Home > Khai Thị Niệm Phật
Ngày Xuân Nói Chuyện Dịch Kinh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh


Tôi có quan niệm, dịch không phải để cho mình đọc mà để cho mọi người đọc. Vì vậy nên khi dịch, tránh dùng văn tự cầu kỳ, bóng bẩy làm người đọc tụng khó hiểu. Tôi thường chọn bản văn chữ Hán của Ngài Cưu Ma La Thập để dịch vì văn nghĩa rất phổ thông, mạch lạc, dễ hiểu. Riêng những bản văn của Ngài Huyền Trang vì dùng nhiều từ ngữ triết lý sâu xa rất khó đoán định, phải nghiệm lắm mới thông suốt. Cho nên theo tôi, những văn bản của Ngài Huyền Trang dùng để nghiên cứu, học tập hay hơn là để đọc tụng. Tôi nghĩ rằng pháp của Phật sâu xa, mầu nhiệm, vốn đã khó rồi mà chúng ta còn dùng văn tự khó hiểu nữa thì làm sao người đọc lãnh hội được. Điều đáng lưu ý nữa là trong khi ngồi dịch, tâm mình phải theo âm vận, làm thế nào để đọc cho suông sẻ và nghe cho vui tai, nếu âm vận nghe trắc quá sẽ gây cho người đọc cảm giác khó chịu, mệt mỏi.

Trước đây, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt có yêu cầu tôi dịch bộ Phạm Võng cho những người thọ giới Bồ tát Bố Tát. Sau đó, cũng có vài vị Tôn đức cũng dịch, nhưng có lẽ vì không để ý đến âm vận nên nhiều người đã nhận xét: “ Nếu dùng để đọc tụng rất khó vì câu văn nghe trắc quá”. Cho nên, ở đây tôi phải nói thẳng: “ Phật pháp bất vị nhơn tình”, nếu theo nhơn tình thì sẽ hư việc. Ví như giới luật nhà Phật, nếu chìu theo nhơn tình thì đâu còn giới luật. Tuy rằng Phật pháp vốn không rời nhơn tình, đúng việc cũng phải tùy thuận nhơn tình. Thường thì trước khi dịch kinh, tôi chọn thời điểm thích hợp, tránh các chuyện chung quanh. Thí dụ như ngày nào không có Phật sự, giao tiếp thì phải bắt đầu từ 07giờ 30 sáng tôi lên phòng riêng làm việc đến 12 giờ trưa mới xuống dùng cơm, buổi chiều từ 14 giờ tới 18 giờ. Trước khi viết tâm mình phải thật vắng lặng, phải quán xuyến trước sau, thông suốt ý nghĩa. Tôi khởi sự dịch kinh năm 30 tuổi (1947). Bộ kinh Pháp Hoa được khởi dịch đầu tiên ở chùa Kim Huê (thị trấn Sa Đéc) Đồng Tháp, ngay nơi sanh quán của tôi. Sau đó, tôi dịch tiếp các bộ kinh Tam Bảo, Địa Tạng, Phẩm Phổ Hiền, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Phạm Võng, Đại Bửu Tích…

Tôi cũng có dịch cuốn Ngộ Tánh Luận của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, đây là một trong mấy quyển của Ngài được ghi trong Tục Tạng để cho mọi người biết rằng, Tổ cũng để lại kinh sách chớ không phải chỉ có ngồi nhìn vách (cửu niên diện bích). Nên khi dịch quyển này, tôi cảm nhận như được sự trợ lực của oai thần Tam Bảo và sự hộ niệm của chư vị Tổ sư. Nên khi dịch và phân 32 đoạn xong, tôi sửng sốt vì con số 32 đoạn này ngẫu nhiên trùng hợp với con số 32 chương trong quyển kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật mà Chiêu Minh Thái tử đời nhà Lương đã phân định từ ngàn xưa.

Đối với người thọ trì đọc tụng, nên biết rằng, kinh Phật là Pháp Vương, phải hết sức trân trọng. Ngày xưa tiền thân đức Phật muốn tu hành phải xả thân cầu đạo, ngày nay, mọi việc tu hành được thuận lợi hơn nhiều vì có kinh sách chỉ đường mà chúng ta thờ ơ ỷ lại là điều đáng trách. Nếu người nào còn thích đọc tụng kinh chữ Hán hoặc chữ Pali thì phải học để thông hiểu được ý nghĩa lời Phật dạy hầu ứng dụng tu hành. Nếu không học được thì nên đọc tụng bằng những bản kinh dã dịch ra Việt ngữ sẽ có lợi ích hơn.

Chúng ta ngày nay không gặp Phật ra đời, nhưng gặp các vị Bồ tát cũng quý rồi, cộng thêm có kinh sách chỉ đường dẫn lối. Như vậy, muốn no thì phải ăn, muốn giải nghiệp thì phải thật sự tu hành, đừng chấp lỗi người khác, Phải tự soi xét lại mình, coi căn lành có lớn chưa, nguyện lực có tha thiết chưa, tu hành có chánh định chưa. Tu hành quan trọng là ở chỗ không dính mắc, có như vậy mới mong thoát khỏi trần lao nghiệp chướng đã nhiều đời nhiều kiếp.

Nhân ngày sinh nhật 02 tháng 09 Mậu Thìn (1988), tôi có cảm tác một bài thơ như sau:

“ Tuổi ngoài bảy chục gẫm nhơn sanh
Nhơn sanh vô nghĩa mãi trôi nhanh
Ăn uống, uống ăn, lo đại tiểu
Việc làm, làm việc, nhọc bại thành
Sống theo danh lợi phiền đắc thất
Chết để thịt xương ngán hôi tanh
Ân cần nhắn gởi chư thân hữu
Đạp phá cửa trần gấp chuyển nhanh “