Home > Khai Thị Niệm Phật
Tu Tịnh Nghiệp, Điều Căn Bản Là Phải Quyết Lòng Cầu Sanh Tây Phương
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Tôi dừng gót ở Phổ Đà đã hơn hai mươi năm, đối với hàng Phật tử tại gia, chưa từng tới lui giao thiệp. Gần đây, nhân có Thầy Phước Nghiêm lên núi thăm, trong vòng không đầy tuần nhật, Thầy nhiều phen qua chỗ thất tôi ở nói về sự trinh tháo của Nữ sĩ. Mỗi khi gợi đến việc ấy, Thầy lại tỏ vẻ bùi ngùi cảm động. Lúc đó tôi có tỏ bày ý kiến: Nữ sĩ tuy trinh liệt đáng khen, nhưng tiếc vì không biết đường lối tu hành. Nếu cơn nào rảnh tôi sẽ gửi lời khuyên nhắc, lược giải về cương yếu của môn niệm Phật, để cho người tùy sức phần bước vào con đường Tịnh độ. Nghiêm Sư nghe nói liền tán thành và hết lời yêu cầu. Vì thế nên mới có bức thơ gửi cho Nữ sĩ hôm nay.

Phật pháp là pháp sẵn đủ nơi tâm của tất cả chúng sanh, người xuất gia tại gia đều có thể thọ trì. Nhưng thân nữ có nhiều chướng duyên nếu lìa quê đi xa, rất dễ bị người lấn hiếp. Vậy Nữ sĩ chỉ nên ở tại nhà giữ giới niệm Phật, quyết chí cầu sanh Cực lạc, không cần phải lìa quê hương xuất gia làm Ni. Việc nghiên cứu khắp kinh giáo, đi các nơi tham hỏi bậc minh sư là phần của người nam, nữ giới bắt chước theo không tiện. Người nữ chỉ nên gắng tu Tịnh nghiệp, chuyên trì hiệu Phật, nếu có thể nhiếp cả sáu căn, nối luôn tịnh niệm, tự nhiên hiện đời thân chứng Tam muội, khi lâm chung lo gì không chiếm phẩm cao? Dù chưa chứng Tam muội, cũng được dự vào hải hội, gần gũi đức A Di Đà, rồi lần lần trở về tánh bản chân, tự nhiên thông suốt vô biên giáo hải, như tấm gương lớn soi rõ muôn hình. Chừng ấy mặc ý cỡi thuyền đại nguyện, không rời An dưỡng, hiện thân ở cõi Ta bà, cùng vô số phương tiện độ thoát loài hữu tình, khiến cho đều đến Liên bang chứng Vô sanh nhẫn. Ấy mới khỏi phụ với chí quyết liệt tu trì ngày hôm nay, mới đáng gọi là hoa sen sanh trong lửa, người nữ mà trượng phu đó!

Tu Tịnh nghiệp, điều căn bản là phải quyết lòng cầu sanh Tây phương. Cho nên pháp môn Tịnh độ lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tông chỉ. Tín là phải tin cõi Ta bà có vô lượng nỗi khổ, cõi Cực lạc sự an vui không cùng! Nỗi khổ ở Ta bà đại ước có tám thứ: sanh, già, bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gỡ, cầu không toại ý, và năm ấm lẫy lừng. (Năm ấm lẫy lừng là chúng sanh đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, khởi hoặc gây nghiệp như lửa cháy hừng). Sự vui ở Cực lạc, nói về thân thì hóa sanh trong hoa sen, tuyệt không già, bệnh, chết, thuần là người nam; cho đến danh từ ác đạo hãy còn chẳng nghe, huống chi có thật? Nếu về cảnh thì vàng ròng làm đất, bảy báu làm ao, hàng cây cao ngất trời, lầu các giữa chừng không, và sự ăn mặc thọ dụng, khi tưởng đến đều được hóa hiện vừa ý, không phải như ở cõi này do sức người tạo tác mà thành. Ở Cực lạc, Phật A Di Đà tướng đẹp vô biên, một khi trông thấy từ dung, liền chứng Pháp Nhẫn, đức Quán Âm Thế Chí cùng Thanh Tịnh Hải Hội phóng ánh sáng trong sạch, đồng nói pháp mầu. Thế nên, tuy là hàng phàm phu dẫy đầy nghiệp lực, nếu phát lòng tín nguyện tha thiết, sẽ được nhờ Phật nhiếp thọ. Khi đã vãng sanh về cõi kia, thì nghiệp ác phiền não đều tiêu tan, trí huệ công đức đều tròn đủ. Tin được như thế mới gọi là lòng tin chân thật. Như muốn được biết rõ hơn, nên xem kỹ kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Những kinh này chuyên nói về duyên khởi sự lý của Tông Tịnh độ, cũng gọi là Tịnh độ Tam Kinh. Ngoài ra các Kinh Đại thừa phần nhiều đều có nói về Tịnh độ. Như Kinh Hoa Nghiêm là khi đức Như Lai mới thành Chánh giác, vì các bậc Pháp Thân Đại sĩ ở bốn mươi mốt vị, xứng tánh nói ngay pháp Nhất thừa mầu nhiệm. Sau rốt, lúc Ngài Thiện Tài đi tham hỏi khắp các phương tri thức, chỗ chứng bằng chư Phật, Phổ Hiền Bồ tát lại vì nói mười đại nguyện vương, khuyên Ngài Thiện Tài và hải chúng trong cõi Hoa Tạng hồi hướng cầu sanh về thế giới Cực lạc, để mau tròn đầy quả Phật. Trong Quán Kinh, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh có nói: “Hạng người phạm tội Ngũ nghịch, Thập ác, làm đủ các việc không lành, khi sắp chết tướng Địa ngục hiện, được bậc Thiện tri thức khuyên bảo niệm Phật, kẻ ấy vâng lời niệm chưa đầy mười câu, liền thấy Hóa Phật đưa tay tiếp dẫn vãng sanh.”Kinh Đại Tập dạy: “Đời Mạt pháp ức ức người tu hành nhưng ít có kẻ ngộ đạo, chỉ nương theo môn Niệm Phật mới được thoát luân hồi.”Thế thì biết pháp niệm Phật là con đường đồng tu của thượng Thánh hạ phàm. Với pháp này, kẻ ngu người trí đều có thể làm theo, cách hành trì dễ mà thành công cao, dùng sức ít song hiệu quả mau lẹ. Bởi môn Tịnh độ chuyên nhờ Phật lực nên sự lợi ích rất lớn, vượt hơn tất cả giáo pháp thông thường. Người xưa nói: “Tu các môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sanh như thuyền buồm xuôi theo gió nước.”Lời này có thể gọi là sự so sánh rất xác đáng, rõ ràng.

Nếu muốn nghiên cứu nên xem bộ Yếu Giải Kinh A Di Đà của Ngẫu Ích Đại sư trứ thuật. Bộ này diễn tả sự lý đến chỗ cực điểm, là lời chú giải rất hay rất xác, đứng vào bậc nhất từ khi Phật nói kinh ấy đến giờ, dù cho Cổ Phật tái hiện ra đời chú giải lại cũng không hơn được. Vậy Nữ sĩ chớ nên khinh thường, phải triệt để tin theo. Về Kinh Vô Lượng Thọ, có lời chú sớ của Huệ Viễn Pháp sư đời Tùy, văn nghĩa rất rõ ràng. Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì có bộ Tứ Thiệp Sớ của Thiện Đạo Hòa thượng. Ngài Thiện Đạo muốn lợi khắp ba căn nên phần nhiều phát huy về sự tướng. Sau chương Thượng phẩm Thượng Sanh, Ngài chỉ rõ sự hơn kém của hai lối tu chuyên và tạp, lại bảo phải sanh lòng tin bền chắc, dù đức Thích Ca hoặc chư Phật hiện thân dạy bỏ môn Tịnh độ tu theo các pháp khác, cũng không dời đổi chí nguyện. Lời trên đây có thể gọi là cây kim chỉ nam của người tu Tịnh nghiệp. Đến như bộ Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao của bên Thiên Thai Tông thì nghĩa quá viên dung mầu nhiệm, người căn cơ trung, hạ khó được lợi ích, vẫn không bằng bộ Tứ Thiệp Sớ lợi khắp ba căn. Đã biết những nghĩa lý trên đây, cần y theo đó tin chắc. Chỗ chính mình hiểu đến thì tin đã đành, dù chỗ mình chưa hiểu đến cũng vẫn tin. Phải biết pháp môn Tịnh độ do nơi kim khẩu của Phật nói ra, chớ nên đem sự suy lường không thấu đáo của tình phàm mà sanh lòng nghi hoặc. Tin như thế mới gọi là chân tín.

Đã tin chắc rồi, cần phải phát nguyện lìa cõi Ta bà như tù nhân mong ra khỏi ngục, nguyện sanh về Cực lạc như viễn khách nhớ quê xưa. Nếu chưa được sanh Tịnh độ, dù có ai đem ngôi báu của Thiên Vương dâng cho, cũng xem là nhân duyên đọa lạc, không móng một niệm ưa thích. Cho đến việc: đời sau đổi thân nữ ra nam, tuổi trẻ xuất gia, nghe một hiểu ngàn, được đại tổng trì, cũng nên xem đó là đường lối tu hành quanh quẩn, không sanh lòng mong ước, chỉ muốn khi lâm chung được Phật tiếp dẫn về Tây phương mà thôi. Khi được vãng sanh, tất sẽ thoát vòng sanh tử, vượt cảnh phàm vào cõi Thánh, ở hàng Bất thối, chứng quả Vô sanh. Chừng ấy nhìn lại mới biết ngôi vua ở cõi Trời, Người, cho đến việc tái sanh xuất gia làm tăng, là sự nhọc nhằn nhiều kiếp, không biết chừng nào mới được giải thoát. Rồi so sánh lại, thấy những điều ấy đối với phẩm sen của mình ngày nay, không khác nào lửa đóm cùng vầng nhật rạng và con kiến bò lên núi Thái Sơn! Cho nên, người tu Tịnh Độ Quyết không nên cầu phước báo ở cõi Trời, Người, và đời sau trở lại xuất gia làm tăng. Nếu có mảy may những niệm ấy, tức không phải tin sâu nguyện thiết, ngăn cách với lời từ thệ của đức A Di Đà, không được cảm ứng và nhờ Phật tiếp dẫn. Thật đáng thương lắm! Đáng tiếc lắm! Nỡ đem hạnh mầu không thể nghĩ bàn, cầu lấy quả vui hữu lậu để khi hưởng hết phước rồi lại bị sa đọa, theo dòng hoặc nghiệp, chịu sự khổ vô cùng ư? Trong vị đề hồ nếu để thuốc độc, chất ngon ngọt ấy sẽ giết người; tu Tịnh độ mà không khéo dụng tâm thì sự tai hại cũng y như thế! Vậy phải dứt tuyệt những niệm lỗi lầm như trên, mới có thể hoàn toàn thọ dụng sự lợi ích của môn Tịnh độ.

Đã tin sâu nguyện thiết, lại cần phải chấp trì sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật.”Không luận lúc đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, cho đến khi đại tiểu tiện, đều giữ chắc sáu chữ ấy nơi tâm (hoặc trì bốn chữ cũng được). Phải gắng làm sao cho mỗi niệm đều hiện tiền, toàn Phật là tâm, tâm Phật như một, niệm cho đến chỗ chí cực quên cả trần tình. Chừng ấy lòng không, Phật hiện, đương đời có thể thân chứng Niệm Phật Tam muội, đến khi lâm chung sanh về Thượng phẩm. Tu trì như thế có thể gọi là dùng hết công năng vậy. Đến như trong công việc hằng ngày, có mảy may điều lành và các công đức tụng kinh lễ Phật, đều đem hồi hướng vãng sanh. Như thế thì tất cả hành môn đều là trợ hạnh của Tịnh độ, như gom cát bụi thành đất, họp sông ngòi thành biển, sự sâu rộng sẽ vô cùng. Lại cần phải phát lòng Bồ đề, thề độ chúng sanh, đem công tu hồi hướng bốn ân ba cõi và loài hữu tình trong pháp giới. Đó là rộng kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, như lửa thêm dầu, mạ được mưa, làm cho thắng hạnh Đại thừa của mình sớm mau thành tựu. Nếu không biết nghĩa này thì thành ra kiến chấp tự lợi của phàm phu, Nhị thừa, tuy tu hạnh mầu, cảm quả rất thấp kém. Dù rằng trong sự niệm Phật, tất cả thời, tất cả chỗ đều không ngại, nhưng cũng phải thường giữ lòng kính sợ, lại phải trọng tượng Phật như Phật sống, xem Kinh Phật lời Tổ như Phật, Tổ đối trước mình thuyết pháp, không dám có chút khinh mạn nghi ngờ. Lúc bình thường niệm Phật hoặc thầm hay ra tiếng tùy ý, song những khi nằm ngủ, đại tiểu tiện, tắm gội, rửa chân và đi ngang qua chỗ không nghiêm sạch, đều phải niệm thầm, nếu ra tiếng tức là không cung kính. Nên biết, niệm thầm công đức cũng đồng như niệm ra tiếng. Tôi thường nói: muốn được sự lợi ích thiết thật trong Phật pháp, phải tìm nơi lòng cung kính, có một phần cung kính thì tiêu một phần tội nghiệp, thêm một phần phước huệ; có mười phần cung kính, tiêu mười phần tội nghiệp, thêm mười phần phước huệ. Nếu không cung kính, tuy cũng gieo viễn nhân, nhưng ác quả của tội khinh lờn thật chẳng thể tưởng nghĩ! Người tại gia đời nay trong khi đọc Kinh Phật đều phạm bệnh này, nên với kẻ hữu duyên, tôi thường nhắc đi nhắc lại mãi.

Niệm Phật cần phải nhiếp tâm niệm do tâm khởi, tiếng từ miệng ra, mỗi câu mỗi chữ đều rành rẽ, rõ ràng. Lại phải lắng tai nghe kỹ, in câu niệm Phật vào tâm. Nếu nhiếp nhĩ căn thì các căn kia không còn buông chạy theo bên ngoài, mới có thể mau được nhất tâm bất loạn. Đại Thế Chí Bồ tát bảo: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối luôn, được Tam Ma Địa, đây là bậc nhất”, chính là ý này. Đức Văn Thù nói: “Nghe vào, nghe tánh mình. Tánh thành đạo Vô thượng”, cũng đồng một nghĩa trên đây. Rất không nên cho phép Trì Danh là cạn cợt, rồi tu theo các phép: Quán Tưởng, Quán Tượng, Thật Tướng. Trong bốn phép niệm Phật chỉ có môn Trì Danh là rất hợp cơ, nếu giữ đến một lòng không loạn, thì lý mầu thật tướng toàn thể lộ bày, cảnh lạ Tây phương hiện ra rõ rệt. Cho nên tức nơi Trì Danh mà chứng được thật tướng, không cần quán tưởng cũng thấy Tây phương; một pháp Trì Danh chính là cửa mầu vào đạo, con đường thẳng tắt đến quả Bồ đề. Người đời nay phần nhiều không hiểu về giáo lý của phép Quán, nếu tu theo Quán Tưởng, Thật Tướng, hoặc có khi bị ma dựa vào. Vậy tốt hơn là nên lựa hạnh dễ tu, cũng cảm được quả nhiệm mầu, đừng học khéo thành vụng, cầu siêu trở lại bị đọa, thì đáng tiếc lắm!

Quyển Tịnh Độ Thập Yếu do Ngẫu Ích Đại sư dùng mắt Kim Cang, lựa lấy những đoạn hợp lý hợp cơ trong các kinh sách Tịnh độ mà làm thành, đáng liệt vào bậc nhất. Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ghi chép những hạnh nguyện trong nhân, công đức trên quả của Phật A Di Đà cùng các vị Bồ tát: Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ. Kế đó lại ghi việc tự tu dạy người của các bậc Tổ sư, Thiện tri thức, như Ngài Huệ Viễn, Trí Giả, cùng những sự tích vãng sanh của bốn chúng và hàng vua, quan, sĩ, thứ, phụ nữ, người tội ác, loại Súc sanh. Trong ấy có phụ vào những ngôn luận thiết yếu, khiến cho người xem có chỗ nương tựa, không còn nghi ngờ. Đọc quyển này, có thể lấy người xưa làm Thầy, mà gắng tu Tịnh nghiệp, so với sự đi tham hỏi các bậc tri thức, lại càng thân thiết hơn. Bộ Long Thơ Tịnh Độ Văn phân loại về các môn tu trì, cạn lời khuyên tỏ, khiến cho người dứt nghi sanh lòng tin, là một pho sách rất hay để dẫn dắt kẻ sơ cơ. Ba thứ trên đây và Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, Quán Kinh Tứ Thiệp Sớ, cộng lại là năm, trước kia tôi đã nói với Thầy Phước Nghiêm thỉnh giùm gửi đến, không biết Nữ sĩ có được chăng? Nếu không, xin hồi âm, tôi sẽ do nhà bưu cục gởi tặng. Được mấy thứ sách ấy, có thể biết đủ các nghĩa tông Tịnh độ, dù không xem khắp các kinh cũng chẳng hại gì! Nếu không rõ pháp môn Tịnh độ, giả sử có hiểu sâu ba Tạng Kinh, ngộ suốt tự tâm chăng nữa, muốn thoát vòng sanh tử, còn trải qua không biết bao nhiêu đại kiếp mới làm tròn bổn nguyện. Niệm Phật như thuốc A Dà Đà trị hết muôn bệnh, pháp môn kỳ diệu như thế mà không biết, há chẳng đau tiếc lắm ư? Biết mà không tu, và tu mà không chuyên tâm gắng chí, lại càng đáng đau tiếc hơn nữa!

Người nữ ra khỏi nhà có nhiều chướng duyên, huống chi thêm sự độ dụng khó khăn, lại càng bất tiện. Nếu là người nam xuất gia làm tăng, còn phải vào thiền đường học nghi tắc cho biết quy củ nhà chùa, rồi đi du phương mới không trở ngại. Chẳng thế thì cả mười phương tòng lâm, không ở chỗ nào được. Việc thọ giới đối với nữ nhơn, như người gia tư đầy đủ có thể tự chủ, cũng nên đi đến chùa xin thọ, bằng không dư giả, hà tất phải cố định như thế! Chỉ cần một lòng tha thiết chí thành, đối trước bàn Phật sám hối bảy ngày, tự thệ xin thọ giới. Sám hối đến ngày thứ bảy xong, quì trước Phật xướng rằng: “Đệ tử là Phước Hiền thề thọ năm giới, làm mãn phần Ưu Bà Di. (Ưu Bà Di dịch là Cận Sự Nữ, mãn phần là giữ trọn năm giới). Thề suốt đời không giết hại, suốt đời không trộm cắp, suốt đời không dâm dục, (nếu có gia đình thì nói không tà dâm), suốt đời không nói dối, suốt đời không uống rượu.” Nói như thế ba lần, tức là đắc giới. Điều cần yếu là phải hết lòng thọ trì, thì công đức sánh với sự cầu chư tăng truyền giới cho vẫn không hơn kém. Chớ nên nghi rằng thọ giới như thế không đúng pháp, phải biết cách thức trên đây là do theo Thánh huấn của Như Lai trong Kinh Phạm Võng. Ở Phổ Đà, mùa thu không có truyền giới, chỉ truyền vào khoảng thượng tuần tháng giêng đến mười chín tháng hai thôi. Nhưng rất mong Nữ sĩ ở yên nơi nhà tu Tịnh nghiệp đừng bôn ba sương tuyết đến đây làm chi. Nếu còn chấp trước không đổi ý, ấy là chẳng biết điều hay dở, đã hại sự thanh tu của chính mình, lại phụ lời thành thật của lão tăng này nữa. Tôi muốn cho Nữ sĩ hiện đời thành tựu đạo nghiệp, quyết không có ý chi làm ngăn trở pháp duyên, xin nghĩ kỹ sẽ tự rõ. Đến như việc không được xuất gia ý muốn quyên sinh, xét ra chí nguyện tuy có mãnh liệt, nhưng tâm niệm ấy thật là si cuồng. Giữa thời Mạt pháp này, kẻ chơn tu rất ít, mấy ai là bậc hạnh giải cao siêu kham làm Thầy dẫn dắt cho người? Nữ sĩ chỉ biết xuất gia làm ni là giải thoát, nhưng chưa rõ nhiều nỗi chướng ngại của ni tăng. Và, cũng đừng tưởng rằng quyên sinh là rảnh nợ đời đâu? Một khi chết rồi, thần thức sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai, còn e do tâm niệm phẫn uất ấy, bị sa đọa vào loài bàng sanh, muốn trở lại làm thân người nữ cũng là việc cầu may khó được. Dù cho lại được làm thân người nữ, hoặc thân nam, hay là thân vua chúa cõi người, cõi trời, đâu có bảo đảm còn gặp Phật pháp mà tu hành? Và đâu chắc rằng ở trong Phật pháp lại hân hạnh gặp môn Tịnh độ là một pháp hiện đời vượt thoát vòng sanh tử? Dù có gặp được nữa, cũng đâu bằng bây giờ cứ nhẫn nại yên sống mà tu trì, đợi đến khi hết báo thân liền sanh về cõi Cực lạc? Tôi đã cạn lời khuyên nhắc, thử hỏi từ trước đến nay có ai vì Nữ sĩ chỉ rõ sự lợi hại ấy chăng? Nếu không y như lời lão tăng, tức là phụ ơn dạy bảo, sự khổ về sau sẽ còn gấp bội hơn ngày hôm nay nữa!

“Đường đạo tuy bằng song khó dắt. Phải do nơi kẻ quyết lòng đi.”Vậy nghe cùng không, Nữ sĩ tự nên suy xét. Xin nhờ đem những lời trên đây chuyển lại cho trinh nữ Phước Liên được biết.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tu Tịnh Nghiệp, Điều Căn Bản Là Phải Quyết Lòng Cầu Sanh Tây Phương

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
4.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
5.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
12.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
13.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
15.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
17.    Tuyển Tập Khuyến Tu Tịnh Độ, Nguyễn Long