Home > Khai Thị Phật Học > Kim-Thu-Lang
Kim Thử Lang
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người nọ bắt được một con kim thử lang, liền bọc nó trong lòng, đi đến dòng sông, anh này cởi áo bỏ dưới đất để bơi qua sông, bỗng dưng thấy kim thử lang biến thành rắn độc, bèn suy nghĩ, thà bị rắn cắn chết nhưng vẫn đem nó qua sông, bấy giờ rắn độc lại biến thành kim thử lang. Lúc ấy có người ngu trông thấy, ngỡ rằng hễ ôm rắn độc vào lòng thì sẽ biến thành kim thử lang, nên bắt rắn để ôm nào dè bị rắn mổ chết.

Người ngu cũng vậy, thấy người tu thiện được nhiều lợi ích, nên cũng muốn được lợi, nhưng không thật tâm tu thiện, chỉ theo pháp để lợi dưỡng, người này chung cục lợi bất cập hại, chết đi đọa tam ác đạo, giống như người ngu ôm rắn bị rắn mổ chết.

Lời Bình:

Kim thử lang là loài vật quý hiếm ở đây biểu trưng cho thiện pháp bồ đề, rắn độc tượng trưng cho ác pháp sinh tử. Vì sao Kim thử lang lại đột nhiên hóa thành rắn độc? Kim thử lang luôn là chính nó mà chưa từng biến thành rắn độc, chung quy chỉ do tâm biến hóa mà thấy Kim thử lang biến hóa, đó là trường hợp điên đảo « thuyền dời thấy bến trôi ». Chúng sinh do phan duyên nên « đối cảnh sinh tâm », gặp cảnh tu thì sinh tâm tu, gặp cảnh dục thì sinh ý dục, cảnh trần tục lại biến hóa khôn lường, nên tâm chúng sinh cũng phan duyên theo mà biến đổi khôn cùng, do vậy mà gọi là « tâm viên ý mã ». Tâm như vượn, ý như ngựa tất nhiên là loạn động, muốn cho vượn không nhẩy ngựa không lồng tất phải buộc chúng lại. Phật pháp dùng quán để đình chỉ (buộc) phan duyên khiến tâm định, đó là định pháp của tam vô lậu học.

Quán có vô lượng pháp, song tựu chung thù thắng nhất là bồ đề tâm quán. Quán chỉ có thành Phật mới độ tận chúng sinh, và chỉ có độ tận chúng sinh mới thành Phật đạo, do vậy phát tâm cầu thành Phật đạo, tất phải lập nguyện độ sinh bất thối, hoặc giả lập nguyện độ sinh bất thối tất phải phát tâm cầu thành Phật đạo. Lại biết do phát tâm khó mà Phật đạo nan thành, nghiệp lực sâu dầy nên nguyện dễ thối thất, vì vậy nếu muốn thành tựu bồ đề quả tất phải vượt qua được cái khó của sự phát tâm và cái dễ thối thất của lập nguyện, song ư cái khó và dễ thối thất đó cũng chẳng qua là do tâm viên ý mã loạn động, phan duyên theo cảnh mà tâm không dừng, nguyện không trụ.

Hành giả đối trước tam bảo phát tâm tu học, nhưng khi đối trước ngũ dục lại sinh tâm tham đắm. Đối trước tam bảo tâm họ có kim thử lang, đối trước ngũ dục kim thử lang chuyển thành rắn độc. Lại do dư nghiệp hiện khởi thấy nguyện độ sinh chỉ lợi tha mà không lợi mình nên sinh tâm mỏi mệt uể oải mà thối thất bồ đề nguyện, hoặc do hành chút thiện pháp được quả hữu lậu, mọi người cung kính cúng dường, hoan hỷ sinh tâm phan duyên theo ngũ dục mà lìa bỏ nguyện độ sinh, đó là lúc nguyện kia hóa thành nghiệp, đồng với kim thử lang (nguyện) thành rắn độc (nghiệp), trong trường hợp này người vô trí nghiệp dầy tất vứt bỏ nguyện để theo nghiệp « lợi mình » và ngũ dục đánh mất nguyện giải thoát là sự sống vĩnh hằng, nên gọi là bị rắn độc cắn chết.

Người trí huệ lập nguyện sâu nên trong cả hai trường hợp trên ắt tư duy dù không lợi mình mà nhọc nhằn tới đâu để lợi người, hoặc ngũ dục chỉ là thứ hư huyễn không thật, lợi nhất thời mà hại muôn niên, nên thà vứt bỏ ngũ dục chịu khổ vì chúng sinh, kiên quyết không bỏ nguyện độ sinh, khi ấy nghiệp rắn độc vừa khởi trong một niệm của dư nghiệp lập tức trở lại là kim thử lang của nguyện kiên cố, và nhờ vậy qua sông.

Người vô trí thấy hành giả được công đức vô lượng do phát tâm lập nguyện kiên cố không bỏ chúng sinh, nên bắt chước, nào dè do phan duyên loạn tâm nên phiền não khi vì chúng sinh, mê đắm khi được lợi dưỡng, đàng nào cũng bị rắn độc nghiệp lực cắn chết, trôi lăn trong luân hồi không qua được dòng sông sinh tử.

Người tu hành chân chính, không thể không phát đạo tâm, như người đi đường nhặt được kim thử lang, trân quý để trong lòng. Người sơ phát tâm, giai đọan đầu rất sung mãn, nhưng theo thời gian lâu dài bị con rắn độc « thói quen tật cũ » mổ trúng, khi đó sẽ thối thất đạo tâm, phát sinh điên đảo thấy các thiện giới nơi đạo tâm là thứ chướng ngại cần né tránh để tự do hưởng dục, trong lòng chỉ sợ thiện giới cản trở thậm chí cướp đoạt hạnh phúc ngũ dục của ta, vì vậy ôm giữ rắn độc tham dục trong lòng coi đó như niềm hạnh phúc tối thượng, chẳng khác nào người ôm Kim thử lang trong lòng, và rồi họ trở ngược lại coi thiện pháp là rắn độc.

Người tu học chính pháp nếu bị ngũ dục quấy nhiễu, khiến ta thấy thiện giới là thứ chướng pháp, thì nhất định không chịu nghe theo rắn ngũ dục, vứt bỏ thiện giới mà phát thệ thà chịu mọi khó nhọc của sự giữ thiện giới cho đến có mất mạng vì giới đi nữa cũng nhất định không xả thiện giới, nhờ vậy nỗi nhọc nhằn của sự trì giới phát sinh công đức và đạo tâm đủ lực chiến thắng tà niệm, tận diệt hết mọi niệm tà ngụy, như người kia suy nghĩ thà rắn cắn chết nhưng nhất định phải đưa nó cùng ta qua sông, nhờ vậy mà rắn độc trở lại nguyên hình là Kim thử lang.

Trong quá trình tu hành dài lâu người tu đôi khi sợ nhọc mệt nên thối chí, như câu chuyện hai thầy trò vị A la hán trên đường đi thấy biết bao cảnh khổ, người học trò thương xót chúng sinh trầm luân, thầm phát nguyện độ nhất thiết chúng sinh. Vị thầy đọc được tâm ý học trò, rất kính phục, liền dừng chân nói với học trò « chú đưa bị cho ta đeo và chú đi trước ta theo sau », trải qua chặng đường dài oi ả dưới cơn nóng như thiêu như đốt của trời hè, lại thấy toàn cảnh nghèo khổ nhọc nhằn, người học trò mệt mỏi uể oải thối thất tâm bồ đề, trong lòng tư duy « độ nhất thiết chúng sinh phải trải qua con đường gian khổ gấp vô lượng con đường này làm sao ta gánh vác nổi ». Bấy giờ vị thầy đi đằng sau đọc được tâm ý của học trò, liền nói « giờ thì chú xách bị theo ta », người học trò không hiểu ý thầy hỏi vì sao lúc thầy theo sau lúc thầy lại đi trước. Vị thầy đáp « khi chú phát tâm bồ đề thệ độ nhất thiết chúng sinh, chú là Bồ tát nên ta kỉnh trọng theo hầu đằng sau, đến khi chú thối tâm, chú trở lại thành phàm phu, và như vậy chú phải theo hầu ta ».

Lại như Nho gia Tử Hãn, không bị ngọc báu làm mờ mắt, giết hại tâm không tham, mà Tử Hãn cho tâm này là gia bảo của ông, nhờ tâm không tham tránh được cái hại rắn độc của ngọc báu, do vậy mới biết giá trị của tâm không tham. Nếu tham ngọc báu trước nhất tâm không tham hóa thành tham dục tức kim thử lang hóa thành rắn độc, sau đó sẽ bị tham độc làm thân bại danh liệt, sau khi chết đọa tam ác đạo.

Người ngu thấy tu hành được lợi dưỡng nên cũng xuất gia nhưng vì lợi dưỡng, không thật tâm tu tức không có kim thử lang, ôm lấy ngũ dục khác nào ôm rắn độc. Dụ như người tu ôm ngũ dục ngỡ là hạnh phúc nhưng thật là ôm rắn độc, vì thối thất bồ đề tâm, diệt mất thiện giới, đóng lại cánh cửa giải thoát, mở ra cánh cửa địa ngục, lại vì tội dối gạt chư Phật và nhất thiết chúng sinh. Dối Phật gạt chúng sinh chỉ để hưởng chút quả thấp hèn mà phải chịu đọa lạc, thật là vô trí. Người ngu này không thật tâm tu tức không phát đạo tâm, không phát đạo tâm nên vẫn là tâm tham dục tức đồng rắn độc.

Câu chuyện này khuyến cáo chúng ta khi đã phát tâm lập nguyện cần phải luôn định tâm nơi niệm « đương nguyện chúng sinh », vì độ sinh chấp nhận gian khổ, vì độ sinh coi tài sản của ta là của chúng sinh, tất cả vì chúng sinh thà chết không xả bỏ niệm độ sinh này, nhờ vậy nguyện lực kiên cố và tâm không thối chuyển.