Mọi người ở đây kết thất niệm Phật cần phải hiểu rõ ý nghĩa của việc kết thất niệm Phật.  Trong bảy ngày này chúng ta hy vọng đạt được kết quả gì thì bảy ngày này mới chẳng luống uổng.

Chúng ta sinh sống trong thời đại hiện nay, nếu có trí huệ thì nhất định sẽ có cảnh giác cao độ.  Con người sống trong thế gian bất quá chỉ được mấy chục năm ngắn ngủi, búng ngón tay thì đã trôi qua mất rồi, bình tĩnh quan sát mới biết đó chỉ là một con số không [to tướng], đây là sự thật.  Sự hạnh phúc quý báu nhất của người ta trong đời là không tạo ác nghiệp.  Nếu có thể không tạo ác nghiệp, tương lai nhất định sẽ sanh vào cõi lành, cõi tốt đẹp.

Người xưa nhắc nhở người tu hành như chúng ta cần phải có ‘tiền hậu nhãn’.  Tiền hậu nhãn nghĩa là biết quá khứ, nhìn thấy tương lai, không chỉ tập trung ở hiện tại.  Ðiểm này vô cùng quan trọng.

Lúc Hàn Quán trưởng vãng sanh đã cho chúng ta rất nhiều bài học, nhắc nhở chúng ta ‘tử sanh sự đại’ (việc sanh tử vô cùng quan trọng).  Chúng ta cần phải có cảnh giác cao độ, đến lúc lâm chung tự mình phải làm chủ được mình, được như vậy thì tiền đồ mới xán lạn.  Nếu lúc lâm chung tự mình không làm chủ được, phải chịu sự sắp xếp của người khác, cho dù có rất nhiều người lo lắng chăm sóc, nhưng những gì mình cảm xúc chưa chắc sẽ được toại ý.  Ðời sau đi về đâu đều quyết định ở một niệm cuối cùng.  Một niệm cuối cùng là tham, sân, si thì sẽ đi vào ác đạo.  Chuyện này dễ sợ vô cùng!

Hàn Quán trưởng có phước báo, từ lúc sanh bịnh đến lúc vãng sanh được ba mươi mấy vị xuất gia có tâm địa thanh tịnh, suốt ngày đêm ở bên giường bịnh niệm Phật và chăm sóc; sau khi vãng sanh [họ trợ] niệm suốt bốn mươi chín ngày đêm không ngừng, ngay cả những vị xuất gia, đại pháp sư cũng không làm được việc này.  Ngay cả lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Ðài Trung cũng sánh không bằng, lúc thầy Lý sanh bịnh chỉ là do vài người học trò chăm sóc, không có nhiều người xuất gia đắp y đầy đủ oai nghi giúp đỡ.  Phước báo này là một nhân duyên hiếm hoi!  Ðây là quả báo của bà đã hộ trì chánh pháp suốt ba mươi năm, cho nên bà có thể vãng sanh Tịnh Ðộ một cách vô cùng thuận lợi -- trợ duyên quá thù thắng, tốt đẹp!

Suy nghĩ trở lại, tương lai lúc chúng ta vãng sanh có được duyên phận thù thắng như vậy hay không?  Ðiều này chúng ta cần phải cảnh giác đến, đây thiệt là một việc lớn lao nhất trong đời này.  Trong trường hợp và hoàn cảnh hiện tại, phương pháp [an toàn nhất] là tự mình phải nhất quyết tu học cho được thành tựu, không cần nhờ người khác, lúc vãng sanh không bị bịnh khổ, dự biết trước thời giờ ra đi, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, nằm vãng sanh, tùy ý muốn của mình, đây là sanh tử tự tại, được vậy chúng ta mới không bỏ uổng đời này.  Mọi người tham dự Phật thất niệm Phật phải hiểu rõ, nắm chắc tông chỉ này, chúng ta đến đây là để huấn luyện thêm, học tập để tương lai tự tại vãng sanh.

Trong quyển Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện có ghi rất nhiều người tự tại vãng sanh, số người không được ghi chép lại còn nhiều hơn.  Gần đây trong quyển Niệm Phật Luận của lão pháp sư Ðàm Hư, Ngài nói đã chứng kiến tận mắt hơn hai mươi mấy người vãng sanh, [số người vãng sanh] nghe nói đến còn nhiều hơn.  Trong quyển Niệm Phật Luận, Ngài thuật lại bốn chuyện vãng sanh, trong đó người xuất gia có pháp sư Tu Vô ở chùa Cực Lạc, Harbin (miền Ðông Bắc Trung Quốc), người tại gia có cư sĩ Trịnh Tích Tân và người em của ông, người thứ tư là cư sĩ họ Trương ở chùa Trạm Sơn.

Pháp sư Tu Vô là một người cực khổ cả đời và mù chữ; trong pháp hội truyền giới ở chùa Cực Lạc thầy phát tâm giúp đỡ săn sóc cho người bịnh.  Pháp hội truyền giới còn chưa kết thúc, thầy Tu Vô dự biết trước thời giờ đã đến, niệm Phật vãng sanh.  Trước lúc vãng sanh ngài nhắc nhở đại chúng ‘có thể nói mà không thể làm thì chẳng phải trí huệ chơn thật’.

Cư sĩ Trịnh Tích Tân là một người làm ăn buôn bán, được dịp nghe lão pháp sư Ðàm Hư thuyết pháp nên rất vui vẻ, tán thán.  Sau này nghỉ buôn bán, học giảng kinh Di Ðà, ông đi đến nhiều nơi giảng kinh và khuyên người niệm Phật.  Ông không sanh bịnh, ngồi mà vãng sanh.  Một hôm sau khi giảng kinh xong ông nói với đại chúng: ‘Tôi phải đi đây’, thật là siêu thoát!  Thật là tự tại!  Người em của ông lúc trước cứ cho rằng ông học Phật quá mê lầm, sau khi nhìn thấy ông tự tại vãng sanh nên tỉnh ngộ và cũng siêng năng, thật thà niệm Phật.  Ba năm sau người em của ông cũng vãng sanh, lúc vãng sanh mang bịnh nhẹ.

Gia đình cư sĩ Trương ở chùa Trạm sơn vô cùng nghèo túng, chồng bà làm nghề kéo xe chở khách.  Bà làm công quả trong những pháp hội niệm Phật ở chùa Trạm Sơn, cả ngày từ sáng đến tối Phật hiệu không gián đoạn.  Bà dự biết trước ngày giờ vãng sanh, hôm đó bà dặn dò chồng phải chăm sóc cho con xong rồi an nhiên ngồi trên giường mà vãng sanh.  Ðây là tấm gương tốt cho những người học Phật chúng ta, không cần phải nhờ cậy người khác giúp đỡ, tự mình thiệt nắm chắc [có thể tự tại vãng sanh].

Ngoài ra cụ Ðàm [Hư] còn kể chuyện một học trò của lão pháp sư Ðế Nhàn, ông này là thợ vá nồi và không biết chữ.  [Người này là bạn chơi thân với lão pháp sư lúc nhỏ, đến xin xuất gia vì đời sống quá cực khổ, muốn tìm lối thoát.  Sau khi cho ông xuất gia], cụ Ðế [Nhàn] dạy ông đến một ngôi miếu đổ nát ở miền quê gần Ôn Châu, tìm vài người hộ pháp săn sóc [việc ăn uống] cho ông.  Cụ Ðế chỉ dạy cho ông niệm một câu ‘A Di Ðà Phật’, dạy ông thật thà niệm câu Phật hiệu này, niệm đến mệt thì nghỉ, nghỉ ngơi xong thì niệm tiếp tục.  Ông niệm trong vòng ba đến bốn năm thì thành công; ông đứng mà vãng sanh, còn đứng ba ngày sau khi vãng sanh [để đợi lão pháp sư Ðế Nhàn đến lo hậu sự].  Thật là vô cùng tự tại!  Cụ Ðế khen ông: ‘So với những đại pháp sư giảng kinh thuyết pháp, những vị phương trượng trụ trì, [sự thành tựu của] ông vượt trỗi hơn họ quá nhiều, quá nhiều!’

Phẩm vị vãng sanh của những người này không phải ở Trung phẩm, Hạ phẩm mà là ‘Thượng phẩm vãng sanh’ nói trong kinh Vô Lượng Thọ.  Họ có thể làm được là vì họ đã buông xả danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần.  Ngày nay chúng ta làm không nổi là vì buông xả chẳng nổi những sự quyến rũ, khó là khó ở chỗ này.  Nên biết danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều là giả hết, đã hại chúng ta đời đời kiếp kiếp kẹt mãi trong lục đạo luân hồi, đọa lạc trong ác đạo chịu hết bao nhiêu khổ nạn.

Cho nên mới nói người đời nay ‘ngu si’, không những không hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, mà còn không có khả năng phân biệt những thứ tà chánh, thiện ác, lợi hại.  Không biết tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần tai hại vô cùng; chỉ có buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật là việc thiện lớn nhất.  Ðây là lời kinh dạy: ‘Ðoạn dứt tất cả điều ác, tu tất cả điều thiện’, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa chân chánh của nó.

Trong đời này mỗi vị đồng tu có thể đạt được sự thành tựu thù thắng nhất hay không?  Có thể.  Thiện Ðạo đại sư nói: ‘Chín phẩm vãng sanh đều là do gặp duyên chẳng đồng’.  Chúng ta đã gặp được nhân duyên thù thắng, gặp được Phật pháp Ðại thừa, gặp được Tịnh Tông, gặp được bản hội tập của kinh Vô Lượng Thọ, gặp được đồng tham đạo hữu tốt, nếu trong đời này không thể thành tựu thì đó là vì tập khí phiền não của mình quá nặng, cứ mỗi ngày tạo nghiệp như cũ.

Khi khởi tâm động niệm đều vì mình là tạo nghiệp.  Ngôn ngữ gây tổn hại cho người khác, thị phi nhân ngã đều là khẩu nghiệp.  Trong kinh Vô Lượng Thọ nói đến tam nghiệp, đặt khẩu nghiệp ở hàng đầu: ‘khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chê bai lỗi của người khác’ tức là cảnh giác chúng ta khẩu nghiệp quan trọng nhất, dễ phạm nhất.  Nhìn thấy chúng sanh có lỗi lầm đều không thể nói đến; nếu [người ta] không có lỗi mà mình đặt chuyện, và còn hoài nghi người ta có lỗi thì tội nghiệp này còn nặng hơn.

Người tu học còn chịu ảnh hưởng của phiền não tập khí [tích lũy] từ vô lượng kiếp đến nay nên thoái chuyển rất dễ dàng, tinh tấn rất khó khăn.  Thế nên những vị đại đức, tổ sư ngày xưa đề xướng tu tập chung, kết Phật thất để cùng nhau niệm Phật, nương vào đại chúng để tu tập, đó là đạo lý của việc tu tập chung.

Niệm Phật Ðường ở Tân Gia Ba càng ngày càng thù thắng, từ mồng một tháng Giêng đến 30 tháng Chạp (tháng 12), mỗi ngày niệm Phật 24 giờ đồng hồ không gián đoạn, đây là Phật thất [kéo dài] quanh năm.  Giảng đường mỗi ngày giảng kinh hai giờ, 365 ngày trong năm không gián đoạn, thiệt đúng là giải và hành đều quan trọng như nhau, đều cùng nhau tu Ðịnh và Huệ.  Lão hòa thượng Tịch Ðộ ở Ngũ Ðài Sơn, lão hòa thượng Nhân Ðức ở Cửu Hoa Sơn, lão hòa thượng Mính Sơn ở chùa Ðịnh Huệ, Tiêu Sơn, Trung Quốc, đều tán thán đạo tràng này là ‘đạo tràng hạng nhất trên thế giới’.

Mọi người ở Cư Sĩ Lâm từ trên xuống dưới đều hòa thuận, ai cũng thường nở nụ cười tươi, chúng ta ở đây có thể nhìn thấy việc ‘thường sanh tâm hoan hỷ’ nói trong kinh.  Hy vọng mọi người có cơ hội đến Tân Gia Ba tham học, đem phương pháp tu học ở đây phổ biến đến khắp nơi trên thế giới, để mọi nơi đều có thể xây dựng đạo tràng như vậy.  Chúng ta nỗ lực hết lòng tu học, không những tự mình trong đời này nhất quyết vãng sanh, chúng ta còn có thể đem lại sự an định cho xã hội, hòa bình cho thế giới, đây là công đức chân thật, tự hành hóa tha nói trong nhà Phật.  Hy vọng mọi người hãy siêng năng tinh tấn niệm Phật.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lược Thuật Chư Tổ Vãng Sanh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Hồi Hướng Khuyên Cầu Vãng Sanh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Nhận Thức Về Tái Sanh Chứng Ngộ Vãng Sanh
Hòa Thượng Thích Giác Khang

Tính Cách Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện
Hòa Thượng Thích Trí Thủ