Home > Khai Thị Phật Học
Kinh Chú Sám Tán Tụng Kệ Kinh
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


KINH

Những loại sách được gọi là “KINH”, không phải chỉ hạn cuộc ở trong Phật giáo. Thời cổ(1) có Năm Kinh, Sáu Kinh, Mười Ba Kinh, Đạo Đức Kinh, Sơn Hải Kinh, Trà Kinh, đều được gọi là “kinh”. Về sau có Ca Diếp Ma Đằng(2), Trúc Pháp Lan(3), là hai vị đầu tiên dịch kinh Bốn Mươi Hai Chương(4); được nội điển gọi là “kinh”, bắt đầu từ đó.

Tiếng Phạn “tu đa la”, các nhà dịch cũ dịch là “khế kinh”; vì trên thì phù hợp với đạo lí của chư Phật, dưới thì phù hợp với căn cơ của chúng sinh, cho nên gọi là “khế kinh”. Nay lược bỏ chữ “khế” đi, chỉ còn lại chữ “kinh”. Kinh Phật tức là giáo pháp do Phật nói ra. Nếu có thể nương nơi kinh văn mà tỏ ngộ được chân lí, thì công đức thật là vô lượng. Nếu giải thích ý nghĩa, kinh gồm có năm nghĩa, bốn nghĩa khác nhau. Các bộ kinh như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, v.v... đều là KINH vậy.

CHÚ

Tiếng Phạn “đà la ni”13(5), dịch là “chú”; có loại không chữ, loại một chữ, loại nhiều chữ khác nhau; do Phật và Bồ tát, từ trong thiền định, phát ra những câu nói bí mật, thường không được dịch nghĩa. Chúng ta chỉ theo âm mà đọc tụng, tự nhiên có đầy đủ uy lực lớn; nếu cứ theo từng chữ từng câu mà giải nghĩa một cách miễn cưỡng, tức là làm mất chân ý. Chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, chú Vãng Sinh, v.v... đều là CHÚ vậy.

SÁM

Tiếng Phạn “sám ma”, nói tắt là “sám”, nghĩa là ăn năn tội lỗi. Tất cả chúng sinh, bất luận là ở đời trước hay đời này, những suy nghĩ và hành động của thân miệng ý, nếu chưa có thể phù hợp với pháp lành, thì tất cả đều là tội lỗi vậy. Thật là tội chất như núi, ác nghiệp sâu như biển! Nếu không đối trước chư Phật và Bồ Tát, chí tâm sám hối, thề sẽ không tạo tội nữa, khiến cho các chủng tử ác không khởi thành hiện hành, thì trong tương lai, khi nhân duyên tụ họp, chắc chắn sẽ xuất hiện các cảnh giới của ba đường dữ. Cho nên, “bái sám” là một loại thời khóa trọng yếu trong nhà Phật, cần phải hành trì thường xuyên. Các sách như Lương Hoàng Sám(6), Thủy Sám(7), v.v... đều là SÁM vậy.

TÁN

Người đời phần nhiều hay khoe mình, mà hủy báng người khác. Tập quán đó làm cho tăng trưởng tâm ngã mạn, dẫn đến gây nhiều tội lỗi. Cho nên trong khi tu tập, hành giả nên làm ngược lại, hãy tự nói tới những lầm lỗi của mình –đó tức là “sám”; và khen ngợi công đức của người khác –đó tức là “tán” vậy. Trong loài người, công đức của chư Phật và Bồ tát là to lớn nhất, địa vị của các Ngài lại cao tột; cho nên những bài văn tán thán, đều lấy chư Phật và Bồ tát làm đối tượng, không những lời lời chân thành, thiết tha, cao sâu, đẹp đẽ, đọc lên liền sinh tâm kính ngưỡng, trừ bỏ vọng niệm, mà còn ngụ cái ý muốn học theo cái đức của các bậc thánh hiền. Các bài tán như Đại Di Đà, Lư Hương, Già Lam, v.v... đều là TÁN vậy.

TỤNG hoặc KỆ

Tiếng Phạn “già đà”, dịch là “tụng”, hoặc “kệ”, là lấy yếu nghĩa trong bài văn, kết làm bốn câu, cho dễ nhớ để tụng đọc; số chữ trong mỗi câu không nhất định: hoặc bốn chữ, hoặc năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, v.v...

Kinh nói: Cái thể của giáo pháp chân thật ở phương này, nó thanh tịnh ở tại tiếng nghe. Cho nên, nếu mượn cảnh để nhiếp tâm, thì dùng âm thanh là tốt nhất. Hoặc tụng kinh, hoặc trì chú, bái sám, hay xướng tán, tụng kệ, đều là dùng âm thanh mà làm Phật sự. Văn tự tuy được tuyên thuyết từ miệng, mà công hiệu chính thật đạt được nơi tâm, cho nên tiếng khánh, tiếng mõ(8) đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa; mong rằng, chớ nên nhìn một cách cạn cợt.


CHÚ THÍCH

01. Năm kinh là: kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thơ, kinh Lễ, và kinh Xuân Thu.

02. Năm kinh trên, thêm kinh Nhạc là sáu kinh. Kinh Nhạc bị mất vào đời Tần, nên không còn truyền lại.

03. Mười ba kinh là các kinh: Dịch, Thi, Thơ, Lễ, Xuân Thu, Châu Lễ, Nghi Lễ, Công Dương, Cốc Lương, Hiếu, Luận Ngữ, Nhĩ Nhã, và Mạnh Tử.

04. Đạo Đức Kinh do Lí Nhĩ (tức Lão Tử) đời nhà Châu soạn.

05. Sơn Hải Kinh, chưa rõ do ai soạn, gồm 18 thiên, trong đó phần nhiều ghi thuật những chuyện về địa lí, thần quái.

06. Trà Kinh gồm 3 thiên, do Lục Vũ đời Đường soạn, toàn nói những việc có liên quan đến trà.

07. Ca Diếp Ma Đằng, hay Nhiếp Ma Đằng, là người Trung Thiên trúc, thông hiểu kinh điển đại thừa lẫn tiểu thừa. Vua Hán Minh Đế sai Thái Âm (giáo sư Lê Mạnh Thát, trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam Tập 1, nói là “Thái Hâm” – HC) sang nước Thiên trúc cầu pháp, gặp được Ca Diếp Ma Đằng. Năm Vĩnh bình thứ 10, ngài cùng với Trúc Pháp Lan cùng sang đến Lạc dương, dịch kinh Bốn Mươi Hai Chương. Đó là vị cao tăng Ấn độ đầu tiên đến truyền pháp ở Trung quốc.

08. Trúc Pháp Lan là người Trung Ấn độ, đã cùng với Ca Diếp Ma Đằng, sang Trung quốc hoằng dương Phật pháp.

09. Kinh Bốn Mươi Hai Chương là kinh đầu tiên được truyền vào Trung quốc, do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan (thời Hậu Hán) cùng dịch.

10. Giáo điển của nhà Phật, gọi là “nội điển”.

11. Trong Tạp A Tì Đàm Tâm Luận có nêu năm ý nghĩa của KINH: 1) Sinh ra các pháp; 2) Hiển bày giáo lí; 3) Nghĩa lí không cùng tận; 4) Phân rõ chánh tà; 5) Nghĩa lí trước sau đều nhất quán.

12. Bốn ý nghĩa của KINH: xuyên suốt mọi lí lẽ (quán); nhiếp giữ mọi sinh hóa (nhiếp); xưa nay không thay đổi (thường); xa gần đều nương dựa (pháp).

13. Phạn ngữ “đà la ni”, dịch ra Hán ngữ là “tổng trì”, nghĩa là gồm thâu tất cả các pháp và giữ gìn vô lượng ý nghĩa. Nguyên “chú đà la ni” chỉ là một trong bốn loại đà la ni, nhưng thông thường cứ cho chú là đà la ni.

14. Như kinh Viên Giác nói: “... có môn đại đà la ni tên là Viên Giác...”, tức là lấy “viên giác” làm đàla ni; mà “viên giác” chỉ là một cái TÂM, hoàn toàn không có văn tự, cho nên, đó là đà la ni không chữ.

15. Đà la ni một chữ: như loại chữ “án”, chữ “hồng”, v.v...

16. Đà la ni nhiều chữ: như các loại chú Lăng Nghiêm, Đại Bi, v.v...

17. Chú Lăng Nghiêm cũng có tên là chú Phật Đảnh, tức là thần chú được nói trong kinh Lăng Nghiêm.

18. Chú Đại Bi là tên gọi tắt của chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni.

19. Chú Vãng Sinh là tên gọi khác của chú Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni.

20. Thức a lại da có công năng phát sinh tất cả các pháp, gọi đó là “chủng tử”. Do chủng tử này mà sinh ra các pháp sắc và tâm, hiện ra các cảnh giới khổ vui, gọi đó là “hiện hành”.

21. Bà Hi thị, vợ của vua Lương Võ đế, sau khi chết bị đọa làm thân con trăn. Nhà vua đã vì bà mà viết ra bộ Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp (gồm 10 quyển), thỉnh chư tăng lễ sám để cầu siêu cho bà. Người đời sau nhân đó gọi là Lương Hoàng Sám.

22. Thiền sư Ngộ Đạt (đời nhà Đường), trên đầu gối có mọc một mụt ghẻ mặt người, gặp được vị thần tăng bụm nước suối rửa, mụt ghẻ liền lành, nhân đó mà trước tác bộ Từ Bi Thủy Sám (gồm 3 quyển).

23. Kiêu ngạo chấp ngã, khiến cho tâm giương cao, rồi nhân đó mà khinh người, gọi là “ngã mạn”.

24. Bài tán “Đại Di Đà” dùng để xưng tán đức Phật A Di Đà; câu khởi đầu là: “Di Đà Phật, đại nguyện vương, ......”

25. Bài tán “Lư Hương” là bài văn đốt hương xưng tán Phật, được đọc mỗi khi khởi đầu pháp sự; câu đầu tiên là: “Lư hương sạ nhiệt, pháp giới mông huân, ......”

26. Bài tán “Già Lam” dùng để khen ngợi chư vị Bồ tát hộ pháp, câu khởi đầu là: “Già lam chủ giả, hiệp tự uy linh, ......”

27. Loại kệ mỗi câu bốn chữ như: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp; sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.”

28. Loại kệ mỗi câu năm chữ như: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.”

29. Loại kệ mỗi câu sáu chữ, như bài kệ của Lục Tổ sau đây: “Bồ đề chỉ hướng tâm mịch, hà lao hướng ngoại cầu huyền, ......”

30. Loại kệ mỗi câu bảy chữ, như bài tụng Bát Thức Qui Củ sau đây: “Bất động địa tiền tài xả tàng, Kim cang đạo hậu dị thục không, đại viên vô cấu đồng thời phát, phổ chiếu thập phương trần sát trung.”


PHỤ CHÚ

(01) Chữ “thời cổ” tác giả dùng ở đây là chỉ cho thời cổ ở Trung quốc.

(02) Ca Diếp Ma Đằng (Kasyapamatanga –? 73 s. TL): cũng gọi là Nhiếp Ma Đằng, hay gọi tắt là Ma Đằng, theo lịch sử Phật giáo Trung quốc, là vị cao tăng Ấn độ đầu tiên truyền bá đạo Phật vào Trungquốc. Ngài là người miền Trung Ấn độ, sinh trong một gia đình dòng dõi Bà la môn, học thông cả các kinh điển tiểu và đại thừa, đã từng đến miền Tây Ấn giảng kinh Kim Quang Minh, giúp cho các nước trong vùng tránh được cái họa chiến tranh. Năm 67, đáp ứng lời thỉnh cầu của vua Minh Đế (58 75) đời Hậu Hán (25 220), ngài đã cùng với ngài Trúc Pháp Lan, đem kinh tượng sang Lạc dương (kinh đô của nhà Hậu Hán), ở tại chùa Bạch mã, khởi đầu công cuộc dịch kinh từ Phạn văn ra Hán văn, truyền bá Phật pháp. Năm 72, gần 700 đạo sĩ (đạo Lão) dâng sớ xin vua cho dùng lửa để thử nghiệm hơn thua giữa Đạo giáo và Phật giáo. Vua Minh Đế y lời, cho lập đàn, đem kinh sách của hai tôn giáo ra đốt; kết quả, các sách Đạo đều cháy thành tro, còn kinh Phật thì vẫn nguyên vẹn. Ngài cùng với Pháp Lan, nhân đó, đứng ra tuyên dương công đức của chư Phật, làm cho những người có mặt tại hiện trường đều nhất tề qui y Phật pháp. Năm sau đó ngài thị tịch tại Lạc dương; không rõ tuổi thọ.

(03) Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa): là vị cao tăng người Trung Ấn độ, từng đọc tụng khắp các kinh luận, là bậc thầy của các học giả Thiên trúc. Đáp ứng lời cầu thỉnh của vua Minh Đế nhà Đông Hán (tức Hậu Hán), năm 67, ngài đã cùng với ngài Ca Diếp Ma Đằng sang Trung quốc truyền bá Phật pháp (xin xem thêm phụ chú số 2 ở trên). Theo truyền thuyết trong giới Phật học Trung quốc, ngoài kinh Tứ Thập Nhị Chương cùng dịch chung với ngài Ma Đằng, ngài còn dịch bốn kinh khác: Thập Địa Đoạn Kết, Phật Bản Sinh, Phật Bản Hạnh, và Pháp Hải Tạng; nhưng cả bốn kinh này đều đã thất truyền.

(04) Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Tứ Thập Nhị Chương): Phật giáo Trung quốc cho rằng, đây là cuốn kinh dịch từ Phạn ngữ ra Hán ngữ đầu tiên, và cũng là cuốn kinh Phật có mặt sớm nhất ở Trung quốc (vào năm 67, tức nửa sau thế kỉ thứ nhất sau công nguyên). Toàn quyển gồm có 42 bài kinh, nên được gọi là kinh Bốn Mươi Hai Chương. Mỗi chương đều ngắn gọn, dài nhất chỉ trên một trăm chữ (Hán), ngắn nhất thì chỉ hơn hai mươi chữ. Nội dung kinh nhằm thuyết minh một cách đơn giản về những giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo buổi sơ kì; trọng điểm là đề cập đến các nghiệp lành dữ, các quả vị tu chứng của sa môn, xa lánh dục vọng, đời sống vô thường, v.v... cốt nêu rõ yếu nghĩa của sự xuất gia học đạo; có thể nói, đó là quyển sách nhập môn của người xuất gia trong đạo Phật. Tuy vậy, nội dung kinh, cũng có vài chỗ nói lên giáo nghĩa sâu xa của đại thừa, mà những người mới nhập môn khó có thể lãnh hội – như những câu: “... niệm vô niệm niệm, hành vô hành hành; tu vô tu tu; chứng vô chứng chứng.”

Liên quan đến bản dịch của kinh Tứ Thập Nhị Chương, các cuốn “kinh lục” trải qua các đời của Trung quốc, đều nói rằng, kinh này là do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan cùng dịch tại Lạc dương, vào thời Đông Hán, nửa sau thế kỉ thứ nhất. Nhưng khảo chứng về ngôn ngữ dịch thuật thì có nhiều chỗ tỏ ra không phải là ngôn ngữ của thời Đông Hán. Hơn nữa, trong sách Tông Lí Chúng Kinh Mục Lục của ngài Đạo An (312 385) soạn năm 374, thời Đông Tấn (317 420), là cuốn sách “mục lục” về kinh điển Phật giáo xuất hiện sớm nhất ở Trung quốc (nay đã thất truyền), đã không có tên kinh Tứ Thập Nhị Chương. Bởi vậy có một số học giả nghi ngờ rằng, kinh này đã không được dịch vào hậu bán thế kỉ thứ nhất, mà mới xuất hiện từ thời Đông Tấn về sau. Theo giáo sư Lê Mạnh Thát (trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 1), tên kinh Tứ Thập Nhị Chương từng được ghi trong tác phẩm Lí Hoặc Luận (do Mâu Tử viết tại Giao châu vào những năm cuối của thế kỉ thứ hai). Do nhiều chứng cứ cụ thể, giáo sư Thát đã đi đến kết luận: “Kinh Tứ Thập Nhị Chương, vì thế từ thế kỉ thứ II sdl trở đi đã phổ biến rộng rãi trong giới trí thức Trung Quốc từ bình nguyên phía bắc, ...... cho đến nước ta ở phía nam để cho Mâu Tử nhắc tới...... Cho nên, dù truyền bản hiện nay có chứa đựng một số nhân tố văn bản học đáng nghi ngờ gì đi nữa, thì sự thật về sự tồn tại và phổ biến rộng rãi của kinh này vào thế kỉ thứ II sdl là không thể chối cãi. Và dù Ma Đằng và Pháp Lan có dịch Tứ Thập Nhị Chương hay không, tự bản thân Tứ Thập Nhị Chương là một dịch phẩm đời Hán.” (Trang 207 208) Lại theo giáo sư Nguyễn Lang (trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Quyển 1, phát hành năm 1973, trước tác phẩm Lịch Sử PGVN I của gs Lê Mạnh Thát), kinh Tứ Thập Nhị Chương đã được lưu hành ở nước ta (Giao châu) vào thế kỉ thứ hai. Bằng vào những tài liệu cụ thể, và bằng những luận cứ xác đáng, giáo sư Nguyễn Lang đã đi đến kết luận: “Kinh Tứ Thập Nhị Chương ...... như ta biết, trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để Phật giáo truyền vào đất Hán; cuốn kinh đầu tiên tuyển dịch lời Phật dạy hẳn đã phát xuất từ trung tâm Luy Lâu vào thượng bán thế kỷ thứ hai và được đưa vào miền Giang Tả vào khoảng giữa thế kỷ này.” (Trang 58 – “Luy lâu” là thủ phủ của Việt nam thời đó; “Giang tả” là các địa phương ở phía Đông sông Trường giang, Trungquốc. – Xin xem thêm phần “Phụ Lục” ở cuối sách.)

(05) Đà la ni: là dịch âm từ tiếng Phạn “dharani”, dịch ra Hán ngữ là “tổng trì”, nghĩa là niệm lực thu giữ vô lượng Phật pháp, không để cho tiêu mất. Nói cách khác, “đà la ni” là một thuật ghi nhớ, tức là, ở trong một pháp mà giữ gìn tất cả pháp, ở trong một lời mà giữ gìn tất cả lời, ở trong một nghĩa mà giữ gìn tất cả nghĩa; cho nên, do ghi nhớ một pháp, một lời, một nghĩa này, mà liên tưởng đến vạn pháp, giữ gìn vô lượng Phật pháp không để cho tiêu mất. Theo luận Đại Trí Độ, đà la ni có công năng gìn giữ tất cả thiện pháp, không để thất tán; và ngăn ngừa tất cả ác pháp, không cho phát sinh. Hàng Bồ tát lấy việc lợi người làm gốc, vậy muốn giáo hóa người, cần phải có được đà la ni. Có được đà la ni tức là không quên mất vô lượng Phật pháp, nhờ đó mà ở giữa đại chúng, thuyết giáo tự tại, không hề sợ hãi, không gì làm cho trở ngại.

Có bốn loại đà la ni: 1) Pháp đà la ni (hay Văn đà la ni): nghe giáo pháp và gìn giữ không để tiêu mất; 2) Nghĩa đà la ni: hiểu rõ nghĩa lí của các pháp và gìn giữ không để tiêu mất; 3) Chú thuật đà lani: chư vị Bồ tát nương nơi định lực mà khởi chú thuật để trừ các ách nạn cho chúng sinh; 4) Nhẫn đàla ni: an trú nơi thật tướng của các pháp và giữ gìn không để cho tiêu mất. Vậy, chú thuật chỉ là một trong bốn loại đà la ni, nhưng vì hình thức của đà la ni trông giống như tụng thần chú, cho nên người đời sau lẫn lộn, cho thần chú tức là đà la ni.

(06) Lương Hoàng Sám: Vua Lương Võ đế (464 549) tên là Tiêu Diễn, nguyên là thứ sử Ung châu thời Nam Tề (479 502), Trung quốc. Vua Nam Tề lúc đó là Hòa đế (501 502), vì tính tình bạo ngược, nên bị Tiêu Diễn đem binh vây đánh, bắt giam một nơi. Diễn tự lập làm vua (502), đổi tên nước là Lương, gọi là Lương Võ đế. Ông chăm lo sửa sang mọi việc, làm cho nước Lương trở nên hùng mạnh. Ông sùng tín Phật giáo. Sau khi lên ngôi hai năm, ông tuyên bố bỏ Đạo giáo để qui y Phật giáo. Năm 519 ông thọ Bồ Tát giới tại chùa Thảo đường ở núi Chung. Ông trước tác và diễn giảng nội điển rất nhiều; lo cả việc nước, việc dân, việc văn hóa, và việc đạo, việc nào cũng trọn vẹn; người đời thường gọi ông là Hoàng Đế Bồ Tát. Ông cho lập tại kinh đô Kiến khang có đến hơn bảy trăm ngôi chùa, tăng ni tu học có đến hàng vạn vị. Các vị danh tăng đương thời đều được ông kính lễ. Thế mà vợ ông, Hi hoàng hậu, lại là người độc ác, đố kị; sau khi chết phải mang quả báo làm thân con trăn, đang đêm bò vào hậu cung báo mộng, xin ông cứu độ. Nhân đó, ông đã mời các vị đại pháp sư đời Lương, cùng với ông biên soạn sách Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, rồi thỉnh ngài Bảo Chí (418 514) làm sám chủ, cùng chư tăng hành sám để cầu siêu thoát cho bà. Nhờ phước lực ấy, bà thoát được kiếp súc sinh, sinh lên cõi trời. Từ đó, sách Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp được lưu hành ở đời, và được gọi vắn tắt là Lương Hoàng Sám.

(07) Thủy Sám: Quốc sư Ngộ Đạt (811 883) đời Đường, Trung quốc, 11 tuổi xuất gia, 13 tuổi đã đăng đàn thuyết pháp. Lớn lên trở thành một vị pháp sư uyên thâm, biện tài đầy đủ, được vua Đường Ý tông (860 874) phong làm quốc sư; lại ban cho một pháp tòa quí giá, làm toàn bằng gỗ trầm hương; do đó mà sinh niềm đắc ý, tức thì, trên đầu gối mọc một mụt ghẻ mặt người, đau đớn không kể xiết. Theo sự tích, vào thời Tây Hán (206 tr. TL 7 s. TL), có quan ngự sử Triều Thố, bị một viên quan đồng triều là Viên Áng giết oan. Sau đó mười đời liên tiếp, các hậu thân của Viên Áng đều làm vị cao tăng tu hành tinh tấn, giới luật tinh nghiêm, Triều Thố nhiều đời vẫn theo báo thù mà chưa có cơ hội. Đời này, ngài Ngộ Đạt cũng chính là hậu thân của Viên Áng, nhân được các vua Đường kính trọng và biệt đãi mà sinh tâm tự mãn, khởi niệm danh lợi, làm cho tổn hại phước đức, khiến cho oan nghiệp có cơ hội xâm nhập báo thù, sinh làm mụt ghẻ mặt người nơi đầu gối; có đầy đủ mắt, miệng, biết ăn uống như người, đau đớn vô cùng, bao nhiêu danh y đều không chữa trị được. Về sau, nhờ gặp được tôn giả Ca Nặc Ca giúp đỡ, dùng nước pháp tam muội rửa đi, mụt ghẻ mới lành. Nhân cảm khái về nghiệp chướng lâu đời và nặng nề của chúng sinh, ngài đã biên soạn sách Từ Bi Thủy Sám Pháp (gọi tắt là Thủy Sám) để cho hậu thế theo đó mà thành tâm sám hối tội lỗi nhiều đời, tiêu trừ nghiệp chướng oan khiên. (Xin xem thêm chú thích số 26, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 7, 8 và 9” ở sau.) – Nhân đây, người dịch xin nói thêm một điều: Từ nhỏ chúng tôi chỉ được học và nghe tên hai nhân vật thời Tây Hán là Viên Án và Triệu Thố, ngay cả trong sách Đạo Tràng Thủy Sám Pháp của hòa thượng dịch giả Thích Trí Quang cũng vậy. Nay được đọc chính bản chữ Hán, mới rõ tên hai người ấy đúng ra là Viên Áng và Triều Thố.

(08) Mõ được đẽo bằng gỗ (mộc), có khắc hay vẽ hình con cá (ngư), là có ý cảnh tỉnh người tu hành không nên giải đãi, mà hãy chế ngự tính hôn trầm, luôn luôn tỉnh giác, tinh tấn. Con cá ngày đêm mở mắt, nói lên ý nghĩa đó. Có khi con cá lại được thay bằng con rồng, đó là ý nghĩa “cá hóa rồng” (ngư hóa long); ý nói, do tinh tấn tu tập mà hành giả từ phàm phu tiến lên làm hiền thánh.


BÀI TẬP

1) Hãy giải thích hai chữ “khế kinh”.

2) Kinh có năm ý nghĩa. Hãy nói năm ý nghĩa ấy.

3) Thế nào là quán, nhiếp, thường, và pháp?

4) Hãy giải thích hai chữ “hiện hành”.

5) Hãy nói về nguyên nhân sáng tác của hai tác phẩm Lương Hoàng Sám và Thủy Sám.

6) “Ngã mạn” nghĩa là gì?

7) Hãy nói ý nghĩa của “tụng” hoặc “kệ”; và thử nêu một bài kệ mỗi câu bốn chữ làm ví dụ.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Kinh Chú Sám Tán Tụng Kệ Kinh