Home > Khai Thị Phật Học > Cau-Cam-Ung
Cầu Cảm Ứng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


a. Học Phật tức là học giác ngộ.

Phật pháp quý ở chỗ giác ngộ, cổ thánh tiền hiền cũng nói: ‘chế ngự được niệm thì thành thánh’, thế nên thánh hay phàm chỉ ở tại một niệm giác hay mê mà thôi. Một niệm giác, ngay lúc đó tức là Nhất Chân pháp giới; một niệm mê thì đâu phải chỉ có mười pháp giới không thôi? Người giác ngộ thực sự có thể buông xuống, chỉ có người mê mới có chấp trước. Chư Phật, Bồ Tát là tấm gương tốt cho chúng ta, cho nên học Phật, Bồ Tát tức là học giác ngộ, học nhìn thấu, buông xuống, thực sự làm được ‘chẳng tranh với người, chẳng cầu với đời’ thì tự nhiên thân tâm tự tại, trí huệ tăng trưởng.

Người học Phật chẳng thể khế nhập vào cảnh giới là vì một niệm tình chấp chưa tiêu trừ. Nếu muốn thành tựu thì chẳng thể không biết đạo lý này, chẳng thể không hết lòng học tập ‘chẳng tranh, chẳng cầu’, học tập từ bi, nhiệt thành giúp người. Trong quá trình giúp người, nhất định chẳng thể chấp trước danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, phải vĩnh viễn bảo trì tâm thanh tịnh, bình đẳng; đây là Bồ Tát hạnh, Bồ Tát hạnh là hạnh giác ngộ.

Chúng ta phải quan sát kỹ và thể hội cả đời hành trì của đức Thế Tôn. Thế Tôn hoằng pháp lợi sanh giảng kinh thuyết pháp, chẳng có danh phận, cũng chẳng có chức vị, đối với chúng ta chỉ là quan hệ thầy trò. Quan hệ này vẫn còn là kiến giải phàm phu, Thế Tôn tuyệt chẳng có khái niệm này; nếu Ngài có khái niệm này thì chẳng thể thành thánh, thành Phật. Vì thầy trò là nhị pháp, nhị pháp chẳng phải là Phật pháp, đây là lời Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói.

b. Nhị đế

Thế Tôn cả đời giảng kinh thuyết pháp y cứ theo nguyên lý, nguyên tắc Nhị Ðế; mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai thuyết pháp cũng dựa trên Nhị Ðế. Nhị Ðế tức là Chân Ðế và Tục Ðế. Chân Ðế hoàn toàn nói về chư pháp thật tướng, chẳng có tơ hào phân biệt chấp trước, người thế gian khó hiểu việc này. Tục Ðế tức là thế gian pháp, y theo tri kiến và thường thức của chúng sanh, mọi người đều dễ hiểu. Nhưng trí huệ của Phật cao, thiện xảo phương tiện đạt đến cực điểm, nói Tục Ðế cũng bao gồm Chân Ðế, nói về Chân Ðế nhưng cũng chẳng lìa Tục Ðế, Chân và Tục viên dung, được đại tự tại. Người thế gian không những mê Chân Ðế mà cũng mê Tục Ðế. Phật có thể viên dung cả Chân lẫn Tục, tức là Chân Ðế nhìn thấu rồi, thì Tục Ðế cũng buông xuống. Nhìn thấu và buông xuống là một chứ chẳng phải hai, đây mới là trí huệ chân thật. ‘Trụ chân thật huệ’ trong kinh Vô Lượng Thọ tức là cảnh giới này. Những việc làm cả đời của chư Phật, Bồ Tát chỉ có một mục đích là hoằng pháp lợi sanh, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Dù ban lợi ích chân thật nhưng Ngài cũng chẳng cầu một cái gì, và cũng chẳng phân biệt chấp trước. Những chỗ này chúng ta phải rõ ràng, thấu hiểu triệt để, hết lòng học tập.

c. Cầu cảm ứng

Sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh chẳng thể không cầu cảm ứng. Ðối với việc này, nếu có thể thể hội được Chân Tục viên dung thì sẽ có chánh tri, chánh kiến, chánh giải, và sẽ chẳng nghiêng lệch về một bên. Người thế gian chấp trước trên Tục Ðế, thực sự niệm niệm đều mong cầu, niệm niệm mong cầu thì liền lọt vào trong ý thức. Cầu mong chư Phật, Bồ Tát là làm một cách đúng lý, đúng pháp, có nguyện cầu nhưng chẳng có tâm mong cầu, như vậy mới viên dung, mới có cảm ứng.

Nhà Nho nói: ‘lập chí’, nhà Phật nói ‘phát nguyện’, hai thứ này có khác nhau không? Trong ‘chí’ có mong cầu, có cầu thì sẽ lọt vào tình thức; trong ‘nguyện’ chẳng có mong cầu. Nói một cách khác ‘lập chí’ có mang theo cảm tình, ‘phát nguyện’ thuần túy là trí huệ, chẳng có tình thức. Thực ra chúng ta chỉ cần làm đúng như lý, như pháp, chư Phật Như Lai sẽ tự nhiên hộ niệm, đây tức là ‘cầu’, ‘cầu’ như vậy thì có cảm ứng. Chúng ta cầu mà chẳng cầu, chư Phật, Bồ Tát ứng mà chẳng ứng, thế thì sẽ cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn, không những Phật, Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần cũng sẽ ủng hộ. Nếu có tâm mong cầu thì tuyệt đối sẽ chẳng có cảm ứng, tại vì tâm này là tình thức, gây trở ngại cho sự cảm ứng giữa chúng ta và chư Phật, Bồ Tát. Thế nên có nguyện nhưng chẳng có tâm mong cầu, chỉ cần hết lòng nỗ lực như lý như pháp mà làm thì tự nhiên sẽ có cảm ứng.

Tự mình tu tập phải đoạn phiền não tập khí, phải khai trí huệ, giúp đỡ người khác cũng có mục đích này, nhưng thủ đoạn phương pháp phải tùy cơ ứng biến, vì cơ duyên chẳng giống nhau, phương thức sẽ chẳng đồng, có câu ‘phương tiện có nhiều cửa, đường trở về chẳng hai’. Tự mình thành tâm thành ý mà làm, chướng ngại của mình chẳng còn nữa nhưng chúng sanh còn chướng ngại, tức là duyên chưa chín muồi. Duyên chưa chín muồi thì tự mình phải dưỡng đạo, cũng tức là tiến tu, không ngừng nâng cao cảnh giới của mình, chờ đợi cơ duyên của chúng sanh chín muồi, việc này chẳng thể miễn cưỡng chút nào.

Nếu muốn dời cơ duyên độ chúng sanh đến sớm hơn thì tự mình phải hết lòng nỗ lực tu pháp sám hối, sửa lỗi đổi mới, hết thảy đều cầu về hướng tự tánh. Thế nên Phật pháp được gọi là Nội Học, hoàn toàn khác với thế gian pháp. Người thế gian hướng về bên ngoài mong cầu, Phật pháp thì hướng về tự tánh mà cầu, chẳng hướng ngoại. Cầu chư Phật, Bồ Tát gia trì thì cũng là từ tự tánh mà cầu. Nếu chúng ta thực sự cùng tâm, cùng nguyện, cùng đức, cùng hạnh với Phật, đây tức là ‘cầu’, cầu như vậy chẳng hướng ngoại, hết thảy Như Lai làm sao chẳng gia trì? Như vậy cũng giống như tiếp nối đường điện, chẳng có chướng ngại, nhất định sẽ có cảm ứng đạo giao. Nếu có một tâm niệm riêng tư, đường điện sẽ đứt mất và sẽ chẳng có cảm ứng.

Nếu có tâm riêng tư, có tình [chấp] dục [vọng] mà cầu thì cũng có cảm ứng, đây là ma cảm ứng, trong xã hội ngày nay, những chuyện này rất nhiều. Yêu ma quỷ quái cũng có thể làm cho bạn có thần thông, làm cho bạn phát cuồng, cho bạn một số khả năng đặc biệt, bạn cũng có thể mê hoặc chúng sanh, nhưng đây đều là tạo nghiệp. Năm mươi loại Ấm Ma giảng trong kinh Lăng Nghiêm rất rõ ràng. Những thứ thần thông, đạo lực này là do ma nhập vào người, ma gia trì họ; sau khi ma rời khỏi thì hoàn toàn mất hết, sau cùng bản thân người đó cũng sẽ gặp nạn. Cho nên nhà Phật nói về đạo lý ‘cầu’ chúng ta nhất định phải hiểu; pháp thế và xuất thế gian đều hướng về tâm tánh, như vậy mới đúng.

d. Hoằng pháp và Hộ pháp.

Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, hiển thị tại đâu? Xung quanh chúng ta sẽ có rất nhiều bạn tốt giúp đỡ, hộ trì, đây là hộ pháp. Hộ pháp gồm có nội hộ và ngoại hộ, nội hộ là do người xuất gia hộ trì, ngoại hộ do hai chúng tại gia hộ trì, được vậy chánh pháp mới được xây dựng, thường trụ tại thế gian. Tuy được hộ trì cả trong lẫn ngoài, tâm địa chúng ta vẫn phải thanh tịnh, vẫn phải mảy trần chẳng nhiễm như cũ.

Giống như Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba và Tịnh Tông Học Hội đích thực có thiện hữu giúp đỡ mạnh mẽ, nhưng chúng ta đối với họ chẳng có tiếp đãi đặc biệt. Lúc ăn cơm ở Cư Sĩ Lâm, họ tự động lấy dĩa đi gắp thức ăn, tự kiếm chỗ ngồi, chẳng nhận một sự tiếp đãi đặc biệt nào cả, đây mới thật sự là thiện hữu chân thật. Có câu ‘Một vị Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ’, những người này đều là Phật, Bồ Tát, cho nên đạo tràng này có thể thành lập, là mọi người có phước. Chúng ta rất may mắn gặp được nhân duyên này và cũng rất hoan hỷ dốc toàn tâm toàn lực để hợp tác, ủng hộ, cống hiến một chút sức hèn mọn. Vì giúp họ là giúp hết thảy chúng sanh, giúp họ tức là giúp chư Phật Như Lai.

Cho nên người xuất gia tốt nhất đừng quản lý sự vụ, đây là do Thế Tôn thị hiện cho chúng ta thấy. Người xuất gia quản lý sự vụ là bất đắc dĩ, là đã biến dạng rồi. Nếu người xuất gia quản lý sự vụ thì là hộ pháp, chẳng phải là hoằng pháp, vậy thì phải toàn tâm toàn lực bồi dưỡng những người đi sau (lớp đàn em), chiếu cố những pháp sư hoằng pháp. Quản lý sự vụ cũng giống như hiệu trưởng trong trường học, phải quản lý giáo vụ, tổng vụ, đây là [chức vụ] Chấp Sự, có tánh cách phục vụ. Hoằng pháp là giáo viên, chẳng đảm nhiệm Chấp Sự. Phía trong Chấp Sự là nội hộ, bên ngoài Chấp Sự là ngoại hộ.

Nếu chúng ta có thể hiểu rõ quan niệm này, mỗi người đều tận tâm làm tròn trách nhiệm của mình, Phật pháp nhất định sẽ hưng vượng, chúng sanh mới thực sự có phước. Nhất định chẳng tranh giành chức vị Chấp Sự, sau đó tác oai, tác phước để hưởng thọ, chướng ngại cho pháp sư hoằng pháp, chẳng bồi dưỡng huấn luyện hậu học, đây là tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, tạo tội nghiệp này phải đọa A Tỳ địa ngục. Chúng ta phải rõ ràng minh bạch, phải tu phước trong nhà Phật, đừng nên tạo nghiệp.

Chúng ta làm tròn nội hộ và ngoại hộ, tự nhiên sẽ có chư Phật Bồ Tát đến hoằng pháp lợi sanh. Nội hộ và ngoại hộ làm chẳng đúng như pháp, nhất định sẽ chẳng có Phật, Bồ Tát đến thuyết pháp vì duyên chưa chín muồi. Công tác hộ pháp làm được viên mãn thì là duyên chín muồi, tự nhiên sẽ cảm được chư Phật, Bồ Tát đến thị hiện giáo hóa chúng sanh.