Phật Học Vấn Đáp


Tiêu tiền lớn để nuôi thú cưng, cho thú cưng ăn thịt. Xin hỏi làm như vậy có như Pháp không?
Có một số người học Phật tiêu một khoản tiền lớn để nuôi thú cưng, cho thú cưng ăn thịt. Xin hỏi làm như vậy có như Pháp không? Làm thế nào khuyên họ dùng thời gian và tiền bạc nuôi thú cưng để vào sự nghiệp hoằng hộ chánh Pháp, lợi ích chúng sanh ?

8/14/2022 7:52:10 AM

Điều này cần họ giác ngộ, cần họ thật sự hiểu rõ đối với Phật pháp. Cho nên học Phật là một chuyện, hiểu rõ lại là một chuyện khác, người học Phật rất nhiều, đây là gì? Mê tín. Phật là gì cũng không biết. Vì sao phải học Phật? Nghe nói học Phật thì Phật, Bồ Tát sẽ phù hộ cho họ khỏe mạnh sống lâu, thăng quan phát tài nên họ đến, họ là vì điều này mà đến, thế nào là Phật họ cũng không biết. Người như vậy chiếm tỷ lệ rất lớn! Đừng cho rằng Phật tử rất nhiều, không nhiều, bạn sàng lọc đến sau cùng không có mấy người. Đây mới là điều Phật đã nói trong Kinh là: “Được thân người là khó, được nghe Phật pháp càng khó hơn”. Nếu giống như tình hình hiện nay thì nghe Phật pháp không khó, đĩa DVD khắp nơi, internet vệ tinh hiện nay, đâu có khó? Nhưng bạn tỉ mỉ mà suy nghĩ, họ đúng thật là khó, họ không nghe cho hiểu, không nghe cho rõ ràng, vẫn cứ tự tư tự lợi, vẫn là nương theo danh văn lợi dưỡng như cũ.

Thậm chí còn có một số phần tử tri thức đã tốt nghiệp Đại học, họ không ra xã hội để tìm việc, họ đến cửa Phật để xuất gia, vì sao lại xuất gia? Họ nhìn chuẩn rồi, nghề nghiệp này tốt, rất nhanh đạt được danh văn lợi dưỡng. Nơi ở chính là nhà cửa kiểu cung điện, tốt hơn các bạn học ở các ngành nghề khác, không có người nào có thể sánh với họ. Một khi làm lên đến trụ trì thì giống như tiểu hoàng đế vậy, khi ăn cơm, bạn xem tiền hô hậu ủng, bao nhiêu người hầu hạ. Bạn học của họ ở trong xã hội làm các nghề nghiệp khác, so với họ thì đúng là kém rất xa, họ thông minh. Nhưng phải hiểu là Phước báo này họ đang hưởng đều là trong mạng của họ có. Nhưng khi hưởng Phước này ở trong cửa Phật thì họ bị hao tổn rất lớn. Họ vốn dĩ là Phước báo một trăm năm, họ ở trong Phật môn có thể mười năm đã hưởng hết, Phước báo hưởng hết rồi thì tội báo kia sẽ hiện tiền. Đó là gì? Triệt để phá hoại Phật pháp, họ không phải là đến để xây dựng Phật pháp, họ đến là để phá hoại Phật pháp. Đây đều là Phật pháp không có sự hoằng dương chính quy, người tiếp xúc Phật pháp mê tín rất nhiều.

Khi xưa, tôi thường hay khuyên người phát tâm cúng dường thì phải dè chừng cẩn thận, nếu không thì việc bạn làm không phải là việc tốt. Nếu bạn khiến những người xuất gia vì sự cúng dường của bạn mà sanh khởi tâm tham, vốn dĩ họ xuất gia học đạo, là có thành tựu, nhưng bạn lại từ sự phát tâm của họ mà kéo họ trở lại, tiễn họ đến ba đường ác, bạn tạo tội nghiệp này là tội nghiệp A Tỳ Địa Ngục. Cho nên khi xưa có người hỏi tôi, phát tâm ở trong nhà Phật làm Công đức, kiểu nào là tốt nhất mà không có tác dụng phụ? Tôi đã nói với họ là in Kinh, nhất định không có tác dụng phụ. Người ta mang đi bán cũng tốt, bán thì họ có người mua, người mua thì họ nhất định đọc, điều này không có tác dụng phụ. Chủ ý này không phải là tôi nghĩ mà là Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta. Bạn xem cả đời của Ấn Tổ, tiền mà tứ chúng cúng dường, Ngài đều làm một việc, đó là khắc Kinh lưu thông. Ngài ở Tô Châu đã dùng số tiền này làm một Hoằng Hóa Xã, Hoằng Hóa Xã lúc đó chính là Nhà xuất bản. Ngài lúc đó thì đã là tương đối tiến bộ rồi, dùng bản xếp chữ, làm sự nghiệp này. Ngài không đi xây chùa, không lấy làm việc khác. Gặp phải xã hội có tai nạn như hạn hán, lũ lụt, Lão Hòa Thượng cũng cứu tế, tiền từ đâu tới? Tiền trích ra từ quỹ in Kinh. Điều này đã nói rõ Đại sư Ngài chỉ làm một việc, đó là in Kinh. Làm vậy là đúng, làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Ăn mặc ngủ nghỉ của chính mình thì vô cùng đơn giản, chúng ta xem thử quan phòng của Ngài thì biết.

Năm 1977, lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông giảng Kinh, nơi giảng Kinh là Thư Viện do pháp sư Đàm Hư làm, là Thư Viện Phật Giáo Trung Hoa, tôi ở đó giảng hai tháng. Sau hai tháng thì chuyển đến giảng đường Quang Minh của Lão hòa thượng Thọ Dã ở Hồng Kông, tiếp tục giảng hai tháng, tổng cộng giảng bốn tháng, giảng “Kinh Lăng Nghiêm”. Thời gian bốn tháng không đủ, hình như chỉ giảng được một nửa. Ở trong thư viện nhìn thấy những sách lưu trữ do Hoằng Hóa Xã xuất bản, họ lưu trữ được rất nhiều. Sách của Hoằng Hóa Xã đúng thật là tốt, hiệu đính rất cẩn thận, rất ít chữ sai, giấy in, đóng gáy in đều rất tinh vi so với thời điểm đó, không phải là tùy tiện, rất chú trọng vào chất lượng. Quan niệm của Lão pháp sư thì chúng ta vừa nhìn là biết, những sách này là để cho người ta bảo tồn lâu dài. Chúng ta cứ xem truyện ký của Lão Hòa Thượng thì thấy rõ, cả đời Ngài làm việc này. Cho nên sau khi tôi trở về Đài Loan, hoàn toàn học theo Lão Hòa Thượng. Chúng tôi có một Quỹ Giáo Dục Phật Đà chuyên môn làm việc này, mấy chục năm nay chính là một phương hướng, một mục tiêu, là ấn tống Kinh sách, không làm việc khác.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Nghiệp        Học Phật        Chúng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật