Home > Khai Thị Niệm Phật > Ta-Ba-La-Kho-Cuc-Lac-La-Vui-Nen-Phat-Long-The-Nguyen-Thiet-That
Ta Bà Là Khổ, Cực Lạc Là Vui, Nên Phát Lòng Thệ Nguyện Thiết Thật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Đức Như Lai ra đời nói pháp độ sanh, vẫn muốn cho tất cả loài hữu tình đều thoát khỏi sự sống chết, chứng ngay đạo Bồ đề. Nhưng vì chúng sanh căn cơ sai khác, không thể hoàn toàn thỏa mãn tấm lòng xuất thế của Phật, nên đấng Từ Nghiêm chỉ còn có cách tùy theo cơ nghi mà lần lượt dẫn dụ. Với bậc đại căn, đức Thế Tôn vì nói Phật thừa chỉ ngay bản tánh, khiến cho một đời tròn chứng quả Phật, như Thiện Tài trong Kinh Hoa Nghiêm, Long Nữ trong Kinh Pháp Hoa. Bậc thứ, thì Ngài vì nói Bồ tát, Duyên giác hoặc Thanh văn thừa khiến cho lần lượt tu tập và chứng quả. Bậc thứ nữa, Ngài lại vì nói ngũ giới, thập thiện, khiến cho không đọa vào đường ác, thọ thân Trời, Người, lần lượt gieo hột giống lành, tùy theo thiện căn lớn nhỏ, về sau trong pháp tam thừa do sức huân tập cũ mà phát ra hiện hạnh tu tập; hoặc có kẻ y theo Bồ tát thừa tu sáu độ muôn hạnh, chứng được pháp thân, hoặc có kẻ y theo Duyên giác, Thanh văn thừa, ngộ mười hai nhân duyên và pháp Tứ Đế mà dứt hoặc chứng chơn. Các pháp môn ấy tuy có lớn, nhỏ, mau, chậm không đồng, nhưng đều phải dùng sức mình tu tập sâu dầy mới có thể thoát nẻo luân hồi, chứng vào bản tánh. Nếu hai món hoặc kiến, tư còn chừng một mảy tơ thì gốc sanh tử vẫn chưa trừ được. Dù cho sức định huệ có sâu, cũng y như cũ theo đường luân chuyển. Như bậc A na hàm còn phải sanh về cõi trời Ngũ Bất Hoàn, trải qua nhiều kiếp mới chứng quả A la hán. Đến địa vị này thì gốc sanh tử mới dứt hẳn. Nhưng đó cũng chỉ là quả nhỏ của hàng Thanh văn, còn phải hướng về nẻo đại Bồ đề, nương theo bản nguyện thọ sanh trong mười phương thế giới, rộng tu sáu độ muôn hạnh, để trên cầu đạo Phật, dưới độ chúng sanh. Từ đó tùy nơi công hạnh của mình sâu cạn hoặc chậm mau, mà lần lượt chứng vào Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, rồi Đẳng giác. Đến vị này lại còn phá một phẩm vô minh, chứng một phần Tam Đức mới vào ngôi Diệu giác mà thành Phật.

Trong một đời thời giáo của Như Lai, các pháp môn tuy không lường không ngằn, song địa vị chứng nhập rốt lại không qua những ngôi thứ trên đây. Như bên tông Thiền chỉ ngay bản tâm, thấy tánh thành Phật, rất là tròn tắt mau lẹ; nhưng đó là ước theo pháp thân saün có, không trải qua nhân quả tu chứng mà luận, nếu y theo địa vị tu chứng thì cũng không gì khác với bên Giáo. Giữa đời Mạt pháp này, bậc Thiện tri thức rất ít, căn người lại hèn kém, tìm được kẻ tỏ ngộ còn khó thay, huống chi là thật chứng? Đức Như Lai biết chúng sanh nếu chỉ nương nơi sức mình rất khó được giải thoát, nên ngoài các pháp môn, lại mở riêng môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Như lòng tín nguyện được chơn thiết, dù cho kẻ phạm tội Ngũ nghịch Thập ác khi sắp chết tướng Địa ngục hiện, có bậc Thiện tri thức dạy bảo niệm Phật mười câu hoặc một đôi câu, cũng được nhờ sức từ của Phật tiếp dẫn vãng sanh, huống nữa là người tu các pháp lành không làm ác ư? Nếu là bậc tinh tu phạm hạnh, sức thiền định sâu thì phẩm sen càng cao, thấy Phật nghe pháp mau lẹ, đến như người đại triệt đại ngộ, dứt hoặc chứng chơn cũng nên hồi hướng vãng sanh, để cầu tròn chứng pháp thân, mau thành quả Phật. Các pháp môn khác, nếu nhỏ thì hạng đại căn không cần tu, lớn thì hạng tiểu căn không thể tu; chỉ có môn Tịnh độ này trùm khắp ba căn, gồm thâu lợi độn, cao siêu như đức Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, không thể vượt ra ngoài, thấp kém như kẻ Ngũ nghịch, Thập ác chủng tánh A tỳ cũng được dự vào trong. Giả sử đức Như Lai không mở môn này, thì chúng sanh đời Mạt pháp chẳng còn hy vọng thoát đường sanh tử. Nhưng pháp môn Tịnh độ tuy rộng lớn như thế, mà cách tu lại rất dễ dàng. Vì cớ ấy, chẳng những phàm phu khó tin mà hàng Nhị thừa cũng đa nghi, cho đến bậc quyền vị Bồ tát hoặc còn lòng ngờ, trừ những người kiếp trước có gieo căn lành Tịnh độ và bậc Đại thừa Bồ tát quả vị đã cao mới sanh được lòng tin sâu chắc. Như Thái tử khi vừa sanh ra, tuy tài đức chưa lập, song nhờ thế lực của vua cha, nên sang trọng hơn quần thần, người đủ tín nguyện niệm Phật dù là phàm phu song chủng tánh đã hơn Nhị thừa, vì biết đem tâm phàm gieo vào biển giác, thầm hiệp với đạo mầu, nhờ sức Phật mau lên bậc Bất thối.

Muốn nói môn Tịnh độ, nếu không so sánh lược qua sự khó dễ về tự lực của các môn khác cùng tha lực của pháp này, thì dù không nghi pháp cũng sanh ra nghi ngờ chính mình. Và nếu lòng nghi còn một mảy tơ, tất sẽ nhân nghi thành chướng, đừng nói không tu, có tu cũng chẳng được hoàn toàn thật ích. Vì thế tin là điều nên tìm cầu trước nhất. Phải tin nhận chắc cõi Ta bà thật là khổ, cõi Cực lạc thật vui. Sự khổ ở Ta bà không lường, không ngằn, ước lại có tám điều: sanh, già, bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gỡ, cầu không toại ý, năm ấm lẫy lừng. Tám món này, dù sang như vua chúa, hèn như kẻ ăn xin cũng không tránh khỏi. Bảy thứ trước là quả cảm của đời quá khứ, một món sau là nhân khổ của đời vị lai, nhân quả dây dưa nối nhau không dứt, hết kiếp này đến kiếp khác chẳng được thoát ly. Ngũ ấm là năm món che, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức che lấp chơn tánh như mây đen án mặt trời không cho ánh sáng hiển lộ, và đối với sáu trần khởi hoặc gây nghiệp như ngọn lửa bốc cháy nên gọi là lẫy lừng. Món thứ tám này là cội gốc của tất cả sự khổ. Người tu hành khi sức thiền định đã sâu, không chấp sáu trần, không khởi lòng ưa ghét, từ nơi điểm ấy gia công thì hoặc nghiệp sẽ lần trừ sạch, dứt hẳn nguồn sanh tử. Nhưng công phu ấy rất không dễ, trong đời Mạt pháp thật khó có người làm được, nên cần phải chuyên tu Tịnh nghiệp cầu sanh Cực lạc, nhờ sức từ của Phật tiếp dẫn về Tây phương. Đã đến cõi ấy, hóa sanh nơi hoa sen, thì không còn sự khổ về sanh; thuần tướng đồng nam, sống lâu như hư không, thân không suy biến, thì già, bệnh, chết chẳng còn nghe tên huống là có thật? Từ đó bạn cùng Thánh chúng, gần với Di Đà, chim nước rừng cây diễn nói pháp mầu, tùy nơi căn tánh nghe rồi tu chứng, chừng ấy người thân còn không có, lựa là oan gia? Ở cõi Cực lạc, tưởng ăn được ăn, tưởng mặc được mặc, cung điện lâu đài đều là châu báu tự nhiên hóa hiện, bảy điều khổ ở cõi trược đã đổi thành bảy điều vui, đến như thân thì có thần thông oai lực lớn, không rời chỗ ở, trong một niệm có thể đến khắp mười phương thế giới làm những việc cầu Phật độ sanh; tâm thì có trí huệ biện tài cao, nơi một pháp biết hết thật tướng các pháp, tuy nói việc thế gian đều hợp với lý mầu. Thế là nỗi khổ năm ấm cũng không còn, chỉ hưởng sự yên vui tịch tịnh. Cho nên trong kinh nói: “Thế giới ấy tên là Cực lạc, vì chúng sanh ở cõi đó không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui”.Tóm lại, nỗi khổ ở Ta bà tả chẳng xiết, sự vui ở Cực lạc nói không cùng, nếu cư sĩ dứt hẳn mối nghi ngờ, tin chắc lời của Phật, mới gọi là tin sâu. Nên để ý: đừng đem trí hiểu biết của phàm phu suy độ, nhận lầm rằng: “Bao nhiêu sự mầu lạ không thể nghĩ bàn ở Tây phương đều thuộc về ngụ ngôn để thí dụ cho tâm pháp, chớ không phải cảnh thật”.Nếu có sự hiểu biết lầm lạc ấy, tất sẽ mất điều lợi ích vãng sanh Tịnh độ, mối hại này rất lớn, phải nên cẩn thận.

Đã biết Ta bà là khổ, Cực lạc là vui, nên phát lòng thệ nguyện thiết thật, nguyện lìa Ta bà về Cực lạc. Lòng nguyện ấy ví như người bị sa xuống hầm nhơ cầu mau ra khỏi, lại như kẻ ở lao ngục mong nhớ cố hương. Sự mong cầu cần phải khẩn thiết, vì sức mình không thể tự thoát khỏi, phải nhờ bậc có thế lực lớn dìu dắt. Chúng sanh ở cõi Ta bà, đối với cảnh thuận nghịch khởi lòng tham, giận, mê, gây nghiệp giết, trộm, dâm, làm ô uế bản tâm trong sạch, ấy là hầm nhơ sâu thẳm. Đã gây nghiệp ác, tất chịu quả khổ, trải nhiều kiếp luân hồi trong sáu nẻo đó là lao ngục lâu dài. Về kiếp trước, đức A Di Đà phát bốn mươi tám lời nguyện độ sanh, trong ấy có một nguyện: “Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu Ta, chí tâm xưng niệm cho đến mười lần, cầu sanh về Cực lạc, như không được vãng sanh, Ta thề không thành Phật”.Đức Từ phụ tuy thệ nguyện độ sanh như thế, nhưng nếu chúng sanh không cần tiếp dẫn, Phật cũng chẳng biết làm sao? Như có người hết lòng xưng danh, cầu lìa cõi Ta bà, đều được Phật xót thương tiếp dẫn. Đức A Di Đà oai lực rất lớn, có thể cứu vớt loài hữu tình ra khỏi hầm nhơ lao ngục ở cõi trược, đem về Cực lạc, khiến cho vào cảnh giới Phật, đồng sự thọ dụng của Như Lai. Muốn sanh Tây phương, trước phải tin sâu nguyện thiết. Thiếu hai điều này, dù có tu, cũng không thể cảm ứng với Phật, chỉ được phước báo cõi Trời, Người và gieo nhân giải thoát về sau mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì muôn người vãng sanh không sót một. Ngài Vĩnh Minh đã bảo: “Muôn tu, muôn người về”là chỉ cho người có tín nguyện đầy đủ vậy. Đã tin sâu, nguyện thiết lại phải tu hạnh niệm Phật, dùng tín nguyện làm tiên đạo, niệm Phật làm chánh hạnh. Ba món này chính là tông yếu của pháp môn Niệm Phật, nếu thiếu một, quyết không thể vãng sanh.

Về hạnh niệm Phật, đều tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà lập, không thể chấp định một lề lối. Như thân được nhàn nhã, nên từ mai đến chiều, chiều lại mai, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, mặc áo, dùng cơm, cho đến lúc đại tiểu tiện, tất cả thời, tất cả chỗ, làm sao cho câu niệm Phật chẳng rời lòng. Như khi tắm gội sạch sẽ, y phục chỉnh tề và chỗ nơi thanh khiết thì niệm thầm hay ra tiếng đều được. Nếu lúc ngủ nghỉ, mình trần, đi đại tiểu tiện, và chỗ nơi không sạch, chỉ nên niệm thầm; chớ nói là những khi không nghiêm sạch như thế chẳng nên niệm, chỉ e lúc ấy niệm không được đó thôi! Tuy rằng niệm Phật là công việc suốt đời đừng cho xen hở, nhưng mỗi buổi sớm mai phải lễ Phật, trước tụng Kinh A Di Đà qua một lần, chú vãng sanh ba lần, rồi đọc bài kệ “A Di Đà Phật thân sắc vàng...”Đọc kệ xong, niệm“Nam Mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ Đại Bi, A Di Đà Phật.”Kế tiếp niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”hoặc năm trăm câu, một ngàn câu, càng nhiều càng tốt. Khi niệm nên đi nhiễu quanh bàn Phật, nếu chỗ đi nhiễu không tiện, thì quì, hoặc ngồi, hoặc đứng niệm đều được. Niệm sắp xong lại quì trước bàn Phật niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng, mỗi Thánh hiệu 3 lần, rồi đọc bài văn Tịnh độ, phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Đọc văn Tịnh độ là y theo nghĩa trong văn mà phát tâm, nếu chẳng thế thì thành đọc suông, không được thật ích. Sau bài phát nguyện, niệm Tam Quy Y, lễ Phật lui ra. Đây là thời khóa buổi mai, chiều cũng như thế. Nếu muốn lạy Phật nhiều, hoặc sau khi niệm Phật, tùy ý đảnh lễ, kế tiếp chín lần xưng danh Bồ tát, lễ chín lạy rồi phát nguyện hồi hướng; hoặc lúc công khóa xong, muốn lạy bao nhiêu cũng được. Lễ Phật phải chí thành khẩn thiết, chẳng nên lếu láo thô sơ; bồ đoàn không được quá cao, cao thì mất sự cung kính.

Như công việc đa đoan không rỗi rảnh, nên định vào buổi sáng sớm sau khi súc miệng rửa mặt, có bàn Phật thì đến trước lễ ba lạy, rồi đứng thẳng chắp tay niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”hết một hơi là một niệm. Niệm đủ mười hơi, tiếp đọc bài kệ “Nguyện cùng người niệm Phật. Đều sanh về Cực lạc. Thấy Phật thoát sanh tử. Như Phật độ tất cả.”Đọc kệ xong, lễ Phật ba lạy lui ra. Nếu không bàn Phật thì chắp tay hướng về phương Tây cũng như cách thức trên mà niệm. Đây là phép Thập Niệm của Ngài Từ Vân Sám Chủ lập ra cho hàng vua quan, việc chánh rối nhiều không đủ thời giờ tu tập. Tại sao phải niệm luôn hết một hơi? Vì tâm chúng sanh tán loạn lại không rảnh để chuyên niệm, niệm như thế là mượn hơi nhiếp tâm khiến cho quy nhứt. Nhưng phải tùy hơi dài ngắn không nên ép, ép thì hao hơi; lại chỉ giữ đủ mười niệm không nên hai hoặc ba mươi, nhiều cũng lao hơi. Bởi vì tán tâm niệm Phật khó được vãng sanh, phép này làm cho tâm chuyên nhất, tuy số niệm có ít nhưng công đức rất sâu, quyết định sẽ sanh về Cực lạc. Lúc rảnh và gấp đã có cách thức, thì khi bình thường không rảnh gấp, nên châm chước mà lập phép tắc tu trì.

Lại người niệm Phật, mỗi việc phải gìn lòng trung thứ, mỗi niệm đề phòng sự lỗi lầm, biết lỗi mau cải, thấy việc nghĩa vui làm, mới hợp với Phật. Nếu chẳng thế, tất nơi lòng còn có sự chướng ngại, không hợp với tâm Phật, quyết khó cảm thông. Và, khi lễ bái, tụng Kinh Đại thừa cùng làm tất cả việc hữu ích trong đời, đều phải hồi hướng về Tây phương, không nên chỉ đem hạnh niệm Phật hồi hướng vãng sanh, còn bao nhiêu công đức kia để hồi hướng về phước báo thế gian. Nếu như thế là tâm không quy nhứt rất khó vãng sanh. Phải biết người chân thật niệm Phật, tuy không cầu phước báo thế gian, song cũng được sống lâu, mạnh khỏe, cửa nhà yên vui, con cháu phát đạt, tóm lại bao nhiêu phước báo ở đời đều được đầy đủ. Nếu riêng cầu phước không chịu hồi hướng vãng sanh, thì trái lại phước báo rất kém ít, có hại đến sự vãng sanh. Pháp môn Niệm Phật các Kinh Đại thừa đều khen ngợi, Kinh Tiểu thừa tuyệt không nói đến, người chưa thông giáo lý bác niệm Phật là Tiểu thừa, ấy là nói càn, chớ nên nghe theo. Đến như sự cầu cơ mà cư sĩ nói, phần nhiều thuộc về loài linh quỉ dựa theo trí thức của người cầm cơ để viết ra. Trong ấy nếu bàn về việc thế gian thì có phần đúng, còn về Phật pháp, vì không phải chỗ họ hiểu biết, nên lầm đặt ra diệu ngôn như sau quyển Kim Cang Trực Giải có phụ thêm những hiệu Tiên Thiên, Cổ Phật v.v... Ấy là lời ma rất ác, làm mất trí huệ, hại chánh kiến của người, nếu đem ra truyền bá, đã không phước còn mang tội lớn nữa.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Ta Bà Là Khổ, Cực Lạc Là Vui, Nên Phát Lòng Thệ Nguyện Thiết Thật

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
2.    Long Thư Tịnh Độ, Vương Nhựt Hưu | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
3.    Luận Tịnh Độ, Đời Đường, Thích Ca Tài ở chùa Hoằng Pháp Kinh đô | Giới Niệm - Diệu Thảo - Chúc Đức, Việt Dịch
4.    Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ, Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan | Sa Môn Thích Bửu Hà, Việt Dịch
5.    Nghi Thức Tịnh Độ, Khuyết Danh, Việt Dịch
6.    Ngũ Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Sinh Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thượng Tọa Thích Chân Tính, Việt Dịch
8.    Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ
9.    Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
10.    Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh, Pháp Sư Khương Tăng Khải | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
11.    Tam Kinh Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
12.    Tâm Thư Tịnh Độ, Diệu Âm Trí Thành
13.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Thích Nguyên Thành, Việt Dịch
14.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
15.    Tịnh Độ Cảnh Quan Yếu Môn, Sa Môn Hoài Tắc Ở Hổ Khê thuật | Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn, Việt Dịch
16.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
17.    Tịnh Độ Giảng Lược, Hòa Thượng Thích Giác Quang
18.    Tịnh Độ Giáo Khái Luận, Pháp Sư Thích Ấn Hải | Ni Sư Thích Nữ Viên Thắng, Việt Dịch
19.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
20.    Tịnh Độ Ngũ Kinh, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Việt Dịch