Home > Khai Thị Phật Học
Lời Trần Tình Của Cụ Tuyết Tăng Nhân Dịp Phật Thất Năm Nhâm Tuất
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


Kết Phật Thất tại đây đã hơn ba mươi năm. Mỗi lần kết thất, học nhân đều đến đây giảng. Thoạt đầu, mỗi ngày giảng một lượt, đem những sở học về phương pháp Niệm Phật của chính mình cống hiến cho mọi người, còn hai chữ “khai thị” chẳng đảm đương nổi. Ba mươi năm qua, tôi đã nói rất nhiều về pháp môn này cũng như cách niệm Phật, đều là bàn về những kinh nghiệm của cổ nhân, chỉ cần chọn lấy một điều để thực hành thì sẽ có thể thành công.

Hiện tại chính là thời kỳ Mạt Pháp. Tu các pháp môn khác đều phải cậy vào tự lực để đoạn Hoặc, chứng chân. Muốn đắc tiểu quả A La Hán cũng phải cả ngàn năm, vạn năm, thật chẳng dễ thực hiện được. Chỉ có mỗi Tịnh Ðộ là pháp môn Nhị Lực, tự lực chẳng đủ thì Phật lực đến gia bị. Ðiểm đặc biệt nhất là chẳng cần đoạn Hoặc, vẫn có thể cảm ứng đạo giao, lúc lâm chung Phật liền đến tiếp dẫn, được vãng sanh là thành tựu. Pháp môn này thành tựu ngay trong đời này, nhưng điều khẩn yếu là “cảm ứng đạo giao”.

Nếu chẳng cảm ứng đạo giao thì chẳng thể thành tựu. Vì sao chẳng cảm ứng? A Di Ðà như vầng trăng rạng ngời trên không, tâm người niệm Phật giống như nước. Nước phải trong lặng thì vầng nguyệt mới soi bóng được. Ðấy là cảm ứng; có vậy thì mới có thể tiếp dẫn vãng sanh. Nếu tâm chẳng thanh tịnh giống như nước đục ngầu, vầng trăng chẳng hiện bóng được. Ðấy chính là chẳng cảm ứng, dù A Di Ðà Phật ở ngay trước mắt cũng chẳng vãng sanh được.

Làm thế nào để cảm ứng? Ðấy chính là điểm khác nhau giữa kết thất niệm Phật và niệm Phật ở nhà. Ðến đây rồi thì tâm gì cũng buông xuống hết, một lòng niệm Phật, ở nhà đâu có làm như vậy được. Kinh Di Ðà chuyên giảng về chấp trì danh hiệu, sáu chữ hay bốn chữ Phật hiệu, một ngày, hai ngày hoặc là bảy ngày, chỉ mong sao có ngày niệm đến Nhất Tâm, tâm thủy lặng trong, cùng Phật cảm ứng, đấy mới kể là thành tựu, lúc lâm chung mới bảo đảm. Nếu chẳng làm được như vậy thì kết thất cũng uổng công, khác gì niệm Phật tại nhà đâu.

Nói đến Nhất Tâm thì trong ngàn vạn người khó có được một ai hiểu rõ. Chẳng hiểu thì sao mà làm được? Dù có làm được cũng sợ là chẳng biết [mình có thể làm được]. Vậy thì làm sao đây? Ðạo lý này, tôi là kẻ phàm phu hoàn toàn chẳng biết gì. Tuy nhiên, trong Phật Thất chẳng thể giảng kinh nên tôi chỉ dựa theo nghĩa kinh và lời giảng giải của chư tổ sư để trình bày cùng quý vị.

Kinh Di Ðà nói: “Nhất Tâm Bất Loạn”, thế nào là Nhất Tâm? Lời tục nói: “Tâm vô nhị dụng”. Dụng tâm là khởi ý niệm tính làm chuyện gì đó. “Vô nhị” nghĩa là khi ý niệm phát ra ngoài thì giống như vết kim đâm rất nhỏ, chỉ có thể lọt qua một sự, chứ hai sự chẳng lọt được. Khi ý niệm đi vào trong tâm cũng giống hệt vậy. Chỉ có một ý niệm lọt vào được nhưng rất nhanh, rất nhỏ. Trong khoảng khảy ngón tay, có sáu mươi sát na. Mỗi sát na có một trăm mười ý niệm, toàn là do nơi mình giác ngộ. Hễ giác ngộ thì sẽ khéo làm được. Các tông khác chẳng cho phép khởi ý niệm, mà phải đạt đến vô niệm, rất là khó. Tịnh tông chẳng sợ khởi niệm, chỉ sợ hay biết chậm. Càng khởi càng niệm. Niệm gì? Niệm A Di Ðà Phật. A Di Ðà mà ngừng một chút thì ý niệm xấu bèn hiện lên ngay. Nếu “tâm vô nhị dụng” (tâm không khởi lên ý niệm nào khác) thì mỗi niệm khởi lên đều là A Di Ðà Phật, cũng không niệm điều gì khác. Ðó chính là Nhất Tâm.

Lâm chung Phật đến tiếp dẫn. Tiếp dẫn cái gì? Chẳng phải tiếp dẫn cái túi da thối tha này, cũng chẳng tiếp dẫn vọng niệm, mà là tiếp dẫn cái tâm niệm Phật. Vừa mới khởi vọng niệm liền tạo thành chướng ngại, dù Phật ở ngay trước mắt cũng vẫn có chướng ngại. Tâm mình cùng Phật quang chẳng chiếu rọi lẫn nhau được nên chẳng thể cảm ứng đạo giao, nên chẳng phát sanh hiệu lực. Vì vậy phải niệm cho đến Nhất Tâm. Lâm chung “tâm chẳng điên đảo” thì liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà.

Ðến đây kết thất niệm Phật mà chẳng hiểu rõ đạo lý này thì có khác gì niệm Phật ở nhà. Nếu như ở nơi đây, tuy miệng niệm Phật, nhưng tâm vẫn nghĩ đến chuyện khác thì hỏng rồi. Ngay trong lúc niệm Phật, tâm vừa nghĩ tưởng đến phú quý liền chẳng thể ra khỏi lục đạo, luân hồi, thân sau sẽ sanh lên trời. Hễ nghĩ đến gia đình thì gia đình chẳng phải là Tây Phương, tương lai sẽ lại làm người. Vừa nghĩ đến mình hay hơn người khác, ôm lòng ngã mạn, thân sau chỉ e vào trong đường Tu La. Nếu một mặt niệm Phật, một mặt vẫn sanh khởi ba độc Tham, Sân, Si thì tương lai sẽ đọa làm hung thần. Nếu lại tham đắm thức ăn thì thân sau đọa làm loài quỷ đa tài[4]. Nếu lúc niệm hôn trầm mà chẳng hay biết thì tương lai sẽ đọa vào súc sanh. Nói chung đều là tương ứng với lục đạo, chẳng đến được Tây Phương.

Nhưng người niệm Phật do công đức niệm Phật chẳng đọa địa ngục, chẳng biến thành ngạ quỷ, chẳng làm thân súc sanh hạ đẳng. Dù sanh trong bất cứ loài nào cũng đều hưởng phước, nhưng đến đời thứ ba, do lúc chuyển thân, thần thức bị mê, công đức niệm Phật chẳng thể hiện hành, chỉ e lại bị đọa lạc rồi thọ tội.

Vì thế, ở nơi này niệm Phật, phải nên buông xuống hết thảy, khi niệm sáu chữ hoặc bốn chữ hồng danh phải từ trong tâm phát khởi, tai nghe cho rõ ràng, minh bạch, lại in vào trong tâm, đi ra, trở vào, niệm sao cho thành một mối, nhưng chỉ có loạn tâm là chưa buông xuống được. Ðến khi Phật Thất kết thúc, chẳng phải là về đến nhà liền được vãng sanh đâu nhé! Ở nhà lâu ngày, sáng tối niệm Phật chừng hai tiếng đồng hồ, loạn tâm lại xuất hiện thì cũng vô dụng. Vì thế phải gìn giữ “tịnh niệm tiếp nối”. Ở đây làm như thế nào thì về đến nhà cũng phải làm giống hệt vậy, tiếp tục chẳng gián đoạn thì mới thành công được.

Tôi chỉ giảng đến đây, phải nhớ kỹ mới bảo đảm được. Tiếp đây, tôi nói một bài kệ để kết thúc:

“Ưng tri tán loạn niệm Di Ðà”: Mọi người phải biết: Nếu tâm tán loạn chẳng làm gì được nổi, cứ niệm Phật như thế thì sẽ ra sao?

“Không phí công phu nan giải thoát”: Công phu uổng phí, chỉ được phước báo, chẳng thể vãng sanh, vẫn ở trong lục đạo luân hồi, rất khó giải thoát.

“Nhân sanh thọ mạng hô hấp gian”: A, cứ tà tà mà niệm thì sao? Tà tà không được. Kinh dạy: “Mạng người trong hơi thở”. Một hơi thở ra không trở lại thì liền thành đời sau, chớ tu hành lơ là.

“Nhất thất cơ duyên khổ vạn kiếp”: Hiện tại, cơ duyên rất hiếm. Hễ bỏ lỡ cơ hội, nhân duyên ắt sẽ thọ khổ. Thọ khổ như thế nào? Luân chuyển trong lục đạo, khó ra được nổi. Ngàn kiếp, vạn kiếp mới có lại được thân người. Tám ngàn năm sau là thời kỳ pháp diệt, chẳng còn có Phật pháp, khác nào Bắc Câu Lô Châu, khó được giải thoát. Tám ngàn năm là còn sớm đấy. Người thọ trăm tuổi, khi thọ báo hết chẳng vãng sanh Tây Phương, sẽ sanh về chỗ tốt đẹp trên trời. Tầng trời thứ nhất là Tứ Vương Thiên, thọ mạng năm trăm năm. Một ngày đêm trên trời đó bằng năm mươi năm dưới thế. Ở trên trời hưởng mấy vạn năm phước trời, khi đọa xuống nhằm thời kỳ Pháp Diệt, chẳng có Phật pháp, sống sống chết chết chẳng hề được nghe Phật Pháp, chẳng ra khỏi tam ác đạo nổi, thọ khổ vạn kiếp.



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch