Home > Khai Thị Phật Học > Chi-Tuc-Thuong-Lac
Chi Túc Thường Lạc
| Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Lão Tử nói: “Ngã hữu tam Bảo trì nhi bảo chi: Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.” Một bảo trong này chính là tiết kiệm. Rất nhiều người từng tiếp xúc qua lão Hòa thượng Hải Hiền, khi nhớ về lão Hòa thượng, đều có ấn tượng sâu sắc đặc biệt đối với tính tiết kiệm của Ngài.

Lão Hòa thượng Hải Hiền thường xuyên nói với những người có duyên bên cạnh: “Chúng sanh một hạt gạo, nặng như núi Tu Di”, “Vật của thường trụ Tăng là phước điền của thí chủ, nhất định phải làm cho được việc giữ gìn vật thường trụ, như giữ con ngươi.”

Thường trụ, chỉ vật tư chuẩn bị sẵn cúng cho Tăng đoàn thọ dụng. Nếu chiếm làm của riêng hoặc mua bán, thì phạm đại tội. Tăng vật bao gồm vật cúng dường đến từ nơi khác, như bếp kho tự xá, ruộng vườn, cơm gạo, quần áo, thuốc thang v.v…; còn bao gồm Tăng vật hiện tiền và di phẩm của chư Tăng đã tịch.

Lão Hòa thượng Hải Hiền rất quý trọng vật thường trụ. Ngài kiệm nước kiệm điện, một chút cũng không lãng phí. Ngài ngủ rất sớm, buổi tối lúc không cần phải chiếu sáng thì không mở đèn điện.

Những năm thập niên 80 của thế kỷ XX, chùa Lai Phật còn không có nước máy, Tăng chúng uống nước toàn bộ dựa vào một giếng nước cạn tự đào. Lão Hòa thượng dùng nước rất tiết kiệm, bình thường rửa tay rửa mặt, chỉ dùng một cái gáo nước nhỏ, lấy chậu rửa mặt đổ nước, chậu rửa mặt trong phòng Ngài thường xuyên chỉ có hơn một bát nước. Sau này chùa đã lắp đặt nước máy, Ngài vẫn không tán đồng vì lãng phí nước.

Một buổi trưa mùa hè năm 2010, lão Hòa thượng đang cuốc đất trong tháp viện, bỗng dưng mưa một trận lớn, Pháp sư Ấn Chí vội vàng mang dù đi đón lão Hòa thượng trở về chùa. Đúng vào lúc Pháp sư Ấn Chí lấy cho Ngài đôi giầy khô, lão Hòa thượng vẩy nước đã rửa qua rau cải trong chậu to để rửa chân. Lúc này một cư sĩ đã đặt một chậu nước sạch mời Ngài rửa, lão Hòa thượng kiên quyết không chịu, còn nói với bà ấy rằng: “Chúng ta phải tiết kiệm nước dùng, phải tích phước đấy!”

Từ những điểm nhỏ này thì có thể nhận ra lão Hòa thượng Hải Hiền là người quý trọng vật lực biết bao, phước từ tiết kiệm, không đến từ lãng phí, lão Hòa thượng tích phước.

Ngài thường nói với mọi người: “Nhặt rau không vứt phần còn non, hơn hẳn tụng kinh tạng.” Nếu như trong cửa nhà bếp Ngài nhìn thấy một lá cải bị vứt bỏ, Ngài sẽ nhặt lên rửa sạch rồi đặt trở về nhà bếp. Ngài ăn cơm cũng không bao giờ kén chọn, không bao giờ dùng cơm nước được chiếu cố đặc biệt dành riêng, mỗi ngày dùng bữa giống như mọi người, sau mỗi bữa ăn luôn dùng nước nấu chín tráng đi tráng lại bát cơm.

Một lần, lão Hòa thượng trộn một ít rau cần, sau khi trộn xong, Ngài chỉ một hũ dầu mè to trên đất, nói với Pháp sư Ấn Hàm: “Con dùng đôi đũa nhúng một ít, trộn sơ số rau cần này nha!”

Mặc dù đã rất nhiều năm qua, Pháp sư Ấn Hàm một khi nhắc đến câu chuyện này vẫn rưng rưng nước mắt, Pháp sư nói: “Đó là một hũ dầu mè 50 cân lận! Mà sư phụ lại bảo tôi dùng đôi đũa nhúng một chút trộn sơ rau. Chỉ dựa điểm này, tôi đã khâm phục Ngài một đời! Những năm này tôi hết sức mình để học tập sự cần kiệm của sư phụ, có thể bây giờ tôi về mặt cần cù này còn có thể ăn nói được, nhưng nói đến tiết kiệm, vẫn còn kém xa sư phụ nhiều lắm.”

Một đệ tử khác của lão Hòa thượng, Pháp sư Ấn Vinh cũng khâm phục lão Hòa thượng đến đầu rạp sát đất. Pháp sư nói: “Lúc ban đầu tôi cũng có chút không vừa ý sư phụ quá bủn xỉn, muốn mua hai đồng đậu hủ sư phụ cũng không cho mua. Thế nhưng về sau nhìn thấy sư phụ quyên tiền mua cây giống cho mấy trường học và đạo tràng, mà một cái giũ tay thì lấy ra mấy ngàn đồng tiền, điều này đã khiến tôi triệt để khâm phục đến đầu rạp sát đất luôn!”

Lão Hòa thượng dùng thu hoạch do chính mình cực khổ cày cấy, để làm cứu tế, làm bố thí, Ngài vui không biết chán; với bản thân thì lão Hòa thượng cũng sẽ không lãng phí dù chỉ một hạt gạo.

Vớ của lão Hòa thượng vá hết lần này sang lần khác. Có một lần một cư sĩ hỏi lão nhân gia Ngài: “Ngài có công việc gì chúng con có thể giúp đỡ không?” Lão Hòa thượng bèn tìm ra đôi vớ của mình để cho bà ấy vá lại giúp. Cư sĩ nhìn thấy hai chiếc vớ đã rách nát hơn nửa, cơ bản không biết nên làm thế nào bắt tay để vá lại! Thế là bà ấy len lén đem vớ rách giấu đi. Khi lão Hòa thượng hỏi đến đôi vớ, mọi người đều nói tìm không thấy, lão Hòa thượng không còn cách nào khác, đành phải đổi đôi mới.

Vớ cũ rách như vậy, lão Hòa thượng vẫn là không nỡ vứt bỏ. Còn đồ vật mà mọi người cho rằng đã không còn dùng được, Ngài vẫn luôn có thể tìm ra cách sử dụng vật bỏ đi.

Một lần, lão Hòa thượng nhìn thấy người khác vứt bỏ áo len không dùng, cảm thấy rất đáng tiếc, bèn nhặt về. Ngài đem áo len cũ giặt sạch trước, rồi bóc áo len ra thành len sợi, dùng số len sợi này bện thành cuộn dây thừng to. Lần này không những không cần đi mua thêm cuộn dây thừng, so với mua ở bên ngoài, cuộn dây thừng của lão Hòa thượng còn đẹp hơn, bền hơn. Ai nhìn thấy đều rất khâm phục lão Hòa thượng lại có thể nghĩ được chiêu này! Mọi người thấy rằng có thể dùng trở lại đồ bỏ đi như vậy, thật sự quá tốt rồi, thế là đều đi về học làm theo.

Cây chổi mà lão Hòa thượng dùng quét dọn cũng là Ngài tự bó lấy, cây tảo trửu miêu (địa phu tử) dùng để bó chổi là Ngài tự trồng lấy. Cái này sở dĩ liên quan đến loại thực vật tên tảo trửu miêu này, chính là bởi vì nhánh của loại thực vật này rất dày, sau khi chín chặt đi để khô, bó lại thì có thể làm chổi để dùng.

Đồ vật mà lão Hòa thượng dùng đều là hết sức bình thường mà thôi, cây gậy mà Ngài thường xuyên chống chỉ là thân một loại rau dại tên là “khôi khôi thái” mọc trên đất. Mọi người đều nói, chưa từng thấy Ngài chống qua cây gậy mới. Một lần, lão Hòa thượng đến niệm Phật đường Nghĩa Ô ở Nam Dương, cư sĩ Trương ở Nam Dương cúng dường cho lão Hòa thượng một cây gậy, một chiếc nhẫn mã não đỏ và một chuỗi hạt đeo tay màu tía. Lão Hòa thượng lúc đó đã nói: “Người xuất gia làm gì đeo nhẫn trang sức chứ?

Không như pháp. Ông cầm lấy đi! Gậy tôi cũng có.”

Cây gậy này là cư sĩ Trương đặc biệt mua đến tặng cho lão Hòa thượng, cho nên, ông ấy rất kiên trì nói: “Không sao, có thể Ngài một đời cũng không đeo qua những cái này, Ngài đeo vào để con xem xem có đẹp hay không đẹp. Còn cây gậy đó của Ngài đã quá cũ rồi, phía dưới đã nứt ra rồi, sau này thì Ngài dùng gậy mới này nha!” Lão Hòa thượng vui vẻ tiếp nhận những vật cúng dường này.

Sau một tuần lễ, cư sĩ Trương lại đi niệm Phật đường, có người nói ông ấy biết rằng: “Lão Hòa thượng có việc trở về chùa rồi. Trước khi đi đã để lại nhẫn và tràng hạt đeo tay của ông cúng dường, còn nói người xuất gia không nên đeo những vật này, màu sắc quá tươi đẹp, không như pháp.” Cư sĩ Trương nghe xong, nghĩ trong tâm: “Lão Hòa thượng này thật sự là người đại tu hành! Ngài nhìn thấy mình chấp trước như vậy, vì để mình sanh tâm hoan hỷ, thì hằng thuận chúng sanh, nhận lấy vật cúng dường. Đợi đến khi sắp rời khỏi mới để đồ lại, thật sự từ bi thiện xảo quá! Bồ Tát ở nơi nào, thì làm cho tất cả chúng sanh sanh khởi tâm hoan hỷ, thật sự là như vậy!” Ông ấy không những không buồn giận, trái lại còn sanh khởi tâm kính trọng đối với lão Hòa thượng.

Cách một thời gian, lúc lão Hòa thượng lại đi niệm Phật đường Nghĩa Ô ở Nam Dương, cư sĩ Trương đến thăm Ngài, vừa nhìn trong tay lão Hòa thượng cầm cây gậy mới không phải chính mình tặng Ngài lần trước, thì hỏi Ngài: “Cây gậy mà con tặng cho Ngài đó, sao Ngài không dùng chứ?” Lão Hòa thượng cười ha ha nói: “Tôi không có đại phước báu như ông vậy, tôi dùng cái này thì được rồi.” Lão Hòa thượng đã đem tặng cây gậy mới đó cho người khác rồi.

Đời sống của lão Hòa thượng giản dị, tất cả chuyện vặt trong sinh hoạt hằng ngày đều là tự mình lo liệu. Đất chùa nằm ở nông thôn, điều kiện tương đối kém, trong phòng không có lò sưởi, cho nên lúc mùa đông khá lạnh, thì lão Hòa thượng tự mình dùng chậu than nhóm lửa sưởi ấm. Do đó, mỗi năm sau khi mùa thu qua đi, lão Hòa thượng liền bắt đầu đi đào gốc cây, sau đó chẻ ra phơi khô để chuẩn bị qua mùa đông dùng. Ngài tuy đã hơn 100 tuổi rồi, nhưng vẫn giống như người trẻ tuổi vậy, chỉ đắp một tấm chăn bông, bên ngoài phủ thêm một tấm thì qua mùa đông rồi.

Có một lần các vị cư sĩ quét dọn phòng cho lão Hòa thượng, thuận tiện nghĩ giúp Ngài đem quần áo và tấm trải giường đi giặt, kết quả lật tấm chăn lên, phát hiện phần chăn ở phía chân giũ thế nào cũng giũ không ra, tỉ mỉ vừa xem, thì ra lão Hòa thượng để có thể ấm hơn một chút, dùng một sợi thừng cột tấm chăn ở phía chân lại rồi. Mọi người đều cười lão Hòa thượng thật biết nghĩ cách.

Cuộc sống của lão Hòa thượng rất đơn giản, một vị Pháp sư tiếp xúc với Ngài thời gian gần hai năm, phát hiện lão Hòa thượng trước nay chưa từng uống qua trà, bèn hỏi Ngài tại sao xưa nay chưa từng uống trà. Lão Hòa thượng Hải Hiền nói: “Uống nước sôi tốt, uống nước sôi đơn giản, cũng tránh được các cư sĩ lại tốn kém nhiều tiền để cúng dường chúng ta trà. Sở thích uống trà, cũng là tập khí. Giống như nước sôi có thể giải khát, tại sao nhất định phải uống trà chứ?”

Lão Hòa thượng không thích các cư sĩ xếp đặt cho Ngài. Ngày 20 tháng 8 âm lịch năm 2012, các cư sĩ Nam Dương hoan hoan hỷ hỷ tổ chức cho lão Hòa thượng một bàn tiệc chay, chúc mừng sinh nhật Ngài 112 tuổi. Nhưng những món ăn đó lão Hòa thượng một miếng cũng không ăn, sau cùng chỉ ăn một bát mì sợi lá mè đen. Tại sao? Điều này là lão Hòa thượng biểu pháp: Tất cả tự nhiên, bình thường thì tốt; đặc biệt vì Ngài mà làm, điều này không tốt, không bình thường, không tự nhiên đều không phải việc tốt. Cho nên Ngài một miếng cũng không ăn.

Tuy lão Hòa thượng ngày đó không vui, nhưng các cư sĩ vẫn muốn chụp ảnh lưu niệm với Ngài. Ảnh sau khi rửa ra, cư sĩ Lưu, người quen biết với lão Hòa thượng nói: Đây là pô ảnh không vui vẻ nhất trong một đời của lão Hòa thượng.

Hình dạng cực kỳ không vui vẻ của lão Hòa thượng trên tấm ảnh, Ngài trước nay chưa hề dùng gương mặt như vậy đối đãi người, thái độ này của Ngài là đang nói các cư sĩ biết: Các ông làm như vậy, thực tế là quá lãng phí rồi. Trong tâm của lão Hòa thượng không có phân biệt, không có chấp trước. Nhất cử nhất động của Ngài đều là đang độ chúng sanh, đều là đang dạy người, cử động một ngày của Ngài, không gì không phải muốn nói với mọi người phải tiết kiệm, phải chịu khổ.

Chịu khổ chính là không có lưu luyến với cái thế gian này, một lòng một dạ muốn đi đến Thế giới Cực Lạc; Thế giới này vẫn còn món ngon, vẫn còn thú vị, thì buông không được để đi rồi.

Trên Kinh Phật luôn nói, thế giới này của chúng ta là tám thứ khổ pha trộn vào nhau: Sanh lão bệnh khổ, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Ai có thể miễn được tám loại khổ này? Chúng ta ngày ngày đều sinh sống trong tám loại khổ này, lại không có ý định xuất ly; chúng ta trong cuộc sống ngày thường, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân tiếp xúc được… đủ loại hiện tượng này đang bày ra trước mặt chúng ta, xưa nay chưa từng gián đoạn, chỉ là chúng ta không thể phát giác. Lão Hòa thượng Hải Hiền đã phát giác được rồi, cho nên Ngài không một chút lưu luyến thế gian này.

 
Trích từ: Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Của Hòa Thượng Hải Hiền