Phật Học Vấn Đáp


Tu tập ở cõi Sa-bà hơn hẳn ở các phương khác. Vậy tại sao phải nhọc cầu sanh Cực Lạc?
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Tu tập trong cõi này (tức cõi Sa bà) một ngày một đêm hơn hẳn cõi Phật khác trăm năm”. Kinh Duy Ma ghi: “Quốc độ Sa bà có mười việc thiện[13] mà cõi Phật khác không có, đó là bố thí nhiếp phục sự nghèo khó…”. Theo kinh này dạy, tu tập ở cõi Sa bà hơn hẳn ở các phương khác. Vậy tại sao phải nhọc sức chuyên niệm A Di Đà, nguyện sinh về nước Cực Lạc, bỏ chỗ tốt tìm đến chỗ kém, hành nghiệp khó thành tựu. Hai con đường ấy, lấy bỏ thế nào, xin được giải bày chi tiết?

8/30/2022 7:12:49 AM

Những pháp môn của Đức Phật đều vì lợi ích chúng sinh, mỗi mỗi tùy thuận một đường, nhưng lý không trái nhau. Vì sao? Căn cơ tu hành có hai giai vị. Nếu chưa bước lên ngôi vị Bất Thoái thì khó ở cõi uế, muốn tu tập hạnh tự lợi thì phần nhiều bị lui sụt, gặp việc thuận nghịch lại sinh tâm vui buồn, khởi lòng yêu ghét thì nghiệp ác càng thêm, không có cách gì làm an ổn cho chính mình, ngược lại chìm vào đường ác. Kẻ đã tu nhân nhiều kiếp, thành tựu Pháp Nhẫn[14], đủ sức ở trong cõi uế, mới có thể lợi ích cho hữu tình. Đã thành tựu hạnh tự lợi, thoát khỏi luân hồi, ở cõi này thực hành mười việc lợi tha, thì phương khác không bằng. Bởi vì cõi Phật khác, y báo tốt đẹp, đầy đủ không thiếu, muốn gì cũng đều được; đã không thiếu thốn thì còn bố thí cho ai! Còn chín việc khác căn cứ theo đây thì rõ. Còn nên tự biết không lui sụt, thì trụ nơi này đã không ngăn ngại lại còn làm lợi ích cho người hơn hẳn cõi Phật khác. Những người học ngày nay, cách Phật quá xa, ba độc lừng lẫy, chưa được tự tại, nếu được sinh cõi Tịnh, nhờ thắng duyên, nương oai lực Phật, mới được bất thoái. Cho nên cần phải sinh về nước kia, thành tựu nhân tự lợi.

Căn cứ theo đây thì hai kinh ấy có gì trái nhau!

_____________

[13] Mười việc thiện: 1. Dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo nàn; 2. Dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới; 3. Dùng nhẫn nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ; 4. Dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi; 5. Dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý; 6. Dùng trí tuệ để nhiếp độ kẻ ngu si; 7. Nói pháp trừ nạn để độ kẻ bị tám nạn; 8. Dùng pháp Đại Thừa để độ kẻ ưa pháp Tiểu Thừa; 9. Dùng các pháp lành để cứu tế người không đức; 10. Thường dùng tứ nhiếp để thành tựu chúng sinh (phẩm Hương Tích, kinh Duy Ma).

[14] Pháp nhẫn: cam chịu cảnh trái nghịch mà trong tâm không sinh khởi sân hận, một trong Nhị nhẫn, Tam nhẫn, Lục nhẫn, Thập nhẫn. Đại Thừa Nghĩa Chương, q. 11, ghi: “An trụ trong thật tướng các pháp gọi là Nhẫn”.

Pháp nhẫn được chia làm hai loại: Khổ pháp nhẫn và Đạo pháp nhẫn.

– Khổ pháp nhẫn là chỉ cho sự tin nhận lý Khổ đế của cõi Dục khi còn ở giai vị Kiến đạo.

– Đạo pháp nhẫn là chỉ cho sự tin nhận Đạo đế của cõi Dục ở giai vị Kiến đạo.

àng Bồ tát Đại Thừa ở giai vị Kiến đạo của Sơ địa tin nhận lý Vô Sinh, nên gọi là Vô Sinh pháp nhẫn (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3538).

Trích từ:  Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy . Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn


Thẻ
Bố Thí        Cực Lạc        Nghiệp        Nguyện        Phật Học       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật