Home > Khai Thị Niệm Phật
Niệm Phật Trị Liệu
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Khi xuất gia, tôi đã được Hòa thượng bổn sư là Hòa thượng Trí Đức dạy phương pháp niệm Phật. Chính nhờ pháp môn này mà tâm hồn tôi bắt đầu yên tĩnh và phiền não cũng lắng đọng. Từ đó, trí tuệ phát sinh, mỗi ngày tăng trưởng hơn giúp tôi vững bước trên con đường đạo hạnh. Vì vậy, tôi chia sẻ với quý vị niềm hỷ lạc mà tôi đã có được trải qua suốt quá trình hành đạo trên 50 năm.

Pháp môn Niệm Phật, ngày nay quen gọi là pháp môn Tịnh độ, đã có từ khi thành lập tông Tịnh Độ ở Trung Hoa, Nhật Bản. Tông Tịnh Độchuyên tu niệm Phật Di Đà và phát nguyện vãng sinh Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca đã giới thiệu pháp môn Tịnh độ trong các kinh như kinh Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Đại Bảo Tích, Hoa Nghiêm.

Về sau, pháp môn Tịnh độ được ngài Thiện Đạo ở Trung Hoa thành lập căn cứ trên ba kinh là Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Khác với Tịnh độ tam kinh, Tịnh Độ tông của Nhật Bản xây dựngTịnh độ theo ngũ kinh. Tịnh độ ngũ kinh do ngài Ấn Quang đề xướng. Ngoài ba kinh là Di Đà,Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, ngài đưa thêm vào kinh Thủ Lăng Nghiêm và Hoa Nghiêm. Dù là Tịnh độ tam kinh hay Tịnh độ ngũ kinh cũng đều phát xuất từ kinh Nguyên thủy do Đức Phật Thích Ca giảng nói mới có.

Như vậy, có thể khẳng định rằng pháp môn Tịnh độ phát xuất từ giáo lý Nguyên thủy, nghĩa là khởi nguồn từ khi Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội bồ đề, chân tánh của Ngài tương thông với thế giới của chư Phật mười phương. Khi Đức Phật Thích Ca chưa thành đạo, Ngài còn cách Phật quá xa, nhưng khi Ngài đạt quả vị Phật thì giữa Phật Thích Ca và chư Phật mười phương thông thành một thếgiới; đó là thế giới Phật, hay Tịnh độ mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Tịch Quang chơn cảnh. Ở thế giớiThường Tịch Quang, chỉ có chư Phật mới truyền thông với nhau; còn các loài hữu tình khác thì hoàn toàn tuyệt phần. Vì vậy, khi Đức Phật Thích Ca thành đạo, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm trong thế giớiThường Tịch Quang và chỉ có Bồ tát Pháp thân mới nghe được.

Chính vì chỉ có Pháp thân Bồ tát mới thâm nhập được thế giới Thường Tịch Quang để đón nhận giáo pháp cao siêu, cho nên Đại Phạm Thiên vương mới xuất hiện và thỉnh Phật chuyển pháp luân. Vì vậy, Đức Phật thương xót chúng sinh không thể nghe, không thể hiểu được pháp chân thật, Ngài mới từ Bồ Đề Đạo Tràng đi đến Lộc Uyển thuyết pháp độ sinh. Từ đó, loài người mới thấy được hình bóng của Đức Phật. Đến Lộc Uyển, Đức Phật gặp năm nhà hiền triết tu khổ hạnh là năm anh em Kiều Trần Như. Trong năm vị này, Tôn giả Kiều Trần Như có căn lành sâu dày nhất, nên vừa thấy Phật, nghĩ đến Phật, ngài liền đắc quả A la hán. Điều này nói lên rằng lâu nay chúng ta niệm chúng sinh, niệm phiền não, nên chúng sinh và phiền não mới luôn hiện lên trong ta. Trong khi Tôn giả Kiều Trần Như niệm Phật, tức thấy Phật, nghĩ đến Phật, nên tâm ngài liền thanh tịnh, liền thâm nhập thế giới Phật và được an vui, giải thoát.

Có thể nói pháp môn Niệm Phật bắt đầu từ Tôn giả Kiều Trần Như giúp ngài giải thoát tất cả phiền nãotrần lao từ bao đời. Như vậy, niệm Phật có nghĩa là chúng ta nghĩ đến Phật. Ngài Kiều Trần Như được phước duyên lớn, nên có Phật hiện hữu trước mặt thì ngài được thanh tịnh, giải thoát một cách dễ dàng. Thực tế cho thấy nếu đối tượng trước mặt chúng ta là người thánh thiện, chúng ta dễ được an vui, thanh tịnh. Trái lại, nếu gần gũi người cực ác, phiền não chúng ta dễ khởi lên.

Vì vậy, niệm chúng sinh thì phiền não nghiệp chướng nổi dậy, trần lao phát khởi. Niệm Phật thì tâm chúng ta an lạc giải thoát, đó là kết quả khởi đầu của pháp môn Niệm Phật; nói cách khác, tâm nghĩ đến Phật, liền được chư Phật hộ niệm.

Tiếp theo Tôn giả Kiều Trần Như, ngài Mã Thắng đi khất thực gặp Xá Lợi Phất là một nhà hùng biện nổi tiếng thời bấy giờ vì nói giỏi, hiểu nhiều và chinh phục được nhiều người; nhưng càng khôn ngoan, phiền não càng nhiều. Điều này cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa học giả và hành giả Phật giáo. Mã Thắng Tỳ kheo là hành giả, nên ngài không nói, nhưng hiện tướng giải thoát. Xá Lợi Phất nói giỏi, nhưng phiền não nhiều; cho nên gặp hành giả giải thoát là Tỳ kheo Mã Thắng, tâm Xá Lợi Phất vơi đi nỗi khổ; đó chính là niệm Tăng đã được an lạc giải thoát.

Xá Lợi Phất hỏi thầy của Mã Thắng là ai. Mã Thắng mới giới thiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nghe đến tên Phật, Xá Lợi Phất liền nhớ lại 60 tiểu kiếp trước đã từng trồng căn lành với Ngài, thì liền hết phiền não, mà kinh diễn tả là râu tóc rơi rụng, vì râu tóc tiêu biểu cho phiền não. Xá Lợi Phất nghe danh hiệu Phật, nghĩ đến Phật, phiền não liền dứt sạch, tâm an lạc giải thoát và đến khi thấy Phật, Xá Lợi Phất đắc quả A la hán.

Như vậy, Kiều Trần Như và Xá Lợi Phất vừa gặp Phật, chưa tu gì cả, mà hai vị này đã đắc Thánh quả. Điều này chứng mình rằng công năng niệm Phật có sức trị liệu nghiệp chướng trần lao của chúng ta lớn lao và mạnh mẽ như thế.

Về sau, trong kinh điển Nguyên thủy thường đưa ra sáu niệm để được giải thoát là niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên. Người tu phải thể hiện sáu niệm này để trị liệu phiền não nghiệp chướng trần lao của chính mình. Nếu luôn giữ gìn sáu niệm này, tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh lần và công đức theo đây được phát sinh.

Niệm Phật là gì? Chúng ta thường niệm Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô đương lai hạ sanh Di Lặc tôn Phật, Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát, v.v… Tất cả niệm này chỉ là xưng danh. Niệm Phật là nghĩ đến Phật, mà Phật do hạnh thành danh. Vì vậy, niệm Phật là niệm hạnh của Đức Phật. Thí dụ niệm Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni là hạnh của Đức Phật. Hồng danh Thích Ca Mâu Ni là tên kế thừa ba đời mười phương Phật mà có, không phải do cha mẹ đặt. Tên thật của Ngài là Sĩ Đạt Ta, họ là Gotama. Vì vậy, Ngài thành Phật, không dùng tên họ này, mà dùng tên Thích Ca Mâu Ni.

Chính vì vậy, chúng ta không niệm Sĩ Đạt Ta, không niệm Gotama; nhưng niệm Thích Ca Mâu Ni Phật. Và khi niệm Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta liền nghĩ đến Thích Ca là một người vĩ đại, vạn năng. Nghĩ đến Mâu Ni là chúng ta nghĩ đến con người trầm mặc vô song, có đời sống nội tâm mãnh liệt, có tầm nhìn chính xác vô cùng. Nghĩa là chúng ta niệm Phật hình dung ra Đức Phật với đầy đủ phẩm chất vẹn toàn như thế, nghĩ đến Phật tuyệt vời như thế, thì chắc chắn tâm chúng ta được an lạc. Nghĩ đến người tốt, người thánh thiện để thay cho người xấu ác; lấy hình ảnh tốt để xóa bỏ hình ảnh xấu. Niệm Phậtnhư vậy lâu ngày, trong tâm chúng ta chỉ có hoàn toàn hình ảnh Đức Phật ngự trị, không còn hình ảnhác ma hung dữ, là đã sử dụng được phương pháp trị liệu rất đặc biệt tốt đẹp.

Thật vậy, tâm chúng ta nghĩ đến Phật, thấy có Phật, thì trong ta, trên ta và chung quanh ta cũng đều có Phật hiện diện; cho đến lần lần thấy khắp mười phương cũng có Phật và đạt đến mức độ cao tột như kinh Hoa Nghiêm dạy rằng không có gì không phải là Phật. Thâm nhập được thế giới thuần thiện này, dù bên ngoài là cảnh dầu sôi lửa bỏng đi nữa, chúng ta cũng vẫn an nhiên tự tại, không có gì đáng buồn, giận, lo, sợ; vì chúng ta đang sống với Phật và chung quanh ta không có người xấu, người ác, hay không có gì trở ngại được bước chân hành đạo của chúng ta. Riêng tôi nhờ nương theo pháp niệm Phật, có được hướng đi thực sự tốt đẹp; từ đó, tôi ít quan tâm đến việc xung quanh, chỉ nhớ nghĩ đến Phật và Bồ tát.

Từ danh hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, kinh điển Đại thừa triển khai thành 10 hiệu của Đức Phật là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

Niệm Phật, chúng ta nghĩ đến Phật là Đức Như Lai, tức Ngài sống với thực tế, với chân lý, không sống với ảo giác, thì chúng ta cũng lần bước vào chân lý. Chân lý, hay thật tướng các pháp mà kinh PhápHoagọi là Thập như thị. Tất cả các pháp thật tướng là như thế, cho nên chúng ta quan sát mọi việc trên cuộc đời không thắc mắc, vì thấy rõ nó là như thế. Nhờ vậy tất cả vọng tưởng điên đảo rơi xuống, tâm chúng ta được thanh thản, mới nhận ra Phật là Như Lai, là tâm thanh thản trước mọi biến động của cuộc đời. Mọi việc của trần gian diễn biến ngược xuôi như thế nào, Đức Phật hay Đức Như Lai vẫn như như bất động, Ngài không hề bị cuộc đời mê hoặc, chi phối, vì đã nhận rõ cuộc đời này là giả tạm và Ngài đã an trụ ở thế giới chân thật thì cái giả tạm này có nghĩa lý gì đối với Ngài.
 

Vì vậy, niệm Phật Thích Ca, pháp hiệu Như Lai, tâm chúng ta ngang qua Như Lai tâm của Đức Thích Ca, thì hai tâm này kết hợp thành một, giúp chúng ta sống được với thế giới thật tướng và nhờ đó, thế giới sanh diệt này vẫn tốt với chúng ta. Điều này thể hiện qua cuộc sống của các vị thiền sư ngộ đạo, tuy các ngài không làm, nhưng mọi việc đều tốt đẹp. Điển hình như Trí Giả đại sư ngồi thiền ở dòng suối, ngài ngộ được Như Lai tạng tâm và dùng Như Lai tạng tâm quán chiếu hình ảnh Đức Phật; đến khi xả định, vùng đầm sình lầy trước mặt ngài trở thành ngôi chùa tráng lệ. Tâm tịnh thì độ tịnh là như vậy. Nếu tâm nhiễm ô, nhiều ham muốn, nhiều phiền não, luôn đòi hỏi, bực bội, thì trên đời này không có gì thỏa mãn được; nhưng tâm tốt thì mọi việc tốt lành tự có.

Trên bước đường tu, năm mươi, sáu mươi năm trước, tôi đã thể nghiệm điều này. Khi cần thì việc đơn giản nhất cũng không tới; nhưng nhiếp tâm niệm Phật, nỗ lực tu hành, tất cả mọi việc tốt đẹp đến dễ dàng, không phải dụng công, kinh gọi là Hộ pháp Thiện thần thường ủng hộ. Niệm Phật, nhớ nghĩ đến danh hiệu Như Lai thì được kết quả này.

Niệm danh hiệu Ứng Cúng, chúng ta nghĩ đến một bậc đức hạnh vẹn toàn khiến mọi người cho đến chư Thiên đều cung kính cúng dường, thì lòng tôn kính và tâm hoan hỷ của chúng ta đối với Đức Phật được tăng trưởng. Niệm Chánh Biến Tri là nghĩ đến Đấng Toàn giác biết chính xác tất cả mọi việc trong mười phương pháp giới, thúc đẩy chúng ta phát tâm mở mang hiểu biết theo Phật. Niệm Minh Hạnh Túc, nghĩ đến một bậc thánh thiện nói những điều Ngài đã làm và làm được những gì Ngài đã nói; không phải nói suông, hay chỉ hứa hẹn. Nghĩ đến một bậc có uy tín lớn lao như vậy, chúng ta cảm thấy an lòng. Niệm Thiện Thệ, nghĩ đến Phật đã vượt qua biết bao khó khăn trong vô số kiếp, chúng ta tu hành cũng lập chívượt khó khổ giống như Phật thì sẽ được Ngài hộ niệm. Riêng tôi, thường tìm việc khó mà làm, vì người không làm, mình làm, Phật mới thương tưởng đến mình và sẽ gia bị cho mình nhiều hơn.

Niệm Phật không phải kêu tên Phật, nhưng nghĩ đến bậc siêu nhân thánh thiện làm cho tâm chúng ta và việc làm chúng ta tốt đẹp theo. Niệm Phật Thích Ca như vậy thì niệm Phật Di Đà cũng giống vậy, chúng ta hình dung ra Đức Phật Di Đà là một người được mọi người kính trọng, tôn thờ, học hỏi.

Niệm Phật Di Đà, nghĩ đến Đức Phật Di Đà là nghĩ đến vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. Nghĩa là nghĩ đến một Bậc Toàn giác điều gì cũng thông suốt, việc gì cũng thành tựu viên mãn và thọ mạng của Ngài dài lâu vô cùng tận. Ngoài ra, hướng tâm đến Đức Phật Di Đà, chúng ta cũng nhớ đến quá trình tu hành của Ngài được nói đến trong kinh Bảo Tích và nghĩ đến thế giới mà Ngài xây dựng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, từ đó hình dung ra con người cũng như xã hội của Đức Phật Di Đà hoàn toàn tốt đẹp. Tâm chúng ta đặt vào thế giới của Ngài thuần thanh tịnh và tràn đầy an lạc, chắc chắn chúng ta được an lạc giải thoát ngay trong cuộc sống này. Xây dựng trên nền tảng niệm Phật Di Đà như vậy, tuy thân còn ở Ta bà mà tâm đã ở Cực lạc, cho nên trải qua cuộc sống khó khăn ở bất cứ nơi nào tại thế giới ô trược này, chúng ta cũng được an vui, giải thoát trong từng phút giây.

Niệm Phật như thế, quán tưởng như thế, lâu dần trong tâm chúng ta có chư Phật, chư Bồ tát và Thánh Hiền ngự trị, tác động khiến tâm chúng ta trở thành thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Đạt được kết quả này là đã trị liệu được phiền não trần lao nghiệp chướng và khi phiền não trần lao nghiệp chướng dứt sạch thì đời sống bên ngoài tự động tốt đẹp theo.

Như vậy, đầu tiên là chữa trị nghiệp của tâm và kế là trị liệu được thân bệnh. Thật vậy, nhờ chuyên niệm Phật, chúng ta không niệm cơm ăn, áo mặc, nhà ở, ngủ nghỉ, v.v… và tập trung vào sáu niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm Thiên, thì tạp niệm tự tiêu mất. Không niệm thức ăn, dịch vị và nước bọt không tiết ra, nên quên cái đói và không bị đau bao tử. Đến đạo tràng này tham dự khóa tu một ngày, Ban Tổ chức lo cho quý Phật tử ăn sáng, rồi ăn trưa. Nhưng tu đúng, thì đến khóa tu lần thứ 3, thứ 4, không ăn sáng nữa, chỉ ăn trưa thôi và tu đến lần thứ 10, khẩu phần ăn nên giảm bớt, chỉ ăn một bát cơm và một ít vừng (mè). Nếu quý vị giữ được chánh niệm thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng đối với việc ăn uống. Chưa tu, nghĩ đến ăn thì cảm thấy đói; nhưng tu giỏi, ăn được pháp, và thực tập Thiền quán, tự động cắt bỏ việc ăn uống, không còn muốn ăn uống. Phật dạy rằng đối với các vị Thánh La hán, ăn không thành vấn đề.

Đi hành hương Ấn Độ, tôi thấy một người tài xế bình thường ăn rất đơn giản, từ sáng tới chiều mà họ chỉ ăn một miếng bánh. Người không tu còn khắc phục được nghiệp ăn như vậy, chẳng lẽ Phật tử cứ một chút lại ăn. Đi xa không ăn uống, thì không ra mồ hôi và không đi ngoài. Đạo tràng chúng ta tu hành, nhất định phải tập bớt ăn uống. Chúng ta niệm Phật, không niệm thức ăn, không niệm nước uống, được như vậy là thành công. Người xưa tu hành có kết quả cũng đã nói rằng: Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận. Khẩu nội đề hồ trích trích lương. Nghĩa là trong cổ nước cam lộ rịn nhuần, trong miệng nước đề hồ nhỏ mát. Tự nhiên không khát nước, nhưng thấy trong cổ có vị ngọt; người tu hành an trụ pháp thì có cuộc sống khác với người đời như thế.

Niệm Phật chữa trị được bệnh tâm và bệnh thân. Do tâm phiền não, tâm không ổn định mới tạo thành thân bệnh, từ bệnh nhẹ tiến đến bệnh nặng. Nếu tâm được chữa trị lành mạnh rồi, thân sẽ theo đó trở thành khỏe mạnh. Và cuối cùng, dù quả vị Thánh chưa đạt tới, nhưng đã đạt được kết quả là chữa được bệnh đói và bệnh khát. Tất cả mọi việc đều do thói quen mà thành, Phật gọi đó là nghiệp tập quán lâu đời, hay nghiệp của kiếp này. Đi trên lộ trình Phật đạo, chúng ta chuyển đổi được nghiệp tập quán trở thành nếp sống giải thoát, an lạc, thanh tịnh ngay trong cuộc sống hiện tại; đó chính là sự thành tựucông phu niệm Phật đúng như pháp.

Trích từ: ChuaHueNghiem.net


Từ Ngữ Phật Học Trong: Niệm Phật Trị Liệu