Home > Khai Thị Phật Học
Hiếu Hạnh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Trong muôn loài chỉ có nhân loại là biết đến hiếu. Tam ác đạo vô minh nên không biết hiếu, chư thiên và quỷ thần thì hóa sinh không có phụ mẫu nên cũng không hiếu. Nhân gian lấy ngũ dục làm bảo, nên dùng ngũ dục báo đáp ân cha mẹ, ngoài thì dưng cơm ngon áo đẹp, và những phẩm vật cha mẹ ưa thích, trong thì khéo xét tâm ý cha mẹ mà làm vừa lòng người. Cha mẹ cũng là một người như mọi người trong chúng ta, đều thích hưởng ngũ dục, chúng ta cũng thích hưởng dục, nên vấn đề hiếu dưỡng của nhân sinh nằm gọn trong ngũ dục, hay nói khác hơn là làm sao để cha mẹ được dục như ý là hiếu tử. Vì vậy hiếu theo quan niệm phổ thông là nuôi cha mẹ, tức đồng với cung cấp ngũ dục theo ý cha mẹ. Cái nuôi này có hai xu hướng, một là hết lòng phụng dưỡng chiều chuộng cha mẹ tuyệt đối. Hai là cho ăn cho mặc, hay cho tiền rồi sai làm vú em thay ta nuôi con, kiêm gác dan nhà cửa, cha mẹ có lỡ đánh ngã con thì mình không tiếc lời trách cứ. Như vậy ai cũng thấy chân hiếu là hạng thứ nhất, hạng thứ hai là không hiếu cũng không bất hiếu, hạng thứ ba bỏ bê cha mẹ không nuôi dưỡng không đếm xỉa đến là bất hiếu.

Ta có thể xét đoán tinh thần hiếu này qua Nho giáo, mà người Việt và người Hoa bị ảnh hưởng rất nhiều.

Khi Tử du hỏi về hiếu, Khổng tử dậy : Kim chi hiếu giả thị vi năng dưỡng, chí ư khuyển mã giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ. Có nghĩa đời nay cho hiếu là nuôi dưỡng cha mẹ, nhưng chó ngựa còn nuôi được, nên nuôi mà bất kính cha mẹ khác nào nuôi chó ngựa. Lời dậy này nhằm vào hàng thứ hai, nuôi dưỡng cha mẹ theo lối nuôi đầy tớ vú em, nuôi để làm công cho ta, với tâm lý mướn vú em vừa đắt tiền vừa không an tâm, không hiểu họ có chăm sóc con ta cẩn thận không, còn như mẹ mình làm vú em, tất nhiên bà phải yêu cháu nên ta sẽ an tâm hơn nhiều, mà lại khỏi tốn tiền mướn người làm, thêm được tiếng nuôi mẹ. Thực là bạc bẽo bất lương, nên Khổng tử đẵ chẳng chút khách sáo gì với hạng người này.

Bàn về hàng hiếu thứ nhất ở đời, tức luôn luôn phục tùng theo mệnh tức theo ý cha mẹ. Tuân tử phân tách : Hiếu tử có ba hạng. Theo mệnh thì cha mẹ nguy, không theo thì cha mẹ yên nên hiếu tử không theo mệnh là hợp với đạo trung. Theo mệnh thì cha mẹ nhục, không theo thì cha mẹ vinh, hiếu tử không theo là hợp điều nghĩa. Theo mệnh là cầm thú, không theo thì cha mẹ vẻ vang, hiếu tử không theo là mệnh là kính cha mẹ. (Tuân tử, Tử đạo). Theo ý Tuân tử, cần phải xét ý cha mẹ, nếu đúng đạo nghĩa thì không được không tuân mệnh, nếu không đúng đạo nghĩa thì không nên tuân theo, để tránh cho cha mẹ bị nguy hay bị nhục. Như vậy Tuân tử không tán đồng hàng hiếu thứ nhất ở đời là thật hiếu.
Khi Lỗ Ai công 3 lần hỏi : Con theo mệnh cha phải hiếu không? Tôi theo mệnh vua phải là trung không? Khổng tử không đáp mà đem việc này hỏi Tử cống. Tử cống đáp, còn ngờ gì nữa. Khổng tử nói : Anh không biết gì cả, vua nước vạn thặng có tránh thần 7 người thì không lầm lỗi, vua nước thiên thặng mà có tránh thần 5 người thì xã tắc không nguy, làm chủ 1 nhà có tránh thần 3 người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử thì không rơi vào điều vô lễ, kẻ sỹ có tránh hữu thì không làm điều bất nghĩa. Nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung vậy (Khổng tử gia ngữ). Tránh có nghĩa can gián, theo ý Khổng tử trung thần không phải tuyệt đối theo mệnh vua, mà phải biết can vua đừng làm chuyện hại dân hại nước, và hiếu tử cũng chẳng phải tuyệt đối theo mệnh cha mẹ, mà phải can ngăn cha mẹ làm điều sai trái.

Như vậy cả Tuân tử và Khổng tử đều chê trách vấn đề vua hay cha mẹ đòi hỏi trung thần hay hiếu tử phải tuyệt đối vâng mệnh, và chê trách tinh thần trung và hiếu vô trí, chỉ biết vâng mệnh mà không biết hậu quả của sự vâng mệnh này. Người trung hay hiếu phải biết trung và hiếu với lẽ phải, người trung hiếu này mới thật sự có lợi cho vua và cha mẹ, mà bàng dân thiên hạ cũng được hưởng lây đức tính trọng lẽ phải này.

Thế nhưng đừng ngộ hội hay lạm dụng cớ này để chống báng cha mẹ theo ý riêng của mình. Khổng tử nhấn mạnh : Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tùng, hựu kính bất vỹ, lao nhi bất oán (thờ cha mẹ can ngăn điều trái, cha mẹ không nghe cũng không nghịch, lao khổ cũng không oán)Theo ý Khổng tử, giả như can ngăn cha mẹ không đuợc, cũng không vì vậy mà chống đối oán ghét cha mẹ, mà vẫn kính trọng phụng dưỡng không nề lao nhọc.

Trong hàng môn đồ của Khổng tử, Tăng tử là người có tiếng hiếu đễ nhất. Tăng tử phân hiếu làm ba hạng : Đại hiếu tôn thân, kì thứ phất nhục, kì hạ năng dưỡng. Có nghĩa đại hiếu là làm sao cho cha mẹ được vinh hiển. Hiếu thứ hai là không bao giờ làm cha mẹ chịu nhục. Hiếu thứ ba mới là nuôi dưỡng phụ mẫu. Tôn thân và phất nhục đều có hai mặt. Trước hết tôn thân có nghĩa làm cha mẹ được vẻ vang, bằng cách khéo léo ngăn cha mẹ làm ác, khuyến cha mẹ làm lành, khiến mọi người kính trọng đức độ của cha mẹ, đó là khiến bản thân cha mẹ được tôn kính, ngoài ra do ta tu hành thiện pháp, làm chỗ dựa cho mọi người, được mọi người tôn kính nên cha mẹ cũng được hưởng lây, đây là do đức hạnh của ta mà cha mẹ được tôn kính. Phất nhục có nghĩa là không bị nhục, cũng như tôn thân bao gồm hai phương diện, nếu không khuyên được cha mẹ hành thiện, thì cũng cản được phần nào ác hành nơi phụ mẫu, để cha mẹ không bị người ta coi thường và hủy báng, ngoài ra nếu ta không đủ lực hành thiện pháp, thành tựu công đức, thì cũng nỗ lực tránh mọi điều ngu ác để tự thân không phạm sai lầm, không bị phỉ nhổ thọ nhục và làm cha mẹ phải đau khổ chịu nhục lây cái nhục của ta. Hiếu thứ ba năng dưỡng có nghĩa chỉ nuôi dưỡng được cha mẹ nhưng với lòng tôn kính, không phải nuôi như chó ngựa, coi thường và bắt nạt cha mẹ, mà Khổng tử đã phê bình và lên án.

Đó là quan niệm về hiếu của Nho gia, mà ngườiViệt chúng ta chịu ảnh hưỡng sâu xa, nhưng rất mất căn bản, không hiếu nổi như Nho gia chỉ bầy. Ta tạm gọi hiếu này là hiếu thế gian. Hiếu thế gian chỉ hiếu với cha mẹ hiện tiền, và nếu cha mẹ quá vãng thì chỉ lo cúng tế cơm nước cho đến hết đời mình là xong nợ.

Khác với Nho gia chỉ báo hiếu trong một đời. Đạo Phật báo hiếu vô hạn, cho đến khi cha mẹ thoát sinh tử luân hồi mới ngưng. Phật giáo lấy giải thoát làm bảo, nên dùng giải thoát báo đáp cha mẹ. Trọng trách báo hiếu của Phật gia so với Nho gia thật một trời một vực. Nho gia báo ân một phụ mẫu, thời gian trong một đời. Phật gia báo ân vô lượng phụ mẫu trong thời gian vô lượng đời. Như đức Phật dậy : Như lai trải qua vô lượng kiếp sống, nên có vô lưọng cha mẹ. Vô lượng chúng sinh đã từng làm cha mẹ của Như lai.

Đức Phật lại từng hỏi A nan : Giả như có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đi khắp mọi nơi, hầu hạ cung duỡng, cha mẹ có phóng uế trên vai cũng chẳng nhờm gớm, người này đủ gọi là chí hiếu chưa?. A nan đáp : Người này thực đúng là chí hiếu. Đức Phật dậy : Người này đúng là hiếu tử, nhưng chưa phải là chí hiếu, người chí hiếu là biết đưa cha mẹ đến với tam bảo. Đối với Phật pháp, cho dù có tôn thân hay phất nhục hoặc nuôi dưỡng vẫn chỉ là nhất thời trong kiếp này, không bằng đưa cha mẹ ra khỏi sinh tử luân hồi, mới thật sự là báo đáp viên mãn. Nhưng cha mẹ thì vô lượng mà ân nào cũng sánh bằng nhau, tình thương của tất cả các cha mẹ trong ba đời đều như nhau. Nay thấy được tình thương của cha mẹ hiện tại thì cũng suy ra được cha mẹ quá khứ đã bảo bọc ta như thế nào, mà giờ này vì phan duyên sinh tình cảm hiện tiền mà bội bạc với cha mẹ cũ. Cha mẹ trong vô lượng đời của ta đều có nhân duyên với ta, nên làm đủ các loài quanh ta, vì vậy rải từ tâm đến muôn loài tức đền đáp ân chúng sinh và ân cha mẹ quá khứ. Do đó người hành bồ tát đạo thệ độ nhất thiết chúng sinh, bằng cách bảo hộ chúng sinh, khuyến khích mọi người phát từ bi tâm, bảo vệ cho nhau và cho chúng sinh tránh được khổ quả, như bị chém giết, hãm hại tranh cướp của nhau, nhờ vào hành các thiện pháp bố thí phóng sinh, trì trai giữ giới, khiến chúng sinh được an lành, nhờ sự phát tâm bồ đề. Trong Văn khuyến phát bồ đề tâm của Liên tông thập nhất tổ Thật hiền kể chuyện người nọ đánh đập con lừa mà không biết là mẹ mình thác sinh thành. Thậm chí còn giết thịt để ăn mà không biết rằng, do có nhân duyên với nhau nên mới ăn thịt của nhau, đã có nhân duyên tất có thể là cha mẹ trong quá khứ. Đời nay mải lo truy cầu ngũ dục, không phụng dưỡng cha mẹ, đợi đến cha mẹ qua đời thì khóc lóc kể lể, cha ơi mẹ hỡi, rồi đến tương lai thì sẵn sàng làm thịt cha mẹ, để thỏa mãn cảm giác nhất thời của thiệt căn. Nếu không tư duy thấu đáo thì tất cả những tội ác này có thể xẩy ra. Vì vậy mới biết phương tiện đưa cha mẹ quy y với tam bảo, là giúp cha mẹ trừ được quả khổ đắc được phúc báo ở tương lai.

Trong một mùa Vu lan tại Nauy, trước khi lên lễ đài thuyết giảng về đề tài Vu lan, tôi đang suy nghĩ Vu lan nói cả chục năm rồi, chẳng lẽ cứ nói đi nói lại một đề tài, vừa lúc mấy thiếu nữ đi cài hoa hồng, đến trước tôi và hỏi thầy cài hoa nào ạ? Tôi lưỡng lự nói, thầy cũng không biết nữa, thiếu nữ này ngỡ tôi không hiểu, nên giải thích, dạ thưa nếu thầy con mẹ thì chúng con cài hoa hồng cho thầy, còn nếu thầy đã mất mẹ thì chúng con cài hoa trắng cho thầy. Tôi đáp, thầy còn mẹ mà cũng mất mẹ, nên thôi khỏi phải cài hoa nào hết. Mấy thiếu nữ này ngơ ngác chẳng hiểu tôi có bị trúng gío không, và nhờ vậy mà có đề tài thuyết giảng về Vu lan cho hôm đó. Khi lên giảng, tôi mới giải thích, mẹ trong tôi là mẹ vĩnh viễn, nên mẹ quá khứ đã mất, mẹ hiện tại đang còn, tôi vui vì còn mẹ, thì quả là bạc bẽo với mẹ quá khứ, tôi chỉ tưởng niệm mẹ đã mất, mà quên mẹ đương còn thì lại bội bạc với mẹ hiện tại, càng vui vì có mẹ, thì càng đau lòng vì mất mẹ, nên biết chọn hoa nào đây, trắng hay hồng? tốt nhất là chẳng trắng hồng, mà để tưởng niệm cha mẹ quá khứ và tri ân cha mẹ hiện tiền, hãy đeo hoa bồ đề tâm, nguyện độ nhất thiết phụ mẫu. Độ cấp bách và thiết thực hơn là lo vui hay buồn, cha mẹ còn hay mất đều bị bao nỗi khổ bức bách, bị vọng nghiệp đe dọa, xô đẩy vào tam ác đạo, mau mau hành thiện pháp hồi hướng, và khuyến khích cha mẹ tu phúc để trừ khổ quả trong tương lai. Vui vì mẹ còn, buồn vì mẹ mất đều chỉ là một cách biểu lộ tình cảm của mình, ngoài ra chẳng chút hữu ích gì cho cha mẹ. Nếu cha mẹ mất đi ta đau lòng, nhưng sau đó thì vĩnh viễn lãng quên, hẳn nỗi đau này rất là đãi bôi không chân thật. Do vậy thay vì vui với mẹ còn hay đau vì mẹ mất, người trí phát bồ đề tâm, vận dụng bi trí, nỗ lực cứu giúp các bậc cha mẹ đều được an lạc vĩnh hằng, giải thoát sinh tử. Đó mới là chí hiếu. Vì vậy đức Phật dậy, cha mẹ nào có con phát bồ đề tâm thì không sợ đọa địa ngục.

Tóm lại ta có thể phân hiếu thành hai loại, hiếu của thế tục lấy chiều chuộng làm nền tảng, và hiếu theo Phật giáo lấy nhân quả làm căn bản.

1.Hiếu theo thế tục: Phụng sự cha mẹ theo tinh thần thế gian, cha mẹ muốn gì thì đáp ứng, có nghĩa thỏa mãn mọi nhu cầu ái thủ thế gian của cha mẹ, khiến cha mẹ được như ý, nhưng sẽ dẫn đến quả khổ cho cha mẹ. Được như ý trong hiện đời nhưng chịu quả khổ nơi tương lai, đó là hiếu thế gian

2.Hiếu theo Phật giáo: Phụng sự cha mẹ theo tinh thần nhân quả xuất thế, quán sát nhân quả mà phụng sự đưa cha mẹ đến nhân đoạn ác hành thiện, để được quả phúc báo an lạc, vì vậy nếu sở dục của cha mẹ là nhân đưa đến quả khổ, thì không nên chiều theo, mà phải tìm cách can gián, để tránh quả khổ cho cha mẹ, điều này có thể không làm cha mẹ được như ý, nhưng khiến cha mẹ được an lành. Bất như ý nơi hiện tại nhưng được phúc báo an lạc nơi tương lai, đó là hiếu theo Phật giáo.

Như cha mẹ ưa ăn mặn, người con chiều ý mà dâng thịt cá cho cha mẹ, khiến cha mẹ hài lòng và cho là hiếu tử, nếu khuyên cha mẹ nên ăn chay thay vì ăn thịt cá thì cha mẹ sẽ không vui và cho người con này là không hiếu, đó là cha mẹ theo thế tục mà phán đoán hiếu tử, nếu cha mẹ biết Phật pháp ắt thấy người chiều mình lại là người hại mình vì vô trí, còn người biết khuyên mình mới thực sự là người giúp mình và đó mới là hiếu tử, như vậy là cha mẹ nhìn hiếu qua Phật pháp, là bậc cha mẹ có nhân duyên và đức tin với Phật pháp.

Vu lan năm nay mới thật là thắng hội, người và vật đều hoan hỷ, nguyên một tuần nay ngày nào cũng phóng sinh, một ngày thả cá một ngày thả chim, nhìn lũ cá búng mình trên mặt hồ nước, một người chèo thuyền nói, chúng nó nhẩy để cám ơn quý thầy đó. Một lần khác, khi xem đàn cá tung tăng quanh thuyền, một người chèo thuyền nói, nhìn bầy cá xem, nó đang hạnh phúc.

Điều đặc biệt nhất là năm nay tôi được nghe mỗi người tụng Vu lan tâm kinh của mình, mà chưa mùa Vu lan nào được nghe tất cả đại chúng đồng nhận chân trọng ân, đồng phát tâm tri ân, và đồng thệ nguyện báo ân. Tri ân mới phát bồ đề tâm, nên tri ân là pháp căn bản. Tiểu thừa lấy tri khổ làm căn bản. Đại thừa lấy tri ân làm nền tảng.

Hạnh phúc thay chư Phật ra đời,
hạnh phúc thay giáo pháp được giảng,
hạnh phúc thay chư tăng hòa hợp,
hạnh phúc thay đại chúng đồng tu.

Thực hạnh phúc khi mỗi người có mỗi pháp môn riêng nhưng vẫn đồng tu được. Hạnh phúc thay.

Nguyện cho tâm tri ân, báo ân này đời đời không diệt.

Vu Lan 2007