Home > Khai Thị Niệm Phật
Trong Môn Tịnh Độ, Lòng Tin Là Cội Gốc
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


1.

Được thơ, biết ngươi sanh lòng tin, muốn quy y Phật pháp. Song, quy y Tam bảo phải dứt điều ác, làm việc lành, gắng giữ trọn luân thường, phát lòng tín nguyện cầu sanh về Tây phương. Lại phải có lòng thương xót hộ sanh, đừng giết hại, và trì lục trai hoặc thập trai. Nếu chưa có thể dùng thanh đạm trọn đời, cũng chớ nên quá tham trong sự ăn uống. Như thế mới không trái với tâm từ bi của Phật. Ngươi tên Châu Mộc, vậy nay ta đặt cho pháp danh là Trí Mậu. Bởi tâm tánh ví như cây, do lửa phiền não thiêu đốt nên cây ấy héo khô. Nếu có trí huệ thì phiền não không sanh, và cây tâm tánh tự nhiên tốt tươi thạnh mậu.

Muốn thọ năm giới, trước nên xét lại tâm mình, như có thể giữ được mà không phạm, thì hỏi cư sĩ Hóa Tam về cách tự thọ giới trước bàn Phật, y sẽ chỉ lại cho. Đã quy hướng Phật pháp, phải xem kỹ Văn Sao của ta, y theo thực hành, mới không bị kẻ dung thường làm mê hoặc, khiến cho sanh tâm cầu phước báo đời sau, hoặc mong thành Tiên rồi tu phép luyện đơn vận khí. Nếu có thể lãnh hội ý nghĩa trong bộ Văn Sao, thì dù có trăm ngàn ngoại đạo cũng không thể lay chuyển được tâm ngươi. Chớ cho rằng bộ ấy không đủ y cứ, phải biết những lời trong đó đều do theo ý nghĩa Kinh Phật, hoặc thành ngôn của các bậc Tổ sư, Thiện tri thức mà thuật lại, không phải tự ta bịa đặt viết ra.

Nên nhận xét kỹ, sự lợi ích sẽ được nhiều.

2.

Ngươi ý chí rất kém, tâm lại quá cao, tuy nói vâng lời ta, thật ra toàn là y theo thiên kiến của mình. Trong môn Tịnh độ, lòng tin là cội gốc. Tin được chắc, kẻ phạm tội Ngũ nghịch Thập ác đều có thể vãng sanh; tin chưa vững, bậc thông tông thông giáo còn hoặc nghiệp cũng không duyên phận. Ngươi đã chẳng phải là bậc thông tông giáo, có thể nương sức mình trừ hoặc nghiệp để khỏi sanh tử, lại không tin nơi sức Phật và công đức của tự tánh đều không thể nghĩ bàn, thì làm sao để giải thoát? Phải biết, nếu đủ tín nguyện sâu thiết cầu về Tây phương, không người nào chẳng được vãng sanh. Niệm Phật là pháp tròn tắt mau lẹ để thoát nẻo luân hồi; với sự hướng thượng của môn này, ngươi còn chưa biết, lại sanh lòng háo thắng đi nghiên cứu Khởi Tín Luận! Luận Khởi Tín tuy là cương yếu của Phật pháp, nhưng khó đem sự lợi ích cho người căn tánh kém và kẻ sơ cơ. Dù cho nghiên cứu Luận Khởi Tín được thông suốt không còn nghi, đến khi dụng công lại phải y theo phép niệm Phật cầu sanh mới là ổn thỏa. Nếu nói về lý giải, lại còn có những nghĩa của pháp tướng, thiền, giáo rất nhiệm mầu, ngươi làm sao thông suốt cho hết được? Tâm ngươi cao như thế, mà không biết hạn lượng sự cao theo sức mình! Ngươi tự cho rằng “căn tánh hèn kém, khó mong sanh về Tây phương, chỉ cầu không đọa tam đồ cũng vui lòng”, đâu biết nếu chẳng được vãng sanh, tương lai sẽ bị đọa vào ác đạo? Quan niệm ấy đã không hợp với giáo huấn của Phật, lại trái lời khuyên bảo của ta, mà gọi: “vâng theo thực hành, một lòng niệm Phật”, là thế nào?

Nay ngươi chức nghiệp tầm thường, tư cách chưa phải là bậc cao thượng, sự lập chí như thế, thật khiến cho người đáng than thở và buồn cười? Nên dứt hẳn mối cao vọng cầu làm bậc đại thông gia ấy đi, rồi chuyên tâm nghiên cứu các kinh sách Tịnh độ và xem lại mấy bức thơ ta gửi cho Cao Thiệu Lân, Từ Nữ sĩ trong Văn Sao, y theo đó thực hành. Chớ nên vì mình căn tánh hèn kém mà nâng cao sự vãng sanh, để việc ấy ra vòng ngoài. Phải dùng câu niệm Phật làm bổn mạng ngươn thần, tùy lúc động tịnh đều nắm chắc đừng buông bỏ. Lại, những tâm niệm, hành vi phải giữ sao cho hợp với tông chỉ: dứt các điều ác, làm những việc lành. Ngoài ra, nếu có sức dư, không ngại gì tụng trì kinh chú, nên lấy sự chí thành làm cội gốc, đừng gấp muốn suốt thông nghĩa lý. Nếu trước vội muốn thấu hiểu, chẳng chuyên nơi sự tụng niệm chí thành, dù có thấu hiểu cũng không thật ích, huống chi khó thấu hiểu ư? Đến như các môn pháp tướng, thiền, giáo, nghiên cứu trọn đời cũng khó nắm được chỗ quy thú, dù được, còn phải dứt sạch hết hoặc nghiệp mới thoát khỏi luân hồi. Nói đến việc này, e rằng mộng không thành mộng đó thôi! Bộ Văn Sao của ta, ngươi xem chưa kỹ, nên lời nói ra, cao thì tới mây xanh, thấp lại tận đáy biển thẳm. Trong ấy, luôn luôn nhắc đến những kinh sách nên xem, cách thức xem như thế nào, và sự khó được lợi ích của các môn pháp tướng, thiền, giáo. Sở dĩ có sự khó dễ vì pháp môn Tịnh độ nương nhờ sức từ của Phật, các pháp môn khác chỉ dùng sức mình. Những môn kia đều là giáo lý thông thường, như sĩ phu trong đời do tài đức mà làm quan cao thấp. Môn Tịnh độ là giáo lý đặc biệt, như Thái tử mới sanh đã tôn quí hơn quần thần. Vì thế, hai bên không thể sánh nhau, mà phàm phu nghiệp chướng vẫn nhiều, há chẳng dè dặt trong sự lựa chọn pháp môn để tu hành ư?

Ngươi đã tự nhận năng lực kém hèn, kiếp người có hạn, sao còn mãi theo cao vọng của mình? Việc ấy ta không ép, nếu ngươi làm được bậc đại thông gia thì cũng hân hạnh cho Phật giáo, sợ e khi làm chẳng xong, môn Tịnh độ lại chưa tin chắc, rồi ra hỏng mất cả đôi. Giả sử đời nay có tu được chút ít công đức, kiếp sau nhất định sẽ lạc vào vòng phước báo của thế gian. Ngươi thử nghĩ: người giàu sang đã mấy ai không tạo nghiệp? Như ngày nay vận nước nguy biến, dân chúng lầm than, đều do bởi ảnh hưởng phước báo của những người đời trước tu hành không trí huệ. Khi đã lạc vào kiếp sau, ngươi làm thế nào bảo đảm được mình khỏi mê lầm, không đọa ác đạo? Nếu chẳng sanh về Tây phương, một đời không đọa còn có thể, hai đời không đọa rất ít lắm đó!

3.

Phật nói kinh chú rất nhiều, đâu có ai thọ trì cho hết được. Nên người xưa chỉ lựa những thứ cần yếu để làm nhật khóa. Sớm thì tụng Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, Tâm Kinh, xong lại niệm Phật hồi hướng Tây phương. Tối đến tụng Kinh Di Đà, văn Đại Sám Hối, Mông Sơn, rồi niệm Phật hồi hướng. Hiện nay các chùa đều bớt công phu, thời mai chỉ tụng Lăng Nghiêm, Tâm Kinh; thời hôm tụng Kinh Di Đà, văn Mông Sơn, cách ngày lại tụng Kinh Đại Sám Hối, Mông Sơn. Ngươi nói nghi nhật tụng trong tòng lâm kinh chú rất nhiều, đó là những thứ phụ lục ngoài hai thời khóa. Người cư sĩ tại gia có thể y theo thời khóa của nhà thiền, hoặc tùy ý mình lập riêng. Như sớm tối đều tụng Kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, niệm Phật; hoặc sớm tụng chú Đại Bi, niệm Phật, tối tụng Kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, niệm Phật, hay trì Kinh Kim Cang cũng được. Nhưng không luận tụng niệm kinh chú chi, đều phải niệm Phật hồi hướng, mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

Những điều ngươi bày tỏ, tuy cũng là ý tốt, song thật ra không có chủ định, chỉ theo hoàn cảnh đổi dời. Kinh nào, chú nào, lại chẳng ngợi khen công đức thù thắng? Theo quan niệm của ngươi, tụng kinh này sẽ mất kinh kia, trì chú này tất buông chú nọ, bỏ hết nghĩ tiếc uổng, tụng trì cả sức lại không kham. Như thế có được gọi là người chơn tu hiểu lý hay chăng? Suy rộng ra, nếu ngươi gặp nhà tu Thiền khen pháp Thiền, bác Tịnh độ, cũng bắt chước họ tham thiền; cho đến các môn khác như: Thiên Thai, Mật Tông, Pháp Tướng, Hiền Thủ, mỗi khi gặp bậc tri thức đề xướng, tất ngươi sẽ mất chủ định bỏ đây theo kia. Chẳng biết ngươi căn tánh bậc nào, mà muốn thông suốt hết các pháp như thế? Ta chỉ e cho ngươi nghiệp sâu trí cạn, khi làm nhà đại thông gia không được, lại bỏ luôn cả pháp nương sức Phật vãng sanh của môn Tịnh độ, để lúc lâm chung nếu chẳng đi đến vạc dầu lò lửa, quyết lạc vào bụng ngựa thai lừa! Giả sử may mắn không mất thân người chăng nữa, lại do đời nay tuy có công tu song thiếu chánh trí, nên nhân đó hưởng được si phước, rồi tạo nghiệp ác, khi vô thường đến, cũng đi thẳng vào tam đồ. Chừng ấy muốn nghe tên trời, đất, cha, mẹ còn không được, huống nữa là biết pháp môn Tịnh độ ư? Ngươi xem Văn Sao của ta hiểu như thế nào? Phải biết, một câu A Di Đà Phật, nếu trì niệm đến chỗ cùng cực, thành Phật còn có dư. Ngươi cho rằng tụng Kinh Di Đà và niệm Phật, không thể diệt được định nghiệp hay sao? Phật pháp cũng như tiền, tại người khéo dùng; ngươi có tiền, làm việc gì lại không được? Nếu ngươi có thể chuyên tu một pháp, cầu sự chi lại chẳng thành? Lựa là phải khăng khăng trì chú này tụng kinh kia mới được công đức như thế, ngoài ra không được những công đức khác hay sao? Nếu khéo thể theo lời ta, tự nhiên hiểu một việc rõ trăm việc; bằng chẳng thế, dù nói cho nhiều, tâm ngươi cũng không chủ định, nào có ích gì?

Phàm phu ở trong mê, lòng tin không vững, nên thường có những việc khi tu hành khi tạo nghiệp, thoạt tin tưởng thoạt nghi ngờ. Đó cũng bởi lúc ban sơ người dạy không biết cách, nếu trước tiên đem việc nhân quả thiển cận chỉ bảo lần lần, thì đâu đến đỗi có sự mê lầm trái ngược như thế! Nhưng tội đã qua tuy rất nặng, nếu hết lòng sám hối sửa đổi, y theo sự hiểu biết chơn chánh, chí quyết tu Tịnh nghiệp, lợi mình lợi người, thì tội chướng tiêu mòn, tâm tánh sáng tỏ. Nên kinh nói: “Trong đời có hai bậc anh dũng, một là người không tạo tội, hai là kẻ đã tạo mà biết sám hối.”Một chữ hối phải tự đáy lòng phát lộ, nếu không thật tâm ăn năn chừa cải, dù nói lắm cũng là thừa. Ví như người đọc phương thuốc mà không chịu uống, làm sao bệnh được lành? Nếu có thể y theo cách trị dùng thuốc, chắc chắn bệnh sẽ tiêu trừ, thân tâm yên ổn. Chỉ lo cho kẻ lập chí chẳng bền, thành ra cảnh một ngày phơi nắng mười ngày để lạnh, rồi cũng luống có danh suông, không phần thật ích mà thôi!



Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long