Home > Khai Thị Phật Học
Nhất Định Phải Nhớ Nghĩ Chúng Sanh Khổ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Nhớ chúng sanh khổ thì lòng đại bi của chính chúng ta mới có thể sanh khởi ra được. Bạn xem thấy những chúng sanh khổ nạn, bạn muốn giúp đỡ họ thì bạn không thể không chăm chỉ nỗ lực tu học. Nếu như không thể thành tựu đức hạnh của chính mình, không thể thành tựu học vấn của chính mình, không thể thành tựu năng lực của chính mình thì bạn làm sao đi giúp người? Cho nên hy vọng các vị đồng tu phải nhìn thấy chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới, vì những chúng sanh khổ nạn này, chúng ta phải vùi đầu kham khổ mà làm, phải cố gắng nỗ lực tinh tấn, hy vọng chúng ta sớm một ngày thành tựu thì những khổ nạn của họ sẽ sớm một ngày được tiêu trừ, chúng ta thành tựu trễ một ngày thì họ sẽ thêm một ngày khổ nạn. Bạn phải thường có tâm này. Người thường có tâm này thì người nhất định không thể giải đãi, đó chân thật gọi là tâm Bồ Tát, chân thật là đại từ đại bi.

Hiện tại thế gian này có người đã giác ngộ được khổ nạn của chúng sanh, thế nhưng họ không cách gì giải quyết. Năm trước, khi vào khóa thứ hai, đồng tu khóa thứ hai biết, cũng là khoảng thời gian chúng ta lên lớp, tôi xin nghỉ phép ba ngày đến Úc châu để giảng. Cục Sự Vụ Dân Tộc Thiểu Số Úc châu là cơ cấu chính phủ của họ, Cục Trưởng mời tôi đi đến đó giảng một lần, tôi nhận lời ông ấy. Ngày đầu tiên tôi đi, ngày thứ hai diễn giảng, ngày thứ ba thì quay về. Tính chất của diễn giảng này là gì vậy? Cục Trưởng này là người Úc châu gốc Do Thái. Khi tôi ở Úc châu gặp mặt ông, ông đã nói với tôi vấn đề là hiện tại Úc châu đã mở ra chính sách phóng khoáng, cũng chính là hoan nghênh người các nơi khác di dân đến Úc châu. Những người di dân đến đây cùng với người Úc châu địa phương bối cảnh văn hóa không giống nhau, phương thức đời sống không giống nhau, chủng tộc không giống nhau, tín ngưỡng tôn giáo không giống nhau, hiện tại khi vừa đến, đột nhiên cùng sống với nhau, làm thế nào cho xã hội được phồn vinh an định? Làm thế nào có thể tiêu trừ được rất nhiều thành kiến ngăn cách? Làm thế nào có thể hợp tác lẫn nhau làm cho xã hội Úc châu được phồn vinh? Họ đã nghĩ đến vấn đề này, cho nên tổ chức một buổi luận đàm, mỗi một tháng là họ tổ chức hội nghị một lần, đến tham gia đều là lãnh đạo các tôn giáo. Hôm đó tôi đến tham gia, có tổng cộng mười bốn vị lãnh đạo tôn giáo khác nhau cùng chung một hội nghị. Hôm đó Cục Trưởng mời tôi diễn giảng vấn đề này. Tôi đều gọi mười bốn vị lãnh đạo tôn giáo này là Bồ Tát. Họ nghe rồi cảm thấy rất kỳ lạ, Mục sư của Ki tô giáo là Mục sư Bồ Tát, Thần Phụ Bồ Tát của Thiên Chúa Giáo, A Hồng Bồ Tát của Islam giáo, Do Thái giáo tôi không biết gọi thế nào nên tôi gọi là Trưởng Lão Bồ Tát, đều là Bồ Tát. Họ nghe rồi cảm thấy rất kỳ lạ, tôi liền giải thích cho họ, ý nghĩa của Bồ Tát là người giác ngộ, là có trí tuệ, có giác ngộ, các vị có thừa nhận hay không? Bạn chính mình có trí tuệ, có giác ngộ thì đúng rồi, bạn chính là Bồ Tát, Bồ Tát thật, không phải Bồ Tát giả. Cho nên họ rất là hoan hỉ đối với tôi, không hề có chút bài xích nào đối với tôi. Chúng ta ở nơi đó đem Phật pháp giới thiệu cho họ, nói rõ Phật pháp không phải là tôn giáo, mà Phật pháp là học thuật, Phật pháp là giáo dục, bất cứ tôn giáo đồ nào đều phải học Phật pháp, vì sao vậy? Bạn phải học trí tuệ, bạn có trí tuệ, bạn có giác ngộ thì gọi bạn là Bồ Tát. Cho nên, Phật pháp quyết định không phải bảo bạn phản bội tôn giáo của bạn thì bạn mới đến học Phật giáo, đó là việc Phật giáo nhất định không chấp nhận, việc làm đó là trái với đạo đức của xã hội, Phật không nhận học trò này. Bạn là tín đồ tôn giáo, bạn yêu thích tôn giáo của bạn, tôn kính Thượng Đế của bạn, Phật tán thán bạn, bạn là con cái tốt của Thượng Đế, là học trò tốt của Phật. Bạn tín ngưỡng tôn giáo, có thể quy y Tam Bảo, làm học trò của Phật. Bạn với Thượng Đế là quan hệ cha con, bạn cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật là quan hệ thầy trò, làm gì có chuyện xung đột? Không hề có xung đột, mà rất là hòa hợp!

Sau khi tôi diễn giảng xong mọi người đều rất hoan hỉ, nêu ra rất nhiều vấn đề để hỏi tôi, trong đó có Trưởng Lão Do Thái giáo, ông thân thiện dễ gần, ông nêu ra câu hỏi với tôi: “Ở trong Thánh Kinh nói nhân loại tạo ra những tội ác đến sau cùng đều có thẩm phán, thẩm phán sau cùng. Phật giáo các vị có nói thẩm phán sau cùng hay không? Thẩm phán sau cùng do ai đến chủ trì?”. Tôi nghe xong liền nói: “Không sai! Phật giáo là giáo dục, không quan tâm thẩm phán. Trường học là dạy học, khuyến thiện, ngừa lỗi. Thẩm phán là sự việc của pháp quan, là việc của Bộ Tư Pháp. Phật là Bộ Giáo Dục, không phải Bộ Tư Pháp. Ai chủ trì thẩm phán này? Là Thượng Đế”. Họ nghe rồi rất phấn khởi. Chúng ta là giáo học, khuyến thiện, ngừa lỗi, dung hợp. Tôi rất là tôn trọng họ, họ cũng rất tôn trọng tôi. Ngay trong hội nghị lúc đó họ mời tôi làm hội viên dài lâu của họ. Tôi không thường đi đến Úc châu. Họ nói, không hề gì, mỗi một tháng ông gởi cho chúng tôi một bài viết là được rồi. Mỗi một tháng tôi gởi một bài cho họ, trên thực tế tôi cũng không cần phải viết, trong “Vô Trụ Sanh Tâm” của chúng ta rất nhiều, tôi liền bảo đồng tu Úc châu là các vị dùng Anh văn phiên dịch một chương đưa cho họ mỗi tháng một lần.

Lần này, bởi vì bắt đầu khai giảng, các vị đã trễ rồi, tôi cũng trễ luôn. Thời gian tôi đến Úc châu ở hơi dài, đến 26 ngày. Tôi đi thăm viếng Đại Học Bang Đức ở bờ biển Hoàng Kim, tiếp kiến tôi là học sinh trong trường đó. Viện trưởng của Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, tôi nghe người khác nói, Viện trưởng này tuổi tác không lớn, ông là nhân viên làm hành chánh, tánh tình rất nóng vội, không có lòng nhẫn nại, thế nhưng hôm đó gặp mặt tôi thì hòa ái, thân thiện, thái độ hoàn toàn khác đi, có rất nhiều người xem thấy đều cảm thấy rất kỳ lạ. Khi vừa gặp mặt tôi, ông nhận thấy đây là Phật pháp mà ông rất ưa thích, ông là người có duyên phận. Ông nêu ra vấn đề với tôi, hiện tại trường học của Úc châu có hơn 2.000 học sinh đến từ hơn 30 quốc gia, giống như một Liên Hiệp Quốc nhỏ vậy, thế là trong đó nảy sanh ra một vấn đề xã hội, đó là Viện Khoa Học Xã Hội, như vậy thì làm thế nào để dạy cho những người không đồng quốc gia, không đồng chủng tộc, không đồng phương thức sinh hoạt, không đồng tín ngưỡng tôn giáo có thể cùng ở chung với nhau, có thể hòa thuận cùng sinh sống, có thể hợp tác lẫn nhau? Ông cũng nêu ra vấn đề này. Hiện tại Úc châu người giai cấp cao, ở trong giới học thuật, ở trong giới chính trị có rất nhiều người có quan niệm này, đó là một hiện tượng rất tốt. Ông nêu ra vấn đề này với tôi, tôi liền nói với ông, Phật pháp Đại thừa có thể giải quyết vấn đề này. Ông nghe rồi rất hoan hỉ. Tôi nói, đặc biệt là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh có lý luận viên mãn, có đầy đủ phương pháp, phía sau còn có biểu diễn. Biểu diễn đó là thật. Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, bạn thấy 53 vị Phật thị hiện ra các ngành các nghề, nam nữ, già trẻ, cũng thị hiện ra tín ngưỡng tôn giáo khác nhau (như Thắng Nhiệt Bà La Môn, Biến Hành Ngoại Đạo đều là tín ngưỡng tôn giáo khác nhau), bối cảnh văn hóa khác nhau, phương thức sinh hoạt khác nhau, họ làm thế nào ở trong một xã hội này cùng tồn tại, cùng phát triển, hợp tác lẫn nhau, há chẳng phải vấn đề mà hiện tại các vị đang mong cầu giải quyết đó sao? Sau khi ông ấy nghe rồi thì vô cùng vui mừng, ngay lúc đó liền nêu ra ý kiến với tôi là có thể ở trong trường học của ông thành lập một Viện Nghiên Cứu Phật Học. Việc này do ông chủ động đề xuất với tôi, nếu không thể mở được một viện nghiên cứu thì có thể ở trong trường học của ông mở khóa trình Phật học. Khi ông nêu ra ý kiến này, tôi liền hỏi ông là học trò trường học hiện tại của các vị, một học sinh ở bên đây tu học thì học phí, tạp phí, ăn ở (học trò đều ở trong ký túc xá của trường) một năm đại khái phải tốn bao nhiêu tiền? Ông nói với tôi, một năm cũng sắp gần ba mươi ngàn đô Úc. Tôi vừa nghe nói liền thốt lên: “Trường học quý tộc!”. Mọi người đều nói trường học đó là một trường học quý tộc, không có tiền thì không cách gì có thể vào đó để học, tố chất của thầy giáo rất tốt, trình độ giáo dục cũng tương đối cao. Cho nên tôi liền nghĩ, nếu như có thể đem Phật pháp kéo dậy trường học này, tương lai sẽ biến thành một môn giáo trình quan trọng nhất trong trường học này, Phật pháp chúng ta liền sẽ bước vào đại học của toàn thế giới, sẽ là giáo trình trung tâm trong đại học, người thế gian mới chân thật có phước. Phật pháp là pháp của trí tuệ, học Phật là học trí tuệ, chân thật có thể giải quyết tất cả vấn đề, có thể khiến cho tất cả chúng sanh người người hạnh phúc, nhà nhà mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi thành công, xã hội an lành, quốc gia giàu mạnh, thiên hạ thái bình. Kinh Hoa Nghiêm đích thực là có thể làm đến được, đáng tiếc không có người đề xướng. Hiện tại chúng ta có được cơ hội tốt như vậy, hy vọng pháp sư trẻ tuổi như các vị chăm chỉ nỗ lực. Sau khi các vị học xong rồi, tương lai đều là giáo thọ đại học. Không nên lo là chúng ta đều không có học vị, thậm chí chưa tốt nghiệp cao trung thì làm sao có thể làm giáo thọ đại học được. Các vị phải nên biết, tôi chỉ tốt nghiệp sơ trung, hiện tại lại có thể có người mời tôi làm Viện trưởng Viện Nghiên Cứu, cho nên bạn phải có đồ thật. Chúng ta ở trong trường học giảng qua một lần, hiệu trưởng của trường học, một số lãnh đạo của trường học đó, giáo thọ của trường học đó đều đến nghe, nghe rồi họ đều hoan hỉ, họ đều bội phục, họ đều có thể khẳng định, vậy thì bạn dạy học trò còn vấn đề gì chứ? Vấn đề là bạn phải chân thật y theo Phật pháp tu học, đoạn phiền não, khai trí tuệ. Chỉ có trí tuệ thì bạn mới có thể làm cho người tâm phục khẩu phục, không cần phải có văn bằng, vì văn bằng là giả, không có tác dụng gì. Đối chính mình bạn phải có tín tâm, phải chăm chỉ nỗ lực, nhất định phải đoạn phiền não, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần của thế gian này phải xả được sạch trơn, thường nghĩ đến chúng sanh khổ, thường nghĩ chính mình nghiệp chướng sâu nặng, phải đoạn phiền não, tiêu nghiệp chướng, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn thì bạn chính là Thiện Tư Duy Bồ Tát.
Trích từ: Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Giải Quyển 1