Home > Khai Thị Niệm Phật > Niem-Phat-Khong-Duoc-Vi-Ban-Than
Niệm Phật Không Được Vì Bản Thân
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Niệm Phật không được vì bản thân. Niệm Phật đường của chúng ta được thành lập là dẫn dắt đại chúng huân tu, vì hết thảy chúng sanh khổ nạn. Niệm Phật phải có cảm ứng, cảm ứng đến từ tâm chân thành, nếu chỉ niệm suông thì làm gì có cảm ứng? Miệng niệm Phật thì tâm phải nghĩ tới Phật. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy chúng ta “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật niệm Phật, hiện tại hoặc tương lai nhất định gặp Phật.” “Ức” là trong lòng nhớ nghĩ, trong lòng thường có Phật thì công phu niệm Phật mới đắc lực. Thế nên niệm Phật nhất định phải nghe kinh, nhất định phải rõ đạo lý, chưa buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi thì có niệm Phật nhiều hơn chăng nữa cũng không thể vãng sanh.

Tối hôm qua tôi đi thăm hội trưởng Lý, ông ấy nói với tôi cuối tháng trước ông dẫn đoàn đi Trung Quốc lên núi lễ Phật, tham bái. Đoàn này có hơn 100 người, đều là người niệm Phật rất tinh tấn. Kết quả là trên đoạn đường lên núi lễ Phật, nhìn thấy khởi tâm động niệm của đồng tu đều là tự tư tự lợi. Ông ấy nói lúc ăn cơm có người còn lựa chọn chỗ ngồi.

Hội trưởng nói: “Tại sao anh lại ngồi chỗ này?”

Anh ấy nói: “Vị trí này an toàn”

Hội trưởng nói: “Cái gì an toàn?”

Anh ấy nói: “Bên đó có người bê món ăn, bê canh lên không cẩn thận sẽ làm dơ quần áo, bên này thì không bị. Hội trưởng, ông cùng ngồi bên này đi”

Hội trưởng nói: “Anh nhất định không thể vãng sanh”

Tại sao vậy? Từ chỗ này mà nhìn ra được đó là tự tư tự lợi. Phật Bồ-tát đem chỗ tốt nhường cho người khác, khổ nạn thì chính mình đón nhận, người như vậy nhất định có thể vãng sanh. Ngược lại, nơi nơi đều mong được lợi, người như vậy niệm Phật nhiều hơn đi nữa, hội trưởng Lý nói: “chắc chắn anh sẽ không vãng sanh”. Chúng ta thường nói, khởi tâm động niệm đều vì bản thân là phàm phu, người khởi tâm động niệm đều vì người khác là Bồ-tát, mê mờ hay giác ngộ đều là từ chỗ này mà xét.

Đi xe buýt, vừa mới lên là phải đi chiếm ngay chỗ tốt ngồi. Từ chỗ này mà xét, họ không biết quan tâm những người lớn tuổi. Quý vị xem cư sỹ Lý, ông ấy luôn đi sau người khác, không đi trước người khác nên cái mà ông nhận được là sự tôn kính của mọi người dành cho ông, nơi nào ông cũng vì người khác. Nếu quý vị nơi nào cũng nghĩ đến mình, chiếm chỗ tiện lợi, đẩy người khác xuống. Không tồi, quý vị có thể chiếm được cái lợi trước mắt nhưng ngày sau phải đi vào luân hồi, phải trải qua ngày tháng trong ba đường ác. Nếu trong một đời này, nơi nơi đều nhường người khác, đều đi phía sau người khác, trước mắt thì thấy có vẻ thua thiệt nhưng tương lai nhất định được sanh nơi đất Phật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải hiểu được sự thực này, phải có thể tha thứ cho hết thảy lỗi lầm của mọi người, không nên trách cứ người khác.

Thực tình mà nói, chúng ta không có tư cách trách cứ người khác, tại sao vậy? Chính bản thân chúng ta còn có lỗi lầm, nếu chính mình không có lỗi lầm thì mới có thể trách cứ người khác. Ai không có lỗi lầm? Phật không có lỗi lầm. Thế nên Bồ-tát gặp người đều rất khiêm tốn, vì sao vậy? Đẳng giác Bồ-tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, các Ngài còn có tâm hổ thẹn, đến quả địa Như Lai mới không có lỗi lầm. Thế nhưng chư Phật Như Lai trách cứ người khác đều vô cùng từ bi, chúng ta học Phật phải học từ những chỗ này.

Câu phía sau, “Kiến sát gia nộ” (thấy người khác bị tội chết mà còn oán giận). Đây là nói tới người phạm tội bị kết án tử hình, lúc thi hành án tử hình họ, chúng ta không có tâm thương xót, ngược lại còn sân hận, cái tâm này không tốt. Vào thời xưa, những người chấp pháp trong lúc hành hình tử tù đều rơi nước mắt. Mặc dù tội của phạm nhân đáng bị như vậy, nhưng họ cũng không nhẫn tâm nhìn người khác chết. Đặc biệt là những người vô tội, oan uổng, càng khiến người ta đau lòng, phải tìm mọi cách để cứu giúp bảo hộ họ, làm sao có thể oán giận thêm, làm sao còn có tâm sân hận chứ? Tâm như vậy là vô cùng tàn nhẫn, quả báo chúng ta có thể thấy biết được. Thế nên đối với người gặp nạn, phải nên có tâm thương xót, nên có tâm thông cảm, phải sanh tâm cứu giúp bảo hộ, đây là tâm nhân từ. Tâm tham sân si là tâm đọa vào tam đồ ác đạo. Tâm của Bồ-tát nhân từ vô cùng, tâm Phật là chân thành, bình đẳng, chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải biết làm thế nào học tập theo.

Trích từ: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên