Home > Khai Thị Niệm Phật
Hương Thơm Niệm Phật
Thượng Tọa Thích Phổ Huân


Đạo Phật ví như đóa hoa ngát thơm, ai ai cũng có thể ngửi được mùi thơm đó. Không phải vì là tu sĩ mà mùi hương đó tăng hay là cư sĩ Phật tử mùi hương đó giảm. Hễ bất cứ người nào thực hành được giáo pháp của Phật thì người đó hưởng trọn được hương thơm. Ngược lại cho dù là tu sĩ, nếu không sống và thực hành theo giáo pháp, vẫn không được chi cả .

Hương thơm ở đây là sự giải thoát mọi ràng buộc là hạnh phúc an lạc trong tâm hồn… Muốn được thọ nhận hương thơm ấy, người ta phải tự vun trồng, tạo dựng. Nhưng trong cuộc sống rộn ràng, náo nhiệt của phố thị xa hoa, làm sao tìm được an lạc thảnh thơi trong tâm hồn? Nghĩa là làm sao nhận được mùi hương?

Bản chất của hương vô tư, tự tại không phân biệt không gian, hoàn cảnh. Có vun trồng được thân cây thì hoa sẽ nở, mà hoa nở thì hương có .

Nơi đời sống ồn ào, náo nhiệt, tâm tư an lành của chúng ta vẫn có, nhưng có rất ít, chớ không ph ải không có. Nếu nói hoàn toàn không có an lạc thì làm sao ta sống nổi khi phải luôn luôn đối diện với mọi trần lao nghịch cảnh; và làm sao mọi người chung quanh ta chịu đựng được khi tâm tư, đầu óc ta toàn chứa những phiền não giận thù.

Tâm tư con người không khác mặt đại dương, lúc thì im lặng như mặt hồ, lúc thì ầm ầm nổi sóng. Tuy thế không phải là không có nguyên nhân. Gió đứng thì nước yên, gió thổi thì nước động. Hiểu được nguyên nhân, nhận ra hậu quả ta sẽ có được phương pháp giảm trừ, hóa giải. Ta vẫn sống và sinh hoạt bình thường, nhưng tâm hồn, tư tưởng ta nên đặt vào một định hướng. Hướng ấy là cách sống phù hợp với lẽ sống, không hại người hại vật. Không gây chia rẽ mọi người không buông lung phóng đảng và luôn luôn yêu thương tất cả.

Để hướng đi tạo dựng bông hoa tươi đẹp, trở nên bất diệt, ta cần tìm hiểu vun trồng thêm bông hoa tuệ giác của vườn hoa giác ngộ Phật Đà.Vườn hoa giác ngộ kia không phải mất công tìm kiếm ở nơi nào xa xôi, mà ngay ở đây, ở chính nơi ta, ở chỗ gần nhất của tâm hồn, của con tim từ bi, của tấm lòng mẫn tiệp.

Ta sống ở cõi Ta Bà này tuy là cõi trược mà vẫn tạo được cho chính mình một nụ hoa thơm, đó là do biết áp dụng đúng vào giáo lý Phật Đà. Tuy vậy chúng ta cũng cần bồi đắp mãi nụ hoa thơm đó, để làm nhân cho đóa hoa tuyệt diệu và bất diệt trong tương lai.

Phương pháp gieo trồng nhân duyên cho đóa hoa bất diệt có rất nhiều, mà pháp dễ hành nhất trong thế giới ngày nay Phật dạy là pháp niệm lại tánh giác của mình. Niệm lại tánh giác nghĩa là niệm Phật.

Niệm Phật là tạo thêm vườn hoa đẹp trong vườn hoa đã sẵn có của mình. Nếu ai đó trong đời chưa từng tạo cho mình một hương hoa thơm nào, thì ngay bây giờ hãy nên niệm tánh giác của mình để kịp làm nhân cho vườn hoa hiện tại và tương lai. Và nếu có ai đã lỡ tạo nhân hoa không lành, hương hoa không tịnh thì lại càng nên sớm mau khơi dậy tánh giác, trồng niệm hoa thơm để hương hoa tinh khiết phủ trùm hương bất tịnh và biến tất cả hương hoa trong vườn thành hương hoa thanh tịnh giải thoát, như trong kinh Quán Phật Tam Muội, Phật dạy về công đức và công năng của niệm Phật như sau: Vua Tịnh Phạn bạch Phật, người gắng công niệm Phật thì trạng thái như thế nào? Phật đáp phụ vương rằng “Như rừng Y – Lan vuông bốn mươi do tuần, có một cây NgưuĐầu Chiên Đàn, tuy có rễ mầm, nhưng chưa mọc ra khỏi mặt đất, rừng Y Lan kia chỉ có mùi thúi mà không có mùi thơm. Nếu có người nhai nuốt hoa trái của cây kia thì phát điên cuồng mà chết. Sau đó mầm rễ cây Chiên Đàn từ từ sanh trưởng rồi thành cây, hương thơm bát ngát, biến cãi được không khí rừng Y Lan này trở nên hương sắc thơm đẹp, mọi người thấy đó liền sanh tâm hoan hỷ hy hữu…”

Phật lại nói với phụ vương rằng: “ Tất cả chúng sanh ở trong sanh tử, có lòng niệm Phật cũng lại như vậy. Chỉ khéo hay gìn giữ tâm không dừng nghĩ, nhất định sanh trước Phật; quyết được vãng sanh, tức là có thể cải biến tất cả điều ác, sanh đại từ bi. Như cây thơm kia có thể cải biến cả vườn Y Lan vậy (22).”

Phật dạy như thế chúng ta rõ thêm rằng, mỗi người chúng ta ai ai cũng sẵn có một vườn hoa và cũng có thể biến tạo cho mình một vườn hoa thuần mùi hương giải thoát. Và sự bồi đắp cho vườn hoa thanh tịnh đó không gì dễ hơn là niệm lại tánh giác gieo trồng hương niệm Phật vậy.

Nhân Duyên Lớn Pháp môn niệm Phật được mọi người cho là pháp môn bình dân, dễ dãi. Vì pháp tu không đòi hỏi hành giả một điều kiện gì khó khăn so với nhiều pháp tu khác như Thiền, Luật, Mật tông …hành giả phải tối thiểu có sự hiểu biết căn bản về giáo lý và căn cơ sáng suốt. Nhưng kỳ thật pháp tu niệm Phật lại có công năng thu nạp tất cả mọi hạng người để giúp họ đạt đến mục tiêu giải thoát mau nhất mà không một pháp tu bác học nào có thể làm được. Với một pháp tu có tánh cách phổ cập rộng rãi chắc chắn như vậy, có lẽ phải gọi là pháp tu lạ lùng hiếm có nhất. Cũng vì thế mà đức Phật Thích Ca mới dạy, đây là pháp tu khó tin (nan tín chi pháp).

Nhân duyên Phật nói ra pháp tu này cũng chẳng ai biết, cũng chẳng ai hiểu nổi, mặc dù hàng đệ tử của Phật đa số đắc quả A La Hán một trong quả chứng cao nhất của bốn thánh quả (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán).

Kinh kể rằng trước khi nói ra pháp tu này, dung mạo của Phật bỗng nhiên đổi lạ, vô cùng trang nghiêm, thanh thoát. Cùng lúc đó A Nan vị thị giả của Phật mới thưa hỏi nguyên nhân, thế là Phật bắt đầu nói về Pháp môn Tịnh Độ .

Lại khi nói về thế giới Cực Lạc, đức Phật đã chọn Ngài Xá Lợi Phất làm đối tượng người nghe để Phật trình bày lược kể, việc làm này có thể đức Phật muốn phá vỡ sự nghi ngờ không tin của hàng đệ tử sau này. Bởi vì Ngài Xá Lợi Phất nổi tiếng là trí tuệ bậc nhất mà còn tin nhận, thì điều Phật nói ra phải là như thật.

Pháp tu Tịnh Độ Phật dạy theo phương pháp giản dị nhất, chỉ cần niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, cộng với niềm tín, nguyện được vãng sanh, thì sẽ được sanh về thế giới Cực Lạc. Tuy nhiên cũng vì quá dễ như vậy nên nhiều người đã xem thường và từ việc xem thường đã bỏ lỡ một pháp môn hiếm có.

Người ta đã quên rằng mục đích của Phật ra đời là đưa con người về bến giác, thoát ly sinh tử luân hồi. Phật sở dĩ thuyết giảng đủ mọi phương tiện pháp môn không ngoài mục đích đó, và pháp môn khó dễ gì cũng chỉ giải quyết vấn đề sinh tử mà thôi. Vậy thì việc Phật nói ra pháp tu niệm Phật khó tin này hẳn phải là một lòng từ bi vô lượng, muốn cho chúng sanh mau được giải thoát, vì dù biết nói ra khó được người tin mà Ngài vẫn nói. Cho nên trong kinh A Di Đà có đoạn nói về chư Phật sáu phương khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật Thích Ca, ” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay làm những việc hiếm có và rất khó, Ngài ở trong cõi nước Ta Bà thuộc về đời có năm thứ ác trược như kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Được đạo quả rồi, Ngài vì các chúng sanh nói ra giáo pháp mà hết thảy thế gian khó tin này.”

Chúng ta cũng nên biết rằng mọi việc làm của Phật đều hợp với căn cơ, hoàn cảnh chúng sanh, và Phật nói pháp môn khó tin, chắc chắn phải là việc nhìn xa cho chúng sanh trong thời mạt pháp. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật có dạy “… kịp đến mai sau, kinh đạo tiêu diệt hết, ta đem lòng thương xót, chỉ để lưu kinh này (kinh nói về niệm Phật vãng sanh Cực Lạc) ở lại đời trăm năm. Nếu có chúng sanh nào, mà gặp được kinh này, tùy theo chỗ ý muốn đều có thể được độ (23).” Do đây ta có thể thấy cái nhìn lo xa của đức Phật.

Khi biết thật sự là một pháp môn khó tin, thì cũng nên biết người tin được, rồi thực hành theo phải là người có nhân duyên lớn. Nếu có người e ngại nói rằng, chỉ có tin và hành theo thì dễ quá đâu đáng gì phải nói là nhân duyên lớn! Vậy xin hãy xem chính các bậc đại Bồ Tát n hư Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền, Thế Chí … còn tin và hành theo; như lời nguyện của Ngài Phổ Hiền:

“Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung

Trừ hết tất cả các chướng ngại

Tận mặt gặp Phật A Di Đà

Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc (24) “

Đó là các vị Bồ Tát, riêng nó i về các vị Tổ sau này gần gũi hơn, trong quyển

“Pháp Môn Giải Thoát” Hoà Thượng Thiện Hoa có viết trong phần “Con đường tu thứ hai (Tịnh độ tôn) trong mười tôn”. “Các vị Tổ ở các tôn khác, mặc dù hoằng truyền tôn mình, nhưng vẫn tu Tịnh độ. Như Ngài Thiên Thân, tổ của Duy thức tôn; Ngài Trí Giả đại sư, tổ của Thiên Thai tôn; Ngài Hiền Thủ, tổ của Hoa Nghiêm tôn; Ngài Nguyên Chiếu luật sư, tổ của Luật tôn; Ngài Mã Minh, Long Thọ, tổ của Thiền tôn.v.v… cũng đều thực hành pháp môn Tịnh độ… (25)”

Như thế chúng ta thấy các vị Bồ Tát các vị Tổ mà còn cầu vãng sanh, thì huống gì chúng ta, những phàm nhân đầy vô minh phiền não!

Đã nhận ra mình có nhân duyên lớn, việc tiếp theo là sống và thực hành theo pháp tu đó. Vì dù tin và khen ngợi thế nào, mà không thực hành theo thì vẫn chưa được gọi là có nhân duyên. Điều này đơn giản là tu theo Phật phải thực hành chớ không nói suông. Thế thì ta có thể nói rằng pháp tu có cao thấp, bình dân hay bác học chỉ thành lợi ích khi ta thật sự thực hành tu học .



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
3.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
4.    Niệm Phật Chỉ Nam, Mao Dịch Viên | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
5.    Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư, Pháp Sư Đạo Chứng | Thích Minh Quang, Việt Dịch
6.    Niệm Phật Dẫn Đi Khỏi Luân Hồi, Lý Lâm Qúy | Mạt Nhân Đạo Quang, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
8.    Niệm Phật Luận, Pháp Sư Đàm Hư | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Pháp Yếu, Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Sám Pháp, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
12.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
13.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
15.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
16.    Niệm Phật Thành Phật, Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch
17.    Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
18.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
20.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch