Home > Khai Thị Phật Học > Kinh-Bon-Muoi-Hai-Chuong
Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu


TỰA

Trong bao nhiêu kinh sách đạo Phật, mỗi bộ là mổi kho tàng chứa pháp môn vô lượng để đối trị những căn bệnh, tham ái, tình chấp, vọng kiến của chúng sinh, với chủ ý đưa chúng sinh tiến dần đến chỗ cứu kính an vui như Phật.

Cuốn kinh nhỏ này là phương châm đầu tiên để bước dần trên đường tiến triển ấy, cũng là kinh nhựt tụng của bất cứ người nào... mặc dầu những đoạn văn nhiều khi không liền ý mạch lạc với nhau, nhưng mỗi câu chất chứa biết bao là tư tưởng cao đẹp thâm huyền. Hãy đọc lên những khi tâm hồn đen tối, cùng trong lúc trí lực an nhàn để lắng nghe lời vàng của nói năng và hành động noi theo. Hãy bình tĩnh tha thiết mà đọc lên, chúng ta cảm thấy mình cũng suy nghĩ, cũng xúc động như đấng Từ bi và bao nhiêu nỗi khổ bởi tội lỗi nhiễm ô sẽ biến mất, nhường chỗ cho an vui thanh tịnh.

Kinh này là một kinh được dịch ra Hán văn đầu tiên khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, và sau này người ta đã tiếp tục dịch ra nhiều thứ tiếng bằng Pháp văn, Việt văn v.v. Nay nhân dịp kỷ niệm Đản sanh của đức Thích Tôn, muốn lưu truyền Pháp bảo để báo thâm ân của đấng Từ phụ, Khuôn Tịnh độ An Lạc thuộc tỉnh Hội Phật học Thừa Thiên phát tâm xuất bản và ấn tống theo bản dịch sau. Bản dịch này do đối chiếu giữa hai bản dịch Hán, Pháp văn và phương tiện sắp lại chương thức theo từng loại, chia làm năm đoạn để độc giả dễ lãnh hội ý nghĩa khi đọc.

Việc lưu truyền Pháp là một việc rất thích ứng với mục đích của hàng Phật tử chân chánh, nên tôi một lòng tán thán và có mấy dòng này để gọi là tùy hỷ công đức.

Phật đản 8 4 2513
Thích Thiện Siêu

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Khi đức Thế Tôn thành đạo rồi, liền suy nghĩ: "Xa lìa ham muốn, được cảnh tịch tịnh là hơn cả." Ngài an trụ trong đại Thiền định, hàng phục các ma vương, sau đến vườn Nai (Lộc Uyển), nói pháp Tứ đế, độ năm ông Tỷ kheo là nhóm A nhã Kiều trần như, họ đều chứng đạo quả. Có những Tỷ kheo xin Phật chỉ bày các điều nghi, Phạt dạy cho và tất cả đều khai ngộ, chấp tay cung kính nghe lời Phật dạy:

I. CUỘC ĐỜI VÔ THƯỜNG

1. Phật dạy: Cái Ta

Tứ đại hợp lại làm thân, mỗi đại có một tên riêng, lấy cái gì gọi là cái Ta? Cái Ta không ở trong một vật sẽ chết, đã không có Ta thì thân này là vật đã đổi.

2. Phật dạy: Đời người

Phật hỏi Thầy Sa môn:

- Đời người dài đặng bao lâu?

- Thưa Thế Tôn, chỉ trong vài ngày.

Phật dạy: - Thầy chưa thấu đạo. 

Lại hỏi một Thầy Sa môn khác:

- Đời người dài đặng bao lâu?

- Thưa Thế Tôn, chỉ bằng trong một bữa ăn. 

Phật dạy: - Thầy chưa hiểu đạo

Sau hỏi một Thầy Sa môn nữa:

- Đời người dài đặng bao lâu?

- Thưa Thế Tôn, chỉ bằng trong một hơi thở.

Phật dạy: - Hay thay! Thầy biết đạo.

3. Phật dạy: Đứt lưỡi

Say đắm tài sắc và cuộc đời như liếm mật dính trên lưỡi dao, chưa ngọt miệng mà đã bị đứt lưỡi; đáng thương sự khờ dại của trẻ thơ, không biết cái hoạ sẽ đến khi nếm mật lưỡi dao. 

4. Phật dạy: Hư danh

Chúng sinh vì dục vọng mà cầu hư danh, hư danh có rồi thì thân đã già, ham hư danh đến nỗi quên học đạo, thật uổng công cũng như kẻ thắp hương, lúc mùi hương bay ra thì cây hương đã tàn: ấy là lửa cháy sau lưng.

5. Phật dạy: Vũ trụ

Xem non sông phải hiểu non sông sẽ biến đổi, ngắm vũ trụ phải hiểu vũ trụ chuyển hóa, vạn vật đều phải thay hình đổi dạng, chẳng có gì là bền; nên xem tánh linh giác ngộ tức Bồ đề, nếu thầu đáo như thế tức thì đắc đạo sẽ hiện.

6. Phật dạy: Phật đối cảnh

Ta xem ngôi vương như bụi qua khe cửa, coi vàng ngọc như ngói gạch, coi gấm vóc như giẻ rách, coi cõi Đại thiên như trái ha lê, coi nước hồ A nậu như dầu để thoa chân, coi các phương tiện như núi báu đều là vật biến hóa, coi pháp Vô thượng thừa như vàng bạc trong chiêm bao. Ta xem Đạo như hoa nở trước mắt, xem Thiền định như trụ Tu di, xem Niết bàn như tỉnh trọn ngày đêm, xem chánh với tà như sáu con rồng múa, xem sự thịnh suy như hoa cỏ trong bốn mùa. 

II. HẠNH CỦA PHẬT TỬ

7. Phật dạy: Làm lành

Chúng sinh có thể làm được mười việc lành và cũng có thể gây nên muời điều ác.

Sát hại, trộm cắp, dâm dục là ba tội do thân làm. Nói hai lưỡi, nói hung ác, nói dối trá, nói vu khống là bốn tội do miệng gây ra. Ganh ghét, giận hờn, ngu si là ba tội thuộc về ý. Thuận theo luân lý của đạo là bỏ mười ác tức đã làm mười việc lành vậy!

8. Phật dạy: Sám hối

Chúng sinh làm điều ác mà không biết ăn năn sẽ không tránh đươc tội báo, cũng như nước chảy về biển càng lâu càng sâu rộng; người nào biết sám hối các tội, nguyện làm lành lánh dữ, tội sẽ mất, ví như người bệnh được thoát mồ hôi, dần dần lành bệnh.

9. Phật dạy: Ném bụi

Người ác cố hại kẻ hiền cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng, nước không thấu trời mà liền rơi xuống mặt mình, cũng như kẻ cố ném bụi ngược gió, bụi không dính ai mà trở lại dính vào thân mình

10. Phật dạy: Bóng theo hình

Có người nghe Ta hành đạo, làm việc nhân từ, cố ý đến mắng Ta. Ta yên lặng để cho kẻ kia hết lời rồi mới hỏi: "Này con, nếu con đem quà biếu kẻ khác, kẻ ấy không nhận thì con đem quà về chứ?"

Người ấy đáp: Phải

Ta mới bảo: "Nay con mắng Ta, Ta không nhận, vậy con phải nhận lấy mọi tiếng con đã thốt ra, con tự chuốc lấy cái khẩu nghiệp, như vang theo tiếng, như bóng theo hình, chúng có rời nhau bao giờ! Ta khuyên con, từ đây về sau nên cẩn thận trong lúc dùng lời nói."

11. Phật dạy: Bình tĩnh

Kẻ ác đến chọc người lành, người lành bình tĩnh không nỗi giận, tức nhiên kẻ ác mang lấy điều tàn ác.

12. Phật dạy: Giới luật

Phật tử tuy ở xa Ta nghìn dặm mà cố giữ luật của Ta, quyết sẽ đắc đạo; ở bên cạnh Ta, tuy thường thấy Ta mà phạm giới, người ấy chẳng bao giờ thành đạo cả.

13. Phật dạy: Phải tin Phật

Phật tử phải tin lời nói của Ta, lời nói của Ta như mật ong, trong và ngoài đều ngon ngọt và hiền lành.

14. Phật dạy: Rèn sắt

Hãy xem người thợ rèn dùng sắt, bao nhiêu gang bẩn và rét của sắt đều cạo đi rồi mới rèn đồ dùng tốt; người học đạo cũng phải bỏ tất cả thói xấu của mình mới có thể trong sạch được.

15. Phật dạy: Tám điều khó

Lìa đường ác để sanh làm người: rất khó; làm người mà được thân đàn ông: rất khó; đàn ông mà căn thân đầy đủ: rất khó; thân và tâm tốt lại ở trong Phật địa: rất khó; ở xứ Phật mà gặp Phật còn sống: rất khó; gặp mà hiểu đạo: rất khó; biết đạo mà sanh lòng tin Phật: rất khó; có lòng tin Phật mà phát tâm Bồ đề: rất khó; phát tâm Bồ đề mà tu đến cảnh "vô tu, vô chứng" càng khó hơn vậy!

III. PHẬT TỬ PHẢI XA NỮ SẮC

16. Phật dạy: Chỉ có một

Nữ sắc làm cho người ta say mê và lưu luyến nó, chỉ có nữ sắc là mạnh hơn cả, may thay chỉ có thứ nữ sắc là nguy hại chứ không có hai, cho nên trong thiên hạ mới còn có người đi học đạo.

17. Phật dạy: Bó đuốc

Người mê nữ sắc như cầm đuốc mà đi ngược gió, nhất định phải bị cháy tay. 

18. Phật dạy: Áo cỏ khô

Người học đạo nên tránh xa tình dục, ví như kẻ mặc bằng cỏ khô, phải cố xa lửa mới an thân.

19. Phật dạy: Lo sợ

Người ta vì lòng ham muốn mà bị khổ, khổ quá rồi đem lòng sợ; nếu không ham muốn, sự lo sợ sẽ mất.

20. Phật dạy: Lao tù

Người bị ràng buộc cảnh vợ con, giàu sang, còn khổ hơn kẻ ở lao tù, vì kẻ ở tù lao còn có ngày được thả, chứ cảnh vợ con, giàu sang không thể rời được. Kẻ phàm phu cam tâm chịu vọng, vướng cảnh tầm thường như vấy bùn, như mở miệng cọp mà không biết sợ. "La hán thoát trần" là người vượt qua khỏi cảnh này.

21. Phật dạy: Phụ nữ

Hãy cẩn thận chớ ngắm nữ sắc, đừng nói chưyện với đàn bà. Nếu buộc lòng phải tiếp chuyện hãy chính tự tâm nghĩ: Ta là Sa môn ở trong đời xấu xa, phải như hoa sen mọc trong bùn. Rồi coi đàn bà già như mẹ ta, đàn bà lớn tuổi như chị ta, thiếu nữ như em gái mình, đứa gái nhỏ như con ta, chớ nên nghĩ bậy, cố gắng để đạt được giải thoát cho mình và để cứu khổ cho họ.

22. Phật dạy: Khúc gỗ trôi sông

Người học đạo như khúc gỗ trôi sông, không tấp vào bờ, không bị nước xoáy, không bị mục nát, không bị người cướp đoạt, không bị ai uy hiếp, ta bảo khúc gỗ sẽ trôi đến biển. 

Người học đạo không bị tình dục mê hoặc, không bị đời xoay chiều, tinh tấn trên đường đạo, Ta bảo kẻ ấy thành đạo.

23. Phật dạy: Cái đãy da

Thiên thần sai ngọc nữ đến lung lạc Ta, Ta bảo "Này cái đãy da chứa đầy đồ nhơ bẩn, đến đây làm gì, ta có dùng đâu, hãy tránh xa và đi đi." Thiên thần sanh lòng kính Ta, rồi thỉnh Ta nói đạo. Ta dạy dỗ cho, sau chứng được Tu đà hoàn quả. 

24. Phật dạy: Ý của ngươi

Hãy cẩn thận chớ vội tin ý của ngươi, ý của ngươi không thể tin được. Vậy chớ đắm theo sắc dục, sa vào đó tai hoạ ắt sẽ đến; muốn tin ý của ngươi hãy cố gắng đắc quả A la hán.

25. Phật dạy: Đoạn tâm

Có người sợ tính dâm dục khó trừ, muốn đoạn âm. Phật dạy: Đoạn âm sao bằng đoạn Tâm, tâm ví như chủ nhà, chủ không cho phép làm, đầy tớ tất phải nghỉ việc. Coi như thế lòng chưa sạch, trí chưa trong, đoạn âm có ích gì?

Phật giảng bài kệ của cổ Phật Ca diếp: "Ái dục sanh từ nơi ý, do ý có tư tưởng; nếu ý và tư tưởng đều vắng lặng, lòng ái dục tự nhiên mất."

26. Phật dạy: Nước xao động

Người ta vì ham muốn nên không thấy đạo, ví như nước xao động luôn thì làm sao soi thấy bóng người, chúng sinh vì lòng ham muốn phá rối, tâm trở nên vẩn đục, nên không thấy được đạo của Như lai. Này các Sa môn, hãy nhổ cho tận gốc lòng tham thì các Thầy sẽ thấy đạo.

27. Phật dạy: Bò chở nặng

Người học đạo như con bò chở nặng đi qua bùn lầy, nhọc quá không còn để ý đến hai bên vệ đường, khỏi đám bùn rồi mới dám nghỉ chân.

Các Sa môn nên coi tình dục còn nguy hiểm hơn đi trên bùn lầy, học đạo các Thầy chỉ nghĩ đến đạo mới thoát vòng khổ não.

28. Phật dạy: Hai mươi điều khó

Người ta có hai mươi điều khó làm:

Cấm ngăn được lòng dục là khó,
Thấy tốt không mong cầu là khó,
Bị chê bai không giận là khó
Có uy quyền mà không ỷ là khó
Gặp việc mà vô tâm là khó,
Dẹp trừ tâm ngã mạn là khó,
Không khinh người không có học là khó,
Không nói lời thị phi là khó,
Gặp cảnh mà tâm không động là khó,
Gặp việc mà phải hy sinh đến tính mạng là khó,
Học rộng tầm sâu là khó,
Nghèo mà bố thí được là khó,
Giàu sang mà ham học đạo là khó,
Gặp được thiện tri thức là khó,
Hiểu được thiện tri thức là khó,
Được nghe Phật pháp là khó,
Được sinh thời có Phật ra đời là khó,
Tùy theo người để hóa độ là khó,
Giữ tâm bình đẳng là khó,
Thấy đặng chơn tánh mà học đạo là khó.

IV. PHẬT TỬ NÊN HIỂU ĐẠO

29. Phật dạy: Hành đạo

Học rộng mến đạo, nhưng khó lòng hiểu đạo; bền chí tu hành mới cảm thấy đạo bao la vô cùng.

30. Phật dạy: Ánh sáng

Người thấy đạo cũng như cầm đuốc vào nhà tối, bóng tối liền mất mà chỉ còn có ánh sáng; người học đạo thấy được chân lý thời vô minh mất, ánh sáng chân lý sẽ chiếu mãi mãi.

31. Phật dạy: Chân thiện

Có thầy Sa môn bạch Phật: "Như thế nào gọi là thiện? Thế nào gọi là vĩ đại?" Phật dạy: "Hành đạo đúng chân lý là thiện, chí lớn hòa hợp cùng đạo là vĩ đại."

32. Phật dạy: Chí đạo

Có Thầy Sa môn bạch Phật: "Do nhân duyên gì mà biết được kiếp trước, lãnh hội gì mà được chí đạo?" Phật dạy: "Giữ tâm thanh tịnh, giữ chí vững bền thì sẽ lãnh hội chí đạo, giống như lau gương hết bụi ánh sáng sẽ hiện ra."

Trừ bỏ tình dục, rửa sạch lòng tham, trí sẽ nhớ lại kiếp trước.

33. Phật dạy: Bố thí

Gặp người bố thí mà biết khuyết khích họ tu hành thời phúc đức lớn. Một Sa môn bạch Phật: Phúc đức lớn có ngày hết chăng? Phật dạy: "Chỉ có một bó đuốc mà trăm ngàn người đến lấy lửa để dùng được mọi việc, nào nấu cơm, nào thắp đèn, mà bó đuốc vẫn sáng có mất đâu? Phúc đức của kẻ khuyết khích người ta tu hành và làm việc bố thí cũng như vậy."

34. Phật dạy: Cúng dường

Cho cơm một trăm kẻ ác, không bằng cho cơm một người lành.

Cho cơm một nghìn người lành, không bằng cho cơm một người giữ ngũ giới.

Cho cơm một vạn người giữ ngũ giới không bằng cúng dường cơm một vị Tu đa hoàn.

Cúng dường cơm cho một muôn Tu đà hoàn, không bằng cúng dường cơm cho một vị A na hàm.

Cúng dường cơm cho một triệu A na hàm, không bằng cúng dường cơm cho một bậc A la hán.

Cúng dường cơm cho một triệu A la hán, không bằng cúng dường cơm cho một đức Bích chi Phật.

Cúng dường cơm cho trăm triệu Bích chi Phật, không bằng cúng dường cơm cho một đức Phật trong ba đời.

Cúng dường cơm cho một đức Phật trong ba đời, không bằng sự cúng dường với tâm không còn niệm cúng dường, trí không trú vào việc cúng dường, đó là sự cúng dường cao hơn cả.

35. Phật dạy: Dũng mãnh và sáng suốt

Có thầy Sa môn bạch Phật: "Như thế nào là dũng mãnh? Như thế nào là sáng suốt?"

Phật dạy: - Nhẫn nhục là dũng mãnh, vì không nghĩ ác nên tâm an ổn, thân càng tráng kiện. Nhẩn nhục được mọi người tôn trọng, vì kẻ ấy không có lòng ác. Thân và tâm đều gột sạch thói xấu, không còn vướng chi cả, như thế gọi là sáng suốt. Từ xưa đến nay trong mười phương chẳng có gì là không thấy, chẳng có gì là không biết, chẳng có gì là không nghe, ấy mới đáng gọi là sáng suốt, ấy là chứng được "Nhất thiết trí" (trí hiểu biết khắp cả).

36. Phật dạy: Pháp cứu cánh

Pháp của Ta là: Nghĩ không phải nghĩ mới gọi là nghĩ; làm không phải làm mới gọi là làm; nói không phải nói mới gọi là nói; tu không phải tu mới gọi là tu; nếu biết được lẽ ấy thời rất gần với đạo, không hiểu được lẽ ấy thời xa đạo.

Pháp của Ta không dùng lời mà chỉ được, nên không bị vật gì câu thúc cả, hễ sai một ly là xa vạn dặm, trễ một phút là trải muôn đời.

V. HẠNH SA MÔN

37. Phật dạy: Con trâu kéo cối xay

Thầy Sa môn hành đạo đừng như con trâu kéo cối xay; thân tuy làm việc đạo mà tâm không tu hành; tâm không tu, thân cố làm có ích gì?

38. Phật dạy: Chiến trường

Người tu hành cũng giống như người ra chiến trường, sau khi mặc áo giáp ra trận, có thể vì hèn nhát mà bỏ trốn đi, có thể chết tại chiến địa, có thể thắng trận trở về rất vinh quang.

Kẻ Sa môn học đạo hãy cố gắng bền tâm, hăng hái chống với hoàn cảnh xấu xa, mới mong thành đạo được.

39. Phật dạy: Dây đàn

Có vị Sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe rất bi ai dường như muốn sanh lòng chán sự tu hành. Phật hiểu ý mới gọi đến hỏi: "Khi Thầy còn ở nhà làm nghề gì?"

- Bạch Phật con học đàn.

Phật dạy: Dây đàn chùng thì sao?

- Bạch Phật, khảy không thành tiếng.

Phật dạy: Dây đàn căng thì thế nào?

- Bạch phật, tiếng đàn rất khó nghe.

Phật dạy: Dây đàn đúng cung thì thế nào?

- Bạch Phật, âm thanh hòa đối, tiếng đàn reo lên cùng khắp đều nghe.

Phật dạy: Sa môn học đạo cũng như gảy đàn, hãy giữ tâm cho quân bình, điều hòa thân thể; nếu hành đạo quá sức thân thể sẽ mệt nhọc, thân thể mệt nhọc thì trí sẽ rối loạn, trí rối loạn thì sự tu hành sẽ trễ nải; học đạo trễ nải thì thói xấu tất phải nhiễm, làm sao thấy đạo của Như lai? Con hãy tập tánh an vui, cố làm việc trong sạch, chắc sẽ thấy đạo rất chóng.

40. Phật dạy: Sa môn

Xuống tóc bỏ râu làm Sa môn học đạo, ruồng bỏ giàu sang để khất thực vừa đủ ăn buổi ngọ, đêm ngủ gốc cây, nay đây mai đó, không còn lưu luyến cảnh cũ vì sự lưu luyến làm cho người ta hóa ra si mê, ngu tối.

41. Phật dạy: Đạo

Xuất gia làm Sa môn, bỏ lòng ham muốn, rõ gốc tự tâm, hiểu lý cao siêu của đạo, biết pháp vô vi, trong không cố chấp, ngoài không mong cầu, tâm đã an vui không bị ràng buộc vào đạo, cũng không gây thêm nghiệp, không còn mống ý gì, chẳng còn nói phải tu, chẳng còn nói phải chứng, không cầu trải qua các bậc mà tự nhiên được tôn trọng; ấy là đạo.

42. Phật dạy: Bốn bậc Thánh

Từ biệt cha mẹ bà con, xuất gia, học đạo, thấy tự tâm, biết bổn tánh, hiểu pháp vô vi, làm Sa môn giữ 250 giới, đi đứng thanh tịnh, thật hành pháp Tứ đế, sẽ đắc các quả:

A la hán là bậc có thần thông có thể biến hóa, bay trên hư không, sống lâu và có thể làm cho trời đất rung động.

A na hàm là bậc giác ngộ, sau khi bỏ xác, sanh lên tầng trời thứ mười chín, sẽ đắc quả A la hán và không còn xuống cõi trần nữa.

Tu đà hàm là bậc giác ngộ, sau khi bỏ xác, sanh cõi trời nhưng phải một kiếp làm người tu rồi mới đến quả A la hán. 

Tư đà hoàn là bậc giác ngộ song phải tu bảy kiếp nữa mới đến quả A la hán.

Những người đã dứt hết mọi dục vọng như tứ chi bị chặt không còn dùng lại được nữa.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    A Di Đà Kinh Yếu Giải, Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Yếu Giải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
4.    Đèn Soi Nẻo Giác Và Luân Hồi, Sherbune Richard | Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Việt Dịch
5.    Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi, Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, Việt Dịch
6.    Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai, Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
7.    Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
8.    Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông
9.    Học Phật Quần Nghi, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Việt Dịch
10.    Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
11.    Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Việt Dịch
12.    Kinh Đại Bi, Tây Tấn Nước Nguyệt Chi Tam Tạng Trúc Pháp Hộ | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
13.    Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Đời Đường, Sa môn Dà Phạm Đạt Mạ | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
15.    Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni, Đời Đường, Nước Kế Tân, Sa Môn Phật Đà Ba Ly | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
16.    Kinh Phật Thuyết A Di Ðà Lược Giải, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
17.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
18.    Nghi Thức Thọ Ngũ Giới, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
19.    Nhân Qủa Báo Ứng Hiện Đời, Cư Sĩ Đường Tương Thanh | Cư Sĩ Đạo Quang, Việt Dịch
20.    Nhân Qủa Đồng Thời, Cư Sĩ Hồng Dương Nguyễn Văn Hai