Home > Khai Thị Phật Học
Những Mối Nghi Về Sự Hiện Hữu Của Ba Đường Ác
Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch


Hỏi: Con người là giống tối linh trong muôn vật, thế nhưng chuyện đền ơn trả oán vẫn thường điên đảo mơ hồ, huống chi loài súc sinh hết sức ngu si, sao có thể biết báo oán trả ơn [một cách chính xác] được?

Đáp: Trong sự đền ơn báo oán, có những chuyện có thể suy xét mà biết, cũng có những chuyện không thể suy xét mà biết được.

Những ân oán mà mình biết để báo đáp, đó là trường hợp có thể suy xét mà biết được. Lại có những trường hợp người làm ơn mà mình không hề biết, nhưng do duyên lành đời trước như thế nên ngày nay vừa gặp nhau đã thấy hoan hỷ vui mừng; hoặc người có oán cừu mà mình không hề biết, nhưng do duyên xấu ác trong quá khứ nên ngày nay vừa gặp nhau đã tự nhiên sinh lòng giận ghét. Đó là những trường hợp không thể suy xét mà biết được.

Cho nên, nói chung thì nghiệp giết hại có quả báo nhanh chậm khác nhau, một khi nghiệp duyên đã đến thì bất luận là trời, người hay quỷ thần cũng đều không thể trốn tránh. Lấy ví dụ, nếu như người gây nghiệp giết hại rồi tương lai sinh làm người, kẻ bị giết hại lại sinh vào loài súc sinh, ắt sẽ có những việc như rắn mổ, chó cắn, cọp vồ... Nếu người giết hại sinh làm người, kẻ bị giết hại lại sinh làm quỷ thần, ắt sẽ có những việc như dịch lệ, bắt hồn, chết bất đắc kỳ tử, chết yểu... Nếu người giết hại sinh làm người, kẻ bị giết hại sinh lên cõi trời, ắt sẽ có những việc như tai ương, tật bệnh, bạo tử... Nếu người giết hại sinh làm dân thường, kẻ bị giết hại lại sinh làm quan lại, ắt sẽ có những việc như lao ngục, gông cùm, khép tội chết oan uổng... Nếu người giết hại sinh làm quân lính, kẻ bị giết hại sinh làm quan binh, võ tướng, ắt sẽ có những chuyện như đao thương giao đấu, đạn lạc tên bay, bỏ mạng sa trường... Nếu người giết hại sinh lên cõi trời, kẻ bị giết hại sinh vào loài a-tu-la, hoặc ngược lại, ắt sẽ có những chuyện như núi lay biển động, chiến đấu không ngừng...

Người đời mỗi khi gặp phải tai ương hoạn nạn thì lập tức oán trời trách người, không biết rằng mỗi việc như thế đều có nguyên do, chẳng phải tự nhiên mà đến.

Hỏi: Thuyết địa ngục chẳng qua cũng chỉ để khuyên người tránh ác làm thiện mà thôi, lẽ nào lại là có thật?

 Đáp: Cõi dương gian cũng có lao ngục, vì sao riêng ở cõi âm lại không có? Đức Phật tuy khuyên người làm thiện nhưng lẽ nào [vì thế mà] nói dối, lừa gạt người sao? Ông Vương Long Thư có nói rằng: “Người đời nói dối có hai nguyên do, một là để tranh lấy điều lợi, hai là để tránh né điều hại. Đức Phật xem địa vị của vua trời Đế Thích như chiếc giày rách, xem vàng ngọc châu báu như gạch ngói đá sỏi, thế thì có điều lợi nào để tranh lấy? Phật xem đao kiếm cắt xẻo thân thể chỉ như vẽ vào hư không, lửa dữ thiêu đốt thân hình chỉ như thiêu đốt hình ảnh, thế thì có điều hại nào phải tránh né? Cho nên, không chỉ là Phật không nói dối, mà là chẳng cần phải nói dối để làm gì cả.”

Thuở xưa, trong vô số kiếp về trước, đức Thế Tôn từng ở nơi thế giới này làm vị Thiên vương cõi trời Đao-lợi, tên là Thiện Nhật Quang Minh, còn thế giới này lúc ấy tên là San Hô Trì. Khi ấy, đức Thiên Vương nhìn xuống cõi Diêm-phù-đề thấy người người đều ưa thích việc giết hại, liền hiện xuống hóa hình làm quỷ dạ-xoa, đến chỗ con người đòi hỏi thức ăn. Mọi người đều kinh hãi, liền hỏi muốn ăn gì, quỷ dạ-xoa đáp: “Ta chỉ ăn thịt những kẻ giết hại thôi.” Rồi ngài đến những nơi lò mổ sát sinh, biến hóa ra các hình nhân trông như thật, xé xác mà ăn. Mọi người thấy thế đều kinh sợ, tất cả đều xin giữ giới không giết hại nữa.

Qua câu chuyện ấy, đức Phật có dạy rằng: “Ta tuy hóa độ được vô số chúng sinh bằng cách ấy, nhưng do quả báo của việc nói dối và đe dọa chúng sinh nên khi ta ngồi dưới cội Bồ-đề sắp thành quả Phật thì bị thiên ma Ba-tuần cùng với chúng ma kéo đến khủng bố, muốn cho ta rối loạn mà không thể chứng đạo Bồ-đề.”

Theo chuyện này mà xét thì biết đức Phật không hề nói dối về chuyện có cảnh giới địa ngục.

Hỏi: Thuyết nói về địa ngục hẳn là [hàm ý chỉ đến những nỗi khổ] ngay trong cõi dương gian này đó thôi. Như kẻ đói thiếu khốn cùng phải đi xin ăn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, ấy chính là cảnh giới ngạ quỷ. Như kẻ bị giam nơi tù ngục, gông cùm xiềng xích quanh thân, đó chính là địa ngục. Còn như núi đao rừng kiếm, chẳng phải chính là [cái khổ mà] những con vật bị mang ra giết mổ phải chịu đó sao? Vạc dầu sôi, lò lửa nóng, chẳng phải chính là [cái khổ mà] những con vật bị nấu nướng chiên xào phải chịu đó sao?

Đáp: Nói như thế nghe qua tưởng chừng như đúng, nhưng thật ra không phải vậy. Nếu nói ở cõi dương gian này có cảnh khổ như địa ngục thì cũng đúng, nhưng nếu nói cảnh giới địa ngục chỉ có ở cõi dương gian này thôi thì không đúng.

Ví như những kẻ quá thấp hèn ngu si, người đời thường ví như súc sinh, nhưng lẽ nào vì thế mà cho rằng hạng người ấy chính là súc sinh, rồi phủ nhận rằng không có súc sinh thật vốn là những loài mang lông đội sừng?

Thuở xưa Tư Mã Ôn Công có lần giảng giải kệ thiền, nói rằng “người quân tử thanh thản an nhiên, đó là thiên đường, kẻ tiểu nhân thường buồn lo đau khổ, ấy là địa ngục”. Đại sư Liên Trì hết sức quở trách cách hiểu này, cho rằng nói như vậy thì hàm ý sâu xa sẽ đi đến chỗ bác bỏ nhân quả. Nếu điều ông nói đó mà đúng, ắt những điều truyền lại trong Kinh điển đều là dối trá cả sao?

Hỏi: [Vậy cứ xem như] địa ngục ắt là có thật, nhưng chỉ thấy ghi trong các sách vở khác mà không có trong sách vở của Nho gia, nên người học Nho hẳn là không nên đề cập đến?

Đáp: Nếu miệng tránh không muốn nói đến địa ngục, sao bằng trước hết giữ thân tránh không cho rơi vào địa ngục? Nếu hiểu được con đường tránh xa địa ngục thì khi gặp người khác có khuyên bảo, khuyến khích cũng là điều tốt. Bằng như không hiểu được, thì dù ngậm miệng không nhắc đến địa ngục, liệu có ích lợi gì chăng?

 

Trích từ: An Sĩ Toàn Thư Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại