Home > Khai Thị Phật Học
Khắc Dấu Tìm Bát
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người ngu lên thuyền ra biển, đánh rơi chiếc bát bằng bạc, người ngu liền nghĩ, ta đánh dấu trên nước, đợi khi nào trở về mình sẽ lấy cũng chẳng muộn, trải qua hai tháng đến nước Sư tử, thấy một con sông chẩy ra ngoài biển, gã bèn vào sông tìm chiếc bát bạc, mọi người hỏi, anh tìm gì vậy, gã nói, tôi mất bát bạc, muốn tìm lại, mọi người lại hỏi, đánh mất nơi nào, gã đáp, lúc mới ra biển, lại hỏi, mất bao lâu rồi, gã nói, hai tháng trước, lại hỏi, mất hai tháng trước, làm sao tìm ở đây được, gã nói, lúc đánh rơi, tôi có đánh dấu trên mặt nước, mặt nước đó với nước ở đây không khác chút nào, nên mới tìm ở đây, lại hỏi, nước tuy không khác, nhưng anh mất chỗ khác mà tìm chỗ này thì làm sao tìm được?

Cũng như ngoại đạo, không tu chính hành, chỉ làm các việc thiện tợ thị nhi phi, như hành khổ hành để cầu giải thoát, khác gì kẻ ngu tìm chiếc bát bạc.

Lời Bình:

Các điểm chính trong câu chuyện gồm, đánh dấu trên mặt nước, chỉ thấy nước giống không thấy chốn khác, mất một nơi tìm một nẻo

Nước có tính phẳng lặng nên mặt nước luôn bằng phẳng không dấu vết, đánh dấu trên nước cũng hoàn không. Trí khôn thế nhân khi trải qua một sự việc, liền ghi lại kinh nghiệm, tựa như đánh dấu sự việc bằng kinh nghiệm, đến khi gặp việc tương tự thì đem kinh nghiệm kia ra lục tìm đáp án, nhưng sự việc tuy tương tự, song hoàn cảnh và sự vật có khác, như nước không khác mà chỗ thì khác. Như thấy người ta tiêm morphine để giảm đau cho người bệnh nặng hết chữa, thì học được cách trị đau, mà không học được cách khi nào sử dụng, rồi đem cái học lang băm này đi chữa trị mọi cơn đau, cách trị giống nhưng trường hợp sai, nên không gây hiệu quả mà trái lại còn phản tác dụng nữa.

Mất một đàng tìm một nẻo đương nhiên uổng công phí sức, mất đâu tìm đó mới có kết quả. Cái học thời nay so với ngày xưa rất đa dạng, đa môn, kinh tế, thương mãi, chính trị, xã hội, kỹ thuật, khoa học…và bỏ hẳn đi cái học ngày xưa. Tạm gọi xưa là cựu học và nay là tân học, cựu học chỉ trọng một môn, là học làm người, tân học đa môn nhưng cũng chung một điểm là học để làm tiền. Càng hiện đại càng sinh nhiều vấn đề, càng nhiều vấn đề càng thành nhiều môn học, rồi người nay lại tự hào cho mình biết nhiều hơn người xưa, mà không nhận ra do càng lúc càng xẩy ra nhiều vấn đề đe dọa đời sống, nên mới bắt buộc phải nghiên cứu cách đối phó với những vấn đề trên, và phải bất đắc dĩ có nhiều kiến thức như vậy.

Trên tịnh độ hay thiên đường không có việc ác, người ác nên không cần tòa án, cảnh sát trại giam, không có bệnh khổ nên cũng chẳng có nghề bác sỹ, y tá hay cần đến thuế má để xây y viện…Như vậy hóa ra trần gian văn minh hơn tịnh độ và thiên đường. Chỉ e nếu nghiên cứu về ngục tù, tội hình và xử phạt thì thế gian này lạc hậu nhiều so với địa ngục, và địa ngục cũng có điểm để tự hào là văn minh và tinh vi hơn thế gian.

Quan trọng nhất là do đâu mà càng hiện đại càng sinh vấn đề, từ các tệ đoan nơi con người mà xưa không có, cho đến các "tệ đoan" của cả thiên nhiên, càng lúc càng tung hoành khắp nơi mọi thời, tác phẩm của nền văn minh hiện đại. Chẳng qua cũng chỉ là thay đổi cái học làm người thành làm tiền, học làm người cần đến trí huệ và đạo đức, học làm tiền không cần đạo đức chỉ cần thành công, nên không cần trí huệ nhận chân thiện ác, chỉ cần thứ trí huệ biết dùng thủ đoạn nào để thành công. Khởi đầu chỉ một niệm trí huệ nhận chân thiện ác, bị chuyển sang trí huệ tự tư tự lợi, rồi từ một niệm năng dẫn đến sự liên tục sinh vô lượng niệm khác, từ một căn bản vô minh năng thành vô lượng vô minh, thủ tiêu toàn bộ trí huệ và đạo đức, như gã cất sữa từ một niệm ngu làm mất hết sữa. Quả sai lầm này lại trở thành niềm tự hào cũa người nay, nên càng không biết hồi đầu, ngược lại dấn sâu vào vọng tưởng, gây thêm sự điên đảo cho con người lẫn thiên nhiên. Nhân sai quả trái, người mê không biết mình mất mọi sự an lạc từ lúc nào và ở đâu, vọng tìm cách khắc phục hậu quả mà không thay đổi nhân, thực là vô trí, nhân vẫn gieo, và rồi tìm cách chặn quả, đó là nét đặc thù của người văn minh hiện đại.

Học Phật không ngoài khôi phục bản tâm, tâm không trong không ngoài, mà không gì ngoài tâm, song vì vọng mà vong thất chân tâm, lấy vọng làm tâm, dùng tâm này vọng cầu làm tăng trưởng vọng nghiệp, vì vậy Đức sơn Tuyên giám thiền sư cảnh giác học nhân, thiên vạn bất yếu vọng cầu, vọng cầu nhi đắc bất thị chân hữu sở đắc (đừng bao giờ vọng cầu, mọi chỗ đắc của vọng cầu đều không thật). Vọng cầu tức cầu các pháp không đúng thật, cho pháp y tha khởi là thật nên biến kế vọng cầu, vong thất thật tính của các pháp. Thật tính còn gọi là Phật tính hay chân tâm, theo Đức sơn hễ không vọng thì chân hiện, nên học đạo nhân phải phản vọng quy chân, tức không nên hướng ngoại cầu tìm, mà nên quay về bản nguyên của sự vật, nhận ra căn nguyên của sự vật, tức thấy thật tính. Mạnh tử cũng nói, học vấn chi đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ (đạo học vấn không gì khác hơn tìm lại cái tâm đã mất). Cầu tâm tức cầu nơi chính ta mà không phải cầu ở bên ngoài, vì tâm không mất ở ngoài đường hay mất ở nhà ai nên không cần đi kiếm ở nơi đâu như gã ngu này tìm kiếm lăng xăng ở các chỗ không đánh rơi của báu. Như vậy cái đạo học này là quay về bản nguyên, nên Trang tử nói, ngô sinh hữu nhai, tri dã vô nhai, dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi hỹ (đời ta có hạn, cái học vô hạn, đem hữu hạn truy cầu vô hạn, nguy mà thôi). Sở dĩ nói cầu nơi chính ta, là do ta mê thất tự tâm, thì do ta khôi phục lại, không ai khôi phục được cho ta, cái học của thiên hạ là vọng cầu quan chức, thuộc ngoại pháp nên nói ngoại cầu. Tâm mất nơi nào tìm ngay nơi ấy, từ nhất niệm vọng khởi làm mê thất chân tâm, nên ngay nơi vọng niệm tìm lại chỗ chân thật.

Học đạo để đạt đến chỗ an tịnh, như người bị ghẻ chữa dứt bệnh ngứa, còn cái học thời này là học cách gãi ngứa, càng gãi càng kích thích ghẻ ngứa lây lan, ghẻ ngứa càng phát triển thì nhu cầu gãi càng gia tăng, rồi vọng tưởng là tiến bộ hạnh phúc, cái sướng của gãi dễ thấy, nên thế nhân vọng nhận là lạc, còn cái an lạc của hết ghẻ thì bất động khó thấy, nên thế nhân không biết là lạc. Chết ở chỗ hãnh diện với phát minh cách gãi ngứa tinh vi, mà không biết đó chỉ là hậu quả của cơn ngứa không những còn nguyên mà luôn phát triển. Đó gọi là tợ thị nhi phi.

Theo lời bàn của câu chuyện, ngoại đạo không tu chính hành, chỉ hành các việc thoạt nhìn thì dường như đúng, mà xét kĩ thì sai hoàn toàn (tợ thị nhi phi), như hành khổ hành để cầu giải thoát. Ngoại đạo đồng với phàm phu, không cứu xét do đâu ta khổ (chỗ rơi bát bạc), nên trị khổ ngoài chỗ khổ (mất một nơi tìm một nẻo), như người nhổ răng không đau, mà răng đau vẫn còn y nguyên, nên khổ càng chồng chất khổ.