Phật Học Vấn Đáp


Làm thế nào không bị tiêm nhiễm danh văn lợi dưỡng, lại vừa có thể giúp đỡ xã hội?
Sư phụ thường nói, Pháp sư học tập hoằng pháp đang tu học, khi chưa có được định huệ thì không thể một mình ra ngoài hoằng pháp, tiếp xúc với đại chúng, dễ bị danh văn lợi dưỡng dụ hoặc. Nhưng đại chúng trong xã hội lại khao khát tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, đặc biệt là giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả, có thể cứu vãn được tai nạn cấp bách. Làm thế nào có thể giải quyết được vừa có thể không bị tiêm nhiễm danh văn lợi dưỡng, lại vừa có thể giúp đỡ xã hội, kiêm thiện thiên hạ?

8/14/2022 7:49:05 AM

Đây là vấn đề lớn, vấn đề này bên nào cũng kẹt, nếu không tiếc việc hi sinh bản thân, tức là bản thân có thể đọa địa ngục, có thể biến thành ngạ quỷ, súc sanh, đi làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, không cưỡng lại nổi những dụ hoặc của bên ngoài. Khi làm như vậy thì trước mắt đại chúng có được một chút lợi ích, bạn đọa ngạ quỷ hay là đọa súc sanh thì bạn đều có phước báo, vì sao vậy? Hoằng pháp lợi sanh là phước. Ví dụ trong cõi súc sanh, như thú cưng được nuôi trong nhà người giàu có hiện nay, đó chính là loại người này. Trong cõi ngạ quỷ, bạn làm Sơn Thần, làm Thành Hoàng, làm Thổ Địa, đây là quỷ phước đức, làm Quỷ Vương, có rất nhiều người cúng dường bạn, rơi vào trong cõi này. Ví dụ này rất nhiều, bạn xem Pháp sư Đế Nhàn có một đồ đệ tu thiền, công phu tu thiền cũng không tệ, ông ấy làm đến Hòa thượng thủ tọa của Chùa Kim Sơn ở Giang Tô, sau đó bị oan gia trái chủ quấy nhiễu phải nhảy xuống nước tự sát. Nói thật ra không phải là ông ta muốn, mà là oan gia trái chủ kéo ông xuống nước, sau khi chết rồi đi làm thần Thổ Địa, chính là làm thần Thổ Địa ở trong miếu Thổ Địa trước Chùa. Pháp sư Đàm Hư thường đưa ra ví dụ này để cảnh tỉnh chúng ta, chỉ cần nhiễm vào danh văn lợi dưỡng thì không có chuyện không đọa lạc. Đạo nghiệp không thể thành tựu nhưng phước báo sẽ không tiêu mất, phước bạn đã tu nhất định có phước, cho dù làm quỷ thì họ cũng làm Thần thủ hộ ở trong đền chùa, làm Thổ Địa.

Cho nên Đại đức xưa, giáo huấn của Tổ sư Đại đức các ngài là có đạo lý, nhưng ngày nay không làm được những giáo huấn này, vì sao vậy? Dân chủ tự do cởi mở, tôn trọng nhân quyền, hiện nay không thể dạy được. Hiện nay, cha mẹ không thể dạy con cái, vì sao vậy? Xâm phạm nhân quyền. Thầy cô cũng không thể dạy học sinh, học sinh có nhân quyền của chúng, chúng có tự do của chúng, bạn không thể can thiệp chúng. Ở trong tình hình này, nói cách khác, người thân của bạn, thầy cô của bạn không giúp được bạn, chỉ có dựa vào chính bạn tự cầu đa phước. Làm sao để không bị dụ hoặc là việc của chính bạn, bị dụ hoặc cũng là việc của chính bạn, chính bạn ở trong một đời thành Phật, xác thực là việc của chính mình, chính bạn đọa Địa ngục A Tỳ cũng là tự mình đọa. Nhất định phải hiểu, bên ngoài không có người nào làm chủ bạn, cũng không có ai can thiệp bạn, hiện nay là thời đại như vậy. Thời đại này chính là thời đại dân chủ tự do cởi mở, thời đại tôn sùng tự do, chúng ta không thể không biết.

Trong thời đại này, điều duy nhất chính là không được bỏ đi Kinh giáo. Người đọc sách thời xưa thường nói: “Ba ngày không đọc sách Thánh Hiền thì mặt mũi đáng ghét. Ba ngày không thân cận Thánh Hiền thì hoàn toàn bị cảnh giới bên ngoài thay đổi rồi. Sức dụ hoặc bên ngoài hiện nay lớn hơn gấp chục lần, trăm lần so với trước đây, đây là thật! Vào nửa đầu thế kỷ trước, khi chúng tôi mới mười mấy hai mươi tuổi, mặc dù xã hội có dụ hoặc, nhưng không mạnh như vậy, không phổ biến như vậy. Từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy học sinh tiểu học nào tự sát, trẻ nhỏ tự sát. Hiện nay bạn thử nghĩ xem, thỉnh thoảng có nghe thấy học sinh tiểu học tự sát; người già tự sát, người già trong viện dưỡng lão. Đây đều là vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Từ nhỏ họ đã bị ô nhiễm, ô nhiễm cả đời, làm sao họ có thể quay đầu được chứ?

Ngày nay, chúng ta có thể gặp được Phật pháp, có thể xuất gia, điều này thật không dễ, là phước đức nhân duyên hi hữu. Bạn có thể giữ được phước đức nhân duyên này hay không, bạn có thể dựa vào nhân duyên này để thành tựu ở ngay trong đời này hay không, hoàn toàn dựa vào chính mình. Phải tu như thế nào? Tôi nhắc nhở đồng tu không chỉ ngàn lần, nhất định phải cắm gốc. Nói một cách khác, tuyệt đối đừng xem thường “Đệ Tử Quy”, không có “Đệ Tử Quy” thì không có Thập Thiện Nghiệp. Có thể nói việc thực hiện Thập Thiện Nghiệp ở trong đời sống chính là “Đệ Tử Quy”, bạn không có “Đệ Tử Quy” thì Thập Thiện Nghiệp ở đâu ra? Không có Thập Thiện Nghiệp thì những gì bạn tu, bất luận xuất gia hay tại gia, những gì bạn tu là Phước báo, những gì bạn tu không phải là Công đức, mà là Phước đức. Phước đức thì không thể liễu sanh tử, không thể thoát khỏi luân hồi, nhưng có Phước, bất luận bạn ở cõi nào, bạn có Phước báo. Đây là thật, không phải giả. Cho nên Phước đức dễ tu chứ Công đức chẳng dễ tu. Nhà Phật có câu ngạn ngữ nói “Lửa thiêu rừng Công đức”, lại nói cho bạn được rõ, là: “Một niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”. Sở dĩ nhà Phật chúng ta không tu được Công đức, là vì vừa nổi giận thì những Công đức bạn tu được liền bị thiêu đốt sạch sẽ. Bạn muốn nói bạn đã tích lũy được bao nhiêu Công đức, bạn hãy nghĩ từ khi nào bạn không nổi giận đến hiện tại. Những Công đức bạn tu được trong khoảng thời gian này vẫn còn; bạn nổi giận thì khoảng này xong rồi, không còn nữa. Nếu khi mạng chung mà nổi giận một trận thì toàn bộ Công đức cả đời đều mất hết, bạn không có chút Công đức nào nữa. Phải hiểu đạo lý này. Phật nói lời này là lời thật, không phải là lời giả.

Tham Sân Si gọi là Tam độc, chúng ta hiện nay gọi là virus, ba loại virus này nghiêm trọng nhất. Bạn xem tâm tham của bạn nặng thì đọa vào cõi ngạ quỷ, tâm sân khuể nặng, thích nổi giận thì đọa vào địa ngục; ngu si chính là không thể phân biệt được tà chánh, thị phi, chân vọng, tốt xấu, đọa vào cõi súc sanh. Tham Sân Si là nghiệp nhân của ba đường ác. Giới Định Huệ là để đối trị Tam ác đạo, Giới đối trị Tham, Định đối trị Sân khuể, Huệ đối trị Ngu si. Phật dạy chúng ta siêng tu Giới Định Huệ, diệt trừ Tham Sân Si thì bạn không đọa đường ác, phước bạn tu được sẽ hưởng ở hai cõi trời và người. Tốt! Phước báo trời người, nhưng phước báo trời người, cõi trời là thượng phẩm thập thiện, cõi người là trung phẩm thập thiện. Vậy chúng ta khởi tâm động niệm có tương ưng với thập thiện không? Thật sự tương ưng, thật sự tương ưng là ở trong hành trì chứ không phải ở trên miệng, nói được hay không có tác dụng, không thể tự độ, phải làm được, thật sự làm được.

Từ trong nội tâm sanh ra khiêm tốn, phải tu khiêm tốn như thế nào? Bạn hãy nghĩ những đồng tham đạo hữu khi xưa cùng tu với chúng ta, họ đều thành Phật, đều thành Bồ Tát cả rồi, ngày nay ta vẫn trôi lăn trong đường ác, vẫn đang tạo nghiệp, đáng hổ thẹn không chứ? Tâm hổ thẹn sinh ra thì mới có thể làm được khiêm tốn, mới có thể làm được tôn trọng người khác. Tổ sư Đại đức đã vì chúng ta mà làm tấm gương, ngay cả ruồi muỗi kiến gián cũng tôn trọng, vì sao vậy? Nói không chừng đời sau chúng sanh đến cõi người, chúng sẽ thành Phật, còn mình vẫn ở trong lục đạo luân hồi. Đây là việc rất có thể, không phải là không thể. Họ ở trong đường ác chịu báo hết tội, tội tiêu hết rồi thì sẽ quay lại nhân gian, ở nhân gian lại gặp được Phật pháp. Nếu nền tảng Phật pháp trong đời quá khứ của họ rất sâu, gặp được duyên thì họ sẽ tiếp nhận, làm sao bạn có thể xem thường họ được chứ? Một con muỗi, một con ruồi, một con chuột, một con gián, nói không chừng sẽ thành Phật trước ta. Nếu ngay cả những động vật nhỏ này mà bạn còn không dám xem thường, bạn gặp chúng đều chắp tay cung kính, gọi chúng là Bồ Tát thì chúng ta sẽ không có vấn đề gì đối với người, mới thật sự làm được chân thành cung kính với người.

Tôi thường hay khuyên đồng tu tiếp nhận sự phê bình của người khác, người ta hủy báng, sỉ nhục thì tiếp nhận, tiếp nhận và nghiêm túc phản tỉnh xem có hay không? Có thì phải sửa, không thì khích lệ thêm, nhất định không được phê bình người, người phê bình người khác đều là đại thiện tri thức, thật sự là cứu độ chúng sanh, chúng ta vẫn chưa có trình độ như vậy. Đại thiện tri thức thật sự khi phê bình người thì họ biết thời tiết nhân duyên, phiền não tập khí của bạn rất nặng, bạn không thể tiếp nhận thì họ không phê bình. Tôi theo Lão sư Lý mười năm, điểm này thì tôi thấy vô cùng rõ ràng. Học trò theo Ngài học tập, hai mươi mấy học trò theo Ngài học Kinh, trong đó có ba, bốn người, Lão sư từ trước tới giờ không phê bình họ; đối với học trò thông thường thì Thầy phê bình, đối với mấy vị học trò này thì Thầy không phê bình. Thời gian lâu rồi, chúng tôi cảm thấy kỳ lạ, mặc dù không nói ra nhưng Lão sư nhìn ra được. Khi không có người Thầy đã nói với tôi vì sao không nói tới mấy vị này? Họ không tiếp nhận. Bạn vừa nói thì mặt họ đã đỏ ửng lên rồi, họ không thể tiếp nhận như vậy mà bạn thường hay nói họ thì sẽ kết oán thù với họ, họ sẽ ôm hận, nhớ hận trong tâm, sau này sẽ trở thành oan oan tương báo. Đó là sai lầm lớn. Người có thể tiếp nhận thì phải phê bình họ, phải nói họ, họ có thể sửa lỗi, họ sẽ cảm ân; người không thể tiếp nhận thì tuyệt đối không được phê bình. Nhưng phải biết, đại chúng trong xã hội này người thật sự muốn tiếp nhận thì quá ít quá ít! Trong một trăm người khó tìm được một người. Ở trong tình hình như vậy mà chúng ta lại không phải là đại thiện tri thức thật sự thì đâu có tư cách phê bình người khác! Cho nên phàm việc gì hãy khéo tùy duyên, khéo dè chừng, khéo cẩn thận, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, đây là người thật sự thông minh, thật là người thượng thượng căn. Giống như Đại sư Ngẫu Ích đã nói, vãng sanh hạ hạ phẩm đến Đồng Cư Độ thì tôi rất mãn nguyện rồi. Vậy là đúng! Phẩm vị bên trên không dễ tu, còn hạ phẩm hạ sanh ở Đồng Cư Độ thì không khó. Người tạo tác tội nghiệp cực trọng có thể sám hối thì đều có thể vãng sanh, cho nên chúng ta tin giữ lời này của Tổ Sư. Lần này tôi ở Hàng Châu, còn đặc biệt đến thăm Đạo tràng của Đại Sư Ngẫu Ích. Phần mộ của Đại sư Ngài vẫn còn, chúng tôi đã đi bái.

Cho nên vấn đề này hoàn toàn ở chính mình, chính mình có sự cảnh giác cao độ, phải thường xuyên đọc Kinh nghe Kinh. Không đọc Kinh, không nghe Kinh thì rất dễ bị mê hoặc. Đây là chính chúng tôi có kinh nghiệm này. Bao nhiêu năm nay, nếu tôi không phải là ngày ngày tiếp xúc Kinh điển thì không được! Ngay trong khi du lịch, tuy không thể giảng Kinh mà tôi vẫn giảng Kinh không gián đoạn, tôi tiếp khách, một người cũng được, hai người cũng được, những điều tôi nói toàn là Kinh giáo. Đây là giảng Kinh không gián đoạn, chỉ là không thể giảng Kinh cho đại chúng trong phòng thu thôi. Đó là duyên phận mỗi người không giống nhau. Cho nên chính mình đọc tụng, khuyên người là khuyên chính mình, chính mình được lợi ích tám phần mười, người khác chỉ được hai phần mười. Đau mồm rát họng khuyên người, lợi ích hầu như là tự lợi, mặc dù tự tha không phải là hai, nhưng đúng thật là phần tự lợi nhiều.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Giáo Dục       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật