Home > Khai Thị Phật Học
Khai Thị Tại Phật Thất Chùa Linh Sơn Năm Nhâm Tý
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch


1. KHAI THỊ LẦN THỨ NHẤT

Niệm Phật kết thất tính đến nay đã là hai mươi ba năm rồi, những liên hữu đã mất tính ra có đến một ngàn sáu trăm vị. Có vị được vãng sanh, có vị chẳng vãng sanh. Số vãng sanh chiếm thiểu số, phần nhiều là thuộc vào thời gian mười năm trước, mười năm sau thật là ít ỏi. Sa sút như thế, chẳng buốt lòng sao! Chuyện cũ lỡ rồi, tương lai phải gắng, xin hãy bắt đầu từ hôm nay!

Niệm Phật để được vãng sanh, để được giải thoát thực sự. Kết thất là “khắc kỳ cầu chứng”, tức là trong thời gian định kỳ cầu đạt được chứng cứ chứng tỏ mình sẽ vãng sanh chứng cứ ấy chính là Nhất Tâm Bất Loạn. Nhất Tâm Bất Loạn chính là lẽ bí mật của kinh. Kết thất chẳng được Nhất Tâm chính là đã để lỡ dịp. Làm thế nào để đạt được? Có nhiều nhân để thành tựu, nhưng quan trọng nhất chỉ có hai:

- Một là người lập đạo tràng phải phụng hành đúng với giáo pháp.

- Hai là người tu hành phải tu đúng như pháp.

Kế đó, lại phải chân thành. Mọi pháp thế gian còn phải chân tâm thật ý thì mới có hy vọng tựu về sau, huống hồ là Phật pháp? Vì thế phải hết sức thành khẩn tu tập. Nếu không thì chẳng những vô ích mà còn chiêu lấy tội lỗi.

Ðả thất giống như dựng tòa lầu lớn cao trăm thước. Muốn xây được thì phải thực hiện ba giai đoạn công tác:

- Dọn sạch sẽ cuộc đất mình định xây, dẹp bỏ các chướng ngại vật.

- Bồi đất đá lên trên ấy.

- Xây móng thật kiên cố rồi mới có thể xây lên từng tầng.

Ðả thất cũng thế, đó chính là “kiến thiết tâm lý”, cũng có ba tầng thi công:

- Ðem hết thảy những chuyện nhân, ngã, thị phi khắp toàn thân bỏ xuống hết, chẳng được dùng ngàn vạn tâm tình niệm Phật. Trong vòng bảy ngày phải chú trọng buông bỏ vạn duyên.

- Ðối với những người dự Phật Thất nhưng vẫn ngủ ở nhà thì phải gắng sao thân tuy ở nhà, nhưng tâm thường ở chùa Linh Sơn. Trên đường đi về, niệm niệm nghĩ đến Phật.

- Một khi đến đạo tràng, đừng trò chuyện, hàn huyên, “ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết mỗi ý niệm, để Pháp Thân được sống”. Chỗ này đã là đạo tràng thì hễ ngồi xuống liền bắt đầu niệm Phật, chớ đừng có lên lên xuống xuống, ngồi đứng chẳng yên, tự gây những chuyện phiền toái vặt vãnh, phương hại người khác, tạo thành tội vạ lớn.

Ba điều như thế, hãy siêng phụng hành!

Lại nói đến phương pháp niệm Phật thì một câu Phật hiệu từ tâm đề khởi, từ miệng niệm ra, nghe suốt vào tai, cần phải phân minh. Lại còn phải ghi nhớ số (bất tất dùng xâu chuỗi) từ một đến mười. Chỉ cần nghe được rõ ràng là đã đạt công phu, tức là đã Nhất Tâm niệm Phật đó vậy!

2. KHAI THỊ LẦN THỨ HAI

Phật Thất khai thị là nhằm làm cho hành giả giác ngộ, ắt phải tự giác ngộ thì sau mới có hy vọng thành công. Bởi thế điều thứ nhất là phải giác, giác như thế nào? Giác tình thế hiện tại. Ngày hôm nay chúng ta phải giác ngộ mình đang ở trong tình thế nào? Là giống như con cá vậy. Có người nghe vậy liền bảo tôi biết rồi, “cá” là giống như chữ “cá” trong bài kệ đọc lúc chiều tối:

Thị nhật dĩ quá,
Mạng diệc tùy giảm,
Như thiểu thủy ngư,
Tư hữu hà lạc?
(Ngày hôm nay đã qua,
Mạng theo đó cũng giảm,
Khác nào cá thiếu nước,
Ðiều ấy có vui chi?)

Nhưng chữ “ngư” tôi nói ở đây không phải chỉ có nghĩa như vậy, mà “ngư” đây là con cá đang nằm trong nồi, ở dưới để sẵn củi. Tuy trong nồi có nước, tạm thời cá có thể bơi qua bơi lại, tiêu dao tự tại, nhưng nguy hiểm đến cùng cực, chỉ chờ lúc củi bén lửa thì phận cá sẽ ra sao? Các vị nghĩ xem! Hoàn cảnh của chúng ta đây giống hệt như thế đó, bị ác ma giam chặt trong chảo dầu do chúng tạo, sớm tối sẽ bén lửa. Ðây chính cái gọi là thời đại bom nguyên tử! Tuy bom nguyên tử là do Mỹ, Nga tấn công nhau, nhưng ai dám bảo đảm Ðài Loan chẳng bị lãnh họa. Dù chẳng bị nạn trực tiếp, nhưng bị bụi bom nguyên tử nhiễm thân, chết nát ra là chuyện tất nhiên! Chúng ta phải nên nhận biết hoàn cảnh này, vị trí này.

Ðiều thứ hai là phải sợ. Ðiều vừa nói trên chưa đáng sợ, điều đáng sợ là nghiệp chưa tiêu nên phải lãnh chịu chẳng ngừng. Thử hỏi: Thế giới này là ngũ trược ác thế, vì sao quý vị sanh vào đây? Lại vì sao sanh nhằm thời này? Ðều do nghiệp lực khiến thành như vậy; vì cộng nghiệp, cộng cảm, cộng thọ vậy.

Ðã như vậy thì đừng có oán trời, trách người. Người có công phu tốt tự có biện pháp tốt. Do cộng thọ nên không tránh khỏi chết, nhưng chết đi sanh về những nơi khác nhau là do công phu sai khác, tức là lúc chết chính là lúc vãng sanh. Nếu chúng ta đạt được Nhất Tâm thì ngay hiện tại sẽ đạt được “cộng trung bất cộng” (dù cùng cộng nghiệp mà chẳng phải cùng chịu khổ quả), tương lai vãng sanh cũng ổn đáng. Nhưng nếu nay chúng ta chưa làm được như vậy thì chết đi sẽ lại hướng đến tam đồ, lục đạo! Ðấy chính là điều chúng ta phải nên kinh sợ.

Ðiều thứ ba là nên tiếc. Học Phật, niệm Phật đến nay đã là hai mươi ba năm, nhưng trong số những người cùng tu vẫn chưa có ai nắm vững. Tiếc thay! Tiếc thay! Cơ duyên trước mắt một phen mất đi, khó thể có lại được. Ðừng nói đời này chẳng tu đợi kiếp sau, bởi lẽ “thân người khó được”. Ví dù được làm thân người, nhưng “Phật pháp khó nghe”, chưa chắc đã được nghe Phật pháp. Ví dù được nghe Phật pháp, chưa chắc được nghe pháp môn Tịnh Ðộ. Ví dù được nghe pháp môn Tịnh Ðộ, chưa chắc có thể kết thất như ngày hôm nay. Thử nghĩ xem: đạo tràng của chúng ta giảng kinh như thế, khai thị như thế, mỗi năm kết thất mà vẫn chưa thành thì huống hồ gì là kiếp sau?

Vả lại, người ta được thành tựu hay không là do căn khí. Người đời có thể chia thành hai loại là ngu si và thông minh.

- Kẻ ngu tuy được khai thị, nhưng nghe rồi tâm chẳng tiến triển, không hề giác ngộ. Vì sao đến nỗi như thế? Do ba độc trong tâm đầy dẫy, độc phát ra ngoài nên hiện tướng như thế. Hạng người này ngã kiến rất nặng, thường khởi phiền não, khó độ được! Nhưng bọn họ đời này tạo ác hơi ít, đấy là điểm sở trường của họ.

- Hạng thông minh đời này tạo ác tuy lớn, nhưng dễ giác ngộ, nếu gặp được thiện tri thức uốn nắn sẽ mau biến chuyển, dễ độ!

Thứ hai là đều do nghiệp lực đời trước tạo thành như thế. Nghiệp lực vô biên nên ngay trong thời đức Phật, vẫn có kẻ Ngài chẳng độ được. Vì thế mới nói “phước chí tâm linh”, nghe pháp rồi tấn tu quả là kẻ có phước vậy!

Thế nhưng Phật pháp vô biên, đối với mỗi căn khí đều có phương tiện. Tổ sư Ngẫu Ích đã dạy cho kẻ ngu pháp “sám hối hồi hướng”. Đối với hết thảy những sự nơi thân, khẩu, ý, hễ lành thì hồi hướng Tây Phương, hễ ác bèn sám hối ngay lập tức. Ngay cả việc lành sám hối đó cũng đem hồi hướng Tây Phương. Kẻ si chẳng thể phân biệt thiện ác thì cứ nhất loạt sám hối, nhất loạt hồi hướng. Tâm quyết định như thế thì niệm niệm tại Tây Phương, lực dụng rất lớn. Cách thực hiện như sau:

1) Sau hai khóa lễ sáng tối liền sám hối, hồi hướng.

2) Thường ngày hễ gặp cảnh trái ngang, lăng nhục, khốn khổ liền lập tức sám hối, hồi hướng. Bởi đấy là do túc nghiệp tạo thành như thế cho nên phải sám hối nghiệp nặng.

3) Lúc tâm khởi ác niệm, phiền não bèn lập tức sám hối. Do nghiệp lực nên phiền não thường khởi, đừng đổ lên người khác. Nếu không, hậu báo vô cùng vậy. Bởi lẽ, những chuyện ngang trái v.v... là do nghiệp lực, chịu xong liền hết. Nếu lại khởi phiền não gieo vạ cho người khác thì sẽ xoay vần báo trả nhau, chính là mình tự hại mình vậy!

Ba thứ sám hối hồi hướng như thế chính là pháp môn mất nhiều năm tôi mới cầu được, nay tặng cho quý vị. Quý vị hãy thực hành, đừng khinh là tầm thường. Tổ Ngẫu Ích bảo sám hối, hồi hướng lại thêm niệm Phật thì không ai là chẳng thành cả!

Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một câu tiêu trừ được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Trong hai mươi năm qua, quý vị không một ai niệm được như vậy. Chí tâm là lúc niệm Phật trước hết phải dọn tâm cho thật sạch sẽ, rỗng rỗng rang rang thì ngay khi ấy, một câu Phật hiệu thông trên suốt dưới, không còn gì khác cả. Niệm chí tâm như thế thì mới hòng đạt được Nhất Tâm Bất Loạn. Quý vị niệm Phật hãy nên theo nguyên tắc này, nhưng làm thế nào để chí tâm? Xin đáp: “Tội từ tâm khởi dùng tâm sám”. Do còn tội nghiệp nên tâm khởi phiền não. Lúc tâm khởi phiền não thì sẽ tạo tội nghiệp. Ngay lúc ấy phải sám hối cho nó tiêu mất. “Tâm đã diệt rồi tội cũng không”. Do còn tội nghiệp nên chẳng thể chí tâm. Tội nghiệp đã diệt sẽ tự nhiên chí tâm. Bởi thế bảo: “Tội diệt, tâm mất thảy đều không, thế mới gọi là chân sám hối”. Niệm Phật như thế thì đạt được chí tâm, diệt được trọng tội, dù bom nguyên tử có rơi xuống cũng chẳng ngại gì. Kệ rằng:

Tâm nhất phân minh đoạn hoặc thì,
Vãng sanh chứng quả thượng hà nghi,
Tuy nhiên thường thuyết Hoặc nan đoạn,
Sám hối huyền môn tích bất tri.
(Tâm đã phân minh đoạn Hoặc rồi,
Vãng sanh chứng quả há còn nghi,
Tuy thường hay bảo Hoặc khó đoạn,
Sám hối huyền môn tiếc chẳng hay)

Nếu niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn thì chính là lúc đoạn Hoặc. Như vậy ắt được vãng sanh, vãng sanh rồi ắt mau chứng Phật quả. Lý thật phân minh, còn nghi ngờ gì nữa? Tuy nói là đoạn Hoặc rất khó, đoạn một phẩm Kiến Tư Hoặc như cắt đứt dòng sông chảy mạnh rộng đến bốn mươi dặm, nhưng vẫn có pháp môn mầu nhiệm chính là sám hối hồi hướng. Ðấy chính là huyền môn. Tiếc rằng người đời chẳng biết. Niệm Phật mà biết phối hợp với pháp môn này thì sẽ thành tựu dễ dàng!



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
14.    Tử Thư Tây Tạng, Cư Sĩ Nguyên Phong, Việt Dịch
15.    Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch