Phật Học Vấn Đáp


Nhà từ đường bỏ trống không người ở, nay muốn thỉnh hương linh về thờ có được không?
Kính bạch thầy, con có nỗi khổ tâm mà tất cả chị em con không giải quyết được. Nay kính mong thầy cho con lời giải. Số là, cha mẹ con là người có đạo nên tạo ngôi nhà ba gian: gian chính giữa thờ Phật, bên thờ cửu huyền, bên cha mẹ đó là tâm nguyện của cha con. Nay cha mẹ con mất năm năm để nhà cho em trai thờ phượng, nhưng vì hoàn cảnh cậu ấy không ở nhà thờ nên để nhà và bàn thờ hương tàn khói lạnh đã 2 năm rồi, giờ em út muốn thỉnh hương linh cha mẹ về thờ bỏ nhà trống không ai ở. Vậy con có ba câu hỏi: 1. Con nghe người ta nói nhà từ đường mà bỏ hoang thì con cháu làm ăn không khá, vì mang tội, có đúng không? 2. Chúng con định để y bàn thờ đến ngày giỗ về mở cửa rồi đóng lại? 3. Chúng con có nên để cho đứa em út thỉnh về thờ hay để hương linh như cũ? Kính xin thầy từ bi cho con lời dạy.

8/1/2022 8:51:22 AM

 Qua ba câu hỏi thắc mắc của Phật tử, tôi xin được lần lượt góp chút thành ý như sau:

1. Phật tử nghe người ta nói: "Nhà từ đường mà bỏ hoang thì con cháu làm ăn không khá, vì mang tội". Phật tử hỏi có đúng không? Xin thưa, điều đó không hẳn đúng như vậy. Việc làm ăn khá hay không là do chính mình chớ không phải do cái nhà từ đường bỏ hoang. Nếu nói như thế, thì có lắm người vẫn thờ phụng ông bà hoặc cha mẹ trong nhà mà công việc làm ăn của họ vẫn bị thất bại nghèo túng thì sao? Việc làm ăn khá hay không nó còn đòi hỏi phải có nhiều yếu tố thiết thực. Cái yếu tố quan trọng nhứt là người đó có phước báo hay không? Không thể nhìn cục diện mà có thể đánh giá được. Tuy nhiên, đã là nhà thờ tổ tiên ông bà mà để nhang tàn khói lạnh như Phật tử đã nói thì thật là có lỗi.  Có lỗi là vì mình quên đi cái công ơn sanh thành giáo dưỡng lớn lao của ông bà cha mẹ. Sách có câu: "Sự tử như sự sanh". Nghĩa là mình hãy xem người chết như lúc còn sống. Khi ông bà cha mẹ còn sanh tiền thì mình phải hết lòng phụng dưỡng tri ân và báo ân. Đến khi các vị đó khuất bóng, thì đạo làm con mình cũng phải nhớ đến cái công ơn đó mà hết lòng thờ kính. Thế mới phải đạo làm con. Đó là truyền thống văn hóa cổ truyền cao đẹp của người Việt Nam chúng ta vậy. Tuy nhiên, lỗi nầy là do vì hoàn cảnh bất khả kháng ngoài ý muốn của mọi người trong gia đình. Tôi nghĩ, Phật và ông bà cha mẹ không có ai bắt tội Phật tử đâu mà Phật tử phải lo sợ.

2. Phật tử hỏi: "Có nên để y bàn thờ đến ngày giỗ mở cửa rồi đóng lại?" Nếu trường hợp vì hoàn cảnh mà gia đình không thể sắp xếp có người ở để sớm hôm nhang khói được, thì Phật tử cũng có thể đóng cửa lại sau khi mọi người tựu về cúng giỗ. Điều nầy cũng không có gì là lỗi lầm cả. Bởi việc nầy ngoài ý muốn của mọi người. Phật và tổ tiên ông bà cũng thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của Phật tử và những thành viên trong gia đình.

3. Vấn đề nầy tốt nhứt là nên có một buổi họp mặt của những thành viên thân thuộc trong gia đình. Nếu như mọi người đều đồng ý để cho người em út thỉnh tất cả về thờ thì cũng không có gì trở ngại. Điều nầy tùy thuộc vào sự quyết định chung của mọi người trong gia đình. Điều quan trọng không phải thỉnh về thờ hay giữ nguyên như cũ, mà quan trọng là ở chỗ tất cả con cháu có thành ý nhứt trí hòa hợp thuận thảo với nhau hay không. Việc nầy nên lấy ý kiến chung để quyết định. Nếu đa số đều đồng ý thì Phật tử cũng nên làm theo cho vui lòng mọi người.

Kính chúc Phật tử và những người thân trong gia đình có một đời sống an hòa và hạnh phúc.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Nguyện        Hộ Pháp        Phật Học       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật