân Gia Ba và Mã Lai Á người niệm Phật rất đông. Đài Loan cũng có người niệm Phật nửa năm, đứng mà qua đời. “Như thuyết tu hành” là y giáo phụng hành, là cúng dường chân chánh vậy.

2) Cúng dường bằng cách lợi ích chúng sanh:

Bồ Tát niệm niệm độ chúng sanh, niệm niệm đều muốn giúp đỡ chúng sanh khiến cho chúng sanh đạt lợi ích tốt nhất. Lợi ích tốt nhất là giúp họ niệm Phật, giúp người khác biết trước lúc mất, giúp người khác chẳng đổ bệnh, đứng hay ngồi vãng sanh, đó mới là lợi ích lớn nhất; còn hết thảy những hưởng thọ vật chất hay tinh thần khác, chết đi đều phải luân hồi trong lục đạo. Quý vị ban cho họ những lợi ích khác, bất quá họ hưởng thụ mấy mươi năm rồi thôi, sau mấy mươi năm, lưu chuyển dài lâu. Giúp họ thoát ly biển khổ, vượt thoát luân hồi, thành Phật, làm Tổ, đó là lợi ích tối thù thắng.

Lợi ích chúng sanh chính là phổ độ chúng sanh. In kinh điển, đắp tượng, hoặc ấn loát hình Phật, giảng kinh, thuyết pháp (bất luận quy mô lớn nhỏ), lưu thông băng ghi âm hoặc băng ghi hình giảng pháp, dùng truyền hình truyền bá hoằng dương Phật pháp đều là cúng dường bằng cách lợi ích chúng sanh. Tu loại cúng dường này là chân thật cúng dường chư Phật. Chúng ta đem Phật pháp giới thiệu cho chúng sanh, tạo cơ hội cho chúng sanh học Phật, giúp họ mau được thành Phật, là phù hợp bổn nguyện của hết thảy chư Phật trong mười phương, bởi thế chư Phật dùng bổn nguyện lực gia trì quý vị, quý vị sẽ được ba thứ tự tại: Tài tự tại, Huệ tự tại, mạnh khỏe trường thọ tự tại.

3) Cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh:

Lợi ích chúng sanh là phổ biến, đề cao, giới thiệu rộng khắp, còn nhiếp thọ chúng sanh không giống như thế. Chẳng những chỉ giới thiệu Phật pháp cho họ mà còn chỉ đạo họ tu hành, lãnh đạo họ, khiến họ cùng tu hành. Nhiếp thọ là quan hệ vô cùng thân thiết, thật sự thiết lập quan hệ thầy trò hoặc đạo hữu cùng tu học với nhau. Chẳng những dùng ngôn ngữ giúp đỡ họ, ta còn dùng hành động để giúp đỡ, làm gương tu học Phật pháp cho họ thấy. Đó gọi là cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh.

4) Cúng dường bằng cách chịu khổ thay cho chúng sanh:

Bồ Tát có lời nguyện chịu tội chịu khổ thế cho chúng sanh. Chịu khổ thay cho quý vị, về mặt Sự, mỗi người tạo nghiệp, mỗi người phải hứng lấy quả báo; chư Phật, Bồ Tát không cách gì chịu khổ thay cho quý vị. Thế nhưng, đúng là Bồ Tát có thể chịu thay cho quý vị một phần. Chẳng hạn như, sáng sớm đi mua thức ăn, dự tính mua năm mươi đồng, trong tâm nghĩ: “Người khổ sở rất nhiều, ta mua ít đi một chút, mua cái gì rẻ một chút, tốn hai mươi lăm đồng thôi, bớt ra hai mươi lăm đồng để giúp người khác”. Đó là chịu khổ thay cho người khác. Quý vị vốn có thể ăn hết năm mươi đồng, ăn những thứ rất ngon, bây giờ bớt mồm bớt miệng một nửa, quý vị ăn thứ dở một chút, đó là chịu khổ thế cho chúng sanh. Vốn có thể ở nhà xa hoa lộng lẫy, đổi sang ở cái nhà nhỏ che nắng đụt mưa là được rồi, dành bớt tiền để giúp chúng sanh khốn khó; cho thấy đúng là có thể chịu khổ thế một phần.

Mỗi ngày bớt xài một đồng bèn có thể dùng một đồng tu phước; bớt xài mười đồng bèn có thể dùng mười đồng để bố thí cúng dường. Tự mình tiết kiệm để giúp đỡ người khác; đó là chịu khổ thay cho chúng sanh; còn như chúng sanh tạo nghiệp thiện hay ác, ta chẳng thể chịu thay cho họ được. Chính mình tiết kiệm một chút, có chút ít dư ra để hỗ trợ hoằng dương Phật pháp, giúp đỡ chúng sanh khốn khó; đó là Bồ Tát cúng dường bằng cách phát nguyện chịu khổ thế cho chúng sanh.

5) Cúng dường bằng cách siêng tu thiện căn:

Trong một đời này, tu hành có thể thành công hay không là do mấu chốt này. Thiện căn: tất cả hết thảy thiện pháp do từ cái gốc này sanh ra [nên gọi là thiện căn]. Căn có nghĩa là sanh ra, [chữ Căn] dùng với ý nghĩa tỷ dụ. Giống như thực vật có rễ thì mới có thể tăng trưởng, nẩy mầm, nở hoa, kết trái. Bồi dưỡng thiện căn là một đại sự tu học trọng yếu phi thường. Thiện căn có thiện căn thế gian và thiện căn xuất thế gian.

Thiện căn xuất thế gian lấy thiện căn thế gian làm cơ sở. Thiện căn thế gian là không tham, không sân, không si, đó gọi là ba thiện căn. Đức Phật dạy chúng ta siêng tu ba thiện căn, đó là cúng dường. Đối với hết thảy pháp thế gian, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, chẳng khởi tâm tham. Đối với hết thảy những hoàn cảnh chẳng như ý, ác nhân, ác sự, chẳng khởi tâm sân khuể. Đối với hết thảy sự lý, thông đạt, hiểu rõ, chẳng mê hoặc, chẳng điên đảo, chẳng nghĩ lầm, chẳng thấy lầm, chẳng ngu si. Đó gọi là ba căn bản của thiện pháp thế gian. Người học Phật phải tích cực nỗ lực tu học, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, tin tưởng nhân quả báo ứng sâu xa.

Vì sao mọi người nghe Phật giảng thiện nhân thiện quả lại chẳng dám làm? Là vì chưa hiểu rõ sự và lý của nhân quả, chưa đủ tín tâm. Chứ nếu hiểu rõ sẽ tận sức dốc lòng thực hành. Ví như Tài Bố Thí, mọi tài vật của mình đều đem bố thí hết sạch, ngày mai lấy gì ăn đây? Điều này rất hiện thực, ngày mai ăn ở đâu đây? Vừa nghĩ đến ngày mai, tiền bố thí bèn sớt lại một chút, ngày mai còn phải ăn mà! Nghĩ đến ngày hôm sau nữa, lại còn có ngày sau nữa, bèn chẳng dám bố thí. Đấy là chưa rõ sự lý. Tôi thường khuyên đồng tu bồi dưỡng ba thiện căn thì trước hết phải đọc sách Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm bận, sẽ có tín tâm, sẽ tận tụy đối với sự lý nhân quả báo ứng. Bố thí là tu nhân, phước báo tự nhiên hiện tiền, nhân duyên quả báo mảy may chẳng sai. Quý vị càng lo sợ càng chẳng dám bố thí, thì phước báo càng có hạn lượng.

Thiện căn xuất thế gian là điều Bồ Tát tu, chỉ có một điều thôi: Tinh Tấn. Tinh Tấn là thiện căn của Bồ Tát. Tu hành dựa theo phương pháp lý luận chẳng sai lầm thì càng tinh tấn càng sung sướng, càng giống như Phổ Hiền Bồ Tát, chẳng có mệt chán. Quý vị nghĩ xem: đời người nhiều tự tại, lắm khoái lạc là do tinh tấn mà có. Chẳng tinh tấn bèn biếng nhác, bê trễ, công phu tu hành không đắc lực, phiền não lắm, khổ nạn cũng nhiều. Bởi thế, đâm ra hoài nghi Phật pháp, tín tâm dao động, thoái chuyển đọa lạc.

Tinh Tấn: Tấn là cầu tiến bộ, Tinh là thuần chẳng tạp. Tiến bộ như thế mới hữu dụng. Trong chuyện này, có bạn đồng tu rất nỗ lực, dụng công phi thường, nhưng chẳng phải là tinh tấn! Họ học rất nhiều, nên là tạp tấn. Phí rất nhiều thời gian, tinh thần, hiệu quả chẳng lý tưởng mấy. Phật pháp đáng quý nhất là tinh tấn!

6) Cúng dường bằng cách chẳng bỏ Bồ Tát nghiệp:

Nghiệp là sự nghiệp, sự nghiệp của Bồ Tát là giáo hóa chúng sanh. Bồ Tát trong thế gian làm giáo viên, chỉ có một mục tiêu: giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Bồ Tát thị hiện trong thế gian có thể dùng các thứ thân phận bất đồng, thân phận tại gia, xuất gia, và các thân phận già, trẻ, nam, nữ, các hạnh, các nghiệp. Nếu Bồ Tát thị hiện trong giới thương nhân bèn là lãnh tụ của thương nhân, dạy quý vị kiếm lời như thế nào, dùng tiền ra sao. Các Ngài có trí huệ: kiếm tiền lời như thế nào rất khổ, kiếm lời như thế nào rất sung sướng, tiêu tiền như thế nào mà tiêu rất đau khổ, tạo rất nhiều tội nghiệp; tiêu tiền như thế nào mà tu được rất nhiều công đức, tương lai được đại phước báo, vị thương nhân Bồ Tát hiểu rõ. Già, trẻ, trai, gái, các hạnh, các nghiệp đều có Bồ Tát, Bồ Tát chỉ vẽ khuôn phép cho quý vị.

Trong nhà Phật, sự nghiệp của Bồ Tát được tượng trưng bằng việc “hoằng pháp lợi sanh”, chẳng thể buông bỏ việc này. Gia nghiệp của Phật là hoằng dương Phật pháp, tận tâm tận lực làm tốt việc ấy, đó là sự nghiệp của Bồ Tát. Có nhiều người nói: “Tôi chẳng có tiền, chẳng thể cất đạo tràng. Đối với đạo tràng cũng chẳng giúp gì được. Tôi cũng chẳng có trí huệ, chẳng thể giảng kinh, thuyết pháp, làm sao hoằng pháp lợi sanh cho được?” Quý vị đem lịch trình giảng kinh ở chỗ này báo cho người khác biết, khuyên bạn bè, người nhà, quyến thuộc, hàng xóm đi nghe kinh, đó là sự nghiệp của Bồ Tát quý vị thừa sức làm được. Họ đến rất tốt, không đến cũng chẳng sao, sự nghiệp Bồ Tát ta đã làm được rồi. Có thể thấy là sự nghiệp Bồ Tát ai cũng làm được, chẳng khó!

Ta thấy người khác bèn chắp tay niệm A Di Đà Phật, đó là sự nghiệp Bồ Tát, chẳng cần biết họ thích nghe hay không, họ đều nghe tiếng niệm lọt qua. “Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (một phen lọt qua, vĩnh viễn trở thành giống đạo); chủng tử A Di Đà Phật gieo chắc nơi A Lại Da Thức của kẻ đó, đấy là sự nghiệp Bồ Tát. Sự nghiệp cốt tại tận tâm tận lực, chẳng khó tu đâu!

7) Cúng dường bằng cách chẳng lìa Bồ Đề tâm

Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Quốc nghĩa là Giác Ngộ. Trong sanh hoạt thường nhật, đối người, đối sự, đối vật, giữ gìn tâm tỉnh giác cao độ, chẳng mê hoặc, đó là cúng dường bằng cách chẳng lìa Bồ Đề tâm. Một niệm chẳng giác bèn mê, niệm niệm bất giác bèn tạo tội nghiệp, bởi thế phải thời thời khắc khắc giữ vững tâm tỉnh giác. Giữ vững bằng cách nào? Một ngày từ sáng đến tối, một câu A Di Đà Phật ghim chắc trong tâm, chẳng hề bỏ mất, quý vị bèn giữ vững được tâm tỉnh giác cao độ. A Di Đà Phật vừa mất, vọng tưởng tạp niệm bèn khởi lên. Vọng tưởng tạp niệm là mê, một câu Phật hiệu là giác.

Trong hết thảy pháp môn, vì sao chư Phật riêng xưng tán Niệm Phật? Pháp môn Niệm Phật này dễ dàng, đi, đứng, nằm, ngồi, bất luận ở nơi đâu, hoàn cảnh nào, một câu A Di Đà Phật trong tâm quý vị đều chẳng để dứt, tu học thuận tiện. Xin thưa cùng quý vị đó là phương cách vô cùng cụ thể để cúng dường bằng cách chẳng lìa Bồ Đề tâm. Do đây biết rằng: Trên cúng mười phương hết thảy chư Phật, dưới cúng hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, tất cả đều cúng dường hết. Một câu Phật hiệu cúng dường trọn khắp. Công đức lợi ích của Phật hiệu rất ít người biết. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện này từ đầu đến cuối đều là xưng tán danh hiệu công đức chẳng thể nghĩ bàn, từng câu từng chữ trong kinh văn đều kết quy công đức của danh hiệu.

Cảnh giới tu học cũng giống như phần trên. Hư không giới, chúng sanh giới, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não chẳng thể cùng tận, sự rộng tu cúng dường của chúng ta cũng chẳng có cùng tận; cũng là nhất tâm nhất ý, niệm niệm tiếp nối chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng có mệt chán. Phải tích cực nỗ lực, phải tinh tấn tu học.

Nguyện “rộng tu cúng dường” này trọng yếu vô cùng. Hạnh môn Bồ Tát lấy Lục Độ làm cương lãnh, pháp thứ nhất trong Lục Độ là Bố Thí. Vì sao đặt Bố Thí làm pháp đầu tiên trong Lục Độ? Thật ra, chư Phật Như Lai không có pháp nào có thể nói được, hết thảy pháp nói ra không gì chẳng phải là “đối bệnh cho thuốc” đó thôi! Chúng sanh có bệnh gì bèn trao thuốc chữa trị bệnh đó, bệnh lành, thuốc cũng chẳng cần đến nữa! Bệnh chúng sanh rất nhiều, gốc của tất cả hết thảy bệnh đều là keo tham. Hết thảy chúng sanh tu hành chẳng thể khai ngộ chứng quả, tạo lục đạo luân hồi, đọa tam ác đạo đều vì bị bệnh tham làm hại. Vì thế, bố thí là một liều thuốc hay để trị bệnh keo tham. Không tham sân si thì hết thảy thiện pháp sanh; có tham sân si thì hết thảy thiện pháp chẳng sanh, hết thảy ác pháp bèn sanh.

Trong các cúng dường, pháp cúng dường thù thắng nhất. Trong các pháp cúng dường, “tu hành đúng theo lời dạy” là trọng yếu nhất, tức là y giáo phụng hành. Mục đích học Phật bất đồng, sở cầu bất đồng, chọn lựa pháp môn cũng bất đồng. Đạo tràng này của chúng ta chọn lựa Tịnh Độ tông, mục đích là hy vọng tương lai có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh điển để chúng ta y cứ là năm kinh một luận. Nhất định phải chiếu theo kinh điển mà nỗ lực thực hiện, đó gọi là Tu Hành. Tu là “tu chánh” (sửa đổi cho đúng), Hành là hành vi. Tu Hành là sửa đổi hành vi của chúng ta cho đúng. Tiêu chuẩn của Chánh là gì? Tất cả những gì Phật giáo huấn trong kinh đều là tiêu chuẩn đúng đắn cả.

Cách nghĩ, cách nhìn, cách làm của Phật quyết định là chánh xác; hãy buông bỏ tư tưởng, hiểu biết của chúng ta, chiếu theo cách nghĩ, cách nhìn của Phật để sửa đổi quan điểm, hành vi của chính mình thì gọi là Tu Hành. Tu hành ở ngay nơi khởi tâm động niệm, ngay nơi đãi người tiếp vật, chớ chẳng phải là mỗi ngày niệm kinh, gõ mõ, xướng tán, dập đầu, chắp tay. Làm ra vẻ tu hành, nhưng trong tâm khởi vọng tưởng thì chẳng phải là tu hành thật sự.

Cúng dường bằng cách như thuyết tu hành có thể nói là sự bố thí cúng dường mà hết thảy Bồ Tát đã tu đến mức rốt ráo viên mãn. Chẳng hạn như chúng ta thọ trì kinh Vô Lượng Thọ, tất cả hết thảy giáo huấn của Phật trong kinh, mỗi một điều, mỗi một câu chúng ta đều thực hiện được thì Sáu Ba La Mật, Mười Ba La Mật, mười đại nguyện vương đều hoàn toàn viên mãn.

[27] Quảng tu cúng dường: Quảng có nghĩa là rất nhiều, rất rộng. Cúng dường (đúng ra phải đọc là Cung Dưỡng): Cung là cung phụng, Dưỡng là hiếu dưỡng như con cái đối với cha mẹ.

[28] Hương xoa (Đồ hương): loại hương để bôi lên thân, có hai loại dùng gỗ Chiên Đàn Hương nghiền thành bột trộn với sáp để bôi. Loại thứ hai là dùng các thứ hương nghiền thành bột để tạo thành sáp bôi hoặc xông quần áo cho thơm tho. Ở Ấn Độ do khí hậu nóng, mồ hôi nhiều nên các loại đồ hương nhằm khử mùi hôi nơi thân thể rất thịnh hành. Chiên Đàn là tiếng Phạn, Tàu dịch là Dữ Lạc (ban cho sự vui vẻ). Gỗ loại cây này rất thơm, cũng có thể dùng để chế hương đốt, có hai loại đỏ và trắng. Loại trắng trị bệnh nhiệt, loại đỏ trị bệnh phong. Do trừ được bệnh, khiến cho thân thể nhẹ nhàng thơ thới nên gọi là Dữ Lạc.

[29] Hương bột (Mạt hương): Hương nghiền thành bột dùng để đốt, hay dùng để hòa với đất sét thành bùn thơm để đắp đàn tràng, nặn tượng.

Chú ý các vật cúng ở đây được gọi là Mây hàm ý: vật cúng nhiều xếp tầng tầng lớp lớp dày đặc chật kín cả không trung như mây. Số lượng vật cúng quá nhiều không thể tính kể được nên nói “lượng như núi Tu Di”.

[30] Tô: chất tinh luyện từ sữa, vừa ăn được, vừa dùng để thắp đèn.

[31] Đây đều là danh mục những con số. Câu chi (koti) là mười vạn, tức một trăm ngàn; cũng có thuyết nói một câu chi là một ngàn vạn. Một ngàn vạn ức là một na do tha (một Ức là một ngàn vạn). Ca la phần là một con số cực nhỏ, theo sách Huệ Uyển Âm Nghĩa: “Chẻ một sợi lông trên người làm trăm phần thì gọi là Ca La”. Toán phần là con số nhỏ nhất có thể tính được bằng toán học. Số phần là con số nhỏ nhất có thể tìm được bằng các công thức số học. Dụ phần là con số nhỏ nhất có thể hình dung được bằng thí dụ. Ưu ba ni sa đà, dịch là Cận Phần, tức là một hạt vi trần chẻ thành bảy phần, mỗi phần lại chẻ thành bảy, gần bằng với một Lân Hư Trần. Ý của đoạn này là công đức của Tài Cúng Dường chẳng bằng được một phần nhỏ nhất của Pháp Cúng Dường.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Nguyện Thứ Ba Rộng Tu Cúng Dường