Phật Học Vấn Đáp


Người xuất gia thuộc thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc là pháp sư nào?
Người xuất gia thuộc thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc là pháp sư nào? (Thích Tâm Xuyên hỏi)
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Dịch Giả :Cư Sĩ Như Hòa | Xem: 47

5/11/2024 9:56:36 AM
Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Hoa, còn chưa thể nói chắc chắn là trong đời Châu, Tần, Hán hay Ngụy, làm sao có thể nói người xuất gia đầu tiên ở đất Hán [là ai]. Nếu thừa nhận [Phật giáo] bắt đầu [truyền vào Trung Hoa] kể từ thời Hán Minh Đế, nếu dựa Hán Pháp Bản Nội Truyện[i] đã ghi đại lược: “Khi ấy, quan Tư Không[ii] là Lưu Tuấn Đức và đạo sĩ Lữ Huệ Thông v.v... gồm một ngàn người, thỉnh cầu xuất gia, vua đều chấp nhận” thì có thể nói là những vị như ông Lưu là người xuất gia đầu tiên. Lại dựa theo bộ Cao Tăng Truyện đời Lương và cuốn Tam Bảo Ký của Phí Trường Phòng đã nói: Vào đời Tào Ngụy, trong niên hiệu Cam Lộ của Cao Quý Hương Công[iii], Châu Sĩ Hành người xứ Dĩnh Xuyên là người xuất gia đầu tiên ở đất Hán. Thời đại xa vời, mờ mịt, chuyện xưa khó thể có chứng cứ đích xác. [Dĩ nhiên sử liệu] chẳng phải chỉ có như thế, trong lúc chưa phát hiện những thuyết khác, tạm chấp nhận hai thuyết này để làm tài liệu tham khảo cũng được, nhưng cũng chớ nên chấp chặt phải là như vậy.
 
[i] Đây là một tác phẩm ghi sự truyền thừa của Phật giáo vào Trung Hoa, không rõ viết vào thời nào và ai là tác giả. Theo đó, Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ thời Hán Minh Đế trong niên hiệu Vĩnh Bình (58 75) và đã liên tục bị Đạo giáo công kích. Nguyên bản hoàn chỉnh của tác phẩm này đã bị thất truyền, chỉ còn những phần trích dẫn trong các bộ sử liệu về sau như Tập Cổ Kim Phật Đạo Luận Hành, Quảng Hoằng Minh Tập, Pháp Uyển Châu Lâm v.v...
[ii] Tư Không là chức quan được thiết lập từ thời Tây Châu, được xếp vào hàng Tam Công, tương đương với Lục Khanh. Tư Không cùng với Tư Mã, Tư Khấu, Tư Sĩ, Tư Đồ được gọi là Ngũ Quan. Tư Không tương đương với Thượng Thư bộ Công về sau này, chưởng quản công tác thủy lợi, xây dựng cung thất, các công trình công cộng v.v...
[iii] Cao Quý Hương Công là tước hiệu của Tào Mao (241 260), là cháu nội của Tào Phi (con trai trưởng của Tào Tháo). Năm 254, quyền thần Tư Mã Sư phế lập Tào Phương (Ngụy Thiếu Đế), đưa Tào Mao lên ngôi vua, làm con rối cho Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu thao túng. Khi vua trưởng thành, toan trừ khử bè lũ Tư Mã Sư, nhưng bất thành, bị giết, nên không có đế hiệu. Sử chỉ gọi vua là Cao Quý Hương Công theo đất phong khi còn là công tử của Đông Hải Vương  Tào Lâm.

Trích từ:  Phật Học Vấn Đáp Loại Biên.

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật