Home > Pháp Luận > Dao-Duc-Nguoi-Xuat-Gia

Lời Nói Đầu


Đại sư Liên Trì là một vị Thiền sư lớn, tinh thông Tam tạng, có kiến giải và sở chứng. Ngài không những chỉ được người đương thời trọng vọng, mà kẻ hậu thế cũng không ngớt lòng kính ngưỡng.

Ngài sáng tác rất nhiều, và đều là những tác phẩm nỗi tiếng, tinh túy, độc đáo và sâu sắc. Thời bấy giờ rất được nhiều người ưa thích. Thậm chí, có người người đã mạo danh của ngài để in sách trục lợi. Thế mới biết sách của ngài rất thịnh hành. Thiền sư Hám Sơn từng nói: “Tài của sư Liên Trì đủ để dùng sửa trị việc đời, sở ngộ của sư đủ để truyền tâm ấn, lời dạy đủ để khế cơ, giới hạnh đủ để hộ pháp, khí tiết đủ để khích lệ người đời, thanh quy đủ để cứu chỗ hư nát trong thiền môn; cho đến lục độ vạn hạnh, lòng từ ban vui, tâm bi cứu khổ, nơi sư đều thành tựu đủ cả”. Hám Sơn còn nói: “Nhìn lại trên từ chư tổ, những người đơn thân độc mã tiến đến nẻo giác, những người đã thấy được Phật tánh ngay nơi chốn trần lao này, không hẳn đã tu đủ cả vạn hạnh, nhưng làm cho vạn hạnh sáng rỡ nơi chính bản tâm của mình, thì trừ thiền sư Vĩnh Gia, chỉ còn có một mình sư Liên Trì là đủ tư cách ấy mà thôi”! Theo lời nhận xét này thì biết, nếu Liên Trì không phải là Bồ tát phương tiện thị hiện thì không thể nào đạt đến công hạnh như vậy.

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ Thiền sư Liên Trì, có lẽ cũng do nhân duyên. Tôi rất thích đọc sách, và ưu tìm hiểu chỗ uẩn khúc trong đó. Một hôm, đọc xong cuốn Lăng Nghiêm kinh mô tượng ký và cuốn Trúc Song Tùy Bút của đại sư Liên Trì, tôi không ngăn được xúc động, vỗ tay mạnh xuống bàn mà thán rằng, ồ Thiền sư Liên Trì cũng có cái thói quen ưa tìm chỗ bí ẩn trong kinh sách đó!

Những tác phẩm của Đại sư Liên Trì, mỗi chữ là mỗi viên châu ngọc, mỗi câu mỗi hàng đều có thể tháo gỡ được chỗ vướng mắc, cởi mở được chỗ trói buộc của người chưa hiểu, chưa biết; hình như những cuốn sách ấy ra đời là để giải đáp những vấn đề thắc mắc, hoài nghi của người đời. Tôi trộm nghĩ bản thân mình nghiệp chướng sâu dày, đã bị trầm luân trong sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng dám ngửa mặt nhờ ân trạch của Vân Thê, chỉ biết cảm khái mà thở than, rằng:

Ai người trước đã đi qua

Ai người sau rồi sẽ đến

Chỉ thấy trời đất mênh mang

Một mình tủi thân rơi lệ!

Thời này là thời kỳ mạt pháp, nhưng tâm người xét thấy vẫn uyên nguyên nguồn cội! Chánh pháp suy vi, yêu tà nổi dậy bốn phương, nhưng xét nghĩ, nếu Tứ chúng đệ tử Phật ra sức chấn hưng, nỗ lực dẹp trừ ma chướng, có thể thay đổi được cuộc thế suy đồi, chưa hẳn là không tạo được không khí trung hưng. Vì lẽ đó, tôi phát tâm ấn loát lại cuốn sách này, bằng cả nguyên văn bản gốc (Hán cổ) và chua thêm phần văn bạch thoại, giải thích thêm chút ít. Lý do là bởi nội dung của cuốn sách này không chỉ làm gương mẫu cho người xuất gia, mà còn là kim chỉ nam tu tập cho cả người cư sĩ tại gia. Việc làm chẳng có gì to tát, nhưng vì là kẻ hậu học, tài trí thô thiển, thì việc nhỏ thế này cũng thành ra quá khó, dám xin chư đại đức trong mười phương không tiếc lời mà còn thương xót chỉ giáo cho thì thật là hân hạnh!

Sau cùng, xin chân thành cảm tạ ân sư thượng Quảng hạ Hóa, giáo thọ sư Hứa Thành Chương, và tiên sinh Tống Nhân Hoàng, những người đã chỉ đạo và phê duyệt cho cuốn sách này, cùng với Pháp sư Huệ Tịnh đã cung cấp tư liệu. Nơi đây xin nhận cho con lòng tri ân sâu sắc.

Dân quốc, tháng 8, năm 73

Tịnh nghiệp học nhân

Ngô Cẩm Hằng

Kính bút.