Phật Học Vấn Đáp


Quả báo tương lai liệu có chiêu cảm đến tai nạn nghiêm trọng hơn không ?
Có người nhìn thấy một nhà khoa học từ bao nhiêu vạn năm trước đang thọ tội ở miệng núi lửa nhiều năm như vậy mới có thể thoát khổ. Bởi vì thành quả nghiên cứu của ông là phá hoại tinh cầu, đã tạo vô biên tội nghiệp. Nhà khoa học hiện đại cũng đang tạo vô biên tội nghiệp, quả báo tương lai liệu có chiêu cảm đến tai nạn nghiêm trọng hơn không ạ? Chúng con có thể xin lão Pháp sư khai thị đạo lý nhân quả trong đó, giúp chúng sanh giác ngộ không ạ?

8/14/2022 7:51:31 AM

Việc giáo dục nhân quả này không những là chân thật, mà còn là vũ trụ bắt đầu từ khi nào, thì khi đó nhân quả cũng đã bắt đầu. Về sự việc này, khi giảng Kinh chúng tôi đã nói rất nhiều. Cho nên phải không ngừng giảng đi giảng lại, vì sao vậy? Mọi người quên hết rồi, sau khi nghe rồi thì có thể nói là ra khỏi lớp cũng quên luôn. Cho nên Đức Phật từ bi, một sự việc luôn là nói lặp đi lặp lại vô số lần, nhất định phải để bạn thật sự nhớ được mới thôi. Nếu bạn chưa thật sự nhớ được, chưa thật sự Giác ngộ, chưa thật sự quay đầu thì Phật luôn thường nhắc nhở, đây là từ bi vô tận, chúng ta phải biết cảm ân. Một niệm bất giác chính là nhân, có thể sanh vạn pháp, đây chính là quả, cho nên nhân quả có từ khi nào? Từ khi vũ trụ xuất hiện thì đã có. Ngạn ngữ có nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Thật ra nhân quả đâu có đạo lý bất không! Vạn pháp đều không, nhân quả cũng là vạn pháp thì làm sao bất không được chứ? Đúng vậy, báo ứng của nó bất không, chính là oan oan tương báo, sự việc này sẽ không đoạn mất. Sau khi hiểu rõ đạo lý này rồi thì chúng ta khởi tâm động niệm tự nhiên sẽ có sự dè dặt. Báo ứng, cảm ứng ở nơi khởi tâm động niệm, đừng cho rằng một niệm thiện là việc nhỏ, đừng cho rằng một niệm ác là người ta không biết, chỉ cần bạn động niệm thì sóng tâm sẽ động khắp pháp giới hư không giới, không giấu giếm được ai cả, người bạn giấu được là kẻ ngu nên họ không biết; người giác ngộ không ai không biết.

Nếu theo Phật pháp mà nói, điều này mọi người có thể tin được, Người đắc Tu Đà Hoàn trở lên thì không ai không biết. Nói khẳng định thêm một chút để bạn không hoài nghi, Tư Đà Hàm là nhị quả, nhị quả thì sao? Nhị quả có bốn loại năng lực đã được khôi phục là Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm và Túc Mệnh. Tha Tâm là khi trong tâm người khác khởi tâm động niệm, họ có thể thu nhận được sóng động đó. Người từ Nhị quả trở lên, bạn nói xem có bao nhiêu? Vô lượng vô biên. Sơ quả chỉ có khôi phục được hai loại là Thiên Nhãn và Thiên Nhĩ, hay nói cách khác, họ nhìn thấy rồi. Vì sao vậy? Trong tâm vừa động niệm thì sẽ có tướng. Bạn hãy xem chữ “Tưởng” viết bằng chữ Hán, tưởng là tư tưởng, tưởng là gì? Trong tâm có tướng, vừa có động niệm thì hiện ra tướng. Tưởng về một người thì tướng của người này hiện ra, tưởng về một sự việc thì tướng của việc đó hiện ra; tưởng về một nơi nào thì tướng nơi đó hiện ra. Cho dù bạn không biết thì họ cũng nhìn thấy tướng của bạn. Sơ Quả Tu Đà Hoàn, bạn ngồi cùng họ, khi bạn ngủ thì nằm mộng, tướng ở trong mộng của bạn, họ nhìn thấy rất rõ ràng. Khi bạn tỉnh lại thì họ nói với bạn những điều họ mới thấy chính là ở trong mộng của bạn. Họ có Thiên Nhãn, có Thiên Nhĩ. Lại nâng lên một cấp đến Nhị quả, họ có Tha Tâm, khi trong tâm bạn suy nghĩ thì không cần nhìn họ cũng biết, biết rõ ràng hơn Sơ Quả. Cho nên, bạn có thể giấu được ai chứ? Đây là nói người tu hành, ngoài người tu hành ra, quỷ thần đều biết. Phật nói với chúng ta Quỷ có ngũ thông, ngoài lậu tận thông là họ không có, năm loại thần thông khác họ đều có, nhưng đều không lớn. Cái không lớn này là gì? Họ không đột phá được nhiều tầng không gian, đại khái thông thường chỉ có thể ở mức thấp nhất, đột phá được tầng không gian của Người và Trời, đây là cái đầu tiên. Lớn một chút nữa thì họ có thể đột phá địa ngục, có thể đột phá cõi trời Dục Giới. Ở trong phạm vi này, Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mệnh họ đều có, còn có Thần Túc, không thể không biết điều này.

Giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, đây là điều nên làm. Nói chung, phải nhớ một nguyên tắc, nhất định không được làm tổn hại chúng sanh. Chúng sanh này bao gồm cả vi sinh vật. Thường có tâm yêu thương che chở, có tâm cung kính, thường nghĩ đến điều Phật đã nói trong Kinh cho chúng ta: “Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Phật”, Tổ tiên xưa nói với chúng ta, bổn tánh vốn thiện, phải mở rộng tâm lượng ra, phải có thể bao dung người khác, cho nên thường hay nghĩ đến. Bạn bước vào cửa Phật, ở ngay đầu điện Thiên Vương bạn nhìn thấy Bồ Tát Di Lặc, Ngài đang dạy bạn chính là dạy điều này. Phải dùng ánh mắt từ bi nhìn chúng sanh, đại từ đại bi; phải lấy tấm lòng rộng lượng để bao dung chúng sanh, Ngài hiện ra cái bụng rất lớn, “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, phải thường hay nghĩ đến. Vì sao tâm lượng chúng ta lại nhỏ như vậy? Tâm lượng chúng ta vốn dĩ là bao trùm thái hư, trọn khắp pháp giới mà, vì sao hiện nay lại biến thành như vậy? Đây là gì? Đây là vọng tưởng phân biệt chấp trước đã chướng ngại tâm lượng vốn có của chúng ta, đã biến thành rất nhỏ rất nhỏ. Cho nên buông xuống chấp trước thì tâm lượng của bạn lớn hơn một chút, đã lớn hơn nhiều rồi; tiếp tục buông xuống phân biệt thì càng lớn hơn. Khởi tâm động niệm không có nữa, vậy thì trọn khắp pháp giới hư không giới rồi.

Việc tổn người lợi mình thì nhất định không được làm; việc tổn hại hết thảy chúng sanh làm lợi ích cho Phật pháp thì càng không được làm, đó là tạo tội nghiệp. Phật pháp là phổ độ chúng sanh, để cho chúng sanh bị tổn hại thì đây không phải là Phật pháp, điểm này phải đặc biệt dè chừng. Cho nên nhất định không được dùng bất kỳ thủ đoạn nào để lừa gạt chúng sanh. Dùng bất kỳ phương pháp nào để nhắc khéo họ, muốn họ đến cúng dường, vậy thì sai rồi, đây toàn là tội trộm cắp. Bạn xem chương trộm cắp, người xưa nói vô cùng tường tận, bất luận bạn dùng cách gì, lộ liễu cũng vậy, lén lút cũng vậy, ám thị cho họ, mục đích là gì? Mong muốn họ đến cúng dường, đều là trộm cắp. Cho nên phước cúng dường đó là gì? Đó là tâm chân thành thật sự xuất phát từ nội tâm của họ chứ không phải là người ngoài khuyên họ. Khuyên họ là miễn cưỡng. Nếu điều bạn làm chân thật có công đức thì họ có phước, nếu điều bạn làm không như pháp thì họ cũng có tội, họ lấy tiền giúp bạn tạo tội nghiệp, họ phạm vào tội này.

Cho nên vì sao Phật không xây đạo tràng? Tôi đã hiểu ra, xây đạo tràng, nếu đạo tràng này không có Đạo, vậy không phải là tạo tội nghiệp sao? Không phải là mê tín sao? Là đang thu tiền. Bạn thử nghĩ xem toàn là tội nghiệp địa ngục. Lại suy nghĩ khai thị của Ấn Tổ là chính xác, chúng ta thật sự tu Đạo thì cần có địa điểm, người thời đại này của chúng ta không bằng Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài thân thể khỏe mạnh, không ngại mưa gió, Ngài có thể ngày ngày nghỉ dưới gốc cây, chúng ta thì không được, không có thể chất này. Ngài một ngày ăn một bữa là đủ rồi, chúng ta mỗi ngày ba bữa cơm vẫn thấy đói, còn muốn ăn bữa phụ. Điều này đã nói rõ tình trạng thân thể của chúng ta kém người thời đó quá nhiều. Vậy nên, chúng ta cần một nơi chốn, cộng tu cũng tốt, tự tu cũng tốt, nói chung cần một nơi chốn. Một người chân tu thì một túp lều tranh là đủ rồi, vô cùng đơn giản. Đại chúng cùng nhau huân tu, nhiều người thì chi phí lớn. Hơn nữa, người hiện nay không nhận được giáo dục tốt đẹp, đều là tâm khí bao chao, phiền não tập khí rất nặng, nhiều người thì không dễ điều phục. Đây là đạo lý nhất định. Một, hai chục người thì dễ làm, đạo tràng mới thật sự được thanh tịnh, vô sự! Giảng Kinh thì hai mươi người, một người giảng một ngày, ngày ngày thay phiên nhau giảng, vậy thì tốt! Như vậy, mọi người ở cùng nhau, tu được tám năm, mười năm, đức hạnh học vấn đều thành tựu. Khi rời khỏi thì có thể làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Có đức hạnh, có học vấn, nơi nào cũng sẽ mời bạn giảng Kinh, bạn sẽ đi khắp nơi để giảng.

Làm thế nào để có thể giữ cho bạn không bị ô nhiễm? Bạn không bị người khác mời làm trụ trì, không nhận lời mời lâu dài thì không sao. Ta đến đó giảng Kinh một tháng, giảng một tháng xong ta rời đi, bạn sẽ không có vấn đề gì. Nếu bạn tiếp nhận, họ mời bạn làm trụ trì, hoặc là họ cúng dường đạo tràng cho bạn, vậy thì phiền phức sẽ đến. Hãy học Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời không cần đạo tràng, làm một Pháp sư giảng Kinh, vậy tốt! Chính mình có một am tranh nhỏ, khi không có người mời thì về nhà tiến tu, có người mời thì đi ra, không tiếp nhận cúng dường thì không sao; tiếp nhận cúng dường thì sẽ nhiều việc. Cho nên, cúng dường nhất định không phải là việc tốt, phải nhận thức điều này rõ ràng.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Nghiệp        Khai Thị        Hộ Pháp        Chúng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật