Home > Kinh Điển > A-Di-Da-Phat-Thanh-Dien

Lời Tựa Ấn Hành Và Lưu Thông Bộ A Di Đà Phật Thánh Điển


Pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn Tổng Trì trong Phật giáo, nhưng có chuyên niệm tự Phật, chuyên niệm tha Phật, và kiêm niệm tự tha Phật sai khác. “Chuyên niệm tự Phật” là như từ trong các kinh mà thấu hiểu cùng tận sâu xa Thật Tướng để mong ngộ chứng. Tức là đối với các pháp như Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại v.v… bèn dùng trí Bát Nhã chiếu soi, liễu đạt bản thể của hết thảy các pháp ấy toàn là Không, đích thân thấy tánh Chân Như mầu nhiệm sẵn có, và như Thiền Tông khán câu “người niệm Phật là ai” cùng các câu thoại đầu để mong đích thân thấy được “diện mạo sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra”. Trong bốn loại Niệm Phật, [cách này] được gọi là Thật Tướng Niệm Phật. “Chuyên niệm tha Phật” thì có ba cách niệm:

1) Quán Tưởng, có nghĩa là nương theo Thập Lục Quán Kinh để quán tưởng, hoặc là chuyên quán bạch hào, hoặc chỉ quán thân Phật cao một trượng sáu thước hoặc tám thước, hoặc quán Pháp Thân rộng lớn, và quán trọn cả mười sáu phép Quán.

2) Quán Tượng, nghĩa là đối trước hình tượng Phật, tưởng tướng hảo, quang minh v.v… của Phật.

3) Trì Danh, nghĩa là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu A Di Đà Phật.

Ba loại Niệm Phật này, tuy pháp bất đồng, thảy đều cần phải có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì mới có thể cảm ứng đạo giao với Phật, mới có thể ngay trong đời này quyết định thoát khỏi cõi Sa Bà này, sanh về cõi Cực Lạc kia. Trong bốn loại Niệm Phật, chỉ có Thật Tướng Niệm Phật là đế lý sâu nhất, nhưng chẳng dễ tu cho lắm! Bởi lẽ, chỉ cậy vào Giới, Định, Huệ và sức tham cứu, quán chiếu của chính mình, chẳng có tha lực bổ trợ. Nếu chẳng phải là kẻ túc căn chín muồi thì ngộ còn chẳng dễ, huống hồ thật chứng! Chỉ có Trì Danh Niệm Phật thực hiện dễ dàng nhất, thành công nhanh chóng nhất. Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, ắt sẽ đích thân chứng Niệm Phật tam muội ngay trong hiện đời, lâm chung quyết định vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu căn cơ hèn kém, chưa chứng tam muội, nhưng do lòng tín nguyện trì danh hiệu Phật, như con nhớ mẹ, thường luôn chẳng gián đoạn, tới khi lâm chung, sẽ cảm ứng đạo giao, nương theo từ lực của đức Phật, đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh trong đời mạt chỉ có pháp này để nương cậy. Nếu không, chỉ là gieo cái nhân trong tương lai, khó đạt được lợi ích thực tế! Nếu có thể chí tâm trì niệm, niệm đến khi “toàn thể tâm là Phật, toàn thể Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, vô niệm mà niệm, niệm mà vô niệm, tâm và Phật cùng hiển lộ, lại còn cùng mất bặt”, ắt diệu lý Thật Tướng sẽ hiển lộ tột cùng bản thể, y báo và chánh báo của cõi Tây Phương sẽ hoàn toàn phơi bày triệt để. Tức là do Trì Danh mà thấu đạt sâu xa Thật Tướng, chẳng tác quán mà đích thân thấy Tây Phương. [Pháp môn này] thâu nhiếp căn cơ phổ biến nhất, được lợi ích sâu nhất, lợi lạc những kẻ độn căn trong thời Mạt Pháp nhất, thỏa thích rộng lớn hoài bão xuất thế của Như Lai. Vì thế, trước nay, các bậc tri thức phần nhiều đều chú trọng môn Trì Danh. Đấy là nói đại lược về pháp niệm Tha Phật.

Còn như pháp “Tự Tha cùng niệm”, chính là cái được gọi là Thiền Tịnh Song Tu. Có người chuyên khán câu “người niệm Phật là ai” để mong minh tâm kiến tánh, chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh, tuy tợ hồ là Thiền Tịnh song tu, thật ra là “có Thiền, không Tịnh”. Đã chẳng có tín nguyện, sẽ chẳng thể nhờ vào đâu hòng nương cậy Phật lực để đới nghiệp vãng sanh. Nếu chưa đạt tới địa vị “nghiệp tận, tình không”, lại chẳng thể dựa vào tự lực hòng liễu sanh thoát tử. Do vậy biết: Thiền Tịnh song tu, chỉ có người trọn đủ tín nguyện sâu đậm thì mới có thể được lợi ích. Nếu không, cố nhiên là chẳng bằng chuyên dốc sức nơi một môn trì danh hiệu Phật. Pháp môn Tịnh Độ thật sự là pháp môn đặc biệt khế lý, khế cơ trong giáo pháp suốt một đời đức Như Lai. Vì thế, vãng thánh tiền hiền vị nào cũng đều hướng về, ngàn kinh muôn luận đâu đâu cũng chỉ về. Ông X… ở Đông Doanh (Nhật Bản) đã trích lục các nghĩa lý xiển dương pháp Niệm Phật từ các kinh luận, soạn thành quyển Di Đà Thuyết Lâm, chia thành mười môn, lý thông suốt một hạnh, có thể hữu ích cho người tu Tịnh nghiệp. Cư sĩ Phạm Cổ Nông đặc biệt giảo khám (校勘, giảo chánh, cân nhắc, tra cứu), sửa đổi thành tác phẩm A Di Đà Phật Thánh Điển nhằm biểu thị ý nghĩa tôn sùng. Nhưng những phần trích lục trọn chẳng nêu rõ nguyên ủy, đợi lúc nào rảnh rỗi, cư sĩ ắt sẽ dựa theo các kinh để ghi rõ tường tận, ngõ hầu hết thảy mọi người biết đến pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương là đường lối cộng tu cho hết thảy thượng thánh hạ phàm, ngõ hầu chẳng đến nỗi phạm các lỗi như tự phụ là bậc thượng căn rồi chẳng chịu tu tập, mà cũng chẳng đến nỗi tự thẹn là kẻ hạ căn chẳng kham tu tập… [Ông Phạm] đã biên tập xong, sắp khắc in, sai Quang soạn lời tựa. Tôi bèn dựa theo những gì chính mình đã biết để thưa trình. Hãy nên biết pháp Niệm Phật chính là pháp môn Tổng Trì để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh tốt đẹp từ đầu đến đuôi. Nếu chẳng tin tưởng, xin hãy chất vấn Phổ Hiền Bồ Tát!

Cuối Hạ năm Tân Mùi, tức năm Dân Quốc 20 (1931), Thường Tàm Quý Tăng Thích Ấn Quang kính soạn.



Lời Tựa Của Bộ A Di Đà Phật Thánh Điển

Vấn đề to lớn trong đời hiện thời không gì lớn bằng nhân sinh! Tôi chẳng hiểu [vì sao] con người đã sanh ra đời mà [cuộc sống] lại trở thành vấn đề. Ấy là do người ta tuy sống, nhưng thiếu khuyết đạo để giúp cho sự sanh tồn, cho nên đầy dẫy những thứ gây trở ngại cho cuộc sống. Chính vì lẽ này mà cuộc đời này khổ sở vậy.

Đức Phật xuất thế nhằm giải quyết vấn đề nhân sinh. Trước hết, Ngài nói Tứ Đế, nêu ra Khổ Đế để mọi người liễu giải: “Đối với nhân sinh trong cõi đời này, dẫu muốn giải quyết nhưng chẳng thể được”; nhưng vì nguyện lực đại bi, lại chẳng thể gác bỏ nhân sinh chẳng đoái hoài đến, cho nên Ngài thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, mở ra pháp môn mầu nhiệm, chỉ dẫn về Tịnh Độ. Tịnh Độ là cõi vui sướng, cõi vui sướng thì chẳng khổ, người sống trong ấy, quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, vô sanh mà sanh, sanh mà vô sanh. Chuyện nhân sinh trong đời người đã chẳng thành vấn đề nữa. Chúng sanh do niềm may mắn nào mà được nghe pháp này, cũng như do niềm may mắn nào mà được sanh trong cõi ấy? Trong cõi đời hiện thời, muốn giải quyết vấn đề nhân sinh mà chẳng tin đạo này, là vì lẽ nào vậy? Thưa: “Do chưa đọc kinh Phật vậy!”

Pháp môn Tịnh Độ, ba kinh một luận, người học tập kinh Phật đôi chút, không ai chẳng biết; há có biết trong giáo pháp suốt một đời đức Phật, các kinh điển do Ngài đã nói đều không gì chẳng nhằm nêu bày, tuyên dương y báo hoặc chánh báo của Tịnh Độ? Còn như những kẻ đối với pháp môn tuyệt diệu để giải quyết vấn đề nhân sinh này, lại bảo là “không có chứng cớ đáng tin”, [khiến cho pháp này] trở thành pháp khó tin, há chẳng đáng đau xót ư? Các bậc tông sư Tịnh Độ trong nước ta thường dùng một câu Di Đà để dạy người khác chuyên tu, nhưng chưa hề bàn rộng về thánh giáo. Tuy đôi lúc cũng viện dẫn kinh luận, bất quá [viện dẫn] mấy chục bộ mà thôi, chẳng bằng bộ Di Đà Thánh Điển này đã nêu ra hơn hai trăm loại kinh! Dựa vào sự từng trải của chúng ta, theo chiều dọc, bất quá mấy chục năm mà thôi, theo chiều ngang, bất quá mấy ngàn dặm, muốn biết chuyện từ mấy ngàn năm trước, ở ngoài mấy vạn dặm, nếu chẳng dùng văn tự để làm căn cứ và quy kết thì làm sao có thể thực hiện cho được? Huống hồ Tịnh Độ của đức Di Đà đã hình thành từ mười kiếp đến nay, ở ngoài mười vạn ức cõi Phật ư? Nếu bảo làm như thế bất quá là “bàn suông trên giấy”, dẫu tột cùng ngàn kinh muôn luận đều chỉ về, đối với những kẻ vẫn chẳng sanh lòng tin, tôi chẳng biết làm như thế nào được nữa!

Cư sĩ Cao Quán Lư căn cơ Bát Nhã sâu xa, học Phật từ độ tuổi thanh niên, đạt được sự truyền thừa của Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, đem về [Trung Hoa] những sách vở của tông ấy. Trong số đó, có bộ Di Đà Thuyết Lâm, tập hợp khoảng mấy ngàn điều trong tạng kinh liên quan đến Di Đà Tịnh Độ. Tôi đọc xong, hết sức mừng rỡ nói: “Tác phẩm này có thể dùng để chỉ bảo kẻ không tin Tịnh Độ vậy. Tác phẩm này có thể dùng để dạy người tu Tịnh Độ mà ít học kinh Phật vậy”. Do trong ấy có những đoạn viết bằng tiếng Nhật, phải nhờ người khác dịch ra [tiếng Hán], đối với những đoạn kinh luận [đã được trích lục], lại kiểm giảo tường tận, ngõ hầu [những đoạn trích lục trong sách] chẳng khác [nguyên văn] trong kinh tạng. Đổ công suốt hai tháng mới hoàn thành bản thảo. Tôi lại phân loại nội dung của sách thành mười chương, sắp xếp mạch lạc hơn nguyên bản, bèn đổi tên sách thành Di Đà Thánh Điển nhằm tôn sùng kinh điển vậy. Những người tu Tịnh Độ niệm Phật Di Đà trong cõi đời có được sách này để đọc tụng, sẽ tránh khỏi tiếng chê cười là “chỉ biết cắm đầu hành, quên bẵng nguồn cội!” Lại nữa, kẻ chưa tu, chưa niệm, có được sách này để xem đọc, sẽ biết nhân địa sâu xa và quả địa thần diệu của đức Di Đà. Lại còn do thấy pháp môn rộng lớn, biển pháp sâu thẳm, có ai mà chẳng nẩy sanh hứng thú tràn trề! Đúng như thế đó! Do sách này mà tin Tịnh Độ, niệm Phật Di Đà, sanh về Cực Lạc, chứng Vô Sanh, có thể nói sách này là bảo điển để giải quyết vấn đề nhân sinh to lớn vậy. Như thế thì sách này ra đời há chẳng phải là chuyện trọng yếu hay sao? Nay do vội xuất bản sách này, có những chỗ đoạn kinh văn được trích dẫn quá mức giản lược, chưa rảnh rỗi để tu chỉnh ngõ hầu đạt tới hoàn mỹ. Mai sau có lúc rảnh rang, sẽ lại dựa theo kinh văn và nghĩa lý trong kinh văn gốc để bổ túc những chỗ thiếu sót ấy, ngõ hầu từng chữ, từng câu đều có nguồn gốc [rõ ràng], những đại đoạn trường thiên đều phô rõ chỉ thú. Đấy chính là những điều tôi phải nên thưa trình cùng độc giả vậy.

Giữa Hạ năm Dân Quốc 20 (1931), Phạm Cổ Nông viết lời tựa tại phòng biên tập của Phật Học Thư Cục.

Lời tựa tái bản

A Di Đà Phật Thánh Điển do cư sĩ Cao Quán Lư thỉnh cư sĩ Phạm Cổ Nông giảo chánh, tu chỉnh vào năm Dân Quốc 20 (1931). Sách ấy được Ấn Quang đại sư đề tựa. Phật Giáo Xuất Bản Xã từng ấn hành vào năm Dân Quốc 65 (1976). Về sau, cư sĩ Thái Triều Vinh lại biên tập lần nữa, và được Hòa Tục Xuất Bản Xã xuất bản vào năm 2002. Bản biên tập của Thái cư sĩ tuy đã nêu rõ số quyển của kinh luận, nhưng do xét thấy người học Phật trong hiện thời phần nhiều thích sử dụng đĩa CD CBETA của Trung Hoa Điện Tử Phật Điển Hiệp Hội (Chinese Buddhist Electronic Text Association CBETA) để tra cứu tài liệu kinh luận, bổn hội (Cao Hùng Tịnh Tông Học Hội) đã đặc biệt dựa theo CD của CBETA và hai bản trước đó để đối chiếu hòng hiệu đính lần nữa, tạo thành sách này. Cuối những đoạn kinh luận đã được trích dẫn, lại ghi rõ xuất xứ trong Đại Chánh Tạng (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), chẳng hạn như “T, no.415, p.871, c” nhằm biểu thị [đoạn kinh văn ấy] trích từ tập 13 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō), bản kinh số 415, trang 871, dòng c. Bổn hội ghi chú như vậy nhằm tạo thuận tiện cho người hữu tâm tu học Tịnh Độ thâm nhập Tịnh Độ, cũng như kính vâng theo lời căn dặn “nêu rõ nguồn gốc” của tổ Ấn Quang trong lời tựa.

Năm 2010, bộ phận xuất bản của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội kính ghi.

A Di Đà Phật Thánh Điển (chánh văn)

阿彌陀佛聖典