Home > Khai Thị Phật Học
Khai Thị Trong Phật Thất Năm Tân Dậu
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Tính đến nay đã là ba mươi năm mở Phật Thất ở đây, mỗi lần đều phải có người giảng nói. Theo quy củ, phải thỉnh thiện tri thức trong Tịnh Ðộ Tông đến khai thị. Khai thị chẳng phải là giảng kinh, thuyết pháp, mà là nói về những điểm thật trọng yếu, phải thuyết minh điều quan trọng là làm thế nào để đạt Nhất Tâm. Chẳng đạt được Nhất Tâm thì dù có niệm Phật vạn năm cũng chẳng thành công.

Nay tôi chỉ là một gã bạch y, công phu cũng chẳng giỏi, tuy từng gặp được các bậc đại đức trong Tịnh Tông, gặp minh sư chỉ điểm, nhưng vì ngu độn, chỉ có thể dựa theo lời tổ sư giảng, dựa dẫm các ngài để giảng giải, chẳng dám xưng là giảng khai thị.

Ba mươi năm qua, ai giảng trong mỗi kỳ Phật Thất? Toàn là tôi giảng. Mỗi năm, đồng tu tham gia cũ mới đều có, lời giảng cũng khác. Trong số đó, có người đã từng nghe giảng suốt ba mươi năm qua, nay lại giảng cái gì đây? Giảng nữa cũng vẫn là những lời đó. Nghe qua rồi, bạn đồng tu chẳng muốn nghe lại vì đều đã hiểu cả rồi. Thử hỏi có ai làm được chưa? Nếu chưa làm được thì có giảng vẫn là vô dụng.

Nay tôi dựa theo khai thị của tổ sư để giảng. Tổ sư dựa theo kinh điển mà kinh là từ miệng Phật nói, pháp môn đều do Phật truyền, điều gì kinh không nói thì tổ sư cũng chẳng dám tùy tiện đặt ra. Nhưng Tam Tạng kinh điển quá nhiều, phàm phu chẳng tiếp nhận hết nổi, chỉ có thể chuyên tu theo một pháp môn. Chúng ta đều tu Tịnh Ðộ nên tôi dựa theo pháp môn Tịnh Ðộ mà nói.

Có lẽ quý vị nghi hoặc: Vì sao tôi không nói thẳng vào phương pháp chứng đắc Nhất Tâm? Ðó là vì hiện tại mọi việc đều chẳng bình thường, chẳng đúng lẽ, đều suy thoái cả. Có người bảo bây giờ náo nhiệt hơn trước, sao lại bảo là suy thoái? Nói đến Nhiệt thì toàn thân mướt mồ hôi, lòng đầy phiền muộn, Náo là lộn xộn bảy tám tầng. Nói đến tu Tịnh Ðộ thì phải đắc Nhất Tâm Bất Loạn mới có thể vãng sanh, nếu náo nhiệt thì làm sao đạt Nhất Tâm được? Vì vậy mới bảo là suy thoái.

Mọi người là bạn già của tôi, đã niệm Phật ba mươi năm rồi, sau này nếu như mọi người chẳng đạt được kết quả tốt là tôi có lỗi đối với mọi người. Cổ nhân nói: “Thiên nhân ngật phạn, nhất nhân hoàn tiền” (ngàn người ăn cơm, một người trả tiền). Kết thất niệm Phật, đông người tham gia, phí tổn cũng nhiều. Nếu như chẳng có kết quả gì lại là tạo tội nghiệp, hết thảy tội lỗi người giảng khai thị phải gánh. Nếu như trong đây có một ai phát chân tâm, đạt được Nhất Tâm, sau này vãng sanh thì coi như là người ấy đã bồi hoàn phí tổn cho đạo tràng này rồi. Ngày hôm nay khác với năm ngoái, xin quý vị phải chú ý tột bực, nghĩ đến vãng sanh thì ắt sẽ niệm đến mức Nhất Tâm, đừng có ồn náo vô ích.

Chư vị tu hành hơn ba mươi năm. Cổ nhân nói: “Thuyết đắc nhất trượng, bất như hành nhất xích” (nói một trượng không bằng làm được một thước). Nói nhiều vô dụng, cần phải thật tu mới nên. Kinh điển rất nhiều, nhưng hiểu được vạn pháp chẳng bằng hiểu kỹ một pháp, bởi lẽ bất luận như thế nào cũng đều phải y theo một môn tu hành mới hòng thành công được. Dùng bất cứ câu nào trong kinh cũng đều chứng quả được, nhưng vạn câu kinh chẳng bằng một câu Phật!

Có lẽ mọi người không tin điều này, vì thường có bạn đồng tu đến hỏi tôi cần phải niệm thêm bộ kinh nào? Bộ kinh nào cũng tốt vì đều là lời Phật dạy cả. Nếu như khóa sáng mỗi ngày tụng hết cả Tam Tạng mười hai bộ kinh thì công đức rất lớn, nhưng xưa nay, ngay cả các vị tổ sư cũng chưa ai có thể niệm hết trong một buổi sáng được. Sáu chữ trong một câu Phật hiệu, tôi chỉ hiểu nổi ba chữ, hiểu biết mới được một nửa như vậy mà đã có thể giảng suốt ba mươi năm. Quý vị lợi căn nếu hiểu được bốn chữ thì ắt sẽ thành tựu.

Vì sao một câu Phật hiệu lại có hiệu quả lớn đến thế? Vì kinh do Phật nói ra, Tăng do dựa vào kinh mà có. Ðã vãng sanh rồi vẫn phải niệm Tam Bảo. Phật đứng đầu Tam Bảo. Vì vậy, hiểu được một câu Phật hiệu là thành công. Kinh Di Ðà dạy: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên để được sanh về cõi kia”. Niệm Phật là trồng thiện căn. Cây có gốc mới có thể sanh trưởng; có thiện căn thì mới có thể khai hoa, kết quả. Những điều này trước đây tôi đã giảng qua, nhưng chỉ là diễn giảng cách khác.

Ai cũng niệm kinh Di Ðà, nhưng vẫn không hiểu. Vì lẽ gì không hiểu? Là vì chưa có duyên khai ngộ. Trong Tịnh Tông cũng cần phải khai ngộ. Không khai ngộ thì là mê hoặc, điên đảo, nhưng muốn khai ngộ phải là người có phước khí. Vì thế kinh Di Ðà nói: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên, ”. Muốn khai ngộ thì phải tu phước.

Phước đức là gì? Kinh Di Ðà nêu ra ba mươi bảy Trợ Ðạo Phẩm, điều này khá rắc rối, không phải ai cũng làm được. Sau này, các tổ sư nói gọn lại là mười thiện nghiệp, nhưng mọi người vẫn không hiểu, nên lại phải nói pháp phương tiện là “tin sâu nhân quả”; cốt yếu là “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Thiện ác chủng loại rất nhiều. Nếu như giữ được năm giới cấm căn bản, khởi tâm làm điều gì thì hết thảy đều là vì công (chẳng tư tâm), đó là Thiện. Tâm riêng tư cuồn cuộn thì là Ác. Trừ khử ba sự ác căn bản là Tham, Sân, Si, làm gì cũng vì mọi người thì là có phước đức.

Có phước sẽ khai ngộ. Cổ nhân nói: “Phước chí tâm linh”, nghĩa là: Phước đến, tự nhiên tâm nhanh nhạy, vừa nói hiểu liền, giảng một câu hiểu đến tám, mười câu. Vô phước thì tâm chẳng linh lợi, giảng cả trăm câu còn chưa nghe hiểu được nổi một câu. Học Phật cầu cảm ứng đạo giao, cảm ứng được Phật thì gọi là “linh cảm”. Tâm hôn mê, trầm trệ làm sao cảm ứng được Phật? Dù Phật có đến tiếp dẫn vẫn chẳng chịu đi. Công phu phải tu tập hằng ngày. Tu hành chẳng trở ngại đến nghề nghiệp dù là nông, công, thương, công chức, y sĩ. Chỉ cốt sao dùng tâm Bồ Ðề làm việc thì là Thiện, phước chí tâm linh tự nhiên khai ngộ.

Ngày hôm nay kết thất là đi dự thi, lúc bình thường khéo công phu thì lúc kết thất khả dĩ đắc Nhất Tâm, chứ chẳng phải là cứ rêu rao rằng bảy ngày liền được Nhất Tâm, liễu sanh tử. Trong vòng trời đất làm gì có chuyện thuận tiện đến thế? Uống cạn một hơi chén trà còn chẳng dễ, huống là đại sự liễu sanh tử! Hoàn toàn là do thường ngày luyện tập. Tâm, Phật và chúng sanh là cùng một sự. Trọn tấm lòng đều nghĩ đến mọi người, khởi ý niệm nào cũng đều là Phật thì tâm chính là Phật. Tâm chẳng niệm Phật, tơ tưởng toàn là những điều xấu xa tạp nhạp, lộn xộn trong thế gian thì tâm là phàm phu. Thành Phật hoặc làm phàm phu đều là do tâm tạo. Tiếp theo đây, tôi sẽ giảng một bài kệ để kết thúc:

“Phật tại tâm trung mạc ngoại cầu” (Phật ở trong tâm chớ ngoại cầu): Phật ở ngay trong tâm quý vị, thành Phật hay thành chúng sanh đều là do chính quý vị mà thôi. Tìm cầu đức Phật bên ngoài là lầm lẫn. Câu này nói về thiện căn, câu tiếp theo nói về phước đức.

“Tham sân phóng hạ thị chân tu” (tham, sân buông bỏ ấy chân tu): Tham, Sân, Si là ba phiền não căn bản. Chẳng buông bỏ được chúng để tu hành đúng như lời dạy thì chính là nói dối người. Nếu như buông bỏ được chúng thì mới là chân chánh tu hành.

“Niên quang tam thập nãi như cựu” (Ba mươi năm rồi vẫn như cũ): Phật Thất tổ chức ở đây đã ba mươi năm rồi, tôi cũng đã đến giảng cả ba mươi năm. Mười năm đầu, người thành tựu chẳng ít. Mười năm kế giảm bớt. Mười năm sau chẳng được như trước. Năm nay tuy có ba người hiện tướng lành vãng sanh, nhưng nói chung là mỗi năm lại kém hơn năm trước, vẫn là y như cũ chẳng tiến bộ gì. Sau này ai lại đến giảng trong ba mươi năm nữa đây?

“Thế Chí, Quán Âm đại phát sầu” (Thế Chí, Quan Âm cũng phát rầu): Chúng ta niệm Phật tệ hại như vậy, chẳng phải chỉ mình Phật A Di Ðà không cao hứng mà cả Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí cũng phải buồn giùm quý vị. Mỗi cá nhân quý vị tu tập sao đây? Nếu chẳng khéo tu tập thì thuyền từ phổ độ của Quán Âm Bồ Tát cũng chẳng độ được quý vị. Thế Chí Bồ Tát dạy quý vị nhớ Phật, niệm Phật, tịnh niệm tiếp nối, quý vị cũng chẳng nghe. Hai vị Bồ Tát phải buồn thay cho quý vị. Các Ngài buồn chuyện gì? Các Ngài thấy mình có lỗi đối với A Di Ðà Phật, dạy học sinh thế nào mà chẳng thành công chi hết? Hôm nay là thánh đản đức A Di Ðà, các Ngài không có cách nào bái thọ A Di Ðà Phật, hoàn toàn là do lỗi của bọn ta.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch