Pháp môn phương tiện của Phật, Tổ rất nhiều, nhưng muốn tìm pháp thẳng tắt, giản dị, rộng lớn và tinh vi, thì không gì bằng pháp môn Tịnh độ. Người xưa bảo: “Trong biển sinh tử, niệm Phật bậc nhất”, thật không phải lời nói giả dối!
Trong Kinh A Di Đà, chính đức Như Lai tuyên thuyết, chư Phật sáu phương cùng chung khen ngợi. Các Kinh Luận Đại thừa cũng đều khuyến tấn nhiều lần. Đến như các bậc Tông sư: Thiên Thai, Nam Nhạc, Trường Lô, Vĩnh Minh, Từ Thọ, Trung Phong… đều cực lực tán dương pháp môn niệm Phật.
Bởi vì, pháp môn này về mặt lợi mình thì có thể thành tựu trong một đời; về mặt lợi người thì đều có thể thâu nhiếp cả ba căn cơ; còn xét đến chỗ trở về thì phù hợp với ý chỉ của Thiền tông. Bảo rằng: “Thiền là Thiền của Tịnh độ, Tịnh độ là Tịnh độ của Thiền”, thật là xác đáng!
Thời nay, Phật pháp dần suy, bậc chân tu hiếm thấy. Người tham thiền được chút ít hiểu biết liền vội luận bàn việc hướng thượng cao siêu, xem thường Tịnh hạnh. Thậm chí, họ còn xem những lời phá trừ chấp trước của Tổ sư là pháp thật. Khắp nơi đều như vậy không chịu nương về.
Người hiểu biết lấy làm lo lắng, bảo rằng: “Mọi người đã tự làm mất điều lợi ích, còn gây nên lỗi lầm phỉ báng chánh pháp. Thật đáng sợ thay!”.
Đại sư Đạo Bái ở Bảo Phước, đích thân tiếp nhận pháp ấn của ngài Nguyên Hiền. Ở nơi đạo tràng hơn hai mươi năm, tông phong được truyền bá rộng rãi, mưa pháp thấm nhuần khắp xa gần, thật là biển Thiền trong một thời!
Ngoài những khi đề xướng Thiền học, Sư cực lực tán dương Tịnh độ. Sư từng nói: “Lão tăng chí nơi tông môn, hạnh ở Tịnh độ”. Lời nói này thật sâu xa!
Ngài cùng Đại sư Thiên Thai, Vĩnh Minh đều là những bậc đã tự thân tu hành pháp niệm Phật, còn đem pháp ấy giáo hóa mọi người. Các vị này đều cùng một lối đi.
Tôi trước nay đắm chìm trong thế gian, hâm mộ cửa Phật muộn màng. Mùa xuân năm Tân Dậu, có nêu lên tám câu hỏi về Tịnh độ nhờ Sư giải bày. Mùa Thu năm ấy, lại được Sư từ xa gửi đến quyển Tịnh Độ Chỉ Quyết. Trong đó, phần nhiều khai thị niệm Phật gồm những bức thư, lời hỏi–đáp, kệ tán, dẫn rộng lời Phật, Tổ để chứng minh, tạo niềm tin vững chắc cho mọi người, lời lẽ giản dị, nghĩa lý sâu xa.
Tôi kính cẩn đọc tới đọc lui, khen ngợi sách ấy thật là thiết yếu. Những người tu Thiền và Tịnh, ngay đây nếu biết quay về nhận lấy “quê xưa cảnh cũ” của chính mình, thì gọi Thiền hay gọi Tịnh đều là lời nói dư thừa. Nếu chưa được như thế, thì quyển sách này chính là thềm bậc của Tịnh bang, cũng là chiếc gương quý của biệt truyền vậy.
Tháng 5, năm Giáp Tý (1684),
niên hiệu Khang Hy,
đệ tử Cung Tích Viện
kính ghi