Home > Khai Thị Phật Học
Sứ Mạng Của Giáo Dục Phật Đà Trong Thế Kỷ Hai Mươi Mốt
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Bài giới thiệu sáng lập Tập San Giáo Dục Phật Ðà

Thế giới ngày nay đã đi đến thời đại dân chủ, tự do, mở rộng; thông tin phát đạt, giao thông thuận tiện nhanh chóng, địa cầu hình như đã biến thành một thôn xóm – thôn địa cầu, việc này nói rõ nhân dân cư trú trên quả địa cầu này giao thiệp với nhau ngày càng thêm mật thiết, gần gũi. Quan hệ gần gũi như vậy thì từ từ sẽ phát sanh xung đột và mâu thuẫn giữa các đoàn thể chủng tộc, các truyền thống văn hóa chẳng đồng, các phương thức sinh hoạt, hình thái ý thức, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, đây là một hiện tượng tự nhiên. Hiện tượng này phải dùng phương thức thích hợp để tiêu trừ thì mới có thể đạt đến mức đoàn thể chủng tộc, văn hóa đa nguyên tôn trọng, quan hoài, và kính ái lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, cùng chung sáng tạo phước lợi xã hội cho toàn thể văn minh nhân loại đa nguyên, đây là mục tiêu chung của các tầng lớp lãnh đạo toàn thế giới và các thân hào nhân sĩ hướng đến.

Sự giáo học của Phật pháp được kiến lập vì vấn đề này. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta có Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là thế giới tân hưng (mới xây dựng) do đức Phật A Di Ðà kiếp lập, nơi đó cũng đề xướng dân chủ, tự do, mở rộng, hoan nghinh bạn bè thuộc các đoàn thể chủng tộc bất đồng, cùng chung chí hướng, đạo hiệp, đến từ bốn phương tám hướng, di dân đến địa khu ấy để cùng nhau sinh hoạt, tuy họ khác nhau nhưng cũng có những điểm giống nhau, điểm tương đồng chẳng trở ngại dị biệt, tương đồng và dị biệt chẳng hai, nhiều màu nhiều sắc, đẹp chẳng thể tả, tán thán kính trọng lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, cùng chung khai phát Cực Lạc thế giới, cho nên những đoàn thể chủng tộc tụ tập ở địa khu ấy phức tạp hơn địa cầu rất nhiều. Họ đã thông qua giáo dục trí huệ cao đẳng nên đạt được mục đích ấy. Trong kinh Hoa Nghiêm, Hoa Tạng thế giới của Tỳ Lô Giá Na Phật cũng giống như vậy! Thiên đường chẳng phải là một đoàn thể cộng đồng đa nguyên văn hóa hay sao! Chúng ta quan sát kỹ đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Ðà, Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Thượng Ðế làm thế nào để đối diện với hiện thực, giải quyết những vấn đề này. Chúng ta có thể rút tỉa khải thị từ trong đó, khai mở trí huệ xong thì sẽ biết làm thế nào giải quyết vấn đề của chúng ta.

‘Xây dựng đất nước, cai trị nhân dân, việc giáo học phải đi đầu’, người giác ngộ chân chánh biết chúng sanh tức là chính mình, thế nên Phật, Bồ Tát đều coi pháp giới như nhà mình, nên sự giáo hóa có thể hiện thành cõi nước an lạc.

Trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật nói với chúng ta ‘Phật sở hành xứ’ tức là những địa phương được đức Phật giáo hóa, có thể đạt đến hiệu quả này chăng? ‘Nước, ấp, làng xóm không nơi nào chẳng được Phật giáo hóa’, quốc gia, địa khu, thành thị, thôn trang, hết thảy chỗ ở của chúng sanh chẳng đồng đoàn thể chủng tộc được sự giáo hóa của đức Phật, đều thay đổi lòng dạ hẹp hòi của họ, mở rộng tâm lượng, bao dung hết thảy, hòa đồng hết thảy, lại có thể chẳng làm hoại hết thảy, từ từ có thể đạt được hiệu quả ‘thiên hạ hòa thuận’, và cũng tức là hết thảy mọi người khác chủng tộc đều có thể đối xử hòa mục, tùy thuận lẫn nhau, hiện nay gọi là ‘hoàn cảnh chuyển theo tâm chúng sanh’. Nếu người người ai cũng có thể biết đủ, chỉ lấy những gì mình cần mà thôi, tuyệt đối chẳng vượt quá phận mình, chẳng xâm phạm người khác, như vậy thì thiên hạ sẽ được hòa thuận. Những đoàn thể chủng tộc khác nhau trên quả địa cầu đều có thể chung sống hòa bình, thuận theo quy luật thiên nhiên, nhân tâm trở nên lương thiện, người đối xử với người phải chân thành, tuyệt chẳng gian dối, tâm địa của người nào cũng thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, đầy đủ trí huệ, lòng yêu thương; hoàn cảnh cư trú của chúng ta tự nhiên sẽ trở nên ‘ mặt trời, mặt trăng trong sáng, mưa thuận gió hòa, tai họa ôn dịch đều chẳng sanh’. Cho dù chẳng thể cắt đứt hết thảy hoạn nạn thì nhất định cũng sẽ hòa hoãn, giảm bớt.

Người Trung Quốc chú trọng phong thủy, phong thủy tức là hoàn cảnh cư trú của chúng ta, đích thật chuyển biến theo tình cảm, tư tưởng con người, đó chính là cảnh tùy tâm chuyển. Người xưa nói: ‘người có phước cư ngụ ở đất phước’, cũng là đạo lý này. Bởi vậy nên chúng ta cần phải biết cách tu phước, tích phước, sau đó mới được quốc thái dân an, tai hại do người gây ra có thể vĩnh viễn tiêu trừ. Chúng ta tuân theo đạo đức, đề xướng nhân nghĩa, hy vọng có thể đạt đến người người đều hiểu lý, đều có thể nhường nhịn, đối xử theo lễ với nhau, tránh khỏi cạnh tranh.

Cạnh tranh chẳng phải là một việc tốt, đến sau cùng nhất định sẽ sanh ra xung đột quyền lợi, chẳng nhường nhịn lẫn nhau, vậy thì tai nạn do người tạo ra sẽ chẳng thể tránh khỏi. Từ những môi giới thông tin chúng ta biết được hiện nay các nơi trên thế giới tai nạn dồn dập, vả lại mỗi năm càng nghiêm trọng hơn trước, ngày càng nghiêm trọng hơn trước, hơn nữa chẳng có dấu hiệu giảm bớt, đây là một chuyện lớn làm cho cả nhân loại âu lo. Nếu mọi người muốn tiêu trừ thiên tai nhân họa thì phải biết sự quan trọng của lễ nhượng và nhường nhịn. Phật nói với chúng ta đó chẳng phải chỉ làm lợi ích cho mình mà cũng là lợi ích xã hội, lợi ích cho hết thảy chúng sanh trong thế gian. Nếu chỉ biết vì lợi ích của mình thì nhất định sẽ gây hại cho người khác, gây hại cho kẻ khác thì sẽ kết oán thù với chúng sanh. Sanh mạng này chẳng phải chỉ có một đời mà thôi, mà là vĩnh hằng, nếu những oán thù này chẳng thể hóa trừ, oan oan tương báo, [oan trái dây dưa] chẳng bao giờ dứt. Cho dù đời này chẳng tạo ra tai nạn to lớn, sau này lúc nhân gặp duyên thì kiếp nạn từ trước đến giờ chưa có vẫn sẽ xảy ra, đây là tự làm tự chịu, cho nên chúng ta phải hiểu rõ đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này.

Tôi hy vọng tập san này sẽ có thể dùng tông chỉ Phật pháp hiện đại hóa, bản địa hóa để khuyến đạo người ta đối xử hòa mục, tuyên dương giáo nghĩa Ðại Thừa, đạt đến mục tiêu đa nguyên văn hóa cùng tồn cùng vinh. Cũng giống như lời kinh dạy: ‘Mạnh chẳng bức hiếp yếu, ai cũng được lợi ích’, nếu chúng ta có thể thiết thật thực hiện quan niệm này, và phát triển rộng ra thì tập san này sẽ thành công. Tôi tin tưởng nó sẽ thực sự cống hiến cho thời đại này, hy vọng mọi người chúng ta vì mục tiêu này cùng nhau khích lệ.